ẤN TƯỢNG VỚI NHÀ BÁO PHƯƠNG NAM

17/06/2022 15:04
1302

PHAN CHÍNH


Đến ngày Nhà báo Việt Nam 21.6, tôi chợt nghĩ đến Nhà báo Phương Nam, một cây bút chịu “lăn xả” rất gần gũi với người Bình Thuận và các tỉnh khu vực từ khá lâu. Trong suy nghĩ thường thấy, ở vị trí sống và viết của một phóng viên địa bàn tỉnh lẻ rất dễ an bài với những cái tin hay nhiều lắm đôi bài phóng sự có “liều lượng” là tròn việc, đủ lắm rồi. Nhưng Phương Nam từ bước đầu với báo Bình Thuận không lâu và nay đã 21 năm là cây viết khá năng nổ của báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Trong tập sách “Vùng biển chết” tập hợp những bài phóng sự (các thể loại) của Phương Nam (Nxb.Tổng hợp tp Hồ Chí Minh-2016), nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận xét: “…đọc xong lại thấy và luôn phục anh ở chỗ anh dám viết, dám chịu trách nhiệm và dám nói cả nỗi lòng mình, bởi anh luôn viết bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Đó là điều mà những ai quan tâm đến hoạt động báo chí và dư luận ở địa phương đều tâm đắc, cùng cảm nhận về Phương Nam với một khí chất mạnh mẽ như thế.

   Tôi còn nhớ những ngày đầu biết đến Phương Nam khi anh cùng các nhà báo Hồ Việt Khuê, Đặng Ngọc Khoa, Mạc Hồng Kỳ từ bản doanh bắt voi rừng ở Suối Kiết (Tánh Linh) về La Gi để kịp đưa tin bài cho tòa soạn. Tôi lúc ấy là Đại diện Văn phòng báo Bình Thuận nên trọng tình mà tận dụng cơ quan để làm chỗ “thường trú” cho đội quân này.Trong cuộc nhậu bạn bè, Phương Nam luôn xuề xòa, cởi mở với bao câu chuyện hài thực thực hư hư không liên quan gì đến công việc viết lách. Tuy vậy, những bài phóng sự của anh đều có một chủ đích, bằng những chi tiết với cái nhìn trầm tĩnh và đặt cả sự rung động của mình trong đó. Cho nên, bất cứ chủ đề nào, dưới ngòi bút sắc sảo của Phương Nam vừa quyết liệt, vừa lý lẽ nhưng mang tính cảnh báo hoặc một giải pháp rất nhân văn.

 

   Những đề tài phóng sự của Phương Nam, tôi coi như một dấu ấn lớn cho cuộc hành trình báo chí lắm áp lực, nhiều tai họa mà anh không run sợ và nay có thể tự hào. Tôi từng đọc những bài phóng sự điều tra, chuyện pháp đình của Phương Nam cảm nhận được phần nào ở anh đã định hình cho mình, không chỉ là thuật ngữ của thông tin, thời sự mà còn tạo ra sự hấp dẫn, có sức thuyết phục với người đọc. Sự kiên trì, yêu nghề và cái máu đi đến cùng, Phương Nam mới có những phóng sự báo chí dài hơi, như “Cuộc chạy tiếp sức “giải cứu” Huỳnh Văn Nén” ở Tân Minh, là cuộc chạy đua vì một án tử cần sớm tìm sự thật, có khi tưởng chừng bế tắc rồi lại lóe lên ánh sáng và hiệu quả. Loạt bài “Thần bài Las Vegas gốc Việt cô độc trong nhung lụa” hay “Đột nhập “lò” bảo kê biển số đỏ dỏm”… từ trong những góc khuất đã được phơi bày, không phải dễ dàng. Mang tính bí ẩn nhưng thực tế, với phóng sự “Cướp dưới lòng đại dương”, về tấm mật đồ và những con tàu mất tích ở biển Cù Lao Câu, mũi điện Kê Gà…cho thấy Phương Nam đầu tư khá kỹ về nguồn tư liệu cho những bài viết ngồn ngộn sự kiện như thế này.

 

   Có lẽ tôi bị cuốn hút nhiều hơn không phải những kỳ án, những câu chuyện pháp đình mà ở Phương Nam có những phóng sự không khác gì câu chuyện văn học dễ bị đánh đồng với loại Phóng sự tiểu thuyết theo cách nói xưa, có ít nhiều tình tiết hư cấu. Nhưng anh không sa đà mà luôn có sự quan sát, đối chiếu một cách khách quan. Đó là loạt bài “Bí mật kho báu La Ngâu”, “Kỳ bí kho báu Căn cứ 6”, “Kho báu Yamashita tại núi Tàu”…có dính dấp về lịch sử của một vùng đất và di chứng thời kỳ hậu chiến tranh. Có một hôm anh bắt chuyện với tôi về cái thời mới lập tỉnh Bình Tuy, rồi lấn sang câu chuyện tình của ông Tỉnh trưởng với mỹ nhân, khi còn là một nữ sinh trung học, sau trở thành vợ chồng. Tưởng nghe qua rồi thôi, vậy mà với sự tinh nhạy và tài “khai thác” khéo léo của anh, anh đã logic từ những tấm ảnh cũ kết nối những mảnh ghép tư liệu và có ngay loạt bài phóng sự về “kho báu” ly kỳ ở Bình Thuận. 

 

   “Bí mật về cậu bé 60 triệu USD Nguyễn Bé Lory”, một sự nối dài vượt khỏi biên giới và sự đổi đời ngoạn mục với biết bao cung bậc của thân phận con người. Được điều đó, đòi hỏi nhiều ở bản lĩnh của ngòi bút và tấm lòng mà Phương Nam như đã truy vết một hoàn cảnh y như thời mông muội, lạc hậu do hủ tục từ một lời nguyền đó là phóng sự “Năm lần tự vượt cạn giữa rừng” về người phụ nữ K’ho ở Đông Giang- Hàm Thuận Bắc. Tương tự với “Bầy thú giữa đại ngàn”, Phương Nam phải luồng rừng đóng vai người săn thú để viết về những tay sừng sỏ sống nghề đánh bẫy thú rừng quý hiếm nào voọc, chà và, cù lần…là loài nằm trong sách đỏ ở khu rừng bảo tồn núi Tà Cú. Anh kể về nhân vật Dương từng là tay săn thú nổi danh ở đây đã từ bỏ nghề để quay về với 500 trụ thanh long xen canh, nhàn nhã. Không thể nào có khoảng cách trong ngôn ngữ báo chí mà đây là biểu cảm đậm chất văn học. Ở nhiều phóng sự của Phương Nam đã tạo dấu ấn về một phong cách riêng, nhiều cảm xúc nhưng vẫn đảm bảo được tính chân xác và linh hoạt. Đậm nét hơn ở Phương Nam với những bài viết về những cảnh đời bất hạnh đang bế tắc làm cho bạn đọc thương cảm. Ngay tức thời, nhiều nhà hảo tâm đã sẵn lòng và anh trở thành cầu nối tin cậy. Đó không còn là bài báo bình thường mà còn mang một giá trị thông điệp lay động lòng nhân ái của cộng đồng xã hội.

 

   Tôi thích ở Phương Nam với những bài phóng sự mang tính văn học. Biết rằng giữa phóng sự báo chí và phóng sự văn học phải có điểm chung là đối tượng, là sự kiện nhưng vẫn có thể khác biệt nhau là phương thức, ngôn ngữ biểu đạt. Với “Gã tử tù và sự sống” đọc bằng nỗi ngậm ngùi hay “Cánh đồng đam mê của Lan”, không thể không nói đến một nữ đạo diễn trẻ cảm nhận loạt bài “Thảm sát Cát Bay” (Phương Nam) ở Tuy Phong đó là một bài ký rất xúc động. Câu chuyện pho tượng Phật nằm trên núi Tà Cú, không những đạt kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á mà còn có nhiều đồn đoán về sự kỳ bí trong 3 năm xây dựng công trình tín ngưỡng qui mô và độc đáo này…Từ điêu khắc gia Trương Đình Ý, các Sư Thầy đến những Phật tử làm công đức, qua cách khắc họa mềm mại của Phương Nam đã lý giải một cách khoa học như thổi vào những khối đá lấp lánh bên sườn núi tạo nên cái hồn thiêng kỳ diệu.  

 

   Với một đề tài khác, “Tuyệt bút công phu”, nhân vật Phạm Ngọc Thuận trên 70 tuổi ở làng Bình Thạnh, Tuy Phong đã khai sinh ra nghệ thuật thư pháp bằng ngòi bút sắt (bắp chuối) thời xưa…Trong bài phóng sự, Phương Nam xuống một câu đã cho người đọc mường tượng được tâm hồn của một nghệ nhân đa tài nay chỉ còn nho nhỏ nỗi ước ao: “Ông nói khi mắt đã sáng, ông sẽ dùng thư pháp viết một bài thơ mà nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã tặng ông mấy chục năm về trước”. Có lẽ, phong cách ngôn ngữ văn học của Phương Nam luôn ẩn hiện bên cạnh văn báo của những bài phóng sự cực kỳ gay gắt, quyết liệt về một vấn đề còn tiềm ẩn, mập mờ. Một đoạn “Đời cát-đời người” trong phóng sự dài “Vụ thảm sát Cát Bay, những nhân chứng bị lãng quên”, anh viết: “Ông già ngồi giữa cái nắng khô khốc như đổ lửa ở Tuy Phong giữa những ngôi mộ giống hệt nhau nhìn xa xăm ra đồi cát. Vò mái đầu bạc trắng, ông Sáu ray rứt cho biết tất cả mồ mả của gia đình ông đều do những người còn sống trong làng sau vụ thảm sát chôn cất…”. Như thế này thì khó mà ngồi tỉ mỉ thế nào là văn báo là văn của văn học. Nhà báo Phương Nam đã chắp cánh cho phóng sự của mình bằng một phong cách riêng để tạo nên sự hấp dẫn, nhẹ nhàng nhưng đầy thuyết phục.