Bảo tồn và phát huy giá trị loại hình hát ngâm Ariya

24/01/2024 00:00
161

LÂM TẤN BÌNH


Lễ Bế mạc lớp học Ariya tại xã Phan Hòa 

 

Ariya là một loại thể thơ lục bát được lưu truyền trong tư liệu văn học dân gian do người Chăm sáng tạo để phục vụ trong cuộc sống lao động sản xuất và văn hóa tinh thần của họ từ bao đời nay.

   Sau năm 1975, qua các đợt điền dã của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã khẳng định rằng Ariya là một loại hình văn chương rất phong phú về nội dung và đa dạng về thể loại giọng điệu hát ngâm mang tính văn học nghệ thuật dân gian rất cao. Tiêu biểu một số thể loại Ariya mang nội hàm về gia huấn ca răn dạy cho người phụ nữ Chăm về thể hiện nhân cách đặc trưng theo chế độ mẫu hệ như Ariya Muk thruh Palei (Thơ ca về bà Tổ mẫu), Ariya Pataow Adat (Thơ ca về răn dạy tập tục); hay thể loại Ariya Gru Pataow dạy bảo người con trai khi lớn lên phải siêng năng học chữ cho nên người; nội hàm về cách tính lịch Chăm để hành lễ về tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian theo quan niệm âm dương lưỡng hợp giữa hai đạo Ahier và Awal như Ariya Thun Bilan, Ariya Po Inâgar; nội hàm về tình yêu chung thủy bất diệt của đôi trai gái Chăm bị cản ngăn bởi bức tường khắc nghiệt về sự khác đạo theo quan niệm của thời phong kiến lúc bấy giờ đã để lại tuyệt phẩm bất diệt như Ariya Cam Bini và Ariya Bini Cam…     

   Tất cả các nội dung và giai điệu giọng ngâm của từng chủ đề thể loại Ariya này, vào khoảng từ thập niên 90  trở về trước có rất nhiều vị tu sỹ, chức sắc và các nghệ nhân là tín đồ Chăm và Bàni đều biết hát ngâm. Đặc biệt là giai điệu hát ngâm nức nở của thể loại tuyệt phẩm Ariya Cam Bini vào giữa đêm trăng thanh, gió mát ở các làng quê Chăm với âm thanh giọng điệu  hát  ngâm văng vẳng nghe thật bùi ngùi nức nở và xúc động theo từng lời thơ ai oán cho hoàn cảnh của một cuộc tình thủy chung giữa đôi trai gái Chăm khác đạo phải cùng nhau hy sinh theo ngọn lửa tình bởi sự chia rẽ khắc nghiệt theo quan niệm của tôn giáo thời phong kiến.

   Đó là những hình ảnh không gian ngày xưa của các làng Chăm vẫn còn hiện hữu, làm cho con người mình rất phấn chấn về tinh thần trong sinh hoạt văn hóa xã hội. Ariya đã góp phần giáo dục hình thành nhân cách cho con người, ý thức về cội nguồn, thể hiện lòng hiếu thảo, thiện tâm trong đối nhân xử thế. Phản ánh được trình độ và hoàn cảnh xã hội theo từng giai đoạn lịch sử của nó, đã tạo nên yếu tố tình cảm thắt chặt tình đoàn kết trong mối quan hệ sinh hoạt giữa hai tôn giáo gắn với giáo dục lòng tự hào và trách nhiệm của nhiều thế hệ người Chăm trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

   Tuy nhiên, trong giai đoạn thời gian từ thập niên năm 2000 trở lại đây theo trào lưu của cuộc sống phát triển hiện nay, do sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan về xã hội và chủ quan của con người, các văn bản chữ Chăm ghi chép Ariya và các nghệ nhân biết hát ngâm Ariya đang có nguy cơ mất dần, hầu như ở các làng Chăm vào những đêm trăng sáng không còn được nghe giọng hát ngâm Ariya nữa. Cũng chẳng có ai quan tâm đến việc tổ chức truyền dạy cho lực lượng kế thừa để giữ gìn và phát huy nó kể cả chủ thể văn hóa là người đã sáng tạo ra loại hình thơ ca này.

   Trước thực trạng đó, cuối năm 2020, tôi và PGS.TS Thành Phần, nguyên là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam  Á, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tp. Hồ Chí Minh có phối hợp với Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm và một số nhân sỹ trí thức Chăm đăng ký với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh thực hiện đề tài khoa học đặt ra những giải pháp để tác động đến các ngành chức năng liên quan kịp thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình hát ngâm Ariya này trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và đã được Hội đồng Khoa học của tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2022 .

   Cũng có thể nói rằng, chính từ những yếu tố đặt ra giải pháp tác động từ đề tài khoa học của tỉnh, dẫn đến thật sự hôm nay đã sớm có chủ trương của Đảng và Nhà nước đi vào hiện thực bằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được UBND tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 1576/QĐ-UBND, ngày 08/8/2023 về việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh thực hiện một số dự án để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phát triển du lịch, trong đó có mở lớp truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Qua kế hoạch đề xuất thực hiện dự án của Bảo tàng tỉnh là đơn vị sự nghiệp được Sở VHTTDL giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai tổ chức lớp học mời các Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh nhà am hiểu truyền dạy Ariya tại 2 xã Phan Hiệp và Phan Hòa trong tháng 10 và tháng 11/2023 vừa qua, đã  đào tạo được 53 học viên là con em người Chăm. Điều rất bùi ngùi, xúc động ở đây là có học viên đã trên 80 tuổi nhưng vẫn còn say mê đăng ký đi đầu theo học như anh Dụng Xít và anh Đặng Gấm ở xã Phan Hòa là tấm gương cho giới trẻ noi theo, tạo nên lực lượng kế thừa để tiếp tục nhân rộng mô hình cho một số làng Chăm khác theo nguyện vọng. Đây là dấu hiệu mang niềm vui đến cho đồng bào Chăm là chủ thể văn hóa của loại hình Ariya này, góp phần kịp thời ngăn chặn trước thực trạng nguy cơ có thể dẫn đến thất truyền.