Họa sĩ NGUYỄN ĐỨC HÒA với con đường nghệ thuật

04/01/2023 15:08
2082

PHAN CHÍNH


Sau 20 năm công tác trong ngành Văn hóa thông tin tỉnh (Thuận Hải/Bình Thuận), họa sĩ Nguyễn Đức Hòa chính thức chuyển đến Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh Bình Thuận vào đầu năm 2004. Ở đây, anh mới thực sự sống với niềm đam mê nghệ thuật của mình. Đến quí 3 năm 2022 anh được nghỉ hưu theo chế độ và với quyết định của Tỉnh coi như đồng thời thôi chức vụ Chủ tịch Hội VHNT Bình Thuận nhiệm kỳ 2018- 2023. Nhưng với Hs.Nguyễn Đức Hòa hiện nay có điều kiện thời gian phóng khoáng hơn để đắm mình trước sự cuốn hút giữa những mảng màu giàu cảm xúc, biểu đạt được giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống sôi động quanh mình.

   Nhìn lại cũng ngót 20 năm với Hs.Nguyễn Đức Hòa công tác tại Hội VHNT, tưởng như anh bị chi phối bởi công việc sự vụ hàng ngày sẽ làm ảnh hưởng không ít cảm xúc sáng tạo của mình, nhưng anh vẫn không quên miệt mài với sáng tác. Từ cuối năm 2003 (nhiệm kỳ IV) anh được bầu vào BCH Hội với chức danh Ủy viên thư ký, rồi Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ V (từ tháng 2/2010). Thêm đó, do tình hình lãnh đạo Hội gặp dồn dập “biến cố”, nhiều bất ổn, Thường trực Hội từ 3 người xuống còn mỗi mình anh gánh vác cho đến khi được Tỉnh quyết định giao thêm nhiệm vụ “Phó Chủ tịch phụ trách Hội” chờ đến khi có Đại hội nhiệm kỳ mới. Tiếp theo, Hs. Đức Hòa được đại hội tín nhiệm nhưng lại chính thức là Chủ tịch Hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2018- 2023 phải đến tháng 8/2020. Phải nói Hs.Đức Hòa đã không ít “thăng trầm” ở chức Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch phụ trách Hội kéo dài đến 7 năm mới yên vị. Giai đoạn này là một thử thách mới cho anh ở cương vị như của một Chủ tịch Hội. Với thời gian nhiều năm một mình phải loay hoay, tháo gỡ những tồn tại về tài chính, về điều hành và cả việc nối lại mối quan hệ với các cấp, ngành trong tỉnh, kể cả Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc, các hội chuyên ngành… để mang lại sự ổn định và đẩy lên khí thế mới, phát huy khả năng sáng tạo của gần 250 hội viên. Chừng đó năm tháng tập trung cho công tác quản lý Hội nhưng Hs.Nguyễn Đức Hòa vẫn dành cho mình một không gian đam mê nghệ thuật với chuyên ngành mỹ thuật mà anh đã được đào tạo.

   Khi Hs.Nguyễn Đức Hòa nhận công tác ở Hội VHNT Bình Thuận là xác định tính chuyên nghiệp của một họa sĩ. Từ kiến thức ở Đại học Mỹ thuật đến thực tiễn công tác, Đức Hòa đã nghiệm ra một điều với một tác phẩm hội họa không phải ai cũng dễ dàng nhận diện được giá trị nghệ thuật của nó. Do đó phải có tư duy, ý tưởng và ngôn ngữ riêng cho một tác phẩm bằng kỹ thuật, cảm xúc mới có sự đón nhận của công chúng.

   Ấn tượng về tác phẩm của Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, được khẳng định giá trị nghệ thuật, đó là bức “Phố biển” (sơn dầu-2000) đạt giải B (không có giải A) của Giải thưởng Văn Nghệ Dục Thanh lần thứ II do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức 5 năm một lần. Đây cũng là thời kỳ đất nước đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế- văn hóa và có tác động đến khuynh hướng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Không còn phải lệ thuộc quá nhiều ở nhận thức bảo thủ, mang tính phong trào, khuôn phép mà còn tạo cho văn nghệ sĩ sự cảm hứng trước sắc màu của đời sống xã hội đang diễn ra sinh động. Điều mà Đức Hòa quan tâm, trăn trở trong các dự định nghệ thuật của mình. Không lâu, Hs.Đức Hòa có được một số tác phẩm đã đạt được phong cách nghệ thuật riêng là sự dung dị, đời thường như “Dệt hoàng hôn” (sơn dầu-2005), “Ban mai phố biển” (acrylic-2011) cả 2 lần liên tiếp đạt giải B Văn nghệ Dục Thanh lần  III, lần IV (đều không có giải A), “Cù Lao Thu” (sơn dầu) giải Khuyến khích của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đông Nam bộ 2018…Có phải Hs.Đức Hòa đã thấm thía với câu nói rất hình tượng của danh họa Vincent Van Gogh: “Một bức tranh đẹp cũng như một nghĩa cử đẹp”. Đơn giản thế nhưng cả đời theo đuổi nghệ thuật để điểm đến cũng là ý nghĩa nhân văn. Nhưng với văn nghệ sĩ phải cảm nhận được sự cần thiết để nâng tính chuyên nghiệp với một khuynh hướng nghệ thuật trong hội họa đương đại.


Tác phẩm "Ban mai phố biển" (acrylic) đạt giải B Văn nghệ Dục Thanh lần IV (2011)

   Cũng từ môi trường chuyên nghiệp của “Văn học-nghệ thuật”, Hs.Đức Hòa càng có điều kiện tiếp cận với nhiều công việc liên quan do trách nhiệm về lĩnh vực Văn học và các chuyên ngành Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu... Nhất là khi anh phụ trách tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận, là diễn đàn của Hội. Đây còn là một trong số ít được coi là cơ quan truyền thông- báo chí của Tỉnh, đòi hỏi khả năng điều hành phải có sự am hiểu cơ bản nghiệp vụ của báo chí và nhạy bén về phương diện thời sự chính trị vừa hài hòa tiêu chí giữa văn học và nghệ thuật của địa phương. Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận đã vững vàng, tiếp tục duy trì và ngày càng được phát huy, mở rộng nhiều chuyên mục, đề tài phong phú hơn. Các sự kiện chính trị, những ngày lễ lớn ở địa phương, tạp chí đã dành một dung lượng phù hợp cho nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ theo chức năng truyền thông theo đặc thù của báo chí văn nghệ. Có thể nói, hình thức tạp chí Văn nghệ Bình Thuận từ trang bìa đến minh họa các trang nội dung truyện, ký và thơ…với con mắt chuyên môn và tinh tế của Hs.Đức Hòa đã góp phần nâng cao hình thức và chất lượng tạp chí, không những với bạn đọc mà được đánh giá cao từ văn nghệ sĩ, các hội VHNT bạn trong cả nước. Có những nhận xét về công việc minh họa báo, đó là duyên và nghiệp, nếu không thì bài báo, trang văn trở nên khô cứng. Bìa cho mỗi số dù ảnh hay tranh vẽ, phải thể hiện cho được tính thời sự, chủ đề…vừa đạt được yêu cầu thẩm mỹ nghệ thuật, để tạo nên cảm xúc cho người đọc. Minh họa ở những trang văn, trang thơ dù đôi nét chấm phá nhẹ nhàng thôi, nhưng trước hết phải có sự đồng cảm giữa họa sĩ và tác giả mà Hs.Đức Hòa và tạp chí Văn nghệ Bình Thuận đã đạt được. Năm 1997, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam đã trao giải C (Mỹ thuật) cho thiết kế Bìa tạp chí (10 tập) và năm 2013, Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải Khuyến khích cho thiết kế Bìa tạp chí (6 tập) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ...Theo lời nhận xét của Hội đồng chấm giải cho đây là một “se-ri” bìa tạp chí có giá trị nghệ thuật, đậm sắc vùng miền. Những Bìa tạp chí này đều từ ý tưởng của Hs.Đức Hòa và thiết kế, trình bày.

   Thông thường với một lãnh đạo Hội dễ bị văn nghệ sĩ nghi ngờ về khả năng “thông cảm” đối với các chuyên ngành, khác với chuyên môn của mình, dẫn đến sự chỉ đạo thiếu đồng bộ. Nhất là Hội VHNT bao gồm các tổ chức cơ sở Chi hội huyện, thị xã và các chuyên ngành Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Múa…Trong khi Hs.Đức Hòa, chuyên ngành hội họa lại là Chủ tịch, nỗi e ngại chi phối trong hội viên cũng có. Nhưng khi Hs.Đức Hòa thực sự bắt tay vào việc chỉ đạo điều hành Hội, đã biết cầu thị, tranh thủ ý kiến của Ban chấp hành Hội, lắng nghe đề xuất tham mưu của Văn phòng Hội. Bên cạnh đó, một phần nhờ có thời gian dài trong môi trường hoạt động của Hội, khá sâu sát và am hiểu về đặc điểm chuyên môn của các chuyên ngành cho nên tạo được sức thuyết phục, hợp tác của hội viên thực hiện các chủ trương, đề án của Hội.

   Dù là sản phẩm đầu tư của Hội, nhưng phải nói vai trò của Hs.Đức Hòa mang tính quyết định. Đó là các công trình tập thể đòi hỏi công tác tổ chức phải chặt chẽ, công phu: Các tuyển tập Ảnh nghệ thuật Bình Thuận 2010-2015 (2016), Mỹ thuật Bình Thuận 2010-2015 (2016), Văn và Thơ Bình Thuận 2010-2015 (2016), CD ca khúc “Bình Thuận trong tôi” (2017), Kịch ngắn Sân khấu Bình Thuận (2018). Đặc biệt với hai công trình: Văn học kháng chiến Bình Thuận (2020), Kỷ yếu 40 năm Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận (2022) …phải dày công sưu tập tư liệu, hình ảnh, tác phẩm của những nhà văn Lãnh đạo, Cán bộ, Hội viên các thời kỳ với quãng thời gian dài trên nửa thế kỷ. Tiêu chí đặt ra là phải đảm bảo đúng nội dung, có giá trị lịch sử của Hội, mang ý nghĩa tri ân một thế hệ và hạn chế những thiếu sót.

   Nói đến lực lượng văn nghệ sĩ được xã hội đánh giá cao về tri thức, tài năng sáng tạo…Nhưng về cơ chế tổ chức đối với Hội VHNT địa phương cấp tỉnh, trong đó có Bình Thuận nguồn ngân sách từ Trung ương chỉ đến cấp tỉnh là cuối cùng và giới hạn theo nguồn phân bổ cho hoạt động sáng tạo. Do đó, Hội phải dựa vào sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương nhưng phải cụ thể và đúng với những phần việc được tỉnh giao. Trong khi đó, Hội VHNT Bình Thuận lại có tổ chức cơ sở Chi hội huyện, thị xã và các Phân hội chuyên ngành…đã đặt ra nhu cầu kinh phí hoạt động quả thật khó khăn. Qua mấy nhiệm kỳ, Hội VHNT tỉnh phải loay hoay, vẫn chưa gỡ được. Thế nhưng lãnh đạo Hội đã xoay trở, thúc đẩy, động viên được phong trào sáng tác đối với cơ sở Phân hội, Chi hội tồn tại được như hiện nay. Nhưng đây cũng là tiền đề cho kế hoạch hoạt động lâu dài của Hội cần nghiên cứu một phương án về tổ chức cho phù hợp và hiệu quả.

   Khắc họa chân dung Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa không những nói đến niềm  đam mê sáng tạo mà không nhắc đến một chuỗi dài trong công tác quản lý, đóng góp xây dựng Hội của anh đã cùng với Thường trực Hội tạo nên những kết quả đáng kể trong hoạt động của Hội. Tất nhiên, con đường trước mắt của Hội sẽ còn phải tiếp tục có giải pháp, tháo gỡ những bất cập về tổ chức cơ sở, tạo nền tảng phát huy năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.