NGUYỄN HUỲNH SA đã về giữa trăng thu

14/10/2022 04:58
742

PHAN CHÍNH


Nguyễn Huỳnh Sa có tên thật là Nguyễn Đăng Vân, quê làng Văn Kê, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Nhưng với thị xã La Gi là nơi  anh đã sống và làm việc đến nay. Anh là hội viên hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận. Anh mất ngày 8/9/2022 ở tuổi 72.

   Nguyễn Huỳnh Sa đã để lại tập thơ “Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ”- do Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận xuất bản năm 2008. Với tôi, tuy anh đã có duyên với thi ca khá lâu nhưng chỉ mỗi tập thơ này đủ tạo nên ấn tượng đẹp trong cảm xúc của người đọc. Cái chất dung dị, đĩnh đạc từ phong cách sống của anh đã thấm vào con chữ dễ làm lay động đến tâm trạng con người. Đó là điều mong muốn của người làm thơ và yêu thơ, mặc dù Nguyễn Huỳnh Sa đã viết: “Em đừng gọi nhà thơ/ vách đời anh gió tạt/ đừng gọi người gieo hạt/ anh mùa màng chỉ được cỏ bông lau/ có ai người gieo hạt cỏ đâu?”. (Cỏ bông lau- tr.38). Tính khiêm nhường, nhân cách sống và qua tác phẩm, theo câu nói người xưa “văn tức là người” quả là phù hợp với anh.

 

   Thường khi với những tác phẩm thơ, nhất là tác phẩm đầu tay dễ gặp ở nhiều tác giả luôn bày tỏ về tình yêu, thân phận, quê hương… Đôi khi có cả những “cảm tác” đâu đó để ghi dấu chân mình đã đến. Với “Đá mặn nghiêng đời nghe biển vỗ”, trong số 39 bài của tập thơ cũng có hình thức đó nhưng mỗi bài thơ là một khung trời, mênh mang nỗi nhớ của tác giả với bao cung bậc, xót xa… Là người con trai đầu của một gia đình, cha mất sớm, anh thấm thía cảnh mồ côi và nhận ra vết hằn nhức nhối của chiếc đòn gánh trĩu nặng trên vai bà mẹ và người chị cả của mình từ thời niên thiếu. Có lẽ ai không còn hơi ấm của mẹ nữa sẽ không khỏi nao lòng khi giáp tết, với câu thơ: “Đầu năm gió bấc thổi nà/ con về nhà mới, má ra động nằm”- Đó là thực tế, khi anh qua mấy lần xê dịch và đến lúc tạm ổn ngôi nhà mới, thì mẹ quê đã vội qua đời. Mảnh đất vườn nhà tựa lưng động cát cao ở Tân Thành với tên gọi xưa Cẩm Kê Sơn, cạnh đó có ngôi mộ mẹ hiền an nghỉ vĩnh hằng. Gió bấc đã là hiu hắt nhưng lại thổi qua bãi đất bồi (nà) hoang vắng thì nỗi hiu hắt càng buốt giá biết bao. Trong ký ức Nguyễn Huỳnh Sa làm sao quên được ở “Thời võng mẹ” qua những dòng thơ rưng rức: “Lòng mẹ đó biển hồ lai láng/ giọng ầu ơ là sóng, võng thuyền trôi” “ầu ơ con mắt lim dim/ cái thời võng mẹ biết tìm ở đâu!”. Cũng mãi trong anh lời ru của mẹ: “Khúc ru của mẹ thuở nào/ vẫn vương mía mật hai đầu võng đưa/ Mình xưa có Mẹ mình xưa/ lẽ nào lạ tiếng ầu ơ, lẽ nào…?”.  (Khúc ru mình -tr.67). Thơ anh nhẹ nhàng, hồn hậu như khúc đồng dao, mang hình ảnh khắc khoải của kiếp đời. Từ đó đã tạo nên một phong cách riêng trong thơ Nguyễn Huỳnh Sa và qua lăng kính với sự vật, cỏ cây, con sóng, làn mây… như gợn lên cái nghĩa vô thường. Đó là: “Phải đâu tại cái bút chì/ mà con gọt mãi làm chi thêm phiền/ Con gà gọi mặt trời lên/ chữ O nào có tròn trên miệng gà” và tự vỗ về: “Thôi đừng gọt nữa con ơi/ ba đã gọt hết phần đời của ba/ mà O tròn vẫn…tiếng gà/ chữ O ba có bao giờ tròn đâu” (Chữ O- tr.26). Chân chất với tiếng gà gáy xóm quê, cây bút chì và lời thủ thỉ của cha khi con phải gắng làm sao để nét viết chữ O được tròn không phải dễ và nỗi lòng người cha luôn ray rứt “ba đã gọt hết phần đời của ba”. Đọc mà thấy thương cảm với người làm cha luôn mang nặng nỗi lo, trăn trở vì cuộc sống hối hả, nhọc nhằn. Tôi nhận ra bài “Chong chóng” của anh viết cho con tưởng chừng nhắc nhớ đến trò chơi dân dã miền quê, mà không phải vậy, đó là cuộc đời trải mở để con dọn mình đón nhận:“Lá dứa biển ba thắt thành chong chóng/ tuổi thơ con xoay vun vút gió đồng/ xếp giấy vở con tập làm chong chóng/ góc sân trường chờ ngọn gió đi rong”.  Dọc bờ biển Kê Gà nơi có ngọn hải đăng sừng sững, có nhiều bụi dứa với cánh lá như răng cưa được trẻ con xứ này thắt làm trò chơi chong chóng. Nhưng với học trò có thể thay bằng giấy vở, khi gặp gió cũng xoay tít hồn nhiên…Ở đây lại không phải là làn gió biển thanh bình mà có khi gặp ngọn “trốt đời” xao xác thổi đến đời con và anh ngẫm lại đời mình“chong chóng ngậm ngùi/ chong chóng của ba xưa”- là nỗi day dứt không nguôi trong lòng Nguyễn Huỳnh Sa. Không riêng gì anh mà những người làm cha có trách nhiệm chắc chắn đồng cảm và xúc động với nỗi niềm này. Cho nên thơ của Nguyễn Huỳnh Sa luôn là nỗi thao thức, u trầm. Trong số ba đứa con yêu quí, anh đã nâng niu đặt tên đứa con gái đầu lòng và lấy làm bút danh của anh, cũng là lúc anh đến với thi ca.

 

   Phong cách ngôn ngữ thơ Nguyễn Huỳnh Sa đạt được sự mới lạ, nhiều ẩn dụ mang đậm chất dân gian để suy nghiệm giữa bờ hữu hạn của đời mình và cái vô hạn kiếp nhân sinh:“Để khi nào quên sóng/ quên chim, quên lá rừng/ quên vườn trăng trải mỏng/ còn biết mình rưng rưng/ trước gương nhòa mất bóng”. (Còn lại chút gì- tr.10). Gần với tác giả mới càng thấu hiểu phần nào những câu thơ đầy tâm trạng của một tâm hồn rộng lượng, khoan dung. Có được từ quãng đời trăn trở: “Biển gởi vào ta/ những mặn mòi, xa xót/ ta mượn biển trời/ bèo bọt, để trăm năm” (Ốc mượn hồn- tr.17). Sau khi thắp nén hương từ biệt nhà thơ, vợ anh nói với tôi trong nỗi nghẹn: “Tôi tiếc anh Vân không sống thêm thời gian nữa để tôi và các con nay đã trưởng thành, có cơ hội bù đắp lại sự tận tụy, vất vả của anh bao năm dài tất bật lo cho vợ cho con…”. Khi đọc tập thơ, tôi đã gặp: “Khi nào em chán chợ/ theo anh về quê vườn/ tiếng chim chùng nhịp võng/ lối trăng mùa đưa hương”. (Còn lại chút gì- tr.10)- Nếu chị Hương -vợ anh- đọc được sẽ thấy nhẹ lòng hơn vì anh đã từng nghĩ đến. Ôi, thân phận con người, thân phận của đá dằm mình bên bờ biển mặn như tựa tập thơ của anh đã viết cách đây 14 năm.