Góp phần tìm hiểu địa danh có từ “Tà” ở Bình Thuận

18/10/2023 08:52
942

HÀ NGÂN


Núi Tà Dôn (huyện Hàm Thuận Bắc)

Trên vùng đất Bình Thuận hiện nay, có nhiều địa danh mà từ đứng đầu giống nhau. Có thể kể ra như: Hàm (Hàm Thuận, Hàm Tân, Hàm Nhơn (Phú Long hiện nay), Hàm Đức, Hàm Trí, Hàm Dũng (Hàm Thắng hiện nay), Hàm Cần, Hàm Kiệm, Hàm Liêm, Hàm Chính…); Phú (Phú Quý, Phú Long, Phú Hài, Phú Tài, Phú Thủy, Phú Trinh…); Thuận (Thuận Hải, Thuận Hòa, Thuận Minh, Thuận Quý, Thuận Điền); Tân (Tân Thuận, Tân Minh, Tân Xuân, Tân Hà, Tân Tiến, Tân An…). Trong số đó, địa danh có từ “tà” đứng đầu: Tà Dôn, Tà Cú, Tà Mon, Tà Pao, Tà Pứa, Tà Răng, Tà Bằng... gợi nên tò mò, kích thích sự tìm hiểu ý nghĩa những địa danh này. Vậy thì những địa danh có từ “Tà” mang ý nghĩa gì, là địa danh thuần Việt hay mang nguồn gốc khác.

   Trong tiếng Việt, tùy theo danh từ, tính từ hay động từ…mà từ “tà” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích “tà” (tính từ) là xiên vẹo, không ngay thẳng, xấu xa(1). Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do cố Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, giải thích “tà” (danh từ) là ma quỷ hại người, trừ tà ếm quỷ, đuổi như đuổi tà(2). Từ điển tiếng Việt do Hoàng Long biên soạn, giải thích “tà” (danh từ) là ma quỷ, tiếng gọi chung hồn ma hay quấy phá, trấn ểm tà ma…(3). Nhìn chung, dù ở nghĩa danh từ, tính từ, hay từ loại nào khác, thì từ “tà” khi ghép vào từ khác để trở thành địa danh thì dường như không mang một ý nghĩa cụ thể, rõ ràng nào cả.

   Các công trình nghiên cứu về lịch sử hình thành vùng đất cực Nam Trung bộ đều khẳng định, Bình Thuận là nơi có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Một trong số cư dân bản địa định cư lâu đời nhất trên vùng đất hoang sơ, sau này mang tên Bình Thuận, là cộng đồng người Chăm. Người Chăm sinh sống và đóng góp nhiều công sức trong quá trình khai phá và hình thành, tạo nên dấu ấn sâu sắc trong sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng đất này. Cho đến nay, trong tỉnh Bình Thuận còn lưu giữ hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật đền tháp Chăm; còn nhiều địa danh gọi theo âm Việt (hoặc Hán Việt) phỏng theo âm địa danh Chăm vốn có trước như Phan Thiết (Hamu’ Lithit, Mu Thit), Phan Rí (Pa rik), Phú Hài (Pa jai)…

   Vậy thì, các địa danh có từ tà đứng đầu có liên quan gì đến ngôn ngữ Chăm. Chúng tôi tìm đọc Từ điển địa danh đối chiếu Việt - các dân tộc thiểu số miền Trung - Trường Sơn-Tây Nguyên - Nam Bộ của tác giả Sakaya, thấy tác giả giải thích một số địa danh ở Bình Thuận có từ “tà” đứng đầu.

   Núi Tà Cú cao 649 m nằm cạnh Quốc lộ 1, thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Trên núi có chùa Linh Sơn Trường Thọ (còn gọi là chùa núi Tà Cú), phía sau chùa là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49 m. Địa danh Tà Cú được Sakaya giải thích có nguồn gốc từ tên gọi Po Ina Nagar Tikuh (Takuh), nghĩa là “xứ nữ thần Takuh”. Tên gọi Takuh được người Việt đọc thành Tà Cú(4). Sakaya còn dẫn ra truyền thuyết về Po Ina Nagar của Champa có nhiều người con, mỗi người cai quản một vùng.

   Ngoài địa danh Tà Cú có cách giải thích riêng, thì các địa danh còn lại như Tà Dôn, Tà Mon, Tà Pao… đều được Sakaya có một kiểu giải thích ý nghĩa chung. Có thể khái quát như sau: “từ Tà (nguồn gốc từ chữ Ja chỉ giới tính nam, ông này, ông kia) + tên riêng”.

   Núi Tà Dôn cao 386 m nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Trong các bộ địa chí của triều Nguyễn (Hoàng Việt thống nhất dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí), núi Tà Dôn có các tên gọi khác như Long Thạnh, Tà Bông, Tà Bôn. Địa danh Tà Dôn được Sakaya dành rất nhiều chữ nghĩa để giải thích. Nhưng tựu trung lại, “chữ Tà ở vùng Bình Thuận là từ đọc chệch âm từ chữ Ja (chỉ giới tính nam của người Chăm) gắn với tên riêng (người, vùng đất, núi, sông, suối của các dân tộc Chăm, Raglai, K’ho) mà thành. Tà Dôn có thể biến âm từ Ja Ndaong/Đong – chỉ người quản lý vùng đất của người Chăm thuộc khu vực Đồng Nai Hạ (Ndaong Nai/Đong Nai)”(5).

   Tà Mon là địa danh thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Sau năm 1975, hình thành thôn dân cư Tà Mon có 610 hộ/2.443 khẩu (tháng 6/2023). Năm 2023, tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xây dựng có đoạn đi ngang qua thôn. Tà Mon còn là tên một cây cầu trên quốc lộ 1, một hồ thủy lợi và một khu rừng thuộc rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét. Tà Mon được giải thích là từ Tà từ chữ Ja (chỉ giới tính nam, ông này, ông kia) còn Mon là tên riêng. “Ja Mon có thể tên đất do ông Ja Mon khai hoang hoặc là tên nhân viên Champa (Chăm, K’ho hay Raglai) quản lý vùng này”(6).

   Tà Pao là địa danh thuộc xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, nơi có Trung tâm Thánh mẫu Đức Mẹ Tà Pao, công trình thủy lợi Tà Pao. Tà Pao/Bao cũng được giải thích là đất do ông Ja Pao khai hoang hoặc là tên nhân viên nhân viên Champa (Chăm, K’ho hay Raglai) quản lý vùng này. Nhưng theo một nguồn tài liệu khác cho rằng, Tà Pao là tiếng K'ho, “tà” là bến sông, Pao là một tên riêng của người chủ bến đó(7).

   Đèo Tà Pứa trên đường ĐT713 từ Võ Xu (huyện Đức Linh) lên thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Hoai, Lâm Đồng) trên quốc lộ 20. Suối Tà Pứa ở khu vực đèo Tà Pứa, nằm trong rừng khu vực giáp ranh 2 huyện Đức Linh – Tánh Linh. Tà Pứa cũng được giải thích là đất do ông Ja Pứa khai hoang hoặc là tên nhân viên nhân viên Champa (Chăm, K’ho hay Raglai) quản lý vùng này).

   Tại đảo Phú Quý, nơi địa bàn người Chăm sinh sống xa xưa, từ “tà” là phương ngữ, dùng để chỉ khu vực nào đó. Như một số đất rẫy thuộc xã Tam Thanh gọi là “tà”: tà Bà Bưng, tà Gò Lăng, tà đồng...(10).

   Trong “Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ phần đất liền tỉnh Bình Thuận”(8), chúng tôi nhận thấy thống kê nhiều địa danh có từ “tà” đứng đầu.

   Núi Tà Bằng, rừng Tà Bằng thuộc xã Bình An, huyện Bắc Bình. Trên núi có hồ tên gọi piscine rất đẹp, thu hút khách du lịch.

   Suối Tà Răng (Tà Ràng) thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân là vạch phân định ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu(9).

   Cầu Tà Mỹ, sông Tà Mỹ, sông Tà Là Ngầu thuộc xã La Ngâu, huyện Tánh Linh. Khu vực hai con sông này có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Hiện nay, nhiều khu du lịch được hình thành thu hút khách du lịch các nơi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

   Ngoài ra xã La Ngâu, huyện Tánh Linh còn xuất hiện nhiều địa danh có từ “tà” như: suối Tà Rô, suối Tà Hạp, suối Tà Lũ, suối Tà Phà Tung

   Điều này đặt ra một nghi vấn, đó là có phải chăng từ Tà liên quan đến ngôn ngữ người K’ho, Ra Glai, những tộc người bản địa sống trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có nguồn tư liệu chính xác để khẳng định điều này. 

   Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết tiếng Khmer có từ trong “Neak Tà”. Theo tác giả Kiêm Đạt(11), Neak là có nghĩa con người nói chung, Tà là người đàn ông đứng tuổi. Neak Tà có nghĩa là những vị thần linh. Neak Tà ghép với các từ khác có nghĩa là các vị thần cai quản điều gì đó như: Neak Tà Meha Sros (thần cai quản phum sóc), Neak Tà Watt (thần chùa chiền, đền miếu), Neak Tà Ra Chay (thần ao hồ, ngã ba sông), Neak Tà Đom Chreay (thần cây đa, cây đề). Giả thuyết đặt ra, có thể chủ nhân của các nền văn hóa cổ xưa đã có sự giao lưu văn hóa, để từ đó xảy ra sự “pha trộn” ngôn ngữ giữa các tộc người.   

   Địa danh trên vùng đất Bình Thuận mang nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa đan xen với nhau. Truy tìm rõ nguồn gốc tên gọi, ý nghĩa địa danh là điều vô cùng khó khăn, không thể đạt thành kết quả trong một hai chớp mắt mà cần có quá trình nghiên cứu, tích lũy dài hơi. Địa danh trên vùng đất Bình Thuận luôn ẩn chứa bên trong nhiều điều mà khi khám phá được, làm ta thấy yêu thêm vùng đất này.      

 

 

   Chú thích.

   (1) Huình Tịnh Paulus Của (1895), Đại Nam quấc âm tự vị,  tr.937; (2) Hoàng Phê (chủ biên) (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.881; (3) Hoàng Long (2012), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, tr.808; (4) (5) và (6) Sakaya (2020), Từ điển địa danh đối chiếu Việt-các dân tộc thiểu số miền Trung-Trường Sơn-Tây Nguyên-Nam Bộ, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.135, tr.136; (7) https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_T%C3%A0_Pao; (8) Ban hành kèm theo Thông tư số: 32/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; (9) Quyết định số 1571/QĐ-TTg, ngày 28/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; (10) Hà Ngân (2023), Phú Quý lượm lặt nghĩ suy, Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, tháng 7-8; (11) buddhismtoday.com/viet/pgtg/PhatgiaoKHMER.htm, truy cập ngày 19/9/2023;