Quê ngoại và những địa danh đã mất

14/12/2023 00:00
230

NGUYỄN VĂN ANH


Quê ngoại tôi không có những cánh đồng lúa, những hàng cau thơ mộng, những đàn cò trắng tung tăng bay lượn, không có những con sông chảy qua với những bụi tre xanh rì, cảnh sắc thơ mộng như những làng quê khác trên đất nước Việt Nam hình cong như chữ S này. Nó là một làng chài lưới ven biển, người dân chỉ sống bằng nghề giăng lưới buông câu, trời êm biển lặng, ghe thuyền ra khơi đánh bắt cá tôm, khi mùa biển động ghe thuyền dắt díu lên bờ, khoanh tay ngồi nhìn sóng vỗ dạt dào.

   Quê ngoại tôi cách thành phố Phan Thiết không xa lắm, hiện nay nó có tên mới là xã Tiến Thành, trước đây thời Pháp thuộc nó có tên là Xóm Trạm, ông ngoại, bà ngoại và mẹ tôi sinh ra ở đó, còn ba tôi ông sinh ở Quảng Trị nhưng lớn lên, ông xuôi bạt vào vùng đất này và gặp mẹ tôi. Xóm của ông người ta gọi là xóm Bình Trị sát mé biển dưới dốc Quán Thùng (dốc Hòn Dồ ngày nay), xóm này toàn là người Bình Trị Thiên phiêu bạt vào.

   Cũng giống như những làng quê khác trên toàn cõi Việt Nam, dân cư tại quê ngoại tôi rất hiền hòa, nhân hậu, tình làng nghĩa xóm, gần như chỉ biết đi đánh cá, làm rẫy và nuôi con. Thời ấy, họ sống chân chất, hình như không biết lừa lọc ai, không ganh tị bon chen, họ sống dung dị, đúng đạo làm người, quý trọng cái tình cái nghĩa, cầu khấn cho mưa thuận gió hòa làm ăn phát đạt, nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng.

   Nhưng cuối cùng, quê ngoại tôi cũng phải chịu trải qua 2 cuộc chiến tranh, cũng phải cuốn vào vòng xoáy của lịch sử, làng quê yên bình bị xé toang bởi tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ của bom đạn, trên thân thể nó cũng bị tàn phá, cày xới, con người cũng phải gánh chịu mọi khổ đau, bi thương, ai oán. Dân làng cũng phải đổ máu do cuộc chiến đem tới, do hận thù của phe nọ, phe kia, chiến tranh đã làm biến dạng tất cả.

   Sau khi hiệp định đình chiến năm 1954 có hiệu lực, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã kêu gọi bà con quê ngoại và vùng lân cận trở về thành, tị nạn chiến tranh, đồng thời cũng gom dân để quản lý, đỉnh điểm là năm 1962 toàn bộ các cư dân tại xóm Bàu Trâm, Khe Cả, xóm Xẩm, xóm Biển, xóm Bình Trị, Bàu Trâm, bưng Kòke …. phải trở về Phan Thiết, đa số sống tại ấp Đức Long (ấp Kim Hải), một số ít Tiến Lợi, tuy nhiên cũng có một số ít bà con bám trụ lại và cũng vài năm sau đó, vì bom đạn quá ác liệt, cuộc sống khó khăn bà con đành phải rời khỏi quê hương, một số sinh sống ven trục đường quốc lộ 1A (đoạn xã Hàm Cường, xã Hàm Kiệm), vùng Tân Thuận, Tân Hải và Hàm Tân, Phan Thiết. Như thế là chiến tranh đã xóa sạch quê ngoại tôi, làng quê có từ lâu đời, làng quê đã có từ những lúc thế hệ người Việt di cư đầu tiên.

   Tôi sinh ra ở Đức Long, khi cha mẹ tôi đã tản cư về Phan Thiết sinh sống, cũng như những thế hệ sau này như tôi, đều có kiến thức khá mù mờ về cuộc sống, những địa danh thân thương mà bất khuất của tiền nhân ngày xưa. Cuộc sống hiện đại, hối hả đã làm lu mờ đi hình dáng của quê ngoại, những câu chuyện lẽ ra phải biết, những địa danh mà cha mẹ tôi đã sống, đã đi qua dần dần bị quên lãng hoặc bị mất đi dù khoảng cách địa lý là không xa.

   Các năm gần đây, khi đường sá thông thương, dĩ vãng hiện về, tôi trở về nơi chôn nhau cắt rún của mẹ tôi, tìm lại dấu vết cuộc sống của tiền nhân, thì tôi không còn nhận ra nữa, hình ảnh xưa, địa danh cũ đã thay đổi hoàn toàn, không còn những cánh rừng bạt ngàn, những bến nước mênh mông như nghe kể lại, còn đâu những luống sim rừng ngọt bùi, những rừng Kòke bát ngát, những bụi chum chúm mà bà con hay ngắt ngọn về ăn với cá kho trong những năm kháng chiến. Thay vào đó là những luống rẫy, những trang trại thanh long mọc lên… nhìn vắng vẻ đìu hiu. Vùng ven biển từ dốc Campuchia cho đến Mũi điện Khe Gà mọc lên những resort dành cho du lịch, những ngôi làng xưa dần dần mất dấu. 

   Tôi bỗng đâm ra tiếc những hình ảnh xưa, địa danh cũ, những ngôi làng bình dị đã gắn liền với cuộc sống cơ cực, loạn lạc của cha mẹ tôi và đó cũng là lý do thời gian gần đây tôi đi tìm lại những gì mà ngày xưa nơi này đã có, nhưng chiến tranh loạn lạc và cuộc sống hiện đại đã thực sự lấy đi.

   Ngày xưa thời phong kiến triều Nguyễn con đường từ Bắc vào Nam thường đi ven biển chứ không phải đi theo trục lộ quốc lộ 1A như ngày nay, trục đường từ Phan Thiết đến dốc Quán Thùng, xóm Xẩm, Bàu Trâm rồi đi Giếng Bộng, Bến Tượng, Suối Vàng (hiện nay nó là vùng giáp ranh 3 xã Thuận Quý – Hàm Minh – Tân Thuận gần chân núi Tà Kóu) đến thôn Hiệp Nghĩa – Tân Thuận ngày nay (sau đó trục đường này đi Tam Tân rồi đến Hàm Tân) được xem như trục đường quốc lộ thời phong kiến ngày xưa, chính vì thế đường dây thép (điện tín) Sài Gòn – Hà Nội dài 2.000km được xây dựng năm 1888, của Pháp cũng đã đi qua trục đường này, cho nên các làng quê mọc lên lâu đời bởi những cuộc di cư của người Việt về phía nam như xóm Trạm, Khe Cả, xóm Biển, Quán Thùng, xóm Xẩm, Bàu Trâm (làng Kim Thạnh – Hàm Minh), Giếng Bộng, Bến Tượng là điều dễ hiểu.

   Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thực dân Pháp khởi công làm con đường nhựa xuyên Ðông Dương mang tên “Ðường thuộc địa số 1” (quốc lộ 1A ngày nay) thay cho đường Cái Quan nền đất xưa kia. Con đường này cũng phỏng theo đường Cái Quan của triều Nguyễn, nhưng nhiều đoạn không chạy dọc theo bờ biển mà chạy tắt qua các đồi núi nhằm làm cho tuyến đường thẳng và ngắn hơn, cho nên người ta không đi trục đường này nữa mà đi theo quốc lộ 1A ngày nay. 

   Xóm Trạm và vùng ven biển lân cận sống bằng nghề đánh cá bán cho các vùng quê khác như xóm Xẩm, dốc ông Thao, dốc ông Mực, xóm Bàu Trâm, xóm Triền, xóm Gò và dân Phan Thiết, sau này bán cho dân kháng chiến như bưng Kòke, hoặc các láng gần bưng như láng cây rừng, láng ông Cao, láng marốc, láng tàn dù, láng Trại Gũ (gõ) bà Thơ, láng lớn (lán cột cờ), láng Dúi. Ngược lại, xóm Xẩm, xóm Bàu Trâm, dốc ông Thao, dốc ông Mực, láng Hổi, xóm Gò và các khu vực nằm sâu trong núi trồng lúa, khoai sắn, trồng cây ăn trái, làm rẫy bán lại cho các xóm nằm sát mé biển đổi cá ăn và các nhu yếu phẩm khác mà các xóm này đi Phan Thiết mua về bán lại. Còn ba tôi ở xóm Bình Trị ông làm y tá, ông phải đi khắp nơi để hành nghề, nghe dì kể lại ba tôi đi đến tận La Gi để chích thuốc, tất nhiên ông phải đi bộ, còn bác tôi ông có ghe lựa chuyên mua đi bán lại, ông mua cá ở các vùng ven biển đem về Phan Thiết bán.

   Sẵn đây xin điểm qua một số địa danh cũ, thân thương, bi tráng mà hôm nay nó dần trở nên xa lạ, thậm chí nó không còn lưu giữ trong ký ức của người hôm nay. Đầu tiên đó là bưng Kòke (còn gọi là bưng Bà Dạo), đó là một địa danh có một dòng nước xuất phát từ chân của nhiều đồi cát, gần núi Ba Hòn chảy ra hướng quốc lộ 1A, nước chảy quanh năm, xung quanh dòng nước là hai triền cát thoai thoải, trước khi xuôi về hạ lưu nó qua các địa danh như giếng bộ đội, lán Ba Khiêm, bến ông Hương, sau đó nó giao nhau với một dòng nước khác từ một địa danh gọi là bưng Vòng Xoay, hai dòng nước từ hai nhánh như hình chữ V hội lại, vòng chảy xảy ra hiện tượng có một lỗ xoáy giống như mắt bão trên mây vệ tinh, nhưng thời đó tiền nhân gọi là “lỗ đĩ”. Từ “địa danh” này, hai dòng nước chỉ còn một dòng đi qua bưng Tịnh, bưng Nhang đổ xuống đường tụ thủy một bên đất cát, một bên đất thịt, (đường tụ thủy này kéo dài từ vùng ngoại ô Tp. Phan Thiết kéo dài đến chân núi Tà Kóu nếu đi theo hướng quốc lộ 1A về Sài Gòn nhìn về hướng biển ta sẽ thấy đường tụ thủy này) gọi là bưng Bốn Kiểu, sau đó dòng nước đi theo đường tụ thủy qua các địa danh bưng Khô, bưng Cụt, bưng Cà Na, bưng Đầu Bò, khe ông Minh, khe bà Màng của các xã Hàm Cường, Hàm Mỹ, Tiến Lợi rồi qua cầu 40 ở cây số 3 xã Tiến Lợi đổ vào sông Cà Ty.

   Ngoài ra, còn có một dòng nước khác cách 2 bưng này khoảng 6km xuôi về hướng nam, đó là bưng Trường ở địa phận xã Hàm Minh, gọi là bưng Trường vì bưng này rất dài khoảng 2,6km từ thượng lưu đến hạ lưu, bưng này cũng giống như bưng Kòke và bưng Vòng Xoay xuất phát từ chân những đồi cát, hai bên là những triền cát thoai thoải, dòng nước này từ hướng biển chảy ra hướng quốc lộ 1A, đổ xuống hạ lưu là bưng bà Tùng (km23, xã Hàm Minh), sau đó theo đường tụ thủy đến bưng bà Dương, rồi bưng Bí, hòa vào dòng nước của bưng Kòke và bưng Vòng Xoay tại bưng Bốn Kiểu đổ về sông Cà Ty. Bưng Trường hiện tại là nguồn cung cấp nước chính cho bưng bà Tùng, dân Hàm Minh canh tác dựa vào nước bưng này.

   Ngày xưa bưng nào nằm ở đường tụ thủy này cũng có nước, trâu bò đi ngang qua phải bơi, đưa mũi lên trời mới qua được. Ngày nay dấu vết của các bưng khó nhận ra được, bởi vì ngày xưa có rừng, còn bây giờ là đồi trọc, kèm theo đó bà con san lấp bưng để trồng thanh long, bơm tưới nước làm lượng nước ngầm cạn kiệt, duy chỉ bưng Kòke, bưng Vòng Xoay, bưng Trường là còn nước chảy quanh năm.

   Tại khu vực xã Hàm Minh và vùng giáp ranh 2 xã Tân Thuận, Thuận Quý có một dòng nước khác chảy xuôi về Tân Thuận bắt nguồn từ địa danh có tên là giếng Bộng, (gọi là giếng Bộng bởi lẽ ngày xưa tiền nhân làm giếng có vách giếng bằng bọng cây, cũng giống như giếng hộc tại bưng bà Tùng là bằng thân cây gỗ) sau đó đến địa danh khác có tên là Bến Tượng, rồi hòa nhập vào con suối có tên là Suối Vàng (từ chân núi Tà Kóu, kết hợp với dòng nước từ Suối Dứa, Suối Nước gần bưng Bà Tùng chảy xuống) chảy về Hiệp Nghĩa – xã Tân Thuận, ở khu vực này trên đồi cát thượng lưu giếng Bộng có địa danh có trong kháng chiến đó là láng bò. 

   Quả thật là thiếu sót nếu ta không nhắc đến một dòng nước khác, đó là suối nước nóng xuất phát từ bưng Thị, thượng lưu dòng suối này ở xã Thuận Quý chảy về hạ lưu là đập Ba Khai, xã Tân Thuận, hiện nhà nước kêu gọi đầu tư du lịch tại địa điểm này.

   Hiện nay, bưng Trường, suối nước nóng bưng Thị, giếng Bộng, Bến Tượng, suối Vàng đều nằm trong sự quản lý nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.

   Trở lại với bưng Kòke (bưng bà Dạo), đây là vùng kháng chiến cũ từ thời Việt Minh cho đến quân Giải phóng sau này, tại khu vực này có rất nhiều cây Kòke có trái màu đen tím, mọc ra từng chùm, to bằng hột bắp, ăn rất ngọt cho nên người ta lấy tên cây này đặt thành địa danh (ngày xưa khi còn nhỏ đi chăn bò, chúng tôi vẫn lấy trái kòke còn xanh làm ống thụt bắn chơi, ngày nay không còn). Và đây cũng là địa danh nổi tiếng nhất trong vùng kháng chiến.

   Xung quanh bưng Kòke trên triền đồi về hướng đông, có nhiều tên khác như Cù lao tre, láng Trung Quân, láng cây rừng, láng ông Cao (Việt Minh gọi là vùng 20), ông Cao chính là Voi rừng mà dân gian không dám gọi chính danh mà gọi là ông Cao, theo một cụ bà nay còn sống kể rằng vào những năm 1943 – 1945 chính mắt bà thấy nhiều con voi rừng tại láng này, láng Ma Rốc (nơi đây Việt Minh xử bắn hai lính Ma Rốc), trường Quân Chính của Việt Minh ngày xưa cũng đóng quân ở láng Ma Rốc này, láng Tàn Dù (vì dáng cây như những tàn dù), láng trại Gũ (gõ) bà Thơ, còn ở đầu bưng Vòng xoay có láng Lớn (còn gọi là láng cột cờ), kế tiếp hướng về bàu Trâm (bàu nhỏ) là láng Dúi (vùng có nhiều cây Dúi). Thời Việt Minh và thời sau này bộ đội và dân đóng quân ở các địa danh này (lúc đó rừng còn dày đặc) còn khi lấy nước thì xuống bưng lấy. Thời gian này, người dân xuống bưng, hoặc xuống biển đi gánh nước bằng lò tỉn nước mắm hoặc thùng thiếc khoảng 20 lít.

   Tại bưng Kòke thời Việt Minh có 2 trường học dạy cho con em dân kháng chiến, trường ở láng Cây Rừng gọi nhà trường số 5 (có thầy Lê Choi rất giỏi Pháp văn sau này về dạy trường trung học tư thục Tiến Đức, ngoài ra có cô Lê Thị Nhiếp). Còn ở bưng Kòke có trường học tên là trường Minh Quang ở bến ông Hương, trường này chủ yếu chống giặc dốt, bình dân học vụ từ lớp 1 đến lớp 4 (có thầy Nhánh dạy học rất nghiêm). Ngoài ra nơi đây còn có chợ gọi là chợ kháng chiến, và phía Việt Minh thỉnh thoảng cũng tổ chức các Hội chợ tại Bến ông Hương xài bằng tiền Đông Dương, hoặc bằng tiền tín phiếu, nghe nói lại một tô phở bằng “Đông Dương năm cắc, tín phiếu năm trăm” có nghĩa là nếu mua bằng tiền Đông Dương thì năm cắc, mua bằng tiền tín phiếu (do Việt Minh phát hành và tiêu thụ ở địa phương do Việt Minh kiểm soát) thì năm trăm.

   Còn bệnh viện thì phía Việt Minh có 2 bệnh viện, bệnh viện Miền Nam đầu bưng Vòng xoay, bệnh viện thị xã ở dốc ông Thao, thời đó bà con cũng có câu vè về phân công tổ chức của Việt Minh như sau:

   Sân khấu Năm Hàn
   Diễn đàn Sáu Xuân
   Nuôi quân Ba Sỏ. 

   Nếu các địa danh như xóm Bàu Trâm, xóm Xẩm, xóm Biển, xóm Trạm, Khe cả, Quán Thùng đã có từ lâu đời, thì bưng Kòke cư dân chỉ xuất hiện trong những năm 1940, những người ở đây đa số là người đã bỏ thành phố ra bưng biền chống Pháp từ các khu vực lân cận, đa số ở Phan Thiết, cụ thể như nhà nhiếp ảnh Đình Cường (làm xã đoàn trưởng), ông Trần Ngọc Thành đại đội phó đại đội Hoàng Hoa Thám (con ông Trần Gia Hòa tức Bát Xì), Phan Bá Hóa con trai ông Phan Bá Thiên chủ rạp Hồng Lợi (làm cảm tử đội), ông Cẩm Đình Hòa, ông Nguyễn Bá Đa nguyên trưởng ban kiểm tra Đảng Bình Thuận v.v…. sau đình chiến đa số cư dân đi tứ tán về ở Phan thiết, Tân Thuận, Tân Hải và ven trục đường quốc lộ 1A v.v sinh sống.

   Cư dân bưng Kòke muốn đi về Phan Thiết phải đi từ 3 giờ sáng, theo dọc đường cát xuống rừng non rồi xuống đường Xoài Khòm gần khu vực Lò Tỉn về Phan Thiết, sau đó về lại thì lúc đã xế chiều. Còn đi về Hiệp Nghĩa – Tân Thuận đi bộ theo đường xe bò đến bưng Trường, Giếng Bộng, bến Tượng đến Suối Vàng về Tân Thuận. Còn dân Tân Thành, Tân Thuận đi dọc đường biển đi qua truông Khe Cả, đèo Tùm Lum đến xóm Trạm, xóm Biển, Quán Thùng, rồi đến Camp L’E.S.E.P.I.C xuống chợ thì còn xa hơn. Ngày ấy cũng có xe khách của hãng xe Hiệp Thành (xe Huệ Thông, xe Thông Lợi) nhưng chỉ chạy theo đường dây thép, đường cát theo tuyến Bàu Trâm - Phan Thiết, hoặc Bàu Trâm – Tân Thuận.

   Căn cứ Ba Hòn – bưng Kòke là một chiến trường đẫm máu nổi tiếng, của bên Việt Minh và Pháp, cũng như sau này là căn cứ địa (chiến khu C3) bất khả xâm phạm của quân giải phóng, tại đây quân giải phóng chuyên tổ chức các cuộc đột kích về Phan Thiết, Camp esepic và các vùng lân cận…

   Nếu bây giờ về lại Tiến Thành, ta sẽ thấy những căn biệt thự sang trọng của dự án Novaland, những rẫy hoa màu, vườn thanh long, những rẫy cát bao la kéo dài từ biển đến rừng phòng hộ núi Tà Kóu, thì ngày xưa đây là rừng dày đặc, cây to, nhiều tầng, người xưa gọi là rừng phong kiến (vì khi đi lúc nào cũng phải cúi đầu xuống như chào hỏi, lễ nghi) có rất nhiều thú dữ tấn công người, đặc biệt là cọp, theo kể lại như sau:

   Vào năm 1948, có ông Lễ em ông Nghĩa (con ông Hào) đi theo đoàn người, nhưng ông là người đi sau cùng (mục đích hái trộm dưa ăn mà người đi trước không thấy) ở dốc ông Thao gần xóm Xẩm, thì bị cọp nhảy ra vồ chạy mất, bà con và du kích phải lần theo phát hiện đem xác ông về.

   Khoảng năm 1952 – 1953, bà Nữ (cháu ông ba Khương) buôn bán hàng tại bưng Kòke mà thời đó cho là hàng cấm, (hàng cấm ở đây chỉ là xà bông, hoặc là những mặt hàng xa xỉ phẩm khác mà thời đó ở bưng Kòke, một căn cứ của Việt Minh thì đó là một việc cấm) về Phan Thiết mua hàng thì đi bình thường theo những người khác, nhưng khi về lại bưng Kòke thì bà Nữ phải đi theo những con đường khác và vào những giờ khác để tránh công an Việt Minh chặn bắt, thì một lần nọ bà bị cọp vồ đi mất. Bà con cùng du kích đốt đuốc đi tìm thì phát hiện xác bà bị mất một chân, tội nghiệp cho bà Nữ, du kích quyết định giết chết con cọp này để bảo vệ bà con xóm làng, đã đặt mìn dưới thi thể bà để gài bẫy giết chết con cọp đó, quả thật tối hôm sau, con cọp đó lại quay ra ăn tiếp, mìn nổ con cọp phơi thây, coi như bà Nữ chết 2 lần.

   Mẹ tôi kể lại thời Việt Minh mẹ tôi làm cán bộ phụ nữ thôn đi họp về lúc ban tối, sáng hôm sau nghe chuyện có cọp ăn người tại trục đường mẹ tôi đi họp ngang qua tối đó, thật hú vía. Nghe nói tại bưng bà Tùng cọp ăn người nhiều nhất, Bàu Trâm thì ít hơn.

   Ở xóm Bàu Trâm (bàu nhỏ), ngày ấy nghe nói có một rừng cây Sao to lớn hai ba người ôm không hết, rậm rạp, vì là một chỗ trũng xung quanh 2 triền cát nên tích tụ lại thành bàu nước quanh năm, tại đây có một cây Trâm to lớn cho nên gọi là Bàu Trâm, nhưng cây Trâm cũng đã mất từ lâu đời, các cụ già nói lại đời cụ cũng không thấy, ngày nay bàu Trâm cũng không còn nước. Ở đây, cư dân hình thành từ rất lâu, các cụ già còn sống nói thời ông cố của các ông đã có ở xứ này, niềm tin của các cụ cho rằng cư dân xóm Bàu Trâm từ miền Trung đã theo chân tổ Hữu Đức trụ trì chùa Kim Quang vào đây lập nghiệp.

   Sách sử có ghi, Tổ sư Thông Ân Hữu Đức họ Trần người làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay huyện Tuy An, Phú Yên), sinh năm 1812, khi lên 17 tuổi ông dong thuyền vào Nam đến Phan Thiết xuất gia, qua các chùa Bửu Lâm, rồi Phước Hưng, năm 1836, lúc 27 tuổi, ông theo đường biển đến làng Kim Thạnh xứ Bàu Trâm lập chùa Kim Quang, tại chùa có một hang đá ông đã ẩn thân tu hành theo trường phái mật tông và ông ở đây suốt 30 năm nghiêm trì mật hạnh. Cũng chính tại đây ông có hiệu là Hữu Đức sau khi được truyền trao Túc giới và Bồ Tát giới. Sau đó, năm 1872 ông lên núi Takóu tiếp tục tu hành lập nên chùa Linh Sơn Trường Thọ nổi tiếng và viên tịch tại đó. Ngày nay di tích cũ như hang đá, giếng chùa, nền nhà của chùa Kim Quang vẫn còn, còn tượng Phật (có tượng bằng gỗ) được bà con đem về chùa Pháp Quang cây số 19 xã Hàm Cường cất giữ sau khi chịu không nổi bom đạn chiến tranh phải bung về trục lộ quốc lộ 1A sinh sống … nghe nói giáo hội và chính quyền sẽ tái lập lại chùa Kim Quang trong thời gian tới.

   Trước 1954, xóm Bàu Trâm thuộc làng Minh Quang , xã Minh Cảnh, sau năm 1954 đến năm 1960 có tên gọi là làng Kim Thạnh - xã Kim Bình, nay thuộc xã Hàm Cường – Hàm Thuận Nam. Gần xóm Bàu Trâm đi về phía biển nay thuộc xã Thuận Quý có hai núi Ba Đăng, núi Tà Đặng sừng sững, và có Bàu Lớn còn gọi là bưng Kỳ Hào (gần bưng này có Lán Cầu Trời ở trên Giồng cây tre gần Suối Nhum), đây là cũng là vùng căn cứ Việt Minh và quân giải phóng sau này. Nghe nói dân chúng tại Bàu Trâm, xóm Xẩm ngày trước nuôi trâu bò rất nhiều, nhưng cũng bị cọp ăn cũng không ít.

   Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cư dân Khe Cả, xóm Trạm, xóm Biển, xóm Bình Trị, Quán thùng, hồ Bà Xe, Hòn Một chịu nhiều tang thương do Pháp đem lại, nhiều cuộc hành quân bằng đường biển, bằng đường bộ từ Phan Thiết lên, nếu người nào không chạy kịp thì sẽ bị bắn, đàn bà bị hãm hiếp, cắt cổ mổ bụng là chuyện bình thường, đó là chưa kể máy bay thả bom, pháo biển bắn vào. Có lúc bà con vùng ven biển cũng phải lánh nạn vào các vùng bên trong núi hơn như bưng Kòke, xóm Triền v.v… sau khi giặc yên rồi mới về. Tại các vùng này thiên nhiên tạo cho nhiều khe nước lớn tạo ra nhiều tác phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp, giống như Suối Tiên ở Mũi Né bây giờ, nhưng lúc này là chỗ lý tưởng để bà con chạy giặc, trốn pháo biển và máy bay. Nhưng cũng vào thời điểm ấy, lại cũng nghe lại được câu chuyện tang thương khác là có một số thanh niên tụ tập đánh bài chơi tại các khe nước trên ở xóm Biển, không may bị cát đổ sụt xuống thế là bị chôn sống hết, trong nhóm này có con ông Hồ Năm nhà giàu, ông thuê người đào tìm xác con, trong quá trình tìm xác nếu tìm được ai thì đem lên, nhưng đến khi tìm được xác con ông Hồ Năm rồi thì cuộc tìm kiếm dừng lại, thế là những người khác bị cát vùi thây mãi mãi. 

   Cư dân của xóm Biển, vào thời này ta thấy có gia đình nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (chồng ca sĩ Ngọc Cẩm) nổi tiếng, là ba của ca sĩ Hồng Hạnh, ông Nguyễn Hữu Thiết có người anh là Nguyễn Hữu Sáng dạy học tại xóm Biển, người ta còn nhắc đến bà Thu Ba thông thạo tiếng pháp, sau này về thành làm y tá trưởng tại bệnh viện Phan Thiết, chồng bà Thu Ba là ông Vũ Đình Ban là bác ruột ông Vũ Quốc Hùng, bạn học nhạc sĩ Nhật Trường.

   Cũng phải nói thêm, ở giữa các vùng vừa nêu trên với TP. Phan Thiết đó là ấp Đất đỏ, sau đó đổi thành Bình Tú, ở đây có đình làng Tú Luông, nhưng khi bị dồn dân về ấp Đức Long thì bà con cũng dời đình làng về vị trí như ngày nay, ở vị trí cũ bà con bây giờ cũng thờ cúng, coi như một nhánh phụ của đình làng Tú Luông ở Đức Long. Ở địa danh này, ta biết đến những địa danh một thời như: Hồ Cụt, Hồ Dài, láng Chổi Chà, láng Cây Râm, dốc Giáng Hương, Khám Đỏ, láng Cây Cốc, dốc Campuchia dành cho bà con Việt kiều ở Campuchia tị nạn về năm 1972, những địa danh này cũng xảy ra nhiều trận đánh của quân giải phóng với quân đội Mỹ và VNCH vì nó sát Camp Esepic và cũng là vùng đệm với căn cứ bưng Kòke.

   So với các địa danh, thì địa danh ở ấp Đất đỏ Bình Tú chắc mọi người còn nhớ nhất, vì sau 1975, toàn dân đi làm rẫy tại đây, cứ mỗi chiều tối về, bà con từ các rẫy đi ra ngoài đường chính về Phan Thiết đen nghịt.

   Đây là một vài nét chấm phá về quê hương của mẹ tôi, mà tôi cố gắng tìm, mỗi lần nhớ cha nhớ mẹ tôi thường liên tưởng đến những vùng đất này ngày xưa. Nằm trong cảm xúc đó, tôi cố gắng tìm lại dấu vết xưa mà tôi tin rằng những tháng năm ấy có những bước chân mà cha mẹ tôi đã đi qua, tôi cố gắng tìm lại tên những địa danh cũ, để hiểu những nỗi khổ, nỗi sợ hãi mà cha mẹ buộc phải vượt qua để nuôi con trong thời buổi ly loạn ấy, mới đó một thời gian không xa lắm mà đã đi vào quên lãng.