BÁC HỒ VỚI CÁC THẦY GIÁO, CÔ GIÁO

01/12/2022 00:00
784

ĐOÀN MẠNH TIẾN


Trong suốt cuộc đời mình, mặc dù bận trăm công nghìn việc của người lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Người đã từng khẳng định: “Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước ta, của toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là các thầy giáo, cô giáo. Vì vậy, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là vấn đề đội ngũ thầy giáo, cô giáo”. Người đã dành cho các thầy giáo sự quan tâm đặc biệt và những tình cảm tốt đẹp.

   Trước hết, Người đề cao sứ mệnh của các nhà giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần vào xây dựng xã hội mới? Đó là nghề thầy giáo. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng chính là người vẻ vang nhất, vinh dự nhất, dù là tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương nhưng những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng xã hội mới được? Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất là vẻ vang” (Bài nói chuyện tại trường cấp 3 - nay là trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, tháng 01/1959).

   Đồng thời Bác căn dặn rằng, để làm tròn sứ mệnh cao quý, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt: “Người giáo viên phải chú ý cả đức, cả tài, đức là chính trị, tài là văn hóa, chuyên môn, muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là với trẻ con” (Bài nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 3/1968). Không những thế, Bác còn nhấn mạnh rằng người thầy giáo phải say mê với nghề nghiệp của mình, Người khẳng định: “Người thầy giáo tốt là người phải thật sự yêu nghề của mình, càng yêu nghề bao nhiêu thì càng yêu học trò bấy nhiêu. Người thầy có yêu nghề thì mới phấn đấu trở thành người thầy mẫu mực, làm tấm gương tiêu biểu của con người mới, đem trí tuệ, sức lực, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người, ra sức đào tạo, giáo dục các thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho xã hội, hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân” (Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngành Giáo dục toàn quốc, 3/1957).

   Những lời căn dặn của Bác rất cụ thể, chi tiết, gắn với thực tiễn của ngành Giáo dục. Chẳng hạn Bác chỉ ra phương pháp giáo dục phải gắn với từng cấp học cụ thể: “Phương pháp giáo dục là học gắn với hành, thực tiễn gắn với lý thuyết, lý luận phù hợp với yêu cầu của sự phát triển xã hội. Do đó ở từng cấp học, người thầy giáo phải có phương pháp dạy học phù hợp với chương trình, nội dung và tâm lý học sinh”. Và Bác chỉ ra rất cụ thể cách dạy từng bậc học: “Dạy mẫu giáo là thay mẹ dạy trẻ. Muốn vậy, trước hết phải yêu trẻ. Vì các cháu nhỏ hay quấy nên phải bền bỉ, chịu khó mới dạy được các cháu. Còn với tiểu học thì cách dạy phải nhẹ nhàng, vui vẻ. Với bậc trung học thì phải dạy những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực. Đại học thì phải kết hợp lý luận khoa học với thực hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 355). Rõ ràng những lời dạy của Người rất thiết thực, có ích cho giáo viên khi áp dụng phương pháp giảng dạy đối với từng bậc học.

   Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, vấn đề vai trò, vị trí, chức năng của người thầy giáo luôn được Người quan tâm đúng mức và đánh giá cao. Theo Bác: “Mỗi thầy giáo là một hạt nhân của sự nghiệp giáo dục. Giáo dục phải là quốc sách hàng đầu, nhiệm vụ cao quý, thiêng liêng của nhà giáo là phải tập trung thực hiện cho được mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời mỗi nhà giáo phải luôn luôn gương mẫu trong việc tự học, trau dồi trình độ chuyên môn của mình, phải luôn luôn phấn đấu thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo, phải có đức hy sinh cao cả, cống hiến thầm lặng, không nên đòi hỏi gì cho cá nhân mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 105).

   Điều cảm động nhất là trước ngày gần khi đi xa, ngày 15/10/1968, giữa những ngày ác liệt, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác đã gửi thư cho ngành Giáo dục. Đây là bức thư cuối cùng Bác viết cho ngành Giáo dục. Bác đã căn dặn 3 vấn đề chủ yếu:

   Một là, thầy cô giáo và học sinh luôn luôn nâng cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng nhận bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu.

   Hai là, dù khó khăn đến mấy thầy và trò cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt.

   Ba là, thầy và trò cùng nhau tổ chức đời sống vật chất, tinh thần ở các trường học cho ngày càng tốt hơn.

   Có thể nói, tình cảm của Bác Hồ đối với các thầy giáo, cô giáo là biểu hiện sinh động của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” - nét đẹp văn hóa, đạo đức và lối sống của người dân Việt Nam. 53 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng những lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi.