Chị tôi là một người Kinh Cựu

19/10/2023 00:00
339

NGUYỄN DŨNG


Cuộc sống mãi vẫn luôn tươi đẹp, hạnh phúc, nhờ vào những con người đang sống trong hoàn cảnh đó, thời điểm đó, không bao giờ biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhờ thế, những niềm vui hay khổ nạn, thất bại hay thành công, yêu thương hay thù hận, người ta đều chấp nhận được. Và thường đổ thừa cho số phận hay sự tai ương chung trút xuống mọi người để tự an ủi lấy chính mình.

   Cho mãi đến tận bây giờ tôi vẫn cứ đinh ninh là chị còn sống, vẫn còn có mặt hiện diện trên cõi đời này. Cứ mỗi lần nhìn thấy có người phụ nữ dáng cao cao, tóc đen hơi quăn, mắt sâu, nói tiếng hơi lợ là tôi lại nghĩ đến chị. Nhớ cái ngày nào, lúc tôi còn nhỏ ở chung cùng ba mẹ và ông bà Ngoại tại xã Tân Phú Xuân, phía trên cầu sắt, cây số 2, đường 8 tỉnh lộ. Thời đó vào năm 1955, sau Hiệp định Giơnevơ, những người đi theo kháng chiến nếu không có tên tập kết, hoặc không được phân công nhiệm vụ gì khác thì đều được ra quân về đời sống dân sự. Cha mẹ tôi ra quân, dắt díu nhau về ở nhờ ông bà Ngoại, tiếp theo là về cây số 1, xóm Chợ Đồn sinh sống rồi sau đó ba mẹ tôi mua được đất cất nhà riêng. Chuyện sẽ không có gì nếu như trong gia đình tôi không có sự hiện diện của chị. Chị có người em trai và mẹ của chị chính là người đồng chí chung một tiểu đội cùng ba tôi. Ngày trước trong kháng chiến, dù là đơn vị không trực tiếp chiến đấu cũng phải phiên thành đơn vị như quân đội. Cha mẹ chị và ba tôi cùng chung một tiểu đội 8 người, ba chị là Tiểu đội trưởng, bí danh là anh Hai, ba tôi tuy cũng thứ hai ngoài đời nhưng được gọi thứ Năm, bí danh là năm Tranh vì ba tôi có tài cắt cỏ tranh, đánh tấm lợp nhà rất giỏi, cũng như có thêm biệt tài đào hầm giấu lúa, miệng hầm chỉ vừa một người chui lọt xuống nhưng hầm nào cũng chứa từ một xe lúa 600 ký trở lên. Còn mẹ của chị thì ở thứ Chín. Đơn vị này là đơn vị giao liên vận tải, thường xuyên ở tỉnh Đồng Nai Thượng, theo đường đèo Gia Bác xuống Hàm Phú rồi liên lạc nhận hàng ngoài vòng đai Phú Bình, Bàu Sẻ, Lò Thổi thuộc xã Hàm Liêm. Từ đó ba tôi mới gặp được mẹ tôi trong đoàn tiếp tế của xã. Tiểu đội có 8 người, đến ngày hòa bình chỉ còn có 4, một người tập kết, một người ở lại Lâm Đồng lấy vợ, còn ba tôi và mẹ chị đùm túm lũ con non về theo Ngoại vì gia đình chị không có ai. Cha chị thứ Hai kết hôn với người thứ Chín rồi công tác và hy sinh khi mẹ chị một nách hai con. Cuộc sống lúc đó còn khổ cực, nhà ai cũng khổ vì mới hết chiến tranh. Vì mẹ chị lấy người thứ Hai nên lũ chúng tôi thường gọi bằng Bác Chín. Chúng tôi không hình dung được ba của chị là người như thế nào, nhưng qua lời kể lại của ba tôi thì ba chị là người Chăm nhưng đã sống lâu năm cùng người Việt nên cũng không khác gì người Việt. Nên khi chị em chị có mặt trên đời thì mẹ chị hay bảo chị là người Kinh Cựu. Chúng tôi sống chan hòa, vui vẻ với nhau, tôi không thấy chị có nét gì là kinh cựu, mà thật tình cũng không biết kinh cựu là gì ! Trong đám bọn tôi, chị là người lớn nhất, quán xuyến hết đám nhỏ chúng tôi trong nhà, lúc người lớn đi làm bên ngoài để kiếm tiền mua gạo. Tình cảm chị em chúng tôi thật đằm thắm, không ranh giới phân biệt, thương nhau như ruột thịt. Việc nhà chị làm hầu như gần hết, quét nhà, gánh nước nấu cơm. Rồi về sau là lo cho chúng tôi, kể cả em của chị đi học trường làng của ông thầy Khù trong chợ Đồn, Phú Trinh. Đến lúc rời xa gia đình tôi chị vừa khoảng 13,14 tuổi, mấy mẹ con theo người sau của mẹ chị về sống tại ấp Bình Lâm, Thiện Giáo. Cuộc đời cũng khó nói trước được điều gì! Không biết vì tình yêu, hay là vì khó khăn trong cuộc sống, hoặc cô đơn trong đêm về khi thiếu vắng một bờ vai. Chị đi, chúng tôi buồn ra cả ngoài khuôn mặt, bí xị như những khi mẹ về không có kẹo. Chị ôm từng đứa vào lòng rồi bỗng bật khóc ào nức nở, mà thật lòng chị cũng không lớn hơn lũ chúng tôi là bao, chắc cuộc sống không cha đã dạy đời cho chị như thế. Rồi chị theo mẹ ra đi, chúng tôi dần cũng quên theo cái tình con nít, nếu không có đôi lần một hai tháng chị lại ghé về thăm lũ chúng tôi. Cũng cái tính tất bật, hay lam hay làm, chị cột cái đầu tóc hất ra sau bằng sợi dây thun đeo sẵn ở cổ tay, quét vội cái sân nhà, gánh vội vài đôi nước rồi vo gạo nấu nồi cơm. Xong việc, chị nhẹ nhàng lấy ra một gói nhỏ, mở dúi vào tay mỗi đứa cục kẹo ú có gừng còn bột trắng dính tay. Không kịp chờ để gặp được ba mẹ tôi vì chị phải về cho kịp chuyến xe ngựa chiều chuyến chót, để chúng tôi ngơ ngẩn nhìn theo, hai nhà cách nhau hơn mười cây số. Thật là tội nghiệp, sao tôi lại thương chị vô cùng, đôi mắt chị sâu một ánh nhìn bao dung, miệng muốn cười nhưng như còn chất chứa điều gì đó xa xăm. Cùng là con gái nên tôi thủ thỉ với mẹ tôi mua để sẵn cho chị lần sau có về, mấy cái kẹp tóc ba lá loại xi bạc trắng bóng, một bộ bà ba cùng mấy cái quần nữ lửng, vì tôi thấy chị đã gần thành con gái. Có lần hai chị em của chị về, mẹ đưa cả bọn chúng tôi đi biển chụp hình, coi xi nê rồi ăn hàng bên chợ, tôi thấy chị rất vui.

   Một thời gian sau, tôi nghe người lớn nói chị sắp sửa lấy chồng. Đến ngày cưới, cả nhà tôi tất cả cùng dự và đi đưa dâu. Khi đến đám cưới mọi người ở Phan Thiết lên mới thật sự bàng hoàng khi nhìn thấy người chồng của chị. Cũng tóc quăn, mắt sâu, da đen nâu đậm, hỏi ra thì mới hay ở khu 1 Bình Lâm nơi chị ở, đi thêm vài cây số nữa là đến thôn Phú Điền, xã Hàm Phú, nơi có một cộng đồng Việt Chăm chung sống bên nhau, và chồng của chị cũng là người Kinh Cựu.  Hai vợ chồng chị quả thật là một cặp nên duyên, mặc ai nói gì thì nói. Ai thương thì nhờ, ai chê cũng mặc, vợ chồng cứ lầm lũi làm việc, rồi lầm lũi nuôi con, mùa nào việc đó anh chị chẳng màng khó nhọc, nề hà. Mỗi ngày, sau những giờ lao lực trên ruộng, trên đồng, chiều về nhìn đàn con mạnh khỏe, bụ bẫm lớn lên là hai người đã thấy vui thích tràn ngập cõi lòng rồi nhìn nhau cùng cười mãn nguyện.

   Năm 1975, đất nước giải phóng xong, tất cả mọi người đều phải bước qua một trang đời mới. Bọn chúng tôi tất cả bốn đứa được ba tôi đưa lên nhà chị ở Phú Điền, Hàm Phú để tá túc và kiếm công việc làm để tự nuôi thân. Tự thân là những người bạch diện thư sinh, mấy đứa tôi quả thật không biết một tí gì về nông lâm nghiệp. Cây lúa trỉa trên gò mà mọc chung với cỏ gì đó quả thật không phân biệt được cây nào là lúa, cây nào là cỏ. Lần đầu tiên trong đời, các loại cây hom khoai mì, dây khoai lang, hạt dưa gang, dưa hấu được chính tay chúng tôi lên vồng trồng trọt, cuốc lỗ gieo hạt. Chúng tôi được anh chị đưa đi làm thuê cho người có ruộng, có rẫy trong xóm theo cái kiểu học việc, ai chỉ gì thì làm cái đó, bởi chúng tôi chỉ là những tay ngang. Tiền làm mướn người ta tính thấp hơn người biết việc, mà đâu phải được lấy tiền liền. Chỉ tính công thôi, rồi đến khi gặt lúa mới đong lúa giạ để trả công, lúc đó đâu có ai có tiền mặt trong nhà. Số tiền lúc đi lên nhà chị, ba tôi đưa để chi dụng, phòng hờ, đã gần hết vì phải mua lúa cũ, rồi đi làm bốn đứa mà phải hết hai đứa tự xay, tự giã để nấu độn ăn dần, lũ chúng tôi bắt đầu biết xay lúa, giã gạo, sàng sảy, nấu ăn từ đó. Hai thằng con lớn của chị đi chăn trâu bò mướn cho người ta, để có lúa đong thêm về nuôi gia đình cùng những đứa em của nó. Thằng ở giữa được chừng đâu 8 tuổi, buổi sáng gặm củ khoai lang, rồi đội nón, đeo giỏ, chân trần ra ruộng, tay cầm theo cái roi tre. Nó đi theo đường người ta đang cày bừa trên ruộng, vô phúc có con cá nhỏ, hay con ếch con cua nào bị cày bừa làm bật lên là không thể thoát khỏi tay nó. Nó đi theo bờ ruộng, bờ mương mò cua, bắt lượm từng con ốc bu, ốc gạo, kể cả rắn nước nó cũng không từ. Dưới cái mương Hà Ra chảy ngang qua cánh đồng Đá Xấu, lúc nhúc toàn là đỉa trâu, bọn chúng tôi sợ gần muốn chết, còn nó thì cứ tỉnh bơ, phun một miếng nước bọt vô tay, nó rứt từng con ném vô đống lửa trên bờ. Nó đi đến trưa trật mới về, lấy cái thau bạc nhôm trút giỏ đổ ra, thôi thì đủ loại. Bọn tôi xúm vào phân loại rồi làm sạch để cho chị nấu chút canh, chút mặn gì đó để có cái ăn. Ngày đó, mỗi ngày chỉ có mắm nêm giã cùng tỏi ớt hoặc cá khô, nước mắm trộn với rau hái trong vườn. Rau lang luộc, vài trái dưa gang non, trái đậu rồng, đậu nhớt.

   Được thời gian hơn tháng, đứa em trai bị sốt rét, tiếp đến là đứa em gái, tình cảnh tôi thấy không được ổn, tôi xin phép anh chị cho bọn tôi về lại Phan Thiết. Anh chị lại cười to, chê tụi tôi là công tử bột, chị nói tụi tôi là công tử mà trong mắt chị ngấn đầy nước mắt. Tôi biết anh chị lo lắng cho chúng tôi mà chắc không giúp được gì nên đành bóp bụng mà thương xót giùm, bởi chúng tôi là dân thành thị chịu khổ cực không quen. Cả nhà không ai dám ăn vì phải để dành làm giống, mà chị đành gói hết cùng với bịch nếp Hương mới xay chưa giã. Chị đưa cho tôi bảo mang về cho Cậu (là ba tôi) vì hôm trước chị về thấy ba tôi thường dậy sớm hay ho.

   Lần đó là lần sau cùng tôi còn được trông thấy chị, vì sau lần đó chúng tôi lại phải vào đất mới ở Hàm Kiệm để làm nông. Chị mất gần tháng chúng tôi mới biết được tin, ba tôi bị bệnh nên cũng chẳng có ai để báo tin. Chị chết như cái tính cách chị đã sống, làm quần quật cả ngày, gánh luôn cả việc của chồng, không nề hà bất cứ thứ gì, một lòng đau đáu chỉ vì chồng vì con. Chị mất cũng vì bị bệnh sốt rét ác tính sau khi hai vợ chồng mượn chiếc xe trâu lên rừng chặt tre về sửa lại căn nhà. Tôi cứ mãi xót lòng, cứ mãi tiếc thương cho thân phận một đời của chị. Người sống tốt hay chịu nhiều oan khiên, thua thiệt. Ba tôi lúc nghe tin ông cứ mãi vò đầu, rồi lại hay lẩm bẩm một mình “Sao vậy?! Tại sao lại như vậy ?!” Mọi người đều thương chị đến nao lòng. Đường đời dài rộng nhiều chiều, sau này tôi cũng gặp nhiều người, nhưng tôi không thấy ai có được tấm lòng như chị. Rồi bất chợt tôi nghĩ xót xa, chị không chỉ là một người Kinh Cựu, mà còn là một người con gái Việt Nam trung hậu, đảm đang.