VÒNG TAY

06/05/2023 00:38
384

Truyện ngắn của ĐẶNG NGỌC HÙNG
(GIẢI NHẤT CUỘC THI TRUYỆN NGẮN ĐÔNG NAM BỘ LẦN II – NĂM 2022)


Khi nước giội xuống từ bốn phía, phần thi thể còn lại của tôi rung khẽ một cái. Và luồng gió trưa tháng Chạp đã thổi tôi bay ra sân, ra khỏi ngôi nhà mà tôi an trú gần một tháng qua. Nắng trưa đã làm nước ở chỗ bị ướt bốc hơi rất nhanh. Trong thoáng chốc, tôi được khô ráo trở lại nhưng vẫn còn run lẩy bẩy.

   Khi đã yên vị trong bụi cỏ gà, tôi biết mình còn sống với một nguồn năng lượng phi vật chất. Còn sống với chưa tới một phần mười cơ thể sau trận hỏa hoạn. Rìa ngoài của di thể tôi quăn queo, méo mó, mép ngoài ngả màu nâu đỏ như máu bầm. Dĩ nhiên là không có mùi khét của nước mô bị cháy. Chín phần mười cơ thể tôi đã thành tro. Nhưng tôi nghĩ chúng vẫn sống. Bởi chúng không được tạo ra từ gel, từ tế bào, các hệ cơ quan và thành phần hóa học. Đơn giản, tôi là một lá thư.

   Những tiếng nổ khủng khiếp bất ngờ khiến vùng ven sa mạc trở nên ngột ngạt. Tiếng chát ùm của lựu đạn, tiếng tanh tách tanh tách của M16, tiếng cắc cù giòn khuấy của AK. Hỏa lực của hai bên thi nhau nung nóng bầu không khí cuối tháng Giêng.

   Cái đồn dẫn vào sa mạc bị tấn công. Trên sa mạc đó, Việt Minh từng gây khốn đốn cho quân lê dương Pháp và Việt Binh Đoàn của Quốc gia. Sa mạc là chiến khu miền cát của “bên kia”, nơi trở thành nỗi ám ảnh sau này đi vào thơ của một nhà thơ lãng tử: “Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện. Mùa khô thiếu nước lính hoang mang[1]”.

   Cát, cát, cát…Hoang vu trùng điệp như thời tiền sử. Tháng Giêng động dài, tháng Hai động tố. Gió lộng bốn phương làm biến dạng sa mạc mỗi ngày. Mỗi ngày là một sa mạc mang diện mạo mới. Rạt, rạt…cát cứ bay miên viễn bất chấp không, thời gian.

   Sáng ra thì tiếng súng ngưng. Một vài chiếc xe bị chặn lại trên quốc lộ vì lý do trị an. Chỉ có xe hồng thập tự được quân đội trưng dụng để chở lính bị thương về quân y viện dưới thị xã.

   Gió bắt đầu ngô nghê chơi trò đuổi bắt. Năm nay gió lớn, không phải động dài mà là động rồ.

   Sáng đó, người đàn ông còn sót lại của họ Đoàn khập khiễng đi ra cồn cát. Mấy ngôi mộ của tổ tiên nằm ở đó. Mộ cát. Ông mới sửa sang mộ phần hồi tháng Chạp. Vậy mà mấy ngày tết và đầu tháng Giêng, gió đã đưa cát đến gần như vùi lấp đến mức mất dấu. May mà còn mấy bụi bồn bồn, vài cây dâu đất và cụm xương rồng, cò ke được ông chăm chút vẫn còn kia để đánh dấu. Đến đời con ông thì…, ông thấy sống lưng lạnh buốt khi nhớ lại những âm thanh của trận đánh hồi rạng sáng. Người em bà con đi lính địa phương quân báo cho ông biết là sẽ có dồn dân, phong tỏa trở lại như thời lập ấp chiến lược mấy năm trước. Ông sẽ không được đi bẫy con dông và trồng dưa lấy hột trên động cát nữa. Nhưng miếng ăn tối thiểu không quá quan trọng đối với ông. Ông sẽ qua Sa Ra làm mướn kiếm sống qua ngày. Ông lo cháy ruột cho mấy ngôi mộ của ông bà, tổ tiên. Nếu không chăm sóc, sau vài mùa gió, những ngôi đó sẽ hoặc bay mất hoặc bị chìm vào trong núi cát.

   Gió bắt đầu ngây ngô thổi. Giữa những cữ gió, bằng đôi màng nhĩ của người sinh trưởng nhờ vào sa mạc, ông nghe những âm thanh lạ. Giống như tiếng hát. Tiếng hát buồn. Ai hát trên đồi cát? Dưới ánh mặt trời bắt đầu nóng rẫy nơi địa đầu sa mạc? Gần như không kịp suy tính gì, ông tiến về phía có âm thanh lạ. Nó ở phía đám ô rô, thứ cây đặc hữu của miền cát này. Lính. Áo lính. Cái màu dễ lẫn với màu lá ô rô. Người còn lại mặc áo xanh thâm. Hai người nửa nằm nửa ngồi trong bụi ô rô. Một người máu chảy đầy mặt, lan xuống ngực và bụng. Một người máu chảy ướt đẫm từ bụng xuống chân. Hai người đều có súng dài: người súng đen, người súng nâu.

   Rất lâu về sau, ông Sáu, người đàn ông còn sót lại duy nhất của họ Đoàn, mới biết người bị đui hai mắt và bể trán mang súng AK, người bị xổ ruột mang súng M16.

   Mặt trời lên cao, đồi cát nóng hừng hực mặc dù gió lồng lộng. Phải làm gì với hai người đầm đìa máu? Con nhà người ta cũng như con em mình. Người bị xổ ruột là lính Quốc gia. Anh ta thuộc đơn vị lính địa phương từ thị xã lên chi viện để cứu cái đồn bị tấn công. Mảnh lựu đạn phá nát vùng bụng bên phải. Trận đánh diễn ra quá nhanh. Đồng ngũ của anh ta chạy vụt qua vụt qua. Rồi trận đánh kết thúc. Ở vùng này không có lao công đào binh. Anh không thể liên lạc được với ai. Nằm một chỗ cũng chết mà lê lết qua cánh đồng trống cũng chết vì đạn bắn tỉa. Không hiểu sao anh bò về phía đám cây màu xanh trên đồi cát. Ở đó có thể có dân làm rẫy cứu.

   Người mang súng AK là bộ đội Thuận Phong. Đơn vị của anh xông lên sau khi đặc công khai hỏa. Đạn từ lỗ châu mai bắn ra như vỏ trấu. Đơn vị anh vận động linh hoạt. Bỗng nhiên anh thấy tối sầm. Một lúc sau anh bị vấp ngã và biết mình bị mù một cách bất ngờ. Mũi anh ngửi thấy mùi tanh. Mùi tanh của máu. Một vật gì đó rất cứng văng đúng hai mắt anh, và có lẽ xuyên vào sâu hơn trong đầu. Anh chới với. Giàu hai con mắt. Anh bị mất hết rồi. Anh mất phương hướng. Máu từ hốc mắt, từ trán túa ra, tuôn xuống mặt, máu chảy trong vòm họng tanh ngòm.

   Trong cái nắng chói chang của sa mạc, ông Sáu bước thấp bước cao hổn hển chạy về nhà. Dù là Quốc gia hay “bên kia” thì cũng là con người. Bị thương nặng như vậy chắc chết quá. Ông lật đật tìm muối hột, nấu ấm nước sôi, pha loãng ra, rồi quơ đại mấy cái khăn sạch, chai thuốc đỏ bụi bặm rồi chạy ù lên động cát. Nắng lên cao, cát sa mạc nóng như bắp rang. Ông nghiến răng trều trạo bước. Cái chân trái bị teo từ nhỏ giúp ông không phải ra trận cầm súng giờ như không nghe lời ông nữa. Tới nơi, ông vội vàng lau rửa vết thương cho hai người, chỉ trừ hốc mắt của anh bộ đội Thuận Phong. Ông cầm máu cho người lính Quốc gia bằng khăn, cột chặt bằng dây dù buộc tròn quanh bụng. Ông cũng băng bó cho anh bộ đội Thuận Phong theo cách đó. Tuy nhiên, máu vẫn rịn ở mép khăn. Ruột đổ, đầu thủng thì chịu sao nổi. Ông rùng mình nghĩ nếu ông cũng bị thương như vậy, chắc ông cắn lưỡi chết cho nhanh chứ chịu đau sao cho thấu.

   Chiều đến, gió cuồng, cát quất ràn rạt lên rặng ô rô. Ông Sáu chợt nhớ ông còn chút thịt vịt do nhà hàng xóm có đám giỗ mang cho hôm qua. Ông tự tay băm nhuyễn mấy miếng thịt vịt, bóc bỏ xương, hâm lại nồi cháo mang ra cho hai người lính. Hai người trệu trạo nuốt, tròng mắt dần dần lạc đi. Ông Sáu thấy ruột mình thắt lại vì thương. Ông lấy liềm, rựa phát trống bên dưới chòm ô rô để hai người có chỗ nằm thoải mái hơn qua đêm.

   - Sáng giờ làm gì mà lên lên xuống xuống động cát giòn vậy anh Sáu?

   Ông Sáu giật mình. Người hỏi ông là Tư Lưỡng, một tay bợm nhậu lẻo mép nhất làng.

   - À, Lưỡng hả mạy, anh dọn đất từ từ để tháng sau trỉa mớ dưa.

   - Mấy ngày này mà anh dám ra động cũng liều đó nghen. Ai nấy trốn ở nhà hết. Dính đạn như chơi.

   Đêm đó ông Sáu không ngủ. Nếu ông ra đồn hoặc ra xã báo thì người lính bị đổ ruột được cứu. Nhưng như vậy thì người bộ đội sẽ bị bắt. Hồi chiều người lính bị đổ ruột đã nói: “Từ từ tính nha anh. Tui nghe trong người chắc không qua khỏi. Còn anh kia dù đui mù nhưng sẽ còn sống. Từ từ tính…”. Còn anh bộ đội thì nói chắc nịch: “Anh ra đồn kêu đồng đội của ảnh lên cứu ảnh đi. Tui đi đường tui. Nghỉ vài bữa lại sức, tui mò đường cũng tới được chiến khu. Cùng lắm thì tui tử thủ. Còn ảnh bị thương nặng quá, cần được cứu gấp”. Nếu ông báo cho du kích thì sao? Mà ở làng ông, ông có biết ai là du kích đâu. Nghe đồn cô Tám Kim nhà ở rìa động phía nước nhỉ là liên lạc của Việt Cộng. Cảnh sát và bình định nông thôn để ý ghê lắm nhưng chưa bắt được tận tay. Là nghe đồn vậy thôi. Hay là giả đò tung tin có hai người lạ máu me đầy mình ở trên động? Không, chắc chắn người ta sẽ lần ra ông là người chứa chấp. Tù đày mọt gông như chơi. Làm sao, làm sao…Ông trăn qua trở lại suốt đêm. Mấy lần ông định ngồi dậy mặc áo lên động coi hai người ra sao. Nhưng ông đã bỏ ý định đó vì như vậy ông sẽ đi giữa hai làn đạn của lính đồn và du kích. Sốt ruột quá đỗi, ông lấy đoạn tre chống cửa liếp nhìn ra động, mấy trái sáng đang lơ lửng ngoài đó.

 

   Rạng sáng ông Sáu tất tả chạy ra động. Trước mắt ông, hai người lính ôm nhau ngủ. Thấy đỡ chút nào không hai em, ông Sáu đặt ấm nước sôi để nguội xuống, hỏi. Không người nào trả lời. Ông lay mạnh nhưng không ai mở mắt hay ừ hử một tiếng nào. Ông không làm cách nào để gỡ tay hai người ra. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng ông. Một linh cảm. Một niềm hối hận. Ông vén áo họ, rờ rẫm da thịt. Lạnh ngắt. Ông Sáu ngồi thụp xuống khóc òa giữa sa mạc trắng tháng Giêng. Ông đay nghiến mình. Vì nỗi sợ tù đày mọt gông mà ông đã giết chết hai người. Ông Sáu khóc nghẹn. Ông còn chưa kịp biết tên tuổi, quê quán của hai người. Họ đã trở nên vô danh. Lạ thay, nét mặt của cả hai đều thanh thản như chưa hề chịu bao đớn đau về thể xác. Họ về với đất trong vòng tay của nhau.

   Nhiều năm sau này, ông Sáu vẫn không sao quên được buổi sáng hôm ấy. Sau khi khóc đến rạc người, ông uống ngụm nước, nhìn lên bầu trời xanh thẳm và đi đến ba cây cám mọc thành hình tam giác cách đó hơn hai cây số. Ở đó có cái hầm dông ông đào từ mùa hè năm trước. Ông khoét rộng ra cho đủ chỗ của hai người lính, chừng mặt trời lên cao thì ông đã đào xong huyệt mộ. Ông ì ạch hạ huyệt hai người lính. Họ dính vào nhau như thể đúc bằng đá. Nặng quá, ông thở phì phào như hụt hơi. Một mình ông với hai thi thể và đoạn đường cát dốc hơn hai cây số. Thức trắng đêm, lại chưa có gì trong bụng, ông lảo đảo, mờ mắt. Ông phải ráng hết sức để tạ lỗi họ. Ông cho xuống huyệt cả hai khẩu súng tiểu liên và tất cả những gì thuộc về họ. Suốt đêm qua, hai người lính nói gì với nhau trước lúc lìa trần? Từ lúc nào mà họ ôm nhau và cùng nhau về bên kia thế giới? Trong đầu hai người nghĩ gì? Lúc đó, hai bà mẹ ở nhà có biết con mình đã lá xanh rụng xuống không? Trên đời này có cái gọi là giác quan thứ sáu như người ta vẫn nói không? Ông cứ nghĩ lẩn thẩn suốt đường về nhà. Mấy lần ông bị khuỵu chân, hụt bước và té sấp mặt xuống cát vì đầu óc cứ để ở đâu đâu.

   Mấy tháng sau, chính quyền lại dồn dân như hồi năm sáu năm trước. Những trận đánh diễn ra dày hơn. Vợ chồng ông Sáu dắt díu nhau theo người em họ bên vợ về sống ở thị xã để tránh cảnh tên bay đạn lạc. Họ cất cái nhà nhỏ xíu với mấy tấm cót, tấm tôn để ở tạm sau một khu gia binh. Gần đó là một lao xá thỉnh thoảng có trái sáng được thả để tránh sự đột nhập hay tập kích bất ngờ của “bên kia”. Mỗi lần nhìn trái sáng và nghe người ta hát nghêu ngao có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi, nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời, những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối[2]..., ông Sáu nhớ sa mạc cồn cào. Và ông khóc, với một niềm bí mật chỉ có ông và trời biết, đất biết: Trước khi rời sa mạc, ông quên thắp nhang cho ngôi mộ của hai người lính, cũng như khi họ nằm xuống, mãi hai ngày sau ông mới thắp nhang được do làng ông rộn lên sau trận đánh của “bên kia”, lính tráng và bình định nông thôn về dày đặc trong làng ngó nghiêng mọi ngóc ngách.

   Đầu tháng 4 năm 1975, người em bên vợ dốc hết số vàng có trong nhà để tìm ghe đi Mỹ. “Bên này thế nào cũng thua, em từng làm công chức cho chính quyền, chưa biết mọi chuyện sẽ ra sao, thôi cứ đi, rồi tính sau. Anh chị với hai đứa nhỏ đi luôn, em lo hết”, em vợ ông nói. Họ đi trót lọt. Tới Mỹ, gia đình ông Sáu trôi nổi qua nhiều bang khác nhau. Cuối cùng, ông trụ lại ở bang miền Nam nóng ẩm gần như quê nhà. Ở đó trồng được mía, chuối và cả cây mãng cầu của quê nhà Hàm Thuận. Sau khi hai đứa con nhờ sự giúp đỡ của cậu mợ học xong đại học, ra trường đi làm, ông Sáu, một người biết dăm ba chữ Nho do cha và ông nội dạy, bắt đầu học chữ…Quốc ngữ. Sinh ra trong một gia đình gốc Huế nghèo trôi dạt vào vùng nửa ruộng nửa sa mạc ở nam Trung bộ, cái ăn còn lo không nổi, cha mẹ ông lấy đâu ra tiền để cho con đi học chữ Tây. Thầy dạy chữ Quốc ngữ cho ông bây giờ chính là em họ bên vợ của ông, người đã cho gia đình ông đi theo qua Mỹ.

   Khi có tuổi, ông Sáu thường chiêm bao. Trong giấc mơ của ông có cát bay miên viễn. Trong giấc mơ của ông có động cát trập trùng vô tận tuổi nhỏ nơi ông theo cha đi bắt con dông, trồng khoai mì, trồng dưa, đi ra Mũi Né mua cá về bán. Trên những động cát ngút tầm mắt, gió thổi đủ chiều. Gió từ Bà Lựa, gió từ Bàu Tàng, Bàu Thiêu, Giếng Đế, Giếng triền, có cả gió từ Bình Nhơn, Bình Thiện mặn mòi hương biển. Gió hú, gió quặn, gió thốc, gió tạt, gió phủ, gió rên. Cát bay ràn rạt, rèn rẹt, rào rào hung hiểm đời nối đời. Nhà ông nghèo, chỉ có miếng ruộng nhỏ xíu, ông phải sống nhờ sa mạc.

   Một hôm, ông Sáu quyết định viết thư cho một người cháu họ ở Việt Nam. Gọi điện thoại viễn liên quá đắt đỏ với số tiền trợ cấp cho người già. Ông hỏi thăm sức khỏe và kể về ngôi mộ hai người lính. Người cháu gửi thư qua, báo tin mấy ngôi mộ dòng họ Đoàn đã được bầy cháu ngoại xây kiên cố, nhưng ngôi mộ hai người lính thì tìm không ra vì những dấu tích mà ông Sáu miêu tả trong thư không còn nữa. Mấy năm sau ngày thống nhất, dân quê ông khai hoang phục hóa, trong đó có sa mạc. Họ chặt cây dại, cây rừng để lấy chỗ trồng đủ thứ cây cho hoa lợi, làm sao biết được cái hầm dông vùi thân hai người lính ở đâu giữa sa mạc bao la.

   Ông Sáu lại chiêm bao, gặp hai người lính ngồi trong bụi ô rô. Người họ không có vết máu nào. Họ mang nét mặt của mấy mươi năm trước. Người lính Quốc gia chìa cho ông một miếng inox hình chữ nhật, cười: Em mang theo nó mà anh không để ý, cho luôn xuống huyệt…Rồi người lính Quốc gia nhìn xa xăm: Cũng may cho anh, anh mà giữ trong nhà có khi mang họa vào thân, người ta sẽ lần ra anh bộ đội thì anh bị phiền hà. Người bộ đội Thuận Phong không có miếng inox hình chữ nhật, anh chỉ có cuốn sổ tay, anh nói: Đồng đội sẽ tìm ra tui, hôm trước họ tìm được chín đồng đội của đơn vị đặc công quân khu ở vùng này, thế nào họ cũng sẽ tiếp tục tìm ra tụi tui.

   Ông Sáu lại viết thư cho người cháu họ lá thư thứ hai - chính là phần thi thể còn lại của tôi. Trong thư, ông Sáu báo một thông tin rất quan trọng mà ông nghe từ hai người lính: Gần đây, từ động cát làng mình ra tới triền và xa hơn nữa, gió rất lớn do biến đổi khí hậu, đúng không? Cát mùa tháng Chạp gió bấc rất đẹp, dân mình lấy lớp cát trên mặt bán cho người ta thay cát lư nhang ngày tết. Con hỏi họ coi thử họ có lấy cát ở cách chỗ động cát làng mình khoảng hơn hai cây số, phía tây bắc, chỗ có một số cây cám không nha. Cái hầm dông đâu đó nha con.

   Gửi lá thư đi, ông Sáu qua đời vì đột quỵ. Trong cơn xây xẩm cuối cùng của cuộc nhân sinh, ông lờ mờ nhìn thấy xa xa hình ảnh sa mạc cực nam Trung bộ Việt Nam, một cái hầm cát với hai bộ xương dính vào nhau sau gần nửa thế kỷ.

   Tôi là lá thư. Tôi xin kể tiếp, vì đó chính là những bộ phận của cơ thể tôi. Năm ngoái, anh Chín mà người trong làng hay gọi thân mật là Chín bộ đội Campuchia, cháu họ của ông Sáu, được người đồng đội thời lính mời đi ăn đám giỗ. Trong lúc khề khà chuyện nọ xọ chuyện kia, người bạn kể hồi gần tết, anh thay cát lư nhang. Lúc anh ta nhổ chân nhang ra thì nhẹ bẫng, nhưng không cách nào lấy cát ra khỏi lư, lấy búa đập vào lớp cát thì không ăn thua gì. Cát cứng như sắt. Anh ta lấy làm lạ, mồ hôi vã đầy người. Anh kể, trong lúc tò mò, anh bèn lấy hột quẹt ga bật lửa châm vào vỏ lư thì không hề gì, nhưng châm vào lớp cát thì lửa phựt lên.

   - Cát mà cháy hả? - Ai đó lè nhè hỏi – Cha này kể chuyện phong thần.

   Anh Chín từng đi bộ đội tình nguyện ở Campuchia, vào sinh ra tử bao nhiêu lần, có nghe một số chuyện tâm linh về người đã khuất. Nhưng chuyện này thì lạ quá.

   - Ủa, Chín, tao nhớ trên đường đi Phan Thiết, tao có ghé nhà mày cho mày bao cát nhỏ để dành thay lư nhang mà.

   Anh Chín cố nhớ và xác định quả đúng như vậy, mới hồi tháng Chạp năm ngoái đây chớ lâu la gì đâu.

   Tết năm nay, anh Chín thay cát lư nhang và nhớ lại câu chuyện của người bạn. Anh nhổ chân nhang cũ ra bình thường, nhưng không đổ cát ra khỏi lư được. Người anh nổi đầy da gà. Anh lấy búa đập vào lớp cát thì búa bị dội lại. Nhớ lời người bạn, anh bèn lấy hột quẹt ga bật lửa châm vào vỏ lư thì không hề gì, nhưng châm vào lớp cát thì lửa bùng lên, ngọn lửa táp ngay vào lá thư anh đang cầm ở tay kia. Anh kêu ối, vội vàng chụp cái ca nhựa đựng trà đá giội xuống lá thư thì đã muộn như quý vị đã đọc ở đầu câu chuyện.

   Anh móc điện thoại gọi người bạn: “Phong ơi, ông lấy cát thay lư nhang chỗ nào vậy?”.

   Người bạn của anh Chín thề rằng anh ta nhớ như in chỗ anh ta lấy cát bán hồi năm ngoái. Anh ta sẽ dẫn mọi người đi đến đó. Anh nói thêm rằng ở đó không còn cây cám nào cả. Ô rô cũng biến mất. Chỉ có sa mạc mênh mông. Anh ta nói từ  động làng đi lên chỗ đó cỡ hơn hai cây số, đứng ở đó người ta nghe rất rõ những bài nhạc không lời bất tận của cát. Và tiếng rên rất nhỏ, rất lạ, lắng tai mới nghe được sẽ dẫn anh đến chỗ có loại cát kỳ lạ.

 


   [1] Câu thơ trong bài Mật khu Lê Hồng Phong của Nguyễn Bắc Sơn

   [2] Lời bài hát Những đóm mắt hỏa châu của Hàn Châu