DU LỊCH HÀM THUẬN NAM:
CƠ HỘI ĐANG MỞ RA NGÀY MỘT NHIỀU

13/10/2022 22:03
655

HÀ THANH TÚ


Bãi đá tuyệt đẹp ở xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam). Ảnh: XH.

 

"N gành du lịch Hàm Thuận Nam đứng trước cơ hội phục hồi mạnh mẽ khi mà cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá được triển khai ráo riết”. Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Công ty lữ hành Sun Flower (Hoa Hướng Dương) thành phố Hồ Chí Minh, nói.

    Có khá nhiều kinh nghiệm về ngành du lịch, nhất là lữ hành, nhiều ngày qua, tôi cùng ông Nhân đi dọc một dãy bờ biển, tìm hiểu kỹ hơn ba xã: Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận thuộc Hàm Thuận Nam. Trên xe, ông nhắc lại sự thăng trầm của du lịch Hàm Thuận Nam. Năm 2000, là năm bùng nổ các dự án du lịch ven biển nhưng từ 2007 - 2010, du lịch Hàm Thuận Nam chững lại. Nguyên nhân, nhiều dự án bị ảnh hưởng bởi dự án Cảng nước sâu Kê Gà, phải đóng cửa hoặc ngừng xây dựng. Năm 2019, Hàm Thuận Nam có 78 dự án phát triển du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực. Đến tháng 7 năm này, toàn huyện thu hút trên 210.000 lượt khách tham quan - nghỉ dưỡng. Tổng doanh thu đạt 91 tỷ đồng. Ngoài dãy bờ biển thoai thoải, uốn lượn, ít sóng, Hàm Thuận Nam còn có một số điểm tham quan - du lịch khá tiếng tăm: Chùa núi Tà Cú, hải đăng Kê Gà, suối nước nóng Bưng Thị và các trang trại, nhà vườn thanh long mà kỹ thuật canh tác ở mức cao, có thể trình diễn trước khách tham quan. Tiềm năng dồi dào, nhưng du lịch Hàm Thuận Nam cần một cú hích để phát triển. Gần đây, ngoài việc kêu gọi đầu tư, Hàm Thuận Nam định hướng thể thao biển là một trong những thế mạnh của địa phương. Gắn kết phát triển các khu du lịch cao cấp với các điểm dân cư kết hợp dịch vụ du lịch. Theo đó, tại Hòn Lan (xã Tân Thành) phát triển các khu du lịch cao cấp 4 - 5 sao; khu vực hải đăng Kê Gà phát triển điểm dân cư kết hợp dịch vụ du lịch; dọc biển Thuận Quý phát triển các resort; khu vực Suối Nhum phát triển du lịch cộng đồng. Hàm Thuận Nam định hướng đến năm 2025, mời gọi đầu tư dự án khu Trung tâm Thương mại Tân Thành, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và người dân các xã ven biển. Nhờ vậy, mấy năm gần đây lượng dự án đầu tư tại Hàm Thuận Nam có tăng, trong đó có dự án quy mô vừa và lớn. Chẳng hạn, Tổ hợp du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay. Đây là Tổ hợp dạng “all – in – one” (tất cả trong một điểm đến) trên quy mô 90ha, gồm 12 phân khu chức năng, hơn 1.000 tiện ích đỉnh cao, bao gồm: vui chơi, giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng, thể thao biển… Hứa hẹn những năm tới doanh thu du lịch Hàm Thuận Nam tăng đáng kể.

   Cũng nhân chuyến đi, chúng tôi đến một nơi đang là công trường xây dựng hết sức nhộn nhịp, thôn Văn Kê. Đây là điểm mút đường 719B, từ Phan Thiết đến Hàm Thuận Nam dài 25km, nền đường rộng 28m, thi công gần năm nay. Tại đây, đường 719B giao với 719 (cũ) chạy dọc bờ biển lâu nay. Điểm giao của hai đường cách hải đăng Kê Gà nửa cây số và cách Hòn Lan non 2 cây số. Thời điểm này, dân sống hai bên đường vui vẻ dời hàng quán, công trình tạm vào bên trong để công nhân lát vỉa hè, đặt cống thoát nước. “Đường mở rộng, trước mắt, chúng tôi thiệt một ít đất nhưng giá đất sau đó sẽ tăng”, một người dân nhà bên đường đang lúc trồng mấy cây dừa chờ cơ hội mở quán giải khát, nói. Chia tay người này, chúng tôi ngược lên hướng Đông - Bắc, nơi đường 719B leo qua đỉnh ngọn đồi thấp. Trên đỉnh đồi, các loại xe công trình đang đổ xuống hàng tấn đá các loại, gia cố nền đường. Phóng tầm mắt ra xa hơn, đường chạy xuyên qua những vườn thanh long, những đồi cát chập chùng phía xa. Đường 719B, dự kiến hoàn thành tháng 1/2024, song nhà thầu cam kết rút ngắn thời gian 8 tháng. Đường 719B hiện thực hóa ý tưởng kết nối vùng biển phía Nam Phan Thiết với Hàm Thuận Nam; biến huyện này thành trung tâm du lịch quan trọng của tỉnh. Trước đây, khi đi lại đường ven biển 719, không ít du khách, các chủ dự án than phiền đường hẹp, xe khó tránh nhau khi có lượng lớn xe lưu thông. Đường 719B mở ra nhằm khắc phục điểm yếu này. UBND tỉnh Bình Thuận còn nghĩ xa hơn trong việc tạo thêm hệ thống đường kết nối. Đó là đường Hàm Kiệm - đi Tiến Thành dài gần 8 km, nền đường rộng 37m, sau này kết nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; kết nối với 719B, 719…Trong tương lai rất gần, còn là sự kết nối vùng giữa: Tp. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu- Đồng Nai - Bình Thuận. Khách nội địa, quốc tế có thể đến Phan Thiết, Hàm Thuận Nam bằng đường hàng không (sân bay Phan Thiết) hoặc đường cao tốc trong thời gian rất ngắn. Ngược lại, từ Phan Thiết đến sân bay Long Thành (Đồng Nai) trong vòng 2 tiếng.

   Chuyện giữa tôi và ông Nhân trở nên thú vị khi chúng tôi bắt gặp một số du khách thăm quan hải đăng Kê Gà, tò mò đi xem thi công đường 719B. Một du khách bộc lộ suy nghĩ: Trừ Tổ hợp du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay đang xây dựng, đa số dự án ở Hàm Thuận Nam là du lịch nghỉ dưỡng. Dễ thành đơn điệu, nếu du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi. Các dự án nên có sự phối hợp, tạo một số loại hình vui chơi giải trí, kết hợp tham quan suối nước nóng, vườn thanh long, vườn cây công nghệ cao, hải đăng Kê Gà…. Một khi các điểm du lịch tạo được ấn tượng tốt, thái độ phục vụ chu đáo, hình ảnh điểm đến quảng bá tốt, du lịch Hàm Thuận Nam sẽ mở ra trang mới tốt đẹp.