Đêm rượu núi đồng bằng

06/05/2023 12:08
378

Truyện ngắn của NGUYỄN THÀNH TÀI
(GIẢI KHUYẾN KHÍCH CUỘC THI TRUYỆN NGẮN ĐÔNG NAM BỘ LẦN II – NĂM 2022)

 


...Có thể quan chánh tổng chưa biết, mặc dù có tên chữ mỹ miều là Ngọc Lãnh sơn, nhưng thiên hạ còn đặt cho nó một cái tên khác, núi đồng bằng. Nguyên cớ nào vậy. Bởi mình ên nằm giữa cánh đồng làng Hạ xanh mướt. Mình ên soi bóng xuống dòng Vĩnh Tế chảy về biển tây. Phong cảnh sông núi hữu tình. Trước đây khi bày chiêu trò “khai hóa” Nam Kỳ, Pháp phát hiện cảnh đẹp mê hồn, liền cho dựng ngôi biệt thự trên đỉnh, rồi phong tặng luôn tước hiệu “lục tỉnh đệ nhất danh sơn”. Qua thời gian, dù đến nay đã trở thành hoang phế, nơi này vẫn thu hút mặc khách, tao nhân dập dìu lui tới ngoạn cảnh tiêu sầu. Rồi sẽ còn nhiều lời bàn tán về ngọn núi đồng bằng này cho mà coi...

   Tôi ngồi đối diện ông giáo làng Hạ. Người thầy dạy mình từ lúc nhỏ biết được mặt con chữ, cho tới khi rời xa ngôi làng thân yêu dưới chân núi phiêu dạt khắp nơi. Làng Hạ in dấu tuổi thơ tôi học hành ham chơi, cùng lũ bạn trốn thầy tìm hái trái dại trên núi, bày trò đánh trận giả. Lớn lên thi đậu vào chốn quan trường làm chánh tổng. Dù việc công cuốn thời gian trôi mãi, nhưng lần nào ngang làng, tôi đều ghé vào thăm, tham vấn thầy phép đối nhân, xử thế. Thầy luôn nghe ngóng, dõi theo đứa học trò bước chông chênh giữa hai lằn ranh đen trắng. Mỗi dịp hàn huyên tâm sự, thầy khuyên bảo tôi nhiều điều về đạo làm quan, đạo làm trai giữa thời ly loạn. Đừng lo mình không có chức vị, chỉ lo mình không đủ tài để nhận lấy chức vị. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Lời thầy giúp tôi tìm được chỗ dựa tinh thần, vững tâm trước thời thế trắng đen lẫn lộn.

 

*

 

   …Thầy đưa ông cụ lên núi. Chạng vạng hôm đó sương rơi dầy hơn mọi bữa. Sương la đà trên đá. Sương vất vưởng cành cây, ngọn cỏ. Sương quanh co bên ngôi biệt thự hoang cũ. Sương rắc trắng khắp ngõ ngách ngầm báo điềm lạ. Thầy đốt đống lửa gần biệt thự, soạn chiếu rượu ra giữa trời. Khởi đầu cuộc đối ẩm, thầy rót đầy hai chén sành. Ông cụ cảm ơn, run run nâng chén xá ba xá, miệng rầm rì, nghe loáng thoáng. “Kính lạy cụ Phó bảng(1). Bặt tin nhau lâu, lặn lội tìm huynh thì chỉ còn biết đứng nhìn nắm đất mới đắp mà đau thắt lòng. Âm dương cách biệt. Nay mời huynh chén rượu”. Dòng nước tuông xuống đất. Rượu làng mình, chắc quan chánh tổng từng uống qua. Thơm nức mũi. Gió đẩy hương đi xa cả cây số còn ngửi được. Thầy cùng ông cụ uống rượu, đàm đạo thế sự. Đâu ngờ hiểm họa đang ập đến…

   Ngay đầu hôm, cách ngọn núi đồng bằng vài chục dặm theo hướng chim bay, tổng đường Vĩnh Thượng đèn đuốc rừng rực. Ngoài ngõ, trong nhà, trước sân lính tráng lố nhố. Súng ống, giáo mác sáng lóa. Tờ mật lệnh của quan án sát tỉnh từ lúc sáng sớm theo lính trạm hỏa tốc về nằm trước mặt tôi.

   “Lệnh cho quan chánh tổng Vĩnh Thượng. Nội nhật này, quan quân tỉnh về tổng tầm nã một người tên T.G.M., trú quán tỉnh Bình Thuận, mối nguy hại cho nền an ninh An Nam mà nước Pháp tốn công sức tiền bạc xây dựng. Theo mật báo, người này hiện ở nhà một người dân tên Giáo, làm nghề dạy học tại làng Hạ, tổng Vĩnh Thượng. Việc cẩn trọng, không lan truyền tin ra ngoài dễ gây đánh động. Nếu tắc trách, quan trên sẽ quở phạt”.

   Liếc vào tờ giấy, tôi như có dòng điện xoẹt ngang. Đêm qua hơi quá chén với chức dịch tổng đường, tưởng mình chưa dứt cơn say, lật đật súc miệng, rửa mặt tỉnh táo rồi ngồi vào bàn bút mực, không màng đụng đến bữa sáng vừa dọn lên. Mong mình nhìn lầm, nhưng…mặt tôi dần biến sắc. Từng chữ nhảy múa hỗn loạn. Tai lùng bùng tiếng trống phá tan buổi bình minh yên ắng nơi hẻo lánh. Người dân tên Giáo, làm nghề dạy học tại làng Hạ. Thầy mình chứ ai vào đây. Người tên T.G.M., trú quán tỉnh Bình Thuận. Nhân vật này thế nào lại trở thành mối nguy hại cho nền an ninh An Nam, buộc quan án át tỉnh đường phải ban lệnh tầm nã. Sao lại đến làng Hạ gặp thầy. Mấy hôm nay mình chưa ghé làng thăm thầy nên chưa tường tận sự việc. Nhưng có điều biết chắc rằng, khi quan quân tầm nã người, ít nhiều sẽ liên lụy đến thầy. Phải xử trí sao đây. Bao câu hỏi bủa quây. Giây lát tự trấn an, tôi gọi hầu cận thân tín bên cạnh vào dạy việc. Nhưng chậm mất. Quan quân trên tỉnh kịp đến tổng đường, tỏa ra canh gác khắp nơi. Tôi phải chỉnh tề khăn áo, ra rước lão quan án sát vừa xuống võng ngoài kia, phăm phăm vào tổng đường. Người ăn, kẻ ở ngược xuôi hầu hạ, phục dịch cơm nước. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mãi chập choạng tối, thừa lúc đổi phiên gác sơ hở, theo lệnh từ sáng, tên hầu cận thân tín mới lẻn xé rào, chạy gấp về làng Hạ mong cứu vãn tình hình.

 

*

 

   …Thầy sống đến từng này tuổi rồi, đã bao lần chén tạc, chén thù với bè bạn nhưng chưa thấy cuộc rượu nào hứng thú, vui sướng tận tâm can như khi ngồi với ông cụ. Ngẫm lại, được cuộc rượu nhớ đời, âu cũng từ chữ “duyên” đó quan chánh tổng. Bữa trước ngang bến sông, thấy ông cụ vẻ mặt buồn thiu, lơ ngơ đứng nhìn con nước chảy. Tự dưng xui khiến thầy thương cảm, nên dừng lại hỏi. Ông cụ nói đi tìm bạn tâm giao, mới đến đây không quen biết ai. Nghe âm giọng, nhìn cử chỉ, thầy đoán ông cụ người miền ngoài. Trao qua đổi lại vài câu, thầy thấy hợp ý, nên mời ghé nhà chơi. Đùng một cái, đúng lúc mẹ thầy bệnh lâu năm tự dưng trở nặng. Ông cụ xin xem mạch, lấy thuốc nam trong túi vải mài thành bột hòa với nước cho bà uống. May sao, bà dần hồi phục. Ông cụ bốc thêm vài thang thuốc nữa để bà mau khỏi. Thầy biết ơn vô cùng, bèn giục người nhà lo cơm nước, tiếp đãi khách phương xa chu đáo.

   Thầy ném cành khô vào đống lửa, nhắc đến cha mình theo Quản cơ Trực(2) đánh Pháp. Ông cụ gật gù, nói cũng biết danh tiếng Quản cơ Trực, rồi đọc bốn câu thơ sáng tác. Phải chi quan chánh tổng lúc đó có mặt mới cảm nhận hết được không khí ấy. Giữa tiếng nổ lách tách cành khô cháy đượm, u u gió rít, mỗi khi hai chén rượu chạm nhau, từng câu thơ lại vang lên đầy hào sảng: “Ủy bỉ nhân ngư. Hùng tai quốc sĩ. Hỏa Nhật Tảo thuyền. Đồ Kiên Giang lũy(3).

 

 

   Ông cụ cạn chén rượu, đọc dứt bài thơ, rồi khơi lại chuyện đời mình. Ta sinh trên sông nước, lập nghiệp bên biển cả nên lắm long đong. Gia đình gốc Nam kỳ lục tỉnh. Cha làm tri huyện Trà Vinh, triều đình bổ chức tri phủ Hoằng Trị, Vĩnh Long, trong lúc mẹ mang thai ta. Gia đình theo cha đi ghe Trà Vinh sang Vĩnh Long nhậm chức. Giữa đường, mẹ sinh ta tại xứ dừa Bến Tre. Khi ta một tuổi, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Cha theo đồng liêu, gồng gánh gia đình biệt xứ, ra làng biển Hà Thủy, tỉnh Bình Thuận tỵ địa. Gọi là đi tỵ địa, nhưng thực ra bên trong bàn mưu, tính kế đánh Pháp lâu dài. Khi đang làm tuần phủ Thuận – Khánh(4), cha lâm bệnh qua đời. Mẹ nuôi anh em ta nên người. Nhờ hồng phúc cha, lớn lên ta được triều đình gọi ra kinh đô Huế bổ làm chức Thừa phái bộ Công. Tưởng mong sẽ đem chút tài hèn, trí mọn giúp nước, nhưng quan Phụ chánh đại thần họ Nguyễn(5) làm ngơ, xem thường, không đếm xỉa đến. Ta từ quan về làng Hà Thủy bốc thuốc, dạy học. Nhưng kiếm sống qua ngày trong cảnh mật thám Pháp dòm ngó, dò xét, thử hỏi sướng ích chi. Ta theo huynh đệ kết nghĩa rày đây mai đó…

   Lính tráng được lệnh hành quân cấp tốc xuyên đêm trực chỉ làng Hạ. Tờ mờ sáng hôm sau phải bắt người. Nhà cửa ven kênh đóng kín. Nhiều cặp mắt lấm la lấm lét sợ sệt dõi theo súng ống, giáo mác lố nhố. Đuốc rừng rực, nổ lép bép. Chó sủa ma văng vẳng. Chợt trận gió thoảng mùi tanh tưởi, chết chóc thổi ràn rạt qua xóm làng, lao xao cây cối. Bụi đường bốc mù mịt tứ tung.  

 

*

 

   …Trời về khuya, trên núi càng lạnh, sương đông đặc. Đưa đôi tay lên cũng được hai vốc sương đùng đục, lảng bảng. Hơi người thở ra thành khói. Men rượu làng Hạ dần ngấm vào trí óc thầy. Ông cụ đã liêng biêng, ngồi thủ thỉ từng lời chẳng cần biết cùng ai, với người đối diện hay độc thoại màn đêm non cao. Hai mắt thầy bắt đầu díu díu lại, cũng cố bám theo từng lời ông cụ.

   Lần đầu khăn gói ra kinh đô Huế, đền đài thành quách, lũy cao, hào sâu làm ta choáng ngợp. Quyết đem trí mọn, tài hèn giúp nước, lại nhận được sự dửng dưng. Ta xin theo phái đoàn xuất dương xem xứ người. Quan Phụ chánh đại thần khước từ. Bản tấu năm điều, hàng đêm ta trăn trở dày công suy nghĩ dâng lên. Chưa đến được tay vua, đã chịu dè bỉu “thiếu niên hữu sự”. Cũng ông quan Phụ chánh đại thần. Thừa phái Bộ công, chức tước chỉ hữu danh, để hưởng bổng lộc mà không được quyền can dự quốc sự triều đình. “Thiếu niên hữu sự”. Gương mặt, ánh mắt, từng chữ từ miệng quan Phụ Chánh đại thần tuông ra xoáy vào tâm can ta, dấy lên nỗi uất hận. Ta hận quan lại triều đình dửng dưng, nhu nhược, lần hồi dâng đất cho Pháp. Vậy thì làm quan chi nữa. Áo mão, chức tước, bổng lộc, ta trả lại triều đình. Khoác áo dân thường cùng Kỳ Am huynh(6) thực hiện ý nguyện phương Nam hành bấy lâu. Nhưng bôn ba bao bận, chưa thoát được đêm dài.

   Vợ ta, người phụ nữ dịu dàng vùng Tân An, thay chồng nuôi con cái nên người để chồng toàn tâm lo việc lớn. Dịp lễ tứ tuần Đại Khánh vua Khải Định, lão quan toàn quyền Đông Dương từ Hà Nội vào Huế tham dự. Vợ đưa tiền cho ta ra Huế mua khẩu súng lục. Lấy cớ mong muốn đệ trình bản điều trần xin cải cách hệ thống cai trị của Pháp ở An Nam để theo kịp các nơi, ta xin vào gặp lão ấy. Nhưng lão quan cáo già, nghi ngờ, không tiếp kiến. Mưu toan ám sát không thành. Ta trở thành bạn bè với hai chữ “mạt vận”…

   Tiếng chân nhốn nháo. Giọng người lao xao. Âm thanh đột ngột nổi lên giữa làng Hạ khuya tĩnh lặng. Con ngõ quen thuộc dẫn vào nhà thầy hiện ra trước mắt tôi. Đang say giấc nồng, cả nhà thầy bị đập cửa, dựng dậy, quát tháo. Đèn đóm thắp sáng. Lính xông vào tát người nảy đom đóm, lôi xềnh xệch ném ra sân. Tiếng khóc, rên la đêm hôm khuya khoắt. Lục soát hồi lâu, quan án sát dí đuốc vào mặt mẹ thầy vừa qua cơn thập tử nhất sinh đang nằm bẹp trên đất tra hỏi. Bà cụ thều thào, lắc đầu không biết. Quan án sát quát lính đánh bà cụ bắt khai. Thấy để nhục hình bà cụ sẽ trọng thương, tôi vội ngăn lại. Nãy giờ, tôi đứng lẩn trong đám lính nghe tên hầu cận thân tín bẩm báo. Ra khỏi dinh chánh tổng, nó chạy miết đến nơi, vào nhà hỏi thăm, được biết thầy dẫn khách lên núi từ chập choạng tối. Nó đành lẩn quẩn chờ tôi đến. 

 

*

 

   …Thấy mặt ông cụ đượm vẻ thất chí, thầy mở lời an ủi. Triều đình quay lưng với người tài, chẳng đáng để phiền muộn. Bởi người tài trở thành vật cản đường bao kẻ bất tài đang nắm quyền lực trong tay. Vua nơi kinh thành xa xôi, sống cảnh xa hoa, thì làm sao thấu hết nỗi khổ dân đen. Triều đình ngả theo Pháp thẳng tay chèn ép sĩ phu, nghĩa sĩ yêu nước. Quan lại khắp nơi tham ô, nhũng nhiễu, vơ vét của cải, đẩy dân đen vào đường cùng. Thầy hỏi cụ, làm sao để dân qua nạn kiếp khổ cực này.

   Ánh mắt ông cụ đang buồn chợt hoạt bát lên. Ông giáo hỏi, làm ta nhớ đến chàng trai với đôi mắt sáng, vầng trán cao, con trai cụ Phó bảng, người vừa qua đời cách đây hơn tháng. Ta gặp cụ Phó bảng khi chưa đỗ đạt quan trường, quý nhau kết tình huynh đệ. Sau khi can dự đấu tranh kháng thuế Trung kỳ, bị Pháp bắt giam khám Khánh Hòa rồi thả về làng Hà Thủy, ta gặp chàng trai. Anh mang thư cha từ Quy Nhơn vào ghé làng biển. Nhìn qua, ta đoán người này chí hướng lớn. Tránh thiên hạ dòm ngó, lánh mật thám dò xét, ban ngày anh lên chùa làng ở với sư trụ trì. Ban đêm về nhà ta, hai chú cháu hàn huyên, tâm sự. Rồi ta đưa anh vào thị xã ven biển dạy học trò Dục Thanh học hiệu. Vài tháng sau, chàng trai vào Nam kỳ. Nghe đâu, xin theo tàu biển ra nước ngoài. Ta có niềm tin, chàng trai con cụ Phó bảng sẽ làm nên đại sự... 

   Trước mắt toán quan quân đi truy bắt người, dáng núi hiện lên đen thẩm trên nền trời. Lính tráng tụ tập bên đường mòn dẫn lên đỉnh. Quan án sát nằm võng, miệng thở phì phò, quát lính chia làm hai toán. Bố trí dăm ba tên chốt chặn dưới núi. Còn lại đi tìm bắt hai tên kia gô cổ giải về. Lính tráng rục rịch, lếch thếch tách ra. Xuyên đêm chưa nghỉ ngơi, ai nấy mặt mũi rũ rượi. Tôi nhìn quanh lượt, cần kéo dài thời gian để tìm cách đánh động thầy và bạn. Bước nhanh tới võng, tôi thì thầm vào tai quan sán sát. Lát sau lệnh được truyền lại. Nghỉ ngơi tại chỗ, sáng sớm mai hành sự. Chỗ này độc đạo. Người trên núi mọc cánh bay lên trời cũng chẳng tài nào thoát khỏi thiên la địa võng đang giăng chờ sẵn. Đến sáng, hai tên kia xuống núi đưa tay chịu trói, khỏi nhọc công. Tiếng dạ vang, hàng ngũ đồng loạt lăn ra đất. Tôi nhìn về phía đỉnh, thấp thoáng từ bụi rậm, tên hầu cận thân tín lẻn khỏi đám đông men theo đường mòn.

 

*

 

   …Chếnh choáng đầu óc, thầy tìm vào sảnh biệt thự nằm tạm. Để lại ông cụ độc ẩm. Men rượu làng Hạ đã làm ông cụ thấm mệt. Nửa say, nửa tỉnh, thầy lờ mờ nhận thấy ông cụ bày giấy bút ra chiếu rượu. Giọng ông cụ nghe chừng mê sảng, lên đồng. 

   Ai như Kỳ Am huynh đến thăm ta đó sao. Huynh dâng lên nhà vua thời vụ sách. Ta tấu trình triều đình bản điều trần. Sách thời vụ, bản điều trần chung phận bạc. Lận đận huynh đệ mình. Ta và huynh phương Nam hành bất thành. Huynh mang trọng bệnh qua đời bỏ lại trăm sự dở dang. Kính huynh chén rượu nhạt.

   Ông cụ đưa bút lên xuống, qua lại. Sương quấn quanh ngòi bút uyển chuyển phượng bay. Giọng rừng rực hơn ngọn lửa đang cháy. “Ngũ sự khuyết nhân, nhân bất hành”.

   Phải chăng Phó bảng huynh ghé uống rượu với ta. Huynh bỏ lại thế sự ngổn ngang để về cõi người hiền. Bỏ lại ta lang bạt khắp nơi với buồn nhân thế. Chàng trai mang thư huynh vào làng Hà Thủy tìm gặp ta sẽ làm nên chuyện lớn. Kính huynh chén rượu ân tình.

   Ông cụ đè mạnh đầu bút vào trang giấy. Dãi trắng quấn quanh cây bút thành thanh sương kiếm cắm thẳng xuống. Giọng thốt ra não nề, ai oán. “Cam vi nô lệ, nhật du sanh”.

   Dường như Tây Hồ đệ(7) cũng đến rồi. Lại đây ngồi xuống với ta. Bặt tin từ dạo chia tay nhau tại Mường giang, Phan thành lúc đệ nam du thực hiện ước muốn duy tân. Ba năm sau, hay tin Pháp kết án đệ, đày Côn Lôn. Ta bị khép vào tội liên can kháng thuế Trung kỳ. Rồi đệ cũng bỏ lại thế sự mà đi trước. Uống với ta một chén.

   Ông cụ múa bút giữa trời. Sương chuyển động theo người, cuồn cuộn mạnh mẽ rồng bay. Giọng gào thét đuổi theo gió âm u. “Tức kim lão hủ hoàn thiên địa”.

   Này các huynh, đệ. Sao đang uống rượu cùng ta, lại bỏ đi. Khoan đã. Đợi ta với. Nghe ta ngâm bài thơ mới làm xong. “Hoán tác phong đào, đái hận vinh”(8).

   Thầy chìm vào cơn mê man. Khi tỉnh dậy thì như quan chánh tổng đã tường tận sự việc...

   Phía đông hửng sáng. Quan án sát cho lính leo xuống vực lấy xác ông cụ mềm nhũn, máu nhuộm đỏ áo dài trắng. Khi để xuống huyệt nơi lưng chừng sườn núi, người phu đặt tờ giấy nguệch ngoạc bài thơ lên ngực rồi lấp đất. Hầu cận thân tín bẩm báo, nó lên đến đỉnh núi thấy thầy tôi nằm trước sảnh biệt thự. Đống lửa tàn còn hơi ấm. Bình rượu cạn lăn lóc. Nó lay thầy tỉnh giấc hỏi chuyện, rồi cả hai tất tả đi tìm ông cụ. Lúc sau, thấy tà áo trắng thoáng ẩn, thoáng hiện dưới vực. Quan quân kéo về tỉnh đường, dẫn theo thầy tôi tạm giam để điều tra cái chết người được ghi trong tờ mật lệnh quan sán sát tỉnh.

 

*

 

   Tôi không nghĩ có ngày ngồi với người mà mình kính trọng dưới khung cảnh đặc biệt, nhà lao tỉnh đường. Thầy trong phòng giam, học trò bên ngoài. Nhìn nhau qua hàng song gỗ. Uống rượu giữa mùi oi nồng xú uế. Lời đàm đạo xen lẫn tiếng muỗi vo ve. Phòng giam tối om. Ánh đèn dầu loe loét đủ soi khoảng sáng nhỏ. Với chức sắc đang giữ, tôi được hai lão mật thám Pháp, án sát tỉnh cho phép thăm nuôi thầy mình. Cũng nhân tiện hai lão ấy muốn lợi dụng cuộc gặp, bước đầu nhẹ nhàng moi thông tin nghi phạm, trước khi dụng đến các biện pháp mạnh khác. Sau cánh cửa phòng giam khép hờ kia thấp thoáng bóng người. Nghe trộm, việc họ cần làm nếu muốn nhanh chóng xếp lại hồ sơ vụ án. Mặc kệ, tôi biết điều đó. Thầy trò tôi thả trôi cảm xúc ngược về bao sự cố xảy ra hai đêm trước. Nét mặt đau khổ, mắt ngân ngấn nước, thầy thuật lại sự việc trên núi. Tôi mời thầy mình nhấp ngụm rượu, ăn chút mì xào, cắn miếng thịt gà mang từ nhà. Thầy rót đầy chén rượu rồi đổ xuống nền phòng giam. “Cụ sống khôn, thác thiêng về uống với tôi chén rượu”. Mùi thơm bay lên cố xua tan không khí ngột ngạt bao quanh. Hai ngày rồi kể từ đêm trên ngọn núi đồng bằng, chưa được hớp rượu, bữa no vào bụng, chẳng cần khách khí giữ lễ nghĩa, thầy tôi ăn uống ngon lành tự nhiên.  

   Chuyện lan khắp Nam kỳ lục tỉnh. Hơn tháng sau, qua một người bạn gửi về, tôi nhận được tờ tuần báo Phụ nữ Tân Văn phát hành tại Sài Gòn, mục “Gần đây trong nước có những việc gì”, có in mẫu tin:

   “Lại hai nhà tiên sinh nữa từ trần là ông Phó bảng Nguyễn Đức [Sinh] Huy và ông Nghè Trương Gia Mô. Hai ông đều là bậc trí huệ có tiếng đã từng làm quan với triều đình ta, nhưng sau vì tư tưởng chính trị, mà hai ông từ chức, bỏ cái vinh áo mão đường hoàng, làm cái thân giang hồ lạc phách. Ông phó bảng Huy, chính là thân phụ M.Nguyễn Ái Quốc, người ở Hà Tĩnh, năm nay ông đã bảy chục tuổi rồi và vô ở trong Nam kỳ ta đã lâu. Bình sinh, ông rất hâm mộ đạo Phật, quanh năm vãng cảnh chùa này tới chùa kia, làm bạn với cửa thiền cảnh Phật mà thôi, chứ không thiết gì đến thế sự nữa. Lịch sử của cụ trong ba chục năm nay toàn là những trang buồn rầu đau đớn: con thì bôn tẩu ở bên trời góc biển, nhà thì xa ở núi Hồng sông Lam, còn thân thế mình thì luống những lận đận lao đao, cho đến ngày nay làm người thiên cổ.

   Còn ông Nghè Trương Gia Mô, thì cái đại chí và cái khổ tâm cũng như ông Bảng Huy vậy. Ông năm nay đã trên sáu mươi tuổi rồi, nghĩ việc đời cũng không thể làm gì được, ngó mà thêm bực nổi lòng, cho nên thường đi dạo chơi những thắng cảnh danh sơn đặng tiêu sầu khiển hứng. Mới rồi đây, ông ngao du nào Hà Tiên, nào Đế Thiên, Đế Thích, ngắm xem thắng cảnh, thăm bạn tri giao, rồi trở về Châu Đốc, lên hòn núi Sam gieo mình xuống vực sâu mà chết! Thảm thay! Than ôi! Các bực tiền hiền rủ nhau đi hết, khiến cho non sông cây cỏ ngó lại có vẻ quạnh hiu!...(9).

 

 

 

 

-----

   (1) Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc;

   (2) Quản cơ Nguyễn Trung Trực;

   (3) Thơ của cụ Nghè Trương Gia Mô;

   (4) Bình Thuận – Khánh Hòa;

   (5) Phụ Chánh đại thần Nguyễn Trọng Hợp;

   (6) Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch;

   (7) Tây Hồ Phan Chu Trinh;

   (8) Thơ của cụ Nghè Trương Gia Mô;

   (9) Phụ nữ Tân Văn, 2 Janvier 1930.