Sa Lôn - Khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

23/11/2020 00:00
2948

HÀ NGÂN


Trên đường khảo sát căn cứ Sa Lôn.

Vài nét về vùng đất

   Sa Lôn là vùng rừng núi thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Sa Lôn được gọi theo phiên âm chữ Quốc ngữ, còn người Pháp phiên âm sang chữ La - tinh là Saloun. Về ý nghĩa tên gọi, các già làng K’Ho ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc giải thích: Sa Lôn nghĩa là “dòng nước Mẹ”, “dòng suối uốn lượn như rồng...”. 

   Về lịch sử hành chính vùng đất này từ 1930 đến 1945, Sa Lôn thuộc tổng K’Giòn (xã Đông Giang, Đông Tiến hiện nay), huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Sau năm 1945, tổng K’Giòn đổi tên thành xã Nam Xăng. Năm 1965, tách xã Nam Xăng thành 2 xã: Nam Xăng và Nam Giang; buôn Sa Lôn thuộc xã Nam Giang. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, nhập 2 xã Nam Xăng và Nam Giang thành xã Đông Giang. Đến năm 1983, chia Đông Giang thành 2 xã: Đông Giang và Đông Tiến ngày nay.

   Về vị trí địa lý, vùng rừng núi Sa Lôn trải rộng khoảng 10 km2, phía Đông giáp với xã Hàm Phú, phía Tây giáp xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), phía Nam giáp xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và phía Bắc giáp với xã Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Nơi đây có địa hình phức tạp, phần lớn là những dãy rừng núi nối tiếp nhau kéo dài, được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh dày đặc. Chính điều kiện về địa hình đã trở thành nơi để Tỉnh ủy Bình Thuận và các lực lượng vũ trang đứng chân, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng; đồng thời, đảm bảo bí mật và tránh bị địch phát hiện, đánh phá và tập kích.

   Về dân cư, đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào K’Ho. Trong kháng chiến chống Mỹ, có khoảng 2.500 đồng bào K’Ho cư trú tại vùng rừng núi Sa Lôn. Đồng bào K’Ho chung tay bảo vệ buôn làng; góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm, nhân lực cho hoạt động của căn cứ cách mạng; góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động vùng căn cứ. 

Căn cứ Sa Lôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

   Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do chiến tranh ác liệt, để đảm bảo an toàn, bí mật nên Tỉnh ủy Bình Thuận phải di dời và đứng chân tại nhiều địa điểm ở vùng rừng núi trong tỉnh như: căn cứ núi Ông (nay thuộc huyện Tánh Linh), căn cứ Sa lôn (nay thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc), căn cứ Km 36, Quốc lộ 28 (nay thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc)…Trong 03 căn cứ trên thì Sa Lôn được coi là địa điểm Cơ quan Tỉnh ủy đứng chân ở nhiều khoảng thời gian khác nhau; ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ tính chất ác liệt, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Thuận. Khu vực này, Tỉnh ủy đã đến đóng quân 3 lần hơn 8 năm với các mốc thời gian: tháng 12/1954 - 6/1957, giữa năm 1961 - tháng 12/1964, tháng 9/1968 - tháng 8/1970. 

   Trong kháng chiến chống Mỹ, tại Căn cứ Sa Lôn đã diễn ra nhiều sự kiện như: Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969); Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970)…Căn cứ Sa Lôn còn là nơi diễn ra một sự kiện quan trọng. Đó là ngày 09/9/1969, tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi qua đời. Tại buổi lễ, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lụa, bọc trong khung, đặt trên bàn thờ làm bằng cây lồ ô.  

   Ngoài những sự kiện diễn ra tại Sa Lôn, đây còn là nơi nhiều đơn vị, cơ quan, ban được thành lập, đứng chân và hoạt động như: Xưởng quân giới Cao Thắng, Trường Đảng Trần Phú, Ban An ninh, Ban Kinh tài và Ban Hậu cần, Ban Quân y, Ban Tuyên huấn, Ban Quân sự, Trạm F5 (cơ quan phát hành)…Đây là bộ máy hỗ trợ cho Tỉnh ủy Bình Thuận trong quá trình chỉ đạo kháng chiến. 

   Xưởng Quân giới tỉnh Bình Thuận (Quân giới Cao Thắng) được thành lập vào tháng 9/1961, phiên hiệu là 416. Xưởng Quân giới Cao Thắng lúc mới thành lập có 05 cán bộ gồm: Nguyễn Hồng - Phụ trách chung; Phan Ngọc Tự - Chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ, phụ trách hóa chất; Nguyễn Văn Phiên - cán bộ cơ khí sửa chữa; Tô Tấn Khanh và Nguyễn Việt Hữu - thợ mộc. Trang bị ban đầu của xưởng Quân giới gồm: kìm, búa tay, khung cưa, lưỡi cưa sắt, dũa, thước cặp, một số kíp điện và một ít thuốc nổ TNT. Nhiệm vụ chủ yếu là vừa sửa chữa vừa sưu tầm, mua sắm dụng cụ, nguyên vật liệu và sản xuất tự túc để bảo đảm đời sống. Đến tháng 10/1962, xưởng bắt đầu sản xuất thủ pháo, bộc phá và mìn để phục vụ các trận đánh của lực lượng vũ trang tỉnh. Bên cạnh nhiệm vụ sửa chữa vũ khí, xưởng Quân giới Cao Thắng còn sản xuất một khối lượng nông cụ như rựa, cuốc, xà beng, lưỡi cày để phục vụ cho việc tăng gia sản xuất tự túc của từng đơn vị. Ngoài ra, xưởng còn sưu tầm nguyên vật liệu để gò, hàn thùng gánh nước, thau chậu, muỗng, vá… phục vụ sinh hoạt đời sống của bộ đội và cơ quan. Đầu năm 1963, Quân Khu bổ sung một số cán bộ chuyên môn như hóa chất, cơ khí, đúc…được đào tạo cơ bản từ miền Bắc về xưởng và hình thành đầy đủ các bộ phận: hóa chất, cơ khí, sửa chữa và quản lý cơ quan. Từ đó trở về sau xưởng Quân giới Cao Thắng đi vào hoạt động nền nếp, trình độ chuyên môn kỹ thuật được nâng lên, phục vụ tốt cho lực lượng vũ trang đánh địch có hiệu quả.

   Năm 1962, Trường Đảng Trần Phú, tiền thân của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận được thành lập tại Căn cứ Sa Lôn, lấy tên là Trường Trần Phú, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc mới thành lập, bộ máy lãnh đạo của trường gồm 8 cán bộ: Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Văn Chương (ban lãnh đạo); Đỗ Hữu Nghị (văn thư đánh máy, y tá và quản trị); Nguyễn Thị Mãnh, Lê Thị Ba (cấp dưỡng); Lê Trường Ngọc (tư liệu, thư viện, chép tin chậm, dạy hát, nhận hàng phục vụ lớp học); Hoàng Bá Tánh (bảo vệ). Về giảng dạy, trường có 03 giảng viên thường trực: Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thành, Hồ Phú Diên (về trường năm 1964) và mời một số giảng viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy như: Lê Văn Hiền, Nguyễn Gia Tú, Lê Văn Triều. Cơ sở vật chất khi trường mới thành lập gồm nhà hiệu bộ, nhà bếp, hội trường và 3 cái kho (là những nhà sàn nhỏ) đựng muối, lương thực và tài liệu. Trường Trần Phú được xây dựng tại một địa điểm thuận lợi, kín đáo cạnh chân đồi thuộc Khu căn cứ Sa Lôn, ẩn mình trong tán rừng bằng lăng cao, rậm, xanh tươi. Bao quanh trường là một con suối ngoằn ngoèo, có nước trong núi chảy quanh năm. Lúc đầu mái lợp bằng tranh, lá lú, sau đó lợp bằng lá trung quân để chống cháy.   

   Nhà in Giải phóng Bình Thuận thời gian đầu kháng chiến chống Mỹ là bộ phận in ấn do đồng chí Lê Ngân phụ trách, chủ yếu in tài liệu bằng các hình thức như: đánh máy, in rô - nê - ô… phục vụ cơ quan lãnh đạo. Từ năm 1960 trở đi, vùng giải phóng được mở rộng, Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương xây dựng bộ phận in chữ chì (ti - pô). Năm 1962, bộ phận in với hai phương pháp in song hành: chữ chì và rô - nê - ô được mang tên Nhà in Giải phóng Bình Thuận. Chữ chì và mực in  mua ở vùng địch đưa vào, phương tiện dụng cụ tự chế tạo. Từ kỹ thuật in khuôn gỗ, ru lô lăn mực bằng cao su, cần ép tay, Nhà in Giải phóng đã tạo ra những sản phẩm đạt hình thức và chất lượng cao làm nhiều người liên tưởng vùng căn cứ có điện, máy móc in hiện đại. Từ năm 1954 đến 1965, Nhà in Giải phóng có một số cán bộ như: Phan Nga, Nguyễn Ngọc (1954), Nguyễn Bá Đa, Huỳnh Nhật Trí, Phan Huy Vĩ, Mai Hoàng Đại (1960), Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Cỏi, Nguyễn Văn Ngọc (1965)…

   Từ năm 1960 đến năm 1968, với hai công cụ in chữ chì và rô - nê - ô, Nhà in Giải phóng Bình Thuận đã cho ra đời một khối lượng lớn tài liệu tuyên truyền, nội dung phong phú, hình thức đẹp phục vụ đắc lực cho công tác tư tưởng của Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận. Năm 1964, Nhà in được biểu dương trong Đại hội chiến sỹ thi đua công nông Binh toàn tỉnh, được Ủy Ban mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương giải phóng hạng Ba. 

   Để đảm bảo an toàn, nhà in từ Sa Lôn chuyển về Gò Nổ, một khu rừng rậm ở La Ngà, rồi qua Núi Ông. Để việc tuyên truyền đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu, Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định cho xuất bản nội san mang tên Cờ giải phóng. Lúc đầu là cơ quan tuyên truyền văn nghệ, sau đổi thành tiếng nói của lực lượng yêu nước chống Mỹ ở Bình Thuận. Nội san mỗi tháng 1 kỳ, khổ in 15 x 20 cm, dày 24 - 36 trang, in 500 bản, bìa in 2 màu. Những ngày lễ lớn, nội san ra số đặc biệt đẹp và trang nhã. Năm 1966, nội san đổi tên thành Cờ giải phóng Bình Thuận. Nhà in giải phóng Bình Thuận, còn in các loại ấn phẩm văn nghệ, các tập thơ ca chiến đấu như: Chắc tay súng vững tay cày, Quê xưa hoa nở, Bài ca nhân nghĩa…

   Tháng 7/1962, Ban An ninh tỉnh được thành lập, thực hiện công tác bảo vệ nội bộ các cơ quan, đơn vị; bảo vệ hành lang, vùng căn cứ, giải phóng, phòng chống các hoạt động do thám, biệt kích, gián điệp của địch. Lúc mới thành lập, Ban An ninh được tổ chức thành hai bộ phận: trại giam và bảo vệ (gồm bảo vệ Tỉnh ủy và bảo vệ lực lượng vũ trang). Đến năm 1968, Ban An ninh tỉnh đã hình thành các bộ phận: Bảo vệ chính trị, Trại giam và Trinh sát vũ trang.  

   Ban Kinh tài và Ban Hậu cần được thành lập vào tháng 2/1961. Ban Kinh tài đáp ứng kinh tế hàng hóa, tiền vàng về Khu căn cứ nhằm đảm bảo kinh tế, tài chính kịp thời phục vụ nhu cầu chiến trường và vùng căn cứ. Ban Kinh tài vừa làm nhiệm vụ vận động sức đóng trong quần chúng nhân dân, vừa nghiên cứu đường lối biện pháp đảm bảo cung cấp vận chuyển tiền mặt về khu căn cứ và chống chính sách bao vây lũng đoạn kinh tế của địch. Ban Hậu cần bảo đảm cung cấp hậu cần cho lực lượng vũ trang và cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh. Ban Hậu cần có phiên hiệu 115, tổ chức thành 3 bộ phận: Văn phòng (gồm cả bộ phận máy may), sản xuất (chuyên phát dọn rẫy trỉa bắp, trồng mì), lương thực và vận tải.

   Năm 1962, Ban Quân y tỉnh được hình thành gồm các bộ phận: phẫu thuật, bệnh xá, dược và vệ sinh phòng dịch. Năm 1963, Ban Dân quân y tỉnh Bình Thuận được Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập với một số cán bộ được tăng cường từ miền Bắc vào và đào tạo tại chỗ. Khi thành lập, Ban Dân quân y tỉnh phân công nhiệm vụ như sau: bác sĩ Nguyễn Tuấn Hữu - phụ trách xây dựng và phát triển mạng lưới y tế; y sĩ Đặng Trung Cảnh - phụ trách huấn luyện, đào tạo; bác sĩ Nguyễn Quang Tùng - phụ trách điều trị. 

   Khoảng tháng 2/1962, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Bệnh xá X1, Trường y tá và đội phẫu được thành lập. Bệnh xá X1 có 12 người do y sĩ Đặng Trung Cảnh làm bệnh xá trưởng. Tháng 11/1962, Bệnh xá X1 chuyển vào rừng sâu, có cơ ngơi khá hơn nhờ các đơn vị vũ trang xây dựng và gọi là Đơn vị 414. Trang bị chuyên môn có được một bộ trung phẫu (viện trợ của Trung Quốc), một vài bộ tiểu phẫu, có khả năng tiếp nhận và giải quyết được 30 - 40 thương bệnh binh mỗi ngày. Khó khăn lớn nhất của Bệnh xá là vấn đề lương thực, thực phẩm để nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Cán bộ từ bệnh xá trưởng đến nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ đều phải đi tải gạo, lấy măng, hái rau rừng… để phục vụ thương, bệnh binh. 

   Tháng 3/1963, bác sĩ Hữu Chí từ Bắc vào làm Trưởng Ban Dân quân y tỉnh, bác sĩ Nguyễn Quang Tùng là phó ban - xây dựng đội phẫu và làm công tác điều trị. Đầu năm 1965, thực hiện chỉ đạo của Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp là Ban Dân y Khu VI, Ban Dân quân y tỉnh Bình Thuận chia tách thành hai: Dân y và Quân y. Sự phân chia này biểu hiện sự lớn mạnh và ngày càng phát triển về tổ chức. Tỉnh ủy Bình Thuận thành lập Ban Y tế để chỉ đạo chung, quản lý, điều hành hoạt động của Dân y và Quân y. Trưởng Ban Y tế gồm các đồng chí: Nguyễn Quý Đôn (từ năm 1965 đến 1968), Nguyễn Ninh (từ năm 1969 đến 1975). Hai phó Ban Y tế tỉnh là hai Trưởng Ban Dân y (bác sĩ Hữu Chí) và Quân y (bác sĩ Nguyễn Quang Tùng). Tuy có sự phân chia như vậy nhưng giữa Dân y và Quân y vẫn chỉ như một, khi chiến đấu thì cần y bác sĩ, y tá cứu thương đều có thể được huy động để đi phục vụ chiến trường trở thành người thầy thuốc quân đội; ngược lại, khi cần thì những người cán bộ quân y họ cũng là những cán bộ y tế của dân. 

   Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy do đồng chí Trần Lê - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, chưa hình thành tổ chức độc lập như trong kháng chiến chống Pháp. Từ tháng 6/1957 đến năm 1960 do đồng chí Hoàng Từ phụ trách. Phương thức hoạt động thời gian này là lãnh đạo tỉnh phổ biến cho lãnh đạo các huyện, thị; từ huyện, thị phổ biến cho cán bộ xã, phường; cán bộ xã, phường bí mật phổ biến cho cơ sở trong vùng địch kiểm soát. Đến tháng 8/1961, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ được tái lập với tên gọi Ban Tuyên - Văn - Giáo. Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Như Khuôn - Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Ban và kiêm phụ trách các Ban Binh vận, Dân vận. Đến năm 1962, đồng chí Trần Như Khuôn chuyển về khu VI, đồng chí Nguyễn Văn Tiềm - Tỉnh ủy viên làm Trưởng Ban. Cuối năm 1962, đồng chí Nguyễn Văn Tiềm ra miền Bắc chữa bệnh, đồng chí Hoàng Từ - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Tổ chức - Tuyên huấn. Các cơ quan trực thuộc Ban Tuyên - Văn - Giáo gồm có: trường Đảng tỉnh, Đoàn Văn công thống nhất và Nhà in Giải phóng.

   Ban Quân sự tỉnh, do Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định một số cán bộ quân sự thành lập vào tháng 3/1961. Đồng chí Phạm Hoài Chương làm Trưởng ban phụ trách chung và chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Đức - Ủy viên phụ trách tham mưu; đồng chí Nguyễn Hữu Ích - Ủy viên phụ trách hậu cần. Ban Quân sự tỉnh có phiên hiệu là 500, nhưng vẫn còn ở chung với Tỉnh ủy. Đến tháng 7/1961, đồng chí Lê Văn Hiền - Bí thư Tỉnh ủy kiêm chức Trưởng Ban Quân sự, đồng chí Phạm Hoài Chương làm Phó Ban phụ trách chính trị. Sau khi được củng cố kiện toàn, Ban Quân sự tỉnh tách khỏi Tỉnh ủy, thành cơ quan quân sự độc lập chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, mang mật danh Nam Anh, phiên hiệu 400.

   Tháng 3/1962, Ban Hậu cần trực thuộc Ban Quân sự tỉnh được thành lập gồm 43 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Thanh Đức làm Trưởng ban, Nguyễn Minh Quyết làm Phó ban. Cơ quan hậu cần mang phiên hiệu 403, mật danh là Nam Canh, được tổ chức thành các bộ phận: Quân lương (tiếp liệu, lương thực, thu mua, vận tải, kho, xay giã…), Quân trang, Sản xuất và Văn phòng. Lúc mới thành lập, Ban Hậu cần có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp cho lực lượng vũ trang và các đơn vị trực thuộc tỉnh; đồng thời phải đảm bảo cho khối Dân - Chính - Đảng đến cuối năm 1962 vì cơ sở vật chất của cơ quan cung cấp trước đây do hậu cần quản lý.

   Tháng 9/1964, tỉnh Bình Thuận tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua các lực lượng Quân - Dân - Chính - Đảng nhằm phát huy những gương chiến đấu dũng cảm, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, động viên kịp thời quân dân trong tỉnh hăng hái hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp tới. Đại hội tổ chức triển lãm một số thành tích nổi bật vừa qua. Ban Hậu cần được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Quân sự tỉnh đem đến triển lãm 4 mặt hàng phục vụ bộ đội đó là vỏ bình đựng nước, thắt lưng mang đạn, mũ tai bèo và xắc cốt đựng tài liệu của cán bộ được đánh giá cao. Từ đó, bộ phận may của Ban Hậu cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao như dùng 4 bao đựng bột mì (thu được trong trận đánh xe lửa) may quân trang phục áo sơ mi, quần âu xoay lưng bằng dây thun, có thể mặc trước sau đều được, vừa tiện lợi để đỡ rách một phía. Đó là những thành tích xuất sắc của Ban Hậu cần trong công tác phục vụ kháng chiến.  
   Cuối năm 1961, Tỉnh ủy Bình Thuận lập bộ phận Trung chuyển (trạm F5). Bộ phận Trung chuyển (F5) có nhiệm vụ nhận công văn, thư từ do giao liên từ tổng hành lang đưa vào để liên lạc của Văn phòng Tỉnh ủy nhận. Việc đưa đón khách cũng quy định, giao liên hành lang không trực tiếp vào Cơ quan Tỉnh ủy.

Những chuyến đi khảo sát  

   Tháng 8/2013, Ban Liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Ban Liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy) đề nghị Tỉnh ủy xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Km 36, Quốc lộ 28, thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc (Căn cứ Km 36, Quốc lộ 28). Từ năm 2014 đến năm 2016, tỉnh khảo sát địa điểm, triển khai các công việc nhằm chuẩn bị xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Km 36, Quốc lộ 28. Đến năm 2016, một số cán bộ hưu trí, kể cả một số cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ đề xuất nên chọn khu vực Căn cứ Sa Lôn, thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. 

   Từ cuối năm 2016 đến 2017, các cơ quan, ban ngành chuyên môn liên tục tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát tại khu rừng núi Sa Lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc để xác định vị trí, dấu vết của căn cứ.  

   Tháng 11/2016, chuyến khảo sát đầu tiên xung quanh hồ thủy lợi Sa Lôn, nằm về hướng đông đường ĐT 714 theo hướng Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) - Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). Kết quả chuyến khảo sát đã xác định gần 100 m hầm hào, dấu vết một số công trình...của Trường Đảng Trần Phú (Trường Chính trị tỉnh ngày nay).

   Tháng 2/2017, chuyến khảo sát thứ 2, nhờ sự giúp đỡ của một số đồng bào K’Ho, đã khảo sát phát hiện 2 địa điểm: nhà Tam Cấp và suối Chín Khúc. Theo đường ĐT 714 từ Đông Giang đi Mỹ Thạnh khoảng 11 km, rẽ trái theo hướng Đông đi thêm 1,1 km đường rừng thì đến địa điểm suối Chín Khúc. Từ chỗ rẽ vào suối Chín Khúc trên đường ĐT 714, theo hướng Đông Giang - Mỹ Thạnh thêm 0,5 km, rẽ phải hướng Tây 1,2 km đường rừng thì đến địa điểm nhà Tam Cấp. Ở suối Chín Khúc, trên diện tích khoảng gần 1000 m2, còn một số dấu vết của hầm, hào bên cạnh con suối có nước vào mùa mưa. Còn tại nhà Tam Cấp, dấu vết lưu lại còn một số hầm, hào phân bố trên ngọn đồi hơn 1000 m2. Dưới ngọn đồi khoảng 500 m là dấu vết bếp ăn trong kháng chiến có con suối nước chảy vào mùa mưa, cùng với cây cổ thụ và khoảng đất mọc nhiều cây lá lốt. 

   Tháng 4/2017, chuyến khảo sát thứ 3 và 4, mở rộng tại trường Đảng Trần Phú và một khúc sông Saloun, đoạn chảy qua cầu Saloun trên tuyến đường Đông Giang – Mỹ Thạnh. Kết quả chuyến khảo sát chưa phát hiện thêm địa điểm nào mới, nhưng cũng giúp đối chiếu lại trên bản đồ các điểm cần lưu ý.

   Tháng 5/2017, chuyến khảo sát thứ 5 và 6, tại thác Tam-pờ-la và suối Chín khúc (mở rộng). Kết quả, tại thác Tam-pờ-la xác định được địa điểm cơ quan điện đài (1963 - 1964) và tại suối Chín Khúc (mở rộng) phát hiện 2 hầm, nơi dẫn nước về bếp ăn Tỉnh ủy, 1 cái xoong.

   Tháng 6/2017, chuyến khảo sát thứ 7, tại suối Chín Khúc mở rộng (nơi từng khảo sát trước đây), đi ngược dòng suối khoảng 150 m thì phát hiện bếp ăn Tỉnh ủy. Tiếp tục đi ngược dòng suối khoảng 100 m thì gặp thác nước, là nơi đặt các ống tre men theo vách núi, dẫn nước về bếp ăn Tỉnh ủy. Từ bếp ăn Tỉnh ủy, rẽ phải hướng lên ngọn đồi khoảng 300 m, thì đến nơi đứng chân của Tỉnh ủy Bình Thuận những năm 1969 - 1970. Trên diện tích hơn 1000 m2, ngoài vết tích 2 hầm (đã được phát hiện các lần khảo sát trước), phát hiện thêm một số dấu vết hầm nằm rải rác trên đồi, mảnh vỏ thùng đạn đại liên rỉ sét. Thùng đại liên này dùng để đựng tài liệu của cơ quan Tỉnh ủy, được chôn dưới đất; năm 1982, một cán bộ đã quay lại đây lấy tài liệu mang về, vứt bỏ thùng đại liên. Qua trí nhớ, thảo luận của các nhân chứng tham gia khảo sát, đã thống nhất vị trí hầm của các lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận từ đầu năm 1969 đến cuối năm 1970. Ngoài ra, trên đỉnh đồi còn có một số vết tích hầm khác.

*

   Tháng 12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt và công nhận Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Với ý nghĩa lịch sử của căn cứ Sa Lôn, Tỉnh ủy đã có chủ trương phục dựng, tôn tạo, gìn giữ Khu di tích này. Qua đó, phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau, cũng là điểm du lịch, hành trình về nguồn trong tương lai không xa.