Đãi cưới xưa và nay

07/05/2023 00:00
337

NGÔ VĂN TUẤN


Cưới hỏi là chuyện hệ trọng trong đời người. Ai có con dựng vợ gả chồng cũng muốn gia đình mình nở mày, nở mặt với chòm xóm, nên chi nghèo khổ mấy, cái tiệc cưới cũng phải ráng, không nhiều thì cũng năm bảy mâm để bà con tộc họ ngồi lại với nhau.

Tiệc cưới ngày xưa 

   Ở thôn quê ngày trước, để lo cái tiệc cưới cho con, cha mẹ phải chuẩn bị trước cả năm trời. Tiền bạc, vòng vàng sính lễ đã đành, con heo, con gà cũng phải chuẩn bị đâu ra đó. Đãi cưới ngày xưa tuy không rình rang, nhưng rất vui. Một nhà có đám cưới là cả xóm cùng chung tay. Đám thanh niên thì lo việc dựng rạp, khiêng bàn ghế. Rạp cưới hồi ấy chủ yếu dùng cây, tre dựng lên rồi căng bạt, phần trang trí thì tận dụng lá dừa, lá dừa ở quê nhà nào cũng có, cứ chặt xuống, rọc đôi ra, cắt ngắn phần lá, rồi trang trí, đơn giản như thế nhưng nhìn vào cũng rất bắt mắt. Bàn ghế phải chịu khó đi mượn nhà hàng xóm, ai có loại gì mượn loại đó, toàn đồ gỗ nên rất nặng, chỉ có đám thanh niên mới đủ sức khiêng vác.  

   Phần các mẹ, các chị lo việc nấu nướng. Xoong, nồi, dao thớt, chén đĩa…đều được huy động từ lối xóm.  

   Trước ngày cưới, có đêm nhóm họ, đây là đêm bà con gần xa trong tộc họp mặt với nhau, sau phần cúng tạ ông bà, họ ngồi lại, chén rượu, miếng trầu theo từng câu chuyện say nồng thâu đêm. Phía dưới gian bếp, củi reo tí tách, lửa đỏ hừng hừng, các mẹ, các chị mỗi người một tay, tiếng băm, tiếng giã, tiếng nói cười…chen trong cái không gian ngập mùi xào nấu, càng làm cho không khí tiệc cưới thêm phần ấm cúng, nghĩa tình hơn.

   Ngày đãi cưới, thức ăn đồ uống, không cầu kỳ, màu mè, nhưng rất chất lượng, ăn miếng nào thấm miếng đó. Bà con đến với nhau bằng cái tình, quà tặng cho cô dâu chú rể thứ gì cũng được, người lớn tuổi, vài chục bỏ phong bì, đám thanh niên thì xoong nồi, phích nước, chén ly, gối, mền…, nom đống quà cưới không thua gì cửa hàng tạp hóa. Đám cưới quê hồi ấy không có chuyện để cái thùng nhận tiền chình ình trước lối đi vào. Ai muốn tặng gì cứ trao thẳng cho cô dâu chú rể.

   Cái khổ nhất của đám cưới ngày xưa là sau khi tan tiệc. Chú rể, cô dâu đều phải ra tay góp phần dọn dẹp. Nào khiêng bàn ghế đi trả, nào rửa chén, rửa bát… công việc nó túi bụi đến ngày hôm sau còn chưa ổn.

   Và nay

   Bây giờ tìm lại cái đám cưới căng bạt kết lá dừa, tặng quà cưới bằng xoong nồi, phích nước…chắc chắn không còn. Sự ra đời của các nhà hàng tiệc cưới, các dịch vụ nấu ăn, che rạp đã giúp cho người dân có sự lựa chọn thoải mái. Ai muốn đãi nhà hàng thì thuê nhà hàng, ai muốn đãi ở nhà thì thuê dịch vụ về dựng rạp, nấu ăn, dù là dựng rạp, nhưng họ cũng phục vụ đầy đủ không thua gì nhà hàng. Hình thức đãi cưới này giúp cuộc vui kéo dài lâu hơn, nhưng với điều kiện là nhà phải có đất rộng. 

   Với thức ăn, đồ uống tiền nhiều hay tiền ít do mình tự chọn.

   Đãi tiệc cưới ngày nay, từ thôn quê đến thị thành phải nói là sướng hơn xưa gấp nhiều lần. Chỉ cần nhích điện thoại gọi cho nhà hàng hoặc dịch vụ nào đó, miễn là đừng quá trễ, nhận lời, người ta sẽ lo từ A đến Z. Phần gia đình chỉ việc phát thiệp, đến ngày cưới, đàn trai, đàn gái, khách mời thẳng tới nhà hàng. Lễ nghi, tiệc tùng người ta chuẩn bị đâu vào đó. Chủ, khách chỉ việc vui vẻ ăn uống hát ca. Xong tiệc, về nhà khỏe không, khỏi phải lo dọn dẹp, bưng bê gì. Cái chính là phải tìm được nhà hàng tốt, dịch vụ nấu ăn ngon.  

   Ngày xưa đám cưới, hầu hết gia đình phải bỏ ra chi phí. Ít quà cáp của bà con, bạn bè tặng cũng chỉ giúp cô dâu chú rể phần nào khi ra riêng đỡ phải mua sắm. Bây giờ chuyện tiền bạc đãi cưới hoàn toàn không phải lo, chi ít khi tan tiệc, khui cái thùng tiền đi đám cũng đủ trả tiền thức ăn, đồ uống, tiền thuê nhà hàng, thuê rạp…Có nhiều người, tổ chức đám cưới cho con mời cả ngàn khách, thanh toán tiền cưới hỏi xong vẫn còn dư bộn bạc.

   Ở Thị xã La Gi hiện nay có khoảng 10 nhà hàng cho thuê tiệc cưới, nhưng chất lượng và rộng rãi chỉ được 2 cái. Nên việc chọn một nhà hàng ưng ý ở La Gi để đặt tiệc cưới cũng không dễ dàng gì, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ. Thường thì muốn chắc chắn phải đăng ký trước 2 tháng.

   Đặt tiệc cưới nhà hàng, sướng nhất là không sợ gió mưa bất ngờ. Xong tiệc, thanh toán tiền về không phải lo nghĩ gì. Hạn chế là thời gian đãi tiệc được giới hạn, không kéo dài rề ra như ở nhà. Nói hạn chế, nhưng lại thấy đó là điều hay, tiệc tùng đã có hơi men, nếu cứ kéo dài, sớm muộn gì cũng sinh chuyện. Đã có không ít những đám cưới ở vùng quê vì quá ham vui nên để lại hậu quả buồn.

   Lời kết 

   Lan man chuyện tiệc cưới xưa và nay, mới thấy được đời sống nhân dân mình bây giờ khá lên nhiều lắm, nhưng bên cạnh, tính thực dụng cũng từ đó nẩy sinh, nhiều người còn lấy dịp cưới hỏi của con cái để kiếm thêm lợi lộc từ những phong bì chúc phúc. Ngẫm xưa mà buồn nay!