TÁC PHẨM DỰ THI "GIẢI CỜ ĐỎ" TỈNH BÌNH THUẬN 2023

HẠNH PHÚC CỦA MỘT GIÁM THỊ

21/08/2023 00:00
614

NGUYỄN HIỆP


Tôi đến thăm ông vào một trưa tháng bảy, sau mấy lần hẹn không thành. Nhà ông nép mình trong một nhánh đường nhỏ bên cầu Sông Dinh thuộc khu phố 2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân. Trong hình dung của tôi, Giám thị một trại giam lớn như Trại giam Thủ Đức (Cục C10, Bộ Công an) phải là một người to tê, ánh mắt nghiêm lạnh nhưng ngược lại nguyên Giám thị, đại tá Trần Hữu Thông, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, dáng thanh tao trông rất hiền lành, thân thiện như một thầy giáo. Sau cái bắt tay ban đầu, tôi đã quan sát thấy đôi lông mày thanh thoát và đỉnh tai nhô cao hơn mày của ông, tôi thầm nghĩ đây là người có ý chí kiên cường, thường đương đầu với khó khăn, thử thách, biết cách đối nhân xử thế. Quả đúng như vậy thật!

   Ông đại tá chậm rãi rót mời tôi ly trà nóng và bắt đầu câu chuyện về hạnh phúc của người Giám thị, một nghề nghiệp phức tạp, phải đương đầu với rất nhiều hiểm nguy, thử thách. Tôi nói: Nghề của anh rất quý, không phải ai cũng làm được, bởi cảm hóa được một người là cứu vạn người. Ánh mắt ông đại tá rạng rỡ hẳn lên khi nghe câu nhận định hiểu thấu và chạm đến gan ruột mình nhưng ông chỉ khẽ gật đầu khiêm tốn và cười hiền đáp lại tôi.

   Sự hoàn lương của phạm nhân là hạnh phúc của mình

   Ông Thông mời tôi ra hồ cá vừa ngắm cá vừa trò chuyện cho mát. Sau ba tiếng chuông gõ, từ mặt nước sâu lừ lừ hiện lên ba chú hải tượng long dài bằng cánh tay, thân trổ sọc đỏ thật đẹp mắt. Ông cho biết đây là loài cá nước ngọt lớn của Nam Mỹ, tâm tính đĩnh đạc của loài cá này luôn nhắc ông phải biết điềm tĩnh trong mọi tình huống. Ông Thông bày tỏ tâm đắc khi nhắc lại hai tiếng “cảm hóa” mà tôi vừa đề cập. Ông nói: Chúng ta đi từ quy định đến pháp lệnh, rồi đến luật, tất nhiên sự nghiêm trị là cần thiết nhưng thông qua các hình thức nghiêm trị như quản lý giáo dục (gồm chính trị và lao động), sự cảm hóa, tạo lòng tin cho phạm nhân là điều cần thiết hàng đầu. Bởi phạm nhân tin thì mình nói họ mới nghe, mới làm theo. Bởi phạm nhân tin thì tự họ sẽ nỗ lực, sẽ phấn đấu tốt và tự thay đổi nhận thức. Người phạm tội lòng tin của họ thường mong manh lắm. Trong giáo dục, mất lòng tin là mất tất cả!

   Đại tá Thông nhớ lại những ngày còn ở phân trại 2, có một phạm nhân lớn tuổi là dân biểu Lý Trường Trân, ông này bị kết án 15 năm tù trong vụ chống đối cùng Trần Thắng Thức. “Ông Trân lúc đó gần bảy mươi, người điềm tĩnh, chừng mực và uyên bác nhưng lại không có lòng tin với chế độ mới… Thấy ông cao tuổi nên tôi chỉ giao ông hàng ngày chăm sóc khu vườn hoa quanh trại, sau lại chuyển ông sang khu chăm sóc y tế đặc biệt của bác sĩ Nguyễn Trọng Cống. Một lần cùng với cả nhóm phạm nhân đi qua đập tràn, thấy chân ông run run, nguy hiểm, tôi xin phép được bế ông đi qua đập. Chần chừ một thoáng, ông ngoái nhìn dòng nước dữ dưới chân rồi khẽ gật đầu. Sau lần ấy, ông cảm động lắm và chịu giải bày với tôi nhiều hơn. Qua những cuộc trò chuyện đã bắt đầu thân tình, tôi biết ông là một người tin vào đạo Phật, trong gia đình còn có cả người con trai xuất gia đi tu từ bé. Tôi đã tự tìm hiểu sâu thêm về Phật giáo nên sau đó trong câu chuyện giữa tôi và ông có nhiều sự đồng cảm hơn. Ông cởi mở, vui vẻ hẳn ra, thậm chí còn là người tích cực phổ biến cách ủ phân hữu cơ “compost” rất hữu ích trong việc cải thiện bữa ăn rau quả cho mọi người. Tháng 10 năm 1995, ông Trân mãn hạn tù, trước khi về với gia đình ông chủ động đến gặp tôi và rưng rưng: “Tôi xin cảm ơn “Ban”! Qua những ngày tháng ở đây “Ban” đã giúp tôi không chỉ ổn định về mặt sức khỏe mà còn giúp tôi có được niềm tin…”. Ngừng một chút vì xúc động, đại tá Thông giải thích thêm: Trong trại, phạm nhân gọi những người trong Ban Giám thị là “Ban”… Từ ánh mắt và lời nói chân thành hôm ấy, tôi biết ông Trân đã có được niềm tin vào chế độ nhân văn của ta. Hôm ấy, tôi cũng xúc động vì biết mình đã cảm hóa được và cũng bởi ngay từ đầu tôi đã xác định: Sự hoàn lương của phạm nhân chính là hạnh phúc của mình. Tôi đã vượt qua một trường hợp rất khó như thế… Cũng có những trường hợp như anh Quy (miền Tây), cô Phượng (Bình Dương) mãn hạn tù vẫn còn xin “Ban” cho ở lại để “trả ơn cho Ban” đã giúp họ có được niềm tin cuộc sống… Cảm động lắm!”.

   Trại giam Thủ Đức là một trại giam quy mô, hoạt động hiệu quả, hai lần đơn vị được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Năm 1988, Trại giam Thủ Đức sát nhập từ hai trại cải tạo là Trại Cải tạo Hàm Tân (1976) và Trại Cải tạo Thủ Đức (1978). Ban đầu diện tích trại là 5.000 ha, sau lên đến 22.000 ha. Số phạm nhân lúc cao nhất là 8.300 người, với đủ loại tội phạm: Hình sự, tệ nạn…; đủ các thành phần, trình độ: Từ giám đốc công ty lớn đến nông dân, thất nghiệp, từ người mù chữ đến tiến sĩ, giáo sư, nghệ sĩ. Hệ thống trại gồm 7 phân trại, ngoài Giám thị và hai Phó Giám thị chịu trách nhiệm chung còn có các Phân trại trưởng và các đội trưởng. Do vậy những hoạt động đồng bộ ở tất cả các phân trại đều phải được sự chỉ đạo nhất quán từ Giám thị xuống và phải có sự tương tác, báo cáo ngược lại đúng thời gian quy định.

   Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Hữu Thông còn là Bí thư Đảng bộ Trại giam Thủ Đức, một Đảng bộ có đến 22 chi bộ. Khi tôi nhắc đến ý nghĩ dòng thời gian đời người trôi nhanh quá, ông Đại tá chợt nhớ lại mình cũng đã hơn 40 tuổi Đảng. Ông chính thức được kết nạp vào Đảng tháng 11 năm 1981. Theo đà câu chuyện ông vui miệng kể:

   … “Năm đó, trong ngày nhận danh hiệu 30 tuổi Đảng, tôi lại bận công tác xa, đồng chí Phó Bí thư gọi điện trình ý kiến của các đồng chí Bí thư Chi bộ là mỗi Chi bộ sẽ đặt một lẵng hoa chúc mừng. Nghe vậy tôi bảo xin nhận tấm lòng của các đồng chí nhưng thay vì đặt hoa cứ quy hết ra tiền. Khi về lại Trại, tôi đem 20 triệu tiền vòng hoa chúc mừng ấy trao hết cho quỹ Tấm Lòng Vàng của trại. (Cũng xin nói thêm quỹ này cũng do tôi lập nên đầu tiên, sau này ý tưởng đó được nhân lên các trại cả nước). Sau chuyện đóng góp đó, đồng nghiệp ở các phân trại hiểu tôi hơn và họ tự biết mình phải hết lòng với phạm nhân thì mới cải tạo được họ, từ việc chế độ chính sách đến những quan tâm, sẻ chia nhỏ nhặt khác… Chẳng hạn, một lần xem văn nghệ của Trại, tôi yêu cầu xếp hàng ghế của Ban Giám thị sang một bên thay vì đặt ở giữa và trước mặt phạm nhân. Việc nhỏ vậy nhưng các đồng nghiệp và cả các phạm nhân đã truyền tai nhau những nhận xét thiện cảm và tôi biết mình đã đi đúng đường…

   “Gia đình và đồng nghiệp luôn là chỗ dựa vững chắc”

   Khi nhắc đến gia đình, đại tá Thông đã nói như thế, tôi hoàn toàn đồng cảm với ông, làm sao với loại hình công việc phức tạp như vậy lại không có những phút giây dao động, lúc ấy, gia đình và đồng nghiệp sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp ông đứng vững và giữ được mình.

   Đại tá Trần Hữu Thông sinh năm 1958 tại làng Thạch Linh, Thạch Hà, Hà Tĩnh trong một gia đình nông dân có truyền thống Cách mạng. Cha ông là đảng viên Trần Hữu Trành, cả thời trai trẻ tham gia dân công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ là bà Trương Thị Hồng, một cán bộ phụ nữ tích cực của địa phương.

   Đại tá Thông khi còn trẻ là một học sinh giỏi ngoan, là một trong bốn người lúc ấy được chọn đi học ngành Công an của xã Thạch Linh (nay là phường Nguyễn Du). Sau khi tốt nghiệp khóa Sơ cấp Công an Bắc Thái và được chọn vào Nam công tác, ông kết hôn với cô giáo trẻ Lê Thị Vân. Vào Nam, dạy học được một thời gian thì cô Vân xin nghỉ ở nhà giúp chồng chăm sóc con cái và gia đình. Đại tá Thông cho biết: “Vợ mình là người rất đảm đang. Do đặc thù công việc mình phải túc trực cả ngày đêm ở Trại, kể cả mùng một Tết Nguyên đán vẫn không được về nhà, một tay vợ mình lo hết mọi chuyện. Nhớ hồi tôi đi học chuyên tu Học viện Cảnh sát, mấy mẹ con ở nhà thật thương! Con bệnh con đau, con ăn con học, một mình cô ấy lo lắng, chạy vạy, thức đêm thức hôm, vun vun vén vén để có được gia đình yên ấm như ngày nay… Trong giấy khen, chứng nhận danh hiệu này, danh hiệu nọ của mình không có tên cô ấy nhưng mình nghĩ phía sau tất cả chính là công sức của người phụ nữ chịu thương chịu khó của gia đình mình…”

   Ông bà Thông- Vân sinh được hai người con: Cô cả Trần Thị Thanh Loan (1985), hiện đang làm việc tại Cục Quản lý Hành chính- Bộ Công an; em trai Trần Hậu Tuấn (1989) hiện là cán bộ an ninh làm việc tại Cục An ninh phía Nam- Bộ Công an. Nhìn các con trưởng thành và đi theo ngành với bố, đại tá Thông không giấu lòng tự hào của mình, ông khoe: “Các con mình vững vàng, mạnh mẽ lắm, các cháu được ăn học đến nơi đến chốn mà!”

   Ngày 31 tháng 11 năm 2015, tin vui và vinh dự lớn lao đã đến với gia đình và Trại giam Thủ Đức: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2649/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp- Bộ Công an. Thành tích: Đại tá Trần Hữu Thông “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ năm 2005 đến năm 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

   Hiện, đại tá – anh hùng Trần Hữu Thông đã về hưu nhưng nhận được sự tôn vinh cho những đóng góp, hy sinh của mình, một Giám thị hết lòng vì sự hoàn lương của phạm nhân, luôn lắng sâu trong tâm trí ông lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước. Tiếp nối sự nghiệp Công an cao cả, các con ông cũng đang từng ngày từng giờ theo bước chân bố mà một lòng chung thủy sắt son với Đảng.

   Tôi chào ông ra về khi ba chú cá hải tượng long vừa lặn sâu xuống nước tránh cái nắng gay gắt của buổi mặt trời đứng bóng. Tôi không quên hỏi ông câu cuối cùng: Với một đời cống hiến qua nhiều thăng trầm, nhiều công việc, nhiều chức vụ, ông muốn tâm sự gì với những đồng nghiệp đi sau mình? Anh hùng Trần Hữu Thông qua một thoáng ưu tư rồi khe khẽ nói: Mình trưởng thành từ người lính, năm 1995 mình mới làm Phó Giám thị, cuối năm 2005 mình mới giữ chức Giám thị, nên mình hiểu sâu sắc đây là một nghề rất khó, khó nhất là chiến thắng chính mình. Chỉ mong muốn anh em, đồng chí trong nghề phải luôn tâm huyết, kiên trì và phải luôn tự hào với công việc cảm hóa, giáo dục là chính của mình! “Trung với Đảng, hiếu với dân” nghe thì ngắn gọn vậy nhưng để trọn vẹn, để hạnh phúc với lý tưởng ấy thật không phải dễ.