ĐOÀN MẠNH TIẾN
Cách đây 49 năm, đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập, báo hiệu một thời điểm lịch sử: từ nay miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổ quốc ta hòa bình, thống nhất Bắc Nam sum họp một nhà. Trong không khí hân hoan của giờ phút lịch sử ấy, cùng với niềm vui của đồng bào cả nước, các nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc mãnh liệt của mình.
Mở đầu bài thơ Toàn thắng về ta, Tố Hữu đã diễn tả nỗi xúc động dâng trào, niềm vui sướng vô biên của triệu triệu người Việt Nam trong giờ phút lịch sử: “Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng / Trào vui nước mắt cứ rưng rưng / Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy / Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng”…
Nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả cuộc tiến công thần tốc, khí thế ngùn ngụt, chiến công nối tiếp chiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên / Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng / Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên / Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi, một màu tang cờ trắng / Đường tiến quân ào ào chiến thắng / Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con / Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng / Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn”. Những câu thơ của Tố Hữu lấy cảm hứng từ sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 nhưng không hề tồn tại dưới dạng lý trí khô khan, mà trái lại bừng lên khí sắc, gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Trong giờ phút vinh quang hôm nay, nhà thơ nói tới hình ảnh anh bộ đội - người làm nên chiến thắng - với những câu thơ hoành tráng: “Không, không phải thiên thần/ Bước chân hài bảy dặm / Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân / Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm / Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông / Giản dị như chàng trai làng Gióng / Vũ khí, chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông / Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng”. Những giá trị tinh thần tốt đẹp nhất của con người thời đại đánh Mỹ đã được biểu hiện tập trung trong con người Việt Nam chiến đấu: “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào / Thời đại cho anh ánh sao trí tuệ / Không có gì quý hơn Độc lập tự do / Khí phách anh là Trường Sơn thanh cao / Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng, tâm hồn anh là muôn trùng sóng bể”. Những câu thơ mang đậm màu sắc sử thi đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
Bất ngờ, thần tốc, táo bạo, mãnh liệt, dồn dập, … chiến dịch Hồ Chí Minh đã đưa cả dân tộc đến ngày đại thắng vinh quang. Miền Nam giải phóng rồi! Đó là một sự thật mà đi giữa Sài Gòn nhà thơ Bằng Việt như không tin nổi những gì mình đang chứng kiến bởi chiến thắng ấy kỳ vĩ như một huyền thoại, lung linh như một giấc mơ: “Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ / Cái giây phút một đời người mới có / Thật đây rồi vẫn cứ ngỡ như mơ” (Đêm 30/4/1975). Đó cũng là tâm trạng của nhà thơ Xuân Sách: “Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ / Người đi vừa thật lại vừa mơ / Nửa đời cầm súng đi đánh giặc / Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ” (Trên đường phố). Và còn đây nữa: “Sài Gòn ơi! Những binh đoàn của ta từ bốn ngả / Đã trở về trong biển tay reo” (Nguyễn Đức Mậu - Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975). Nhà thơ Tế Hanh xúc động trước tốc độ thần tốc của chiến thắng: “Mùa xuân nào như mùa xuân 75 / Hai mươi ngày thay đổi hai mươi năm” (Mùa xuân 1975).
Có niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi Tổ quốc đã nối liền một dải! Có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc của một dân tộc sau bao năm trường chiến đấu hy sinh đã giành được độc lập, tự do, thống nhất. Tiếng thơ chính là tiếng đập náo nức, rạo rực của trái tim người nghệ sĩ trong những ngày lịch sử. “Từ nay thỏa nỗi chờ mong / Hai mươi năm một dòng sông nối liền / Một trăng rằm buổi đoàn viên / Một dây đàn đã rung lên ngọt lành” (Nguyễn Đức Mậu - Thỏa nỗi chờ mong). Cảm xúc hòa quyện với lý trí, tự sự xen với trữ tình ngọt ngào sâu lắng: “Từ đây hết nỗi đêm Nam, ngày Bắc / Dây đàn bầu thôi đứt ở Hiền Lương / Gửi lại sau lưng sáu ngàn ngày đánh giặc / Non nước này xanh mặt nước Hồ Gươm” (Tô Hà - Viết trong ngày toàn thắng).
Các nhà thơ đã nâng tầm vóc của chiến thắng 30/4 lên tầm thời đại, với thắng lợi lẫy lừng này, Việt Nam sẽ là một tấm gương sáng chói thôi thúc nhân dân đang bị sống trong cảnh nô lệ trên toàn thế giới vùng lên chiến đấu và chiến thắng: “Việt Nam là trái tim thế giới / Là lương tri, trí tuệ của thời nay / Là tiếng gọi nhân dân trên quả đất này / Mau phá ách, chặt xiềng, vùng lên chiến đấu” (Sóng Hồng - Sài Gòn giải phóng).
Một trong những cảm hứng chủ đạo của thơ ca viết trong những ngày đại thắng là trong niềm hạnh phúc lớn lao của chiến thắng, các nhà thơ nhớ đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua gian khổ để đi đến ngày thắng lợi. Tiếng thơ như tiếng gọi thân thương, kính mến, rất đỗi tự hào: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp / Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta!” (Tố Hữu). Và trong ngày hội non sông, thành phố mang tên Người hiện lên thật đẹp: “Chúng con đến xanh ngời ánh thép / Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa” (Tố Hữu).
Viết về Người, các tác giả đều dự báo một ngày mai tươi đẹp, một tương lai rạng rỡ: “Quyết xây dựng lại tương lai đất nước / Cho Tổ quốc ta đẹp gấp ngàn lần / Không còn những ngày đói khổ, gian truân / Tình ruột thịt Bắc - Nam một nhà sum họp / Lời Bác dặn đã hoàn thành trọn vẹn / Giờ này đây Bác ngủ hẳn yên lòng / Trời hôm nay trong sáng đẹp vô cùng” (Lê Đức Thọ - Trận thắng cuối cùng). Các nhà thơ ý thức được trách nhiệm của người lính nói riêng, của người Việt Nam nói chung trước nhiệm vụ tiếp tục bảo vệ Tổ quốc: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh / Đứng gác biển trời tươi mát màu lam / Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường cách mệnh / Cho chúng con nay được trở về vĩnh viễn Việt Nam” (Tố Hữu - Toàn thắng về ta).
Với chiến thắng 30 tháng 4, ở vùng mới giải phóng, lần đầu tiên đồng bào mới được thấy, được tiếp xúc anh bộ đội giải phóng. Trước đó, bộ máy tâm lý chiến của địch đã tuyên truyền, nói xấu về anh bộ đội. Trước mắt nhân dân, thực tế lại khác hẳn! Xuất hiện trên đường phố Sài Gòn là những người lính khỏe mạnh, đẹp trai, hiền lành và nổi bật là bộ quân phục màu xanh giản dị. Và tác giả Lê Văn Vọng đã nói lên tấm lòng của nhân dân vùng giải phóng đối với anh bộ đội: “Nghe nhiều rồi, bây giờ mới thấy đây / Chiếc áo anh mang màu xanh xanh của lá / Khi mặc vào trông anh hiền lành quá / Sớm lại chiều em cứ muốn nhìn thôi / Đôi chân anh đã đi bao miền / Mà đế dép vẹt mòn đá sỏi / Ai thương anh mà áo may đẹp vậy? Cây nghĩ gì mà màu áo nhường cho” (Chiếc áo màu xanh). Tình cảm của quần chúng nhân dân đối với người lính cách mạng thật chân thực, đằm thắm, thiết tha!.
Suốt 20 năm ròng đất nước bị chia cắt, không có giao lưu thư từ giữa đồng bào hai miền Nam Bắc. Từ nay đường thư đã được nối liền. Thật là cảm động: “Hôm nay Huế, Sài Gòn lần đầu tiên / Có những lá thư mang dấu từ Hà Nội / Số nhà cũ chập chờn ngóng đợi / Lá thư về gõ cửa nỗi chờ mong / Dòng chữ thân yêu khiến mắt ướt lưng tròng / Nét mực khóc cười với người xa cách / Trang giấy nhỏ hiện lên từng nét mặt / Cả gia đình xum họp ở trang thư” (Nguyễn Đức Mậu - Đường thư).
Trong một bài báo nhỏ, không thể nói hết về thơ viết trong những ngày toàn thắng. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh và khẳng định là trong những ngày vui lớn của dân tộc, mỗi tác giả đều góp một tiếng thơ reo vui vào bản khải hoàn ca vĩ đại của toàn dân tộc. Năm tháng đã trôi qua, nhưng âm hưởng sôi nổi, hào hùng của những tiếng thơ ấy vẫn còn ngân nga, vang vọng mãi trong lòng mỗi chúng ta.