Hình thành và phát triển

23/03/2020 13:57
1869

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỜI KỲ ĐẦU

Năm 1982, bảy năm sau mùa xuân lịch sử 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng vào một ngày đầu xuân, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thuận Hải (sau này là Bình Thuận, Ninh Thuận) đã ra đời.

Nhưng để có được sự ra đời của Hội Văn nghệ Bình Thuận năm 1982 thì phải nhớ tới một thời phôi thai của nó hơn 30 năm về trước. Đó là Phân hội Văn nghệ Bình Thuận thuộc chi hội Văn nghệ Liên khu 5 được thành lập đầu năm 1951, thời kháng chiến chống thực dân Pháp với chín thành viên. Trưởng ban Nguyễn Sơn, phó ban Tuấn Sơn (Huyền Kiều), Ủy viên thường trực Nguyễn Khánh. Các ủy viên có Trương Đình Nga, Lê Vũ, Hồ Hữu Tình, Thân Trọng Duyệt, Nguyễn Phúc Dương và Phạm Ngọc Uyển. Ban vận động thành lập Phân hội Bình Thuận tồn tại và hoạt động cho đến khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc. Trong số 9 thành viên kể trên, có người đã đeo đuổi con đường hoạt động văn hóa văn nghệ lâu dài như Nguyễn Khánh (Khánh Cao, Khánh Sao Vàng), Tuấn Sơn (Huyền Kiều); cùng với những gương mặt khác như Minh Quốc, Dương Minh Đẩu, Vương Gia Khương, Huy Sô… tạo thành một lực lượng văn nghệ sỹ tiêu biểu của Bình Thuận lúc bấy giờ.

   Trong giai đoạn này phong trào văn nghệ quần chúng phát triển khá sôi nổi phần nhiều do các chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhà làm nòng cốt. 

   Năm 1946 Đoàn Văn công Sao Vàng được thành lập với 24 cán bộ diễn viên, biểu diễn nhiều vở kịch ngắn: Cơn bão, Lòng mẹ, Kho vũ khí… phục vụ kháng chiến.

   Năm 1948 các tiểu đoàn 86, 89 của Ninh - Bình Thuận đã thành lập Đoàn thanh niên tuyên truyền Phù Đổng và Đoàn thanh niên tuyên truyền Ánh Sáng gồm hàng chục diễn viên đi biểu diễn phục vụ kịp thời hiệu quả trong kháng chiến.

   Một số sáng tác tiêu biểu của Minh Quốc, Vương Gia Khương, Vị Bình, Huy Sô… đã ra đời trong giai đoạn này như ca khúc Đồng chí, Thi đua ái quốc, Trung đoàn 812 quân hành khúc, Mãi như mùa thu… Về văn học có Tô Vân, Phan Hồng Nguyên. Về hội họa có Trương Công Nghĩa (“Cá mòi”).

   Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) bên cạnh một số đoàn văn công chuyên nghiệp như Đoàn văn công Thống Nhất, Đoàn văn công Bác Ái… có nhiều đội văn nghệ nghiệp dư ở các xã giải phóng. Ngoài ra còn có các đội điện ảnh (quay phim và chiếu bóng) luôn luôn bám sát chiến trường phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

   Chiến trường khu VI, cực Nam còn là nơi thử thách, trưởng thành của nhiều nhà văn như Nam Hà, Phan Minh Đạo, Nguyên Nam… các tác phẩm Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà, Tấm ảnh và Ống muối Cụ Hồ của Phan Minh Đạo, Du kích vùng ven của Nguyên Nam… đã ra đời ở đây. Về hội họa, có các họa sĩ Quang Lộc, Hồng Châu, Vũ Long vừa trình bày cho các tờ báo vừa sáng tác, chủ yếu là ký họa… Tại chiến trường này chúng ta đã mất đi những văn nghệ sĩ, chiến sĩ ưu tú như:  Bố Xuân Hội, Lê Duy Hiến (nhà văn Yên Hy Ba), Trương Công Nghĩa (họa sĩ Cá Mòi), Nguyễn Nghiệp… chỉ riêng Đoàn văn công Sao Vàng đã có hơn 10 người hy sinh trong một trận địch tập kích vào bưng Cò Ke (Hàm Thuận Nam) hồi cuối năm 1964.

   Rõ ràng, cái giá cho sự ra đời của một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, như Hội VHNT Bình Thuận được đổi bằng máu xương của không ít người đi trước.

   Sau năm 1975 những yếu tố cần và đủ cho việc thành lập Hội đã xuất hiện. Về lực lượng văn nghệ sỹ ở Bình Thuận khá đông đảo. Họ là những chiến sỹ văn hóa từ chiến khu ra như Hồ Phú Diên, Phan Minh Đạo, Nguyên Nam… Từ miền Bắc trở về như Huy Sô, Bảy Trà, Phạm Xuân Thông, Ngô Quang Thắng… Họ là những nghệ sỹ từ hai đoàn văn công như Nguyễn Tường Nhẫn, Lệ Thi, Đinh Thái Sơn, Đặng Hùng, Hải Liên … Họ còn là những văn nghệ sĩ hoạt động tại chỗ bao gồm các tác giả đã có quá trình sáng tác trước năm 1975 và lực lượng trưởng thành sau ngày thống nhất đất nước. Tất cả cần được tập hợp lại dưới mái nhà chung là Hội Văn học nghệ thuật.

   Ngày 11 tháng 3 năm 1982, Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thuận Hải ra đời. Thành viên của Ban vận động là 7 văn nghệ sỹ tiêu biểu. Trưởng ban – Ông Hồ Phú Diên – Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh. Phó ban – Ông Nguyễn Tường Nhẫn – Kịch tác gia. Ủy viên thường trực – Ông Phạm Xuân Thông – Cán bộ nghiên cứu Văn học dân gian. Các ủy viên gồm nhà thơ Phan Minh Đạo – Trưởng ty Văn hóa và Thông tin, Nhà văn Nguyên Nam – Tổng biên tập Báo Thuận Hải, nhạc sĩ Huy Sô – Phó trưởng Ty Văn hóa và Thông tin, họa sĩ Nguyễn Trung Bảy – Cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

   Hội có trụ sở tại số 6 Nguyễn Tri Phương, Phan Thiết – ngoài hai đồng chí trong Ban vận động thành lập Hội là Nguyễn Tường Nhẫn và Phạm Xuân Thông, còn có một bộ máy giúp việc gồm Đỗ Kim Ngư, Trần Duy Lý, Mai Sơn từ Văn hóa thông tin sang, Minh Quang từ Ty Giáo dục và Võ Hoàng Minh từ Công ty Cầu đường.

   Nhiệm vụ hàng đầu của Hội lúc bấy giờ là tập hợp, đoàn kết lực lượng.

   Tháng 7 năm 1983, kết nạp hội viên lớp đầu tiên của Hội VHNT Thuận Hải (Tại hội trường Tuyên Quang, cạnh tháp nước Phan Thiết bây giờ). Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hiền và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Trác được bầu là hội viên danh dự, có 56 hội viên được ghi tên.

   Những bước đi ban đầu của Hội mặc dù được sự quan tâm của cấp lãnh đạo Tỉnh, sự giúp đỡ của nhiều cơ quan ban ngành địa phương nhưng vẫn đầy những khó khăn trở ngại.

   Hội ra đời, được cấp trụ sở, cho biên chế nhưng để hoạt động thì gần như chỉ có hai bàn tay trắng. Nhiều lúc, Hội phải phối hợp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh để có đất cho anh em sáng tác. Nhiều chuyến đi thực tế đã được tổ chức, như xuống HTX Mê Pu, tới Tánh Linh, về trại cải tạo Z30D, ra Ninh Sơn, Bác Ái. Rồi viết cho các ngành như Ngân hàng, Nông nghiệp, Thủy sản…

  

CÁC NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI - XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

   Chặng đường 40 năm thành lập và hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận (11.3.1982 - 11.3.2022) đã lần lượt trải qua hơn 40 năm với giai đoạn Ban vận động làm nền tảng hình thành tổ chức điều hành, phát triển hội viên và định hướng, tôn chỉ mục đích trên cơ sở Điều lệ của Hội là “một tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp”. Tiếp đó, với 5 nhiệm kỳ Đại hội tập trung cho công tác xây dựng và phát triển của Hội. Mỗi một nhiệm kỳ Đại hội là dấu ấn thành tựu kể cả những thách thức, khó khăn trong hoạt động sáng tạo, góp phần phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa và đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng bộ, Chính quyền và văn nghệ sĩ địa phương.

   Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thuận Hải lần thứ I (nhiệm kỳ 1986- 1993), tổ chức vào 2 ngày 29 và 30/7/1986, với gần 100 hội viên tham dự. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 15 thành viên. Ban thường trực Hội: Chủ tịch - Nhà viết kịch Nguyễn Tường Nhẫn, Phó chủ tịch – Nhạc sĩ Huy Sô (Huỳnh Sanh Châu).

   Đại hội vinh dự được đồng chí Trần Đệ - Phó Bí thư Tỉnh ủy tới dự và có bài phát biểu với Đại hội.

   Sau hơn 4 năm hoạt động xây dựng tổ chức và phát triển phong trào văn nghệ tỉnh nhà, về lực lượng đội ngũ, chất lượng phong trào đã có những điều kiện cho phép tiến hành Đại hội thành lập; Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị tại Thông báo số 17 –TB/TV ngày 07/7/1986 về việc cho Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thuận Hải tổ chức Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Thuận Hải.

   Hoạt động văn học nghệ thuật trong những năm đầu chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa còn lúng túng chưa chuyển biến và đáp ứng được với sự đổi mới, phát triển của đất nước. Trước thực trạng đó, Ban Bí thư Trung ương đã có ý kiến qua Thông báo số 26/TB-TW ngày 16/9/1992 xác định rõ: Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa, gắn bó với đời sống nhân dân và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo; đồng thời đã hỗ trợ kinh phí hoạt động, định biên chế cho các Hội.

   Nhiệm kỳ Đại hội với nội dung bám sát yêu cầu định hướng của Trung ương và sự chỉ đạo của Tỉnh để có những giải pháp, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Tất yếu trong hoàn cảnh chung lúc bấy giờ, Hội ở buổi khởi đầu gặp không ít khó khăn và đặc biệt về kinh phí đầu tư, hoạt động sáng tạo.

   Tuy vậy, qua nhiệm kỳ đầu tiên này, Hội đã phát triển và tập hợp được lực lượng hội viên, đảm bảo về quan điểm chính trị, chuyên môn. Xây dựng tạp chí - là diễn đàn, là bản sắc văn hóa văn nghệ của địa phương, với tên gọi Tạp chí Văn nghệ Thuận Hải, Văn nghệ Biển Xanh. Đồng thời khơi dậy được sự đam mê của văn nghệ sĩ, hòa mình với phong trào quần chúng, để có nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật…

   Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ II (nhiệm kỳ 1993-1998), tổ chức vào 2 ngày 20 và 21/2/1993. Số lượng hội viên: 85 người (sau khi tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận năm 1992). Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 thành viên. Ban Thường trực Hội: Chủ tịch- Nhà thơ Phan Minh Đạo, 2 Phó chủ tịch – Nhà văn Đỗ Kim Ngư và Nhà thơ Lê Xuân, Ủy viên thư ký – Nhà văn Mai Sơn.

   Tháng 8/1996, nhà văn Đỗ Kim Ngư được bầu làm Chủ tịch Hội thay nhà thơ Phan Minh Đạo nghỉ hưu. Nghệ sĩ Thái Phụ được bầu bổ sung Phó chủ tịch.

   Một sự kiện hết sức quan trọng mang tầm chiến lược là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã có sự tác động tới sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Nghị quyết đã xác định Hội Liên hiệp Trung ương và các Hội thành viên là “Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp” được Nhà nước tài trợ kinh phí hoạt động.       Ở Bình Thuận, sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về văn hóa văn nghệ là Nghị quyết 03 của Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch 905 của UBND tỉnh. Dưới ánh sáng của Nghị quyết này, Hội Văn học nghệ thuật đã tích cực tham mưu với Tỉnh có những quyết định quan trọng như thành lập Giải thưởng văn nghệ Dục Thanh, Ban hành chính sách tài trợ sáng tác VHNT, Cấp phép xuất bản tạp chí Văn nghệ Bình Thuận xuất bản hàng tháng. Đặc biệt ngày 19/4/1997 nhân dịp kỷ niệm 22 năm giải phóng Bình Thuận, Hội đã tổ chức trao Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh lần thứ nhất, giải được xét trao cho các tác phẩm xuất sắc đã công bố trong 3 năm 1992, 1993, 1994. Tổ chức các cuộc thi, các cuộc triển lãm tham gia với các hoạt động văn hóa văn nghệ, các sự kiện lịch sử, chính trị của tỉnh. Vai trò Hội trong thời kỳ tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng đã thật sự tạo được sự quan tâm của các ngành, đoàn thể và nhân dân. Từng bước hoạt động của Hội đã định hình một cách khá bài bản, trở thành điểm sáng của khu vực. Bên cạnh 5 phân hội chuyên ngành gồm các hội viên cùng hoạt động một lĩnh vực, còn có các Chi hội văn nghệ huyện, thị xã được thành lập từ các năm 1994 - 1999, gồm có: Hàm Tân, Đức Linh, Bắc Bình, Phan Thiết và Tuy Phong. Tính chuyên nghiệp trong sáng tạo, nhận thức về đường lối văn nghệ cách mạng của Đảng của hội viên được nâng lên. Hoạt động văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh được đánh giá vào loại khá trong các tỉnh miền Đông Nam bộ.

   Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ III (nhiệm kỳ 1998-2003), tổ chức vào 2 ngày 9 và 10/9/1998. Số lượng hội viên: 115 người (đến cuối năm 2001 tăng lên 150 người). Ban Chấp hành: 11 thành viên, Ban thường trực: Chủ tịch – Nhà văn Đỗ Kim Ngư, Phó chủ tịch – Nghệ sĩ Thái Phụ.

   Đồng chí Đinh Trung- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và nhà thơ Nông Quốc Chấn – Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã đến tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội.

   Chương trình hành động số 20-NQ/TV của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong đó nhiệm vụ hàng đầu của văn học nghệ thuật là tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng thời định hướng về chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên các tầng lớp xã hội, các tổ chức xã hội để thực hiện. Trong đó với sự chỉ đạo và đầu tư của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã làm chỗ dựa cho Hội thêm sức năng động và động viên hội viên các chuyên ngành phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, quê hương và có nhiều tác phẩm sáng tạo, có tư tưởng nội dung lành mạnh. Kết quả qua một nhiệm kỳ đã ghi nhận nhiều tác phẩm, có chất lượng nghệ thuật, sát với yêu cầu phát triển của địa phương.

   Thành tích tiêu biểu của nhiệm kỳ III: Tổ chức được các trại sáng tác, các cuộc thi, triển lãm nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Tổ chức trao Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh lần thứ 2 (2000). Một số chuyên ngành có sự phát triển đặc biệt như mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tiếp tục duy trì xuất bản tạp chí Văn nghệ Bình Thuận định kỳ, và không ngừng cải tiến, nâng cao hơn về chất lượng nội dung, nghệ thuật. Thực hiện mục tiêu Phát triển Quỹ tài trợ sáng tác và từng bước xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan Văn phòng Hội.

   Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ IV (nhiệm kỳ 2003-2008), tổ chức vào 2 ngày 25 và 26/12/2003. Số lượng hội viên có 164 người trong đó có 34 hội viên hội chuyên ngành Trung ương. Ban chấp hành có 15 thành viên. Ban thường trực gồm có: Chủ tịch - nhà văn Đỗ Kim Ngư. Các Phó chủ tịch: nhà văn Ngô Đình Miên, nhà văn Nguyễn Văn Hóa và Ủy viên thư ký họa sĩ Nguyễn Đức Hòa.     

   Đồng chí Huỳnh Văn Tí – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội.

   Hội không ngừng kiện toàn tổ chức, tập hợp, đoàn kết văn nghệ sĩ trong tỉnh, sáng tạo được nhiều tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần làm giàu đời sống tinh thần của tỉnh. Sự ra đời của Nghị quyết 23/NQ-TW (2008) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Chương trình hành động số 21/ NQ-TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về quyết tâm xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa văn nghệ địa phương. Một số cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật được triển khai, với việc hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2005 -2010 đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường. Trong đó đã chỉ ra trách nhiệm của văn nghệ sĩ bằng tác phẩm, sáng tạo là phải thể hiện tinh thần đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và lạc hậu…

   Hội được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và nhiều hội viên, cán bộ được UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

   Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ V (nhiệm kỳ 2010-2018), tổ chức vào 2 ngày 15 và 16/7/2010. Số lượng hội viên có 207 người, trong đó có 46 hội viên các chuyên ngành Trung ương. Ban chấp hành có 11 thành viên. Ban Thường trực gồm có: Chủ tịch nhà văn Nguyễn Chí Khanh, các Phó chủ tịch họa sĩ Nguyễn Đức Hòa và nhà văn Nguyễn Văn Hóa kiêm Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ Bình Thuận.

   Đồng chí Hồ Dũng Nhật – Phó chủ tịch UBND tỉnh tới dự và phát biểu với Đại hội.

   Sự ra đời của Nghị quyết 23/NQ-TW (2008) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã mở ra một cơ hội mới cho lực lượng văn nghệ sĩ phát huy năng lực, trách nhiệm bằng tác phẩm, sáng tạo nghệ thuật. Tại Tỉnh cũng có các Nghị quyết, kế hoạch để thúc đẩy các ngành có sự phối hợp, quan tâm đầu tư. Hội tiếp tục được duy trì; củng cố tổ chức các Phân hội, Chi hội và chú trọng phát triển hội viên. Có sự thuận lợi lớn trong nhiệm kỳ là Hội nhận được sự đầu tư của Tỉnh và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Trung ương về hoạt động sáng tác, hỗ trợ xuất bản… và đạt được nhiều kết quả tác phẩm nghệ thuật cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên phải nghiêm khắc thừa nhận, Hội đã để xảy ra một số mặt hạn chế, thiếu sót dẫn đến sai phạm trong công tác quản lý kinh tế. Một số người bị xử lý kỷ luật.

   Đầu tháng 3 năm 2016 có sự biến động về tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định để Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Chí Khanh thôi giữ chức vụ Chủ tịch. Thời gian từ tháng 3/2016 đến tháng 7/2018, Ban Thường trực Hội chỉ còn họa sĩ Nguyễn Đức Hòa - Phó chủ tịch  (nhà văn Nguyễn Văn Hóa – Phó chủ tịch đã nghỉ hưu từ tháng 6/2013) và Tỉnh đã phân công họa sĩ Nguyễn Đức Hòa - Phó chủ tịch Hội chịu trách nhiệm lãnh đạo hoạt động của Hội đến khi Đại hội nhiệm kỳ mới. Đồng thời triển khai một số công việc của Hội lúc này có tính cấp bách, ổn định về công tác tổ chức, quản lý, điều hành để sớm hoàn thành, tiến tới tổ chức Đại hội lần thứ VI (2018 - 2023).

   Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ VI (nhiệm kỳ 2018 - 2023) được tiến hành, tổ chức vào 2 ngày 23 và 24/8/2018. Số lượng hội viên 224 người, trong đó có 49 hội viên chuyên ngành Trung ương. Ban Chấp hành có 16 người. Ban Thường trực có 2 thành viên: Phó Chủ tịch phụ trách – Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa và Phó Chủ tịch – Nhạc sĩ Đặng Lê Thế Phi. Sau đó, ngày 13-8-2020, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 1940/ QĐ-UBND phê chuẩn chức vụ Chủ tịch Hội, nhiệm kỳ VI (2018 - 2023) đối với ông Nguyễn Đức Hòa.

   Đại hội VI Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã được Phó Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội và đã tặng bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIII) cho Đại hội với dòng chữ “Đoàn kết – Sáng tạo – Nhân văn – Phát triển”.

   Tại Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, tiếp tục phát huy sự đoàn kết - dân chủ - đổi mới và sáng tạo. Đại hội đã đề ra những mục tiêu từ tinh thần Nghị quyết 33 của BCH/ Trung ương Đảng, khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Định hướng “phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người, vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng yêu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân”. 

 

MÁI NHÀ CHUNG CỦA ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ TỈNH NHÀ

   Hoạt động Văn học nghệ thuật của tỉnh Bình Thuận trong 40 năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung tư tưởng tốt, giá trị nghệ thuật cao đã được sự đón nhận của công chúng trong và ngoài tỉnh. Những kết quả đáng tự hào đó có sự đóng góp rất lớn công sức, trí tuệ và tâm huyết của các thế hệ đội ngũ hội viên, cán bộ Hội Văn học nghệ thuật địa phương.

   Nhiều tác phẩm của hội viên và Tuyển tập văn nghệ của Chi hội được xuất bản và đã đạt giải thưởng Trung ương nhất là lĩnh vực văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh. Tiếp tục thực hiện phương châm hoạt động của Hội là “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; đặc biệt có chất lượng và hiệu quả sáng tạo”. Một trong những lợi thế để có được những kết quả sáng tạo nghệ thuật, những ấn phẩm văn học của hội viên, của các Phân hội chuyên ngành, Chi hội huyện, thị xã, thành phố là nhờ có nhận thức, vận dụng được quan điểm của Đảng về xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật, coi đây là một nhu cầu tất yếu và khách quan trong quy luật, phát triển của đất nước…

   Nhìn lại các Nhiệm kỳ đã qua và nhất là từ sau Đại hội lần thứ VI, Ban Thường trực Hội đã được kiện toàn, khắc phục những tồn tại, thiếu sót và phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết của Ban chấp hành và hội viên, tập trung cho yêu cầu phát triển của Hội. Ngay đầu nhiệm kỳ VI, Chi bộ cơ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thành lập tại Quyết định số 1924 QĐ/ĐUK, ngày 26/9/2018; chỉ định đồng chí Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch Hội giữ chức Bí thư Chi bộ cơ sở Hội, nhiệm kỳ 2018-2020. Chi bộ đã tổ chức thành công Đại hội Chi bộ Hội Văn học nghệ thuật lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025 và đã được Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh chuẩn y đồng chí Nguyễn Đức Hòa (Chủ tịch Hội) giữ chức Bí thư Chi bộ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khóa I, nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện nay, Chi bộ có 6 đảng viên (5 chính thức, 1 dự bị), là Chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của cơ quan Văn phòng Hội. Với số lượng biên chế gọn nhẹ, hiện nay là 9 người (5 biên chế, 4 hợp đồng), hầu hết phải kiêm nhiệm nhiều chức năng, vừa công tác Văn phòng vừa công tác Tạp chí. Tuy số lượng cán bộ công tác ở Hội ít, nhưng hàng năm vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

   Cán bộ Hội Văn học nghệ thuật và hội viên có mối quan hệ, hợp tác mật thiết và tác động hài hòa. Chính vì thế Ban thường trực và cơ quan Văn phòng hội không ngừng kiện toàn tổ chức theo hướng: phát huy vai trò nòng cốt của Ban chấp hành và các Phân hội, Chi hội. Hiện nay, tổ chức Hội có 242 hội viên, thuộc 6 phân hội chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu và Múa. Trong đó có 60 người là hội viên thuộc các chuyên ngành Trung ương. Trong 6 chuyên ngành nói trên có 4 chuyên ngành Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc và Múa đã thành lập được Chi hội Trung ương tại Bình Thuận. Bên cạnh 6 phân hội chuyên ngành hoạt động, Hội cũng thành lập 8 Chi hội Văn học nghệ thuật huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, Bình Thuận đã có 5 nghệ sĩ Nhiếp ảnh được phong tước hiệu A.FIAP, 8 nghệ sĩ được phong tước hiệu E.FIAP của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới; có 3 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; có 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú; hơn 100 Văn nghệ sĩ và nhà quản lý tiêu biểu được UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT VN trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam”. Đặc biệt, từ năm 2004 trở lại đây, bằng nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phân bổ, Hội đã xét hỗ trợ cho hội viên xuất bản hơn 80 đầu sách văn học, hỗ trợ cho 6 Chi hội huyện, thị xã, thành phố xuất bản tuyển tập Văn nghệ địa phương, hỗ trợ sáng tác cho hàng trăm lượt hội viên các chuyên ngành. Có những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật đã xuất bản: Tuyển tập “20 năm Văn học Bình Thuận 1982-2002”, tập sách “Ảnh nghệ thuật Bình Thuận 1982-2000”, “Mỹ thuật Bình Thuận” (xuất bản 2005), 2 tuyển tập “Văn, Thơ Bình Thuận sau 1975” (xuất bản năm 2008), tuyển tập ca khúc “Quê hương trong tôi” (xuất bản năm 2008), tập sách “Bác Hồ với quê hương Bình Thuận” (xuất bản 2009), tập sách “Ảnh nghệ thuật Bình Thuận 2010-2015”, “Mỹ thuật Bình Thuận 2010-2015” (xuất bản năm 2016), 2 tuyển tập “Văn, Thơ Bình Thuận 2010-2015” (xuất bản năm 2016), đĩa CD ca khúc “Bình Thuận trong tôi” (xuất bản năm 2017), tập “Kịch ngắn sân khấu Bình Thuận” (xuất bản 2018), tập sách “Văn học kháng chiến Bình Thuận” (xuất bản 2020).

   Qua nhiều năm hoạt động, trải qua 6 nhiệm kỳ Đại hội, Hội đã có một số kinh nghiệm trong công tác vận động, tổ chức các hoạt động sáng tạo, đầu tư sáng tác. Hội đã tận dụng các nguồn tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế các cơ sở vùng nông thôn mới, vùng núi, vùng xa, biển đảo để thật sự cảm nhận, trải nghiệm đầy đủ, sâu sắc hơn về hiện thực cuộc sống xã hội địa phương. Mở được nhiều trại sáng tác, nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hoàn thành tác phẩm. Thời gian gần đây, hàng năm Hội đều mở trại sáng tác, tổ chức đi thực tế. Đặc biệt có những chuyến đi về chiến trường xưa, về tuyến đầu Tổ quốc ở 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Cao Bằng vào đầu tháng 10 năm 2019... Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác, hội thảo, tọa đàm… Nhiều tác phẩm văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian đã được ra đời khá sinh động, nhất là vào dịp những ngày lễ lớn của đất nước. Hội đã tạo mở những không gian sáng tạo, khơi dậy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ.

   Giải thưởng văn học nghệ thuật Dục Thanh tỉnh Bình Thuận được UBND tỉnh Bình Thuận thành lập ngày 3/12/1993 nhằm ghi nhận và tôn vinh các tác phẩm Văn học, Nghệ thuật xuất sắc, qua đó khích lệ văn nghệ sĩ sáng tạo tốt hơn, nhất là về quê hương, con người Bình Thuận. Đây là giải thưởng mang tính tổng kết, được văn nghệ sĩ tỉnh nhà rất hoan nghênh. Từ lần trao giải đầu tiên 19/4/1997 đến nay đã tổ chức 5 lần, kết quả có 95 tác phẩm xuất sắc của 74 tác giả được trao giải.

   Cùng với sự phát triển của Hội, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận đã có những bước cải tiến đáng kể, cả về nội dung và hình thức thể hiện. Là diễn đàn văn nghệ chính của lực lượng văn nghệ sĩ địa phương, cũng là nơi để các tác giả (bao gồm hội viên và cộng tác viên của Hội) có dịp giới thiệu sáng tác mới đến với công chúng. Ở góc độ bồi dưỡng và đào tạo, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận còn là nơi đỡ đầu, phát hiện, giới thiệu những năng khiếu mới, tài năng mới, đặc biệt trong giới trẻ và các đối tượng sáng tác có nét đặc thù… Công tác phát hiện bồi dưỡng tài năng văn học trẻ trong học đường thời gian gần đây được Hội chú trọng, đã tổ chức 4 trại sáng tác văn thơ tuổi học trò, đây là đội ngũ kế cận là nguồn bổ sung tiềm năng của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

   Tuy chưa có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, chưa có gương mặt nào trở thành hiện tượng, tạo được dư luận rộng rãi, nhưng với sự phong phú, đa dạng của nhiều sáng tác văn học nghệ thuật đã được công bố, xuất bản, biểu diễn, triển lãm trong thời gian qua đã giới thiệu với công chúng và được bạn bè văn nghệ cả nước biết đến. Xu hướng vươn lên chuyên nghiệp khá mạnh, đã rút ngắn dần khoảng cách giữa địa phương và Trung ương. Nhờ sự nỗ lực, cố gắng ấy nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ đạt chất lượng cao vượt ra ngoài địa phương đã được đánh giá qua các giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng của các Hội chuyên ngành. Nhiều văn nghệ sĩ trẻ được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương.

***

   Qua 40 năm hoạt động xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Từ chỗ bước đầu chỉ có vài nhóm văn nghệ sĩ yêu nước, hoạt động cách mạng, đến nay đã có 242 hội viên đang hoạt động ở các Phân hội chuyên ngành và địa phương.

   Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận, với vai trò là mái nhà chung của đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh với nhiều tác phẩm có giá trị, nghệ thuật cao được xuất bản, công bố, giới thiệu đến công chúng. Sự cống hiến của văn nghệ sĩ đã góp phần to lớn vào việc xây dựng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tin tưởng vào thành tựu đổi mới, giữ gìn các giá trị văn hóa, hướng thiện, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, văn nghệ, cổ vũ nồng nhiệt cho sự phát triển của quê hương tỉnh nhà.

 

ĐỖ KIM NGƯ – NGUYỄN ĐỨC HÒA

 


* Một số hình ảnh hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận qua các thời kỳ