Đồi Giang, đất níu chân người

23/01/2024 00:00
336

TRẦN DUỆ


Một cơn gió lành lạnh thổi qua, ông Lương Văn Xuân nhấp ly trà rồi ngước lên nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt: “Tết tới rồi!”. Những người ngồi chung bàn bất giác nhoẻn cười, còn hơn hai tháng nữa mà nói cứ như đã sát bên thềm. Cái ly đang đưa lên bỗng dừng lại giữa chừng, tôi lén nhìn ông, và hiểu là ông đang sống trong tâm trạng chờ tết, đơn giản chỉ là để được gặp lại con cháu. Là người quen ngồi ở bộ bàn nhà ông uống trà buổi sáng từ những năm đầu có mặt ở vùng kinh tế mới Đồi Giang nên tôi hiểu điều đó. Nhóm bạn trà của ông dù trời mưa hay không đều tập trung ở nhà ông từ lúc mặt trời chưa lên, cho tới bảy giờ sáng là nhà ai nấy về. Nhóm trà sáng đã duy trì được hơn hai chục năm rồi. Ngoại trừ tôi là một người mới về hưu, còn tất cả những người trong nhóm bạn của ông đều trên tám chục tuổi. Nhiều lúc bận việc không đến được, các ông lại gọi zalo ơi ới rủ rê. Các ông đều thuộc thế hệ không biết sử dụng máy vi tính, cũng không biết sử dụng Google, dù điện thoại thông minh vẫn được con cháu mua tặng đầy đủ. Các ông thường nhờ tôi tra cứu giùm mỗi khi có xảy ra tranh cãi về những vấn đề như lịch sử, dân số các quốc gia, lịch thi đấu bóng đá, v...v... Lâu dần, tôi trở thành người bạn vong niên không thể thiếu trong mỗi cuộc trà của các ông. Ngoài những điều đó thì câu chuyện mỗi sáng của họ chỉ lui tới với ước mơ về tương lai con cháu, nhưng nhiều nhất vẫn là kể về cái đói, cái khổ của những ngày đặt chân đến vùng kinh tế mới.

   Tôi nghĩ, các ông yêu quý nơi này một phần vì đã gắn bó với nó hơn nửa cuộc đời, đã đón nhận, đã trả giá, đã đánh đổi nhiều thứ cho cuộc tồn vong dằng dặc. Đầu năm 1978, từng đoàn người nhếch nhác tiều tụy từ các xã Hàm Nhơn, Hàm Thắng, Mũi Né, Hàm Mỹ…với những món đồ gia dụng đơn sơ và rẻ tiền, chất chồng lên những chiếc xe tải rời huyện Hàm Thuận để thực hiện một chính sách có tên gọi là “Đi xây dựng vùng kinh tế mới”. Vùng kinh tế mới Đồi Giang, huyện Đức Linh (lúc đó chưa chia huyện) đón gia đình ông Xuân cùng nhiều gia đình vào một đêm trời tối đen. Quá mệt vì sau một ngày xe chạy ỳ ạch qua con đường nhiều ổ gà và bụi bay đến mờ mắt, chung quanh là cây rừng phủ kín trên đầu. Sáng mai thức dậy, nhìn chung quanh là rừng rú; sau lưng là ngọn núi Ông sừng sững; trước mặt là ngọn núi dãy Cà Ton che khuất tầm nhìn.

   Lịch sử có ghi, năm 1877, cụ Nguyễn Thông – người xây dựng Ngọa Du Sào, sau này là trường Dục Thanh ở Phan Thiết, khi đó đang giữ chức dinh điền sứ ở Bình Thuận, đã đến La Ngư - vùng đất Tánh Linh ngày nay để khảo sát, tìm nơi mở rộng đất nông nghiệp cho nước nhà, đã viết bài thơ chữ Hán, dịch nghĩa như sau: 

   Khe Bà từ trong mây lại
   Quanh co như con rắn bò
   Dãy núi tỏa ra như bàn tay
   Đường khách đi qua chỗ ấy
   Phải lội sang ngọn khe và đi qua bãi cỏ rậm quanh co
   Lội qua khe nước chảy mạnh
   Cây mọc dày che mặt trời
   Ban ngày thường âm u lạnh lẽo
   Hổ đói đi sát cạnh đường
   Khỉ kêu vang đầu góc rừng
   Nếu không có sự cần thiết 
   Ai chịu vào nơi gian hiểm này?

   Dù bài thơ đã được sáng tác hơn 100 năm nhưng do chiến tranh kéo dài cũng gần chừng đó thời gian, nên cảnh trí Tánh Linh lúc đó chẳng khác mấy so với những gì đã tả trong bài thơ. Linh cảm của một người đàn ông đang độ tuổi trung niên đã báo cho ông Lương Văn Xuân hiểu rằng, những ngày tháng tới sẽ là những thử thách không nhỏ. Ông Xuân sinh năm 1938 ở xã Hàm Nhơn (thị trấn Phú Long ngay nay). Trong nhà đông anh em, ruộng vườn không nhiều nên ông tình nguyện đưa vợ và năm đứa con trai, đứa đầu mười hai tuổi, đứa nhỏ mới được bốn tháng tuổi, đi tìm sự đổi đời, như lời của cán bộ huyện trao đổi trước lúc lên đường.

   Từ một người không có nhà, không có đất, nay đã được nhà nước cấp đất rừng rồi tự phát dọn; chặt cây, chặt lá buông ở xã Suối Kiết về làm nhà. Mặc dù cái nhà lúc đó chỉ rộng hơn cái chòi giữ rẫy ngày nay một chút, nhưng đó cũng là niềm tự hào, vì cái nhà đó do chính bàn tay mình dựng nên. Niềm vui dâng trào không chỉ riêng gia đình ông mà cả những ai đã đặt chân lên trên vùng đất mới. Tiếp tới, được nhà nước cấp lương thực trong sáu tháng đầu để bà con có cái ăn mà đi khai hoang, vỡ ruộng. Mồ hôi đổ xuống, cây lúa xanh tốt vươn lên, báo hiệu một cuộc sống đủ đầy trước mắt, một tương lai lâu dài ở quê mới. 

    Nhưng rồi, cuối năm 1978, 100% cây lúa ngã đổ do những trận bão lụt kéo dài, cây khoai mì bị heo rừng và khỉ đàn kéo đến phá sạch. Mất mùa. Cán bộ đưa đi kinh tế mới đã rút về tỉnh; trung tâm huyện ở tận trên Võ Đắt, cách nơi ở gần năm chục cây số và mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò chạy bằng than. Nhà nước hết trợ cấp gạo. Đói. Đau. Những từ ngắn gọn nhưng đầy những bi kịch tiếp theo của những người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Một số gia đình, ban đêm âm thầm “trốn” về lại quê, hoặc tìm sang tỉnh khác.

   Mỗi lần nhắc lại những điều đã xảy ra hơn bốn chục năm qua, các ông bạn già của ông đều cười to như thể tự hào là mình đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được. Khi niềm tự hào vừa dứt, nhìn vào ánh mắt của các ông, hình như có chất chứa một nỗi buồn nào đó mà các ông không muốn nói ra. Sau này tôi hiểu được rằng, để được cuộc sống hôm nay, cái giá mà họ phải trả không phải là ít.

   Sau mấy tháng đặt chân lên đất Đồi Giang, bà con phải chống chọi với những cơn sốt rét rừng cay nghiệt. Bệnh viện huyện, tỉnh ở xa, còn trạm xá của ban kinh tế mới không đủ thuốc. Vậy là bà con tự điều trị bằng các loại lá do bà con mách cho nhau. Thằng Hiếu, con ông Xuân sinh năm 1969 lúc đó đã mười tuổi, lên cơn sốt rét đã bảy ngày nhưng không thấy giảm. Ông bồng nó ra ngoài đường cái đón xe đưa về bệnh viện Phan Thiết (cách 100 km). Lúc đó mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò chạy bằng than từ Tánh Linh đi Phan Thiết và luôn trong tình trạng khách chật như nêm, nên khi xe đến nơi ông đón đã hết chỗ. Ông lại tính đưa thằng Hiếu về bệnh viện huyện (cách 50 km) nhưng tình trạng xe cũng như vậy. Rồi lại tiếp tục một ngày chờ xe nhưng vẫn không có chỗ. Ông đưa thằng Hiếu về nhà để tính đường khiêng bằng võng đến bệnh viện, nhưng thằng Hiếu đã qua đời ngay trong đêm đó.

   Đêm về, vùng kinh tế mới Đồi Giang chìm vào đêm đen. Không tiếng chó sủa; những ngôi nhà lá xơ xác không một ánh đèn dầu; đường đi trong vùng tối om như mực. Buồn. Đau. Ông nghĩ chuyện đưa vợ, con về lại quê cũ. Với chiếc xe đạp cọc cạch, dưới trời nắng gay gắt của miền cực nam Trung bộ, ông Xuân đạp xe đi về các xã của huyện Hàm Thuận quê ông. Cuối cùng ông nhận ra rằng, quê ông là một vùng đất khát, mùa nắng kéo dài nhiều tháng, thủy lợi không có. Nhìn những con bò ốm lòi xương đang đi trên cánh đồng khô cằn, không có một bóng cây, cuối cùng ông kết luận: Không nơi nào có điều kiện làm nghề nông tốt bằng Đồi Giang và cả huyện Tánh Linh.

   Trong nhóm bạn trà có ông Tư Diệu, những ngày đầu hoàn cảnh cũng bi đát không kém. Từ Mũi Né (lúc đó còn gọi là xã Hàm Dũng) ông đưa vợ con lên Đồi Giang với hy vọng sự chuyển đổi từ nghề biển sang nghề nông sẽ có cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng rồi bi kịch đến với gia đình ông. Sau hai năm vợ chồng vất vả để khai hoang ruộng đất, vợ ông bị sốt rét nặng rồi chuyển sang tổn thương phổi. Vợ qua đời năm 1980, khi ông mới 37 tuổi, để lại cho ông năm đứa con, đứa con gái đầu mười bốn tuổi cùng bốn đứa trai, trong đó đứa nhỏ nhất chưa tròn ba tuổi. Dù buồn nhiều nhưng ông không cho phép mình được chán nản, bởi vì phải cố gắng làm lụng để nuôi sống năm đứa con. Sau những cơn sốt rét, ông Tư Diệu lại vác cuốc ra đồng để mong các con đừng đói. Những hạt lúa, củ khoai mà ông làm ra được tích tụ từ máu, mồ hôi và nước mắt của chính ông và đàn con nhỏ dại. Sau khi con cái đã trưởng thành và đã có gia đình riêng, nghe lời động viên của các con, ông quyết định “đi thêm bước nữa”. 

   Năm 1983, huyện Tánh Linh được tách ra từ huyện Đức Linh. Rồi bệnh viện, trường cấp I, cấp II, cấp III, bến xe của huyện đều được đóng tại đất Đồi Giang. Một sự thay đổi đến đáng mừng không chỉ riêng những người đi kinh tế mới Đồi Giang mà cả những vùng kinh tế mới khác trong huyện Tánh Linh như: Vùng kinh tế mới Tà Pao, vùng  kinh tế mới Tề Lễ (Bắc Ruộng).

   Không riêng ông Xuân và ông Tư Diệu mà nhiều gia đình đi các vùng kinh tế mới khác ở huyện Tánh Linh đều có chung suy nghĩ, nếu như việc chia tách huyện được thực hiện sớm hơn thì chắc là trong gia đình của họ sẽ không có người thân bị chết vì sự yếu kém, lạc hậu trong giao thông, đi lại. Ở huyện nào cũng vậy, chính quyền cũng đều phải chăm lo cho sự phát triển đời sống người dân địa phương của họ. Những năm sau này, thấy cuộc sống đi lên, bà con nhiều tỉnh, thành trong nước tìm về Đồi Giang để lập nghiệp. Và điều thấy vui là nhiều gia đình “trốn” đi nơi khác lại tìm về Đồi Giang để mua đất làm nhà, tạo cuộc sống mới. 

   Gặp một anh Công an làm việc ở trại giam Z30D thuộc huyện Hàm Tân, năm nay chừng ba chục tuổi, cưới vợ là người Tánh Linh, mua đất, xây nhà kiên cố. Tôi hỏi, tại sao lại chọn đất Đồi Giang để sống? “Cháu thích sống ở Đồi Giang, vì ở đây gần trường mà vợ cháu đang dạy. Hơn nữa ở đây gần bệnh viện, gần chợ, gần trường cho các cháu đi học, gần trung tâm huyện và điều cháu thấy cần thiết là có nước máy đến tận nhà”. Tôi thấy anh Công an trẻ này đã nói thật lòng mình. 

   Địa danh Đồi Giang năm xưa, nay chỉ còn lại một cái tên là thôn Đồi Giang thuộc xã Đức Thuận, được giữ lại như một kỷ niệm, còn toàn vùng kinh tế mới đã thành lập xã Đức Thuận và chia một phần đất và dân cư cho thị trấn Lạc Tánh. Dù gì đi nữa, những ký ức năm xưa chỉ còn lại trong tâm trí những người lớn tuổi từng có mặt ngay từ những ngày đầu khai cơ, lập nghiệp. Lớp trẻ hôm nay dù không nói ra nhưng họ luôn biết trân trọng những giá trị của cha ông đã để lại. Dù có đi lập nghiệp, đi học hành nơi đâu, họ vẫn trông mong đến dịp lễ tết để quay về. 

   Về, để sớm sớm chiều chiều tha thẩn đạp xe quanh Đồi Giang, để thêm quý, thêm yêu, và để hiểu vì sao ông cha mình lại gắn bó với mảnh đất thân thương này đến vậy.