NGUYỄN THÀNH TRUNG
"Mẹ luôn nói mẹ không sao
Để che đi những gian lao nhọc nhằn
Mẹ luôn nói dối con rằng
Thịt hầm, giò lụa mẹ ăn nhiều rồi
Thật ra những bữa mẹ ngồi
Chỉ ăn rau luộc với nồi cơm không
Thắt lưng buộc bụng từng đồng
Nuôi con khôn lớn thành công nên người
Mẹ luôn tỏ vẻ tươi cười
Thật ra sức khỏe trong người yếu đi
Cuộc đời mẹ chẳng có chi
Ngoài lời nói dối cũng vì các con!"
…
Mẹ chào đời giữa cái nóng ran của miền Trung trong những năm tháng gian truân khi chiến tranh còn khốc liệt. Khi mẹ tròn 5 tuổi, ngoại sinh thêm dì Đông nhưng do sinh khó nên ngay sau đó Bà ngoại mất. Ông ngoại và Mẹ phải bế Dì đi xin sữa của một sản phụ hàng xóm. Thế nhưng Dì cũng không qua khỏi vì sinh non, thể tạng yếu lại thiếu hơi ấm của mẹ nên cũng theo bà ngoại về thế giới bên kia. Mai táng tạm bợ cho Ngoại và Dì do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Một năm sau, tay xách, nách mang, Ông ngoại bế Mẹ di dân vào miền Nam và dừng lại ở vùng đất địa linh đồi núi trập trùng, sông hồ lổm chổm nhưng giàu hiếu sinh (Đức Linh ngày nay). Những năm đầu di dân, cuộc sống trăm bề khổ. Mẹ vốn gầy gò, thể tạng ốm yếu do thiếu chất và thiếu tình mẫu tử. Thương con, cuộc sống nhiều khó khăn, gia đình không thể không có người phụ nữ. Ông ngoại gặp bà ngoại kế cũng đồng cảnh ngộ nên quyết định hợp thành gia đình để Mẹ có người chăm sóc. Mẹ lớn lên trong tình yêu thương của Ông ngoại và Bà ngoại kế (dù không sinh thành nhưng Bà ngoại có công ơn dưỡng dục chu toàn). Hàng ngày, Mẹ cùng một số bạn bè trang lứa đi chăn trâu, tới mùa thì đi cấy, đi bẻ bắp, chặt mía thuê, đi gặt lúa mướn... Ngày nào cũng đến tối mịt Mẹ mới về. Thời ấy cái gì cũng khổ, đi học vào ban đêm, lớp học che bằng phên líp tre tạm bợ. Mẹ theo học đến lớp 5 thì nghỉ do điều kiện nhà khó và cái sự học lúc bấy giờ dường như cũng chưa phải là điều quan trọng nhất khi bữa cơm hàng ngày còn độn bo bo, khoai, sắn.
20 tuổi, Mẹ vẫn đi làm thuê, chăn trâu cho gia đình và vài nhà khá trong làng. Là thiếu nữ nhưng Mẹ vẫn cứ chất quê đúng nghĩa, chưa hề biết một lần se sua với bạn bè, mà thật ra cũng chẳng có bạn bè gì nhiều ngoài mấy đứa cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ và cũng chẳng có cái gì để có thể se sua cả. Hòa bình lập lại, cả nước thi đua sản xuất, nhà nhà tham gia lao động theo phương thức hợp tác xã và đấy cũng là hoàn cảnh để tình yêu nảy sinh trong lao động khi Mẹ gặp Ba - một thanh niên khỏe mạnh khá điển trai, được khối cô trong làng để ý. Chắc là do duyên số đã định nên Ba đem lòng yêu Mẹ trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của bao cô gái khác. Mối tình âm thầm này lại được cả gia đình hai bên ưng thuận. Một đám cưới nghèo diễn ra trên miền quê yên ả, mọi người vui vẻ chúc mừng và tấm tắc khen rằng Mẹ có phước.
Về làm dâu, Mẹ và Ba lam lũ nắng mưa cùng ông bà nội lo cuộc sống gia đình, dựng vợ gả chồng cho các em trong nhiều năm nên cũng chưa dám nghĩ cho mình một mái ấm riêng. Năm Mẹ mang bầu tôi, Ông nội mất vì không may bị sét đánh trúng khi đang làm ruộng. Ba là con trai lớn trong nhà nên phải thay ông gánh vác gia đình. Mãi đến năm tôi gần 5 tuổi, em kế tôi gần 4 tuổi Ba Mẹ mới ra ở riêng. Nhà nội cho một miếng đất phía sau vườn, Ba Mẹ tự tay cất một cái nhà tạm. Thời đó, vậy là hạnh phúc lắm rồi. Hai bàn tay trắng, Ba Mẹ đã nỗ lực từng ngày, từng giờ trong tình yêu thương nồng ấm. Những đứa con lần lượt chào đời, vẹn nguyên, lành lặn. Năm Mẹ sanh đứa em trai thứ tư, nhà gặp nhiều biến cố khốc liệt. Ba phẫu thuật ruột thừa bị nhiễm trùng, phải nằm viện dài ngày và năm lần bảy lượt vào Sài Gòn điều trị. Đứa em út mới sinh đang khỏe mạnh đột nhiên trở bệnh và qua đời. Mẹ suy sụp, trầm cảm, suốt ngày chỉ biết khóc mà chẳng màng ăn uống. Hàng xóm thấy thương, mua cho lon sữa bò. Tôi nấu nước pha sữa cho Mẹ nhưng Mẹ không uống. Cậu em trai khóc đòi, thế là nó được cho cả ca sữa. Nó ngậm chiếc đũa khuấy sữa vui mừng chạy tung tăng, vấp ngã, chiếc đũa xiên từ họng xuyên qua mũi lên tới màng não, máu me bê bết. Mẹ tôi thét lên thảm thiết và ngất lịm đi. Người ta đưa em trai tôi đi cấp cứu. Bác sĩ nói nguy kịch nên phải chuyển viện vào Sài Gòn. Ba tôi vừa điều trị vừa trực chiến nuôi em tôi nơi đất khách. Lúc đó, nhà tích góp được vỏn vẹn 2 chỉ vàng, vừa lo cho Ba chưa xong, đứa em nhỏ vừa mất, giờ thêm tai họa cho thằng kế út. Tiền thì không có, viện phí lại cao đành phải vay mượn, nợ nần. Mẹ như điên dại. Họ hàng nội ngoại hai bên thương cảm cùng góp sức để cứu giúp gia đình. Trời thương, tai nạn cũng qua. Bác sĩ giỏi đã cứu được đứa em trai gặp rủi. Mẹ dần hồi phục khi được Ba ân cần chăm sóc. Giai đoạn đó nhà khó, rau cháo đạm bạc ngày hai bữa, cuộc sống chỉ vậy thôi.
Thời gian trôi qua, sau cơn hoạn nạn liên hồi, cả gia đình động viên nhau cố gắng xây dựng lại. Ba Mẹ lại chịu thương chịu khó. Hai vợ chồng cần cù lao động, tích góp và dần trả được nợ. Ba Mẹ quyết tâm đi làm bất cứ việc gì người ta thuê, mướn, bằng mọi phương kế để kiếm tiền lo cho con ăn học. Ba tôi đã đổi nghề và thay đổi kế sinh nhai đến 6 lần (Nghề nông, buôn bí đỏ, buôn lợn con, buôn cá biển, nghề xe tải, công nhân bốc xếp gạch ngói, nghề mộc…). Mẹ tôi nói "đời mẹ đã thất học, bằng mọi cách, mẹ không thể để các con giống mình". Anh em tôi cũng lớn dần và đứa nào cũng được đi học. Năm tôi học lớp 7, Ba dành dụm mua được chiếc xe mơ ước (Honda 67) để đi buôn cá biển và cả cuộc đời Ba chỉ gắn bó với nó, đêm hôm ai bệnh hoạn, sanh nở, tai nạn…cũng chiếc xe này Ba không ngại đưa người đi viện, cấp cứu, mãi đến bây giờ Ba vẫn còn đang sử dụng chiếc xe kỷ niệm dù tôi có mua xe mới nào cho Ba cũng không thích.
Theo năm tháng, vì lao lực trong quãng thời gian quá dài nên sức khỏe Mẹ cũng ngày một yếu đi. Bệnh suy nhược cơ thể, suy giãn tĩnh mạch mãn tính và bệnh hen suyễn hành hạ sau mỗi ngày dài lao động dãi nắng dầm mưa trên đồng, trên rẫy. Nhiều năm, Mẹ chưa hề có một giấc ngủ ngon. Có hôm, nhất là mỗi lúc trời trở lạnh, những cơn ho khan đến nhói lòng như muốn xé tan màn đêm. Mẹ vẫn kiên cường, hiên ngang đương đầu với bệnh tật và sóng gió không một lời than van. Mẹ luôn nói dối rằng “đừng lo, mẹ không sao, với mẹ mọi thứ là chuyện nhỏ”!
Năm tháng trôi qua, anh em tôi cũng ngày một trưởng thành. Tôi thi đậu vào trường sư phạm. Em trai kế tôi cũng đậu đại học công nghệ ô tô, nhưng trục trặc giấy tờ (thời đó ba tôi sửa năm sinh trên giấy khai sinh viết tay để hai anh em cùng học chung một lớp. Học bạ và bằng cấp thì theo giấy khai sinh. Sau khi đậu đại học đối chiếu giữa bằng tốt nghiệp cấp 3 và hộ khẩu lại lệch nhau. Năm đó sửa lại toàn bộ giấy tờ hoặc bằng cấp là việc tốn kém và thủ tục không hề dễ) nên em tôi quyết định bỏ kết quả tuyển sinh, ở nhà phụ ba mẹ làm nông nuôi tôi đi học. Tôi may mắn được tiếp tục đi học nhưng gánh nặng lại thêm cho cả gia đình. Ý thức gia đình khó, tôi rất tiết kiệm và cũng tìm việc làm thêm suốt 3 năm sinh viên để tự trang trải, đỡ phần chi phí cho gia đình. Gồng gánh rồi cũng qua, sau tốt nghiệp, tôi xin làm thầy giáo tại một ngôi trường nhỏ cách nhà gần 5 cây số. Sau đó vài năm, cậu em lập gia đình và sinh 2 đứa con, ba mẹ cho ra riêng, cho đất trồng lúa, trồng su, trồng màu, gia đình cũng đủ sống. Cậu em trai thứ hai học hết lớp 12, nhắm không đủ khả năng thi vào đại học, đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, vài năm sau cũng lập gia đình và theo gót anh ba làm nghề nông, nay nhà cửa cũng tương đối khang trang, vợ hiền con ngoan sung túc!
Năm 2012, thực hiện tâm nguyện của Mẹ, Ba đưa Mẹ về quê, tìm lại mộ của bà ngoại và dì Đông cùng người sản phụ ngày xưa đã cưu mang sau mấy chục năm lưu lạc. Nhờ bà con làng xóm, các bậc hương thân phụ lão còn nhớ, mộ của bà ngoại, dì và người cho sữa năm đó được xây cất và trùng tu đàng hoàng. Mẹ cúng xin rước ngoại vào Nam, lập bàn thờ hương khói tại nhà. Đây là tâm nguyện lớn nhất của mẹ. Ba rành nghề mộc, tự tay đóng hẳn một chiếc tủ thờ lớn rất đẹp, thỉnh linh vị ngoại về trang trọng. Hình thờ là ảnh chụp tấm bia trên mộ (vì lúc đó không có hình ảnh lưu lại). Cái giỗ đầu tiên của bà ngoại tại nhà riêng có bàn thờ trang nghiêm ấm áp. Mẹ đã khóc!
Năm 2019, tôi lập gia đình. Vợ tôi cũng là giáo viên. Mặc dù Ba Mẹ giục ra ở riêng nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định ở cùng Ba Mẹ. Hai đứa em cũng ở sát bên nên đại gia đình lúc nào cũng gần gũi ấm cúng. Nay con cái đã lớn, trưởng thành cũng là lúc Ba Mẹ ngoài 65, tóc đã hai màu, giọng nói chùng xuống, da đã nhăn, mắt đã kém, xương khớp không còn nghe lời nữa nhưng Mẹ vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, suốt ngày vẫn cứ tìm việc này việc kia mà làm. Có hôm trưa nắng chang chang mẹ lại quét dọn, tưới cây, lau nhà. Lâu lâu lại thấy Mẹ mệt, ho khan. Mỗi lần như thế tôi hay cáu với mẹ vì muốn mẹ nghỉ ngơi. Mẹ vẫn cứ nói dối rằng “Cứ để mẹ làm, mẹ không sao”!
Năm 2020, Ba mẹ và tôi quyết định đưa bà nội về nhà chăm sóc. Nội đã ngoài 80. Các chú thím, cô dượng ai cũng có hoàn cảnh riêng, khá bận rộn nên thôi đưa nội về nhà tôi ở là yên tĩnh và vui nhất, thế là gia đình tôi có tới 4 thế hệ. Nội về được mấy hôm thì bị tai biến vì tuổi già sức yếu phải nằm liệt một chỗ đúng vào thời điểm dịch Covid bùng phát mạnh. Tôi tham gia công tác thiện nguyện, hoạt động xã hội cùng các đoàn thể, có tiếp xúc người nhiễm bệnh, vợ lại mới sinh con nhỏ nên để an toàn tôi phải thực hiện cách li. Cả nhà lại chiến đấu suốt mấy tháng nghẹt thở. Sau đó cả nhà vẫn bị nhiễm, Mẹ tôi rất khéo và đã từng chịu thương chịu khó nên dường như chẳng có thứ gì làm khó được. Mẹ cùng Ba chăm sóc Bà nội và gia đình chu đáo không thể chê một điểm nào. Cả nhà vượt qua đại dịch. Bà nội không được chích ngừa vì tuổi quá cao nhưng vẫn ổn và vượt qua đại dịch là chiến công lớn nhất của gia đình!
Trong suy nghĩ của anh em tôi và các cháu, Mẹ giống y chang bà tiên trong truyện cổ tích, chỉ khác hơn bà tiên đó là Mẹ luôn nói dối rằng “Mẹ không sao”. Nếu nói tôi đang viết về cuộc đời của Mẹ thì chưa phải và chưa đủ, vì không thể kể hết những nắng mưa, sương gió và khói bụi của cuộc đời đã phủ đầy lên người Mẹ. Tất cả những gì thuộc về Mẹ đều rất giản đơn nhưng là duy nhất và vô cùng cao cả. Đây chỉ là bài viết ngắn nói về những đoạn đường Mẹ đã trải qua nên văn từ có thể chưa sâu nhưng rất thật và được viết bằng tình cảm thiêng liêng tôi và các em dành cho Mẹ. Trang văn này sẽ in sâu trong lòng các thế hệ con cháu bởi nó viết về người Mẹ, người Bà chịu thương, chịu khó, tâm hồn thánh thiện, lối sống bao dung, giản dị, thắm đượm nghĩa tình, cả cuộc đời gắn liền với bốn chữ “Thầm lặng hi sinh” vì gia đình, vì con cháu.…
Giờ đây, khó khăn tuy vẫn còn nhưng bế tắc đã tạm qua. Hàng ngày, Mẹ ở nhà nấu cơm, chăm Bà nội và chơi cùng con cháu. Cuối tuần, con cái xúm xít, đứa mua cái này, đứa sắm cái kia, có miếng gì ngon cái gì đẹp cũng san qua sớt lại. Ngày lễ, tết, giỗ chạp thì tập trung về một nhà làm cơm cúng ông bà, bày tiệc nấu nướng, hát hò vui vẻ. Đàn cháu nội (6 đứa) vây quanh ríu rít, lúc nào cũng quấn quýt với đủ thứ chuyện trên đời. Ông nội, Bà nội suốt ngày phải làm “thẩm phán” xét xử cho những vụ việc dở khóc dở cười với những “luận cứ” rất chi là đau đầu của đám nhỏ. Tuy mệt nhưng ông bà rất vui. Sâu thẳm trong đôi mắt hiền từ như ông bụt bà tiên ấy ánh lên một nụ cười mãn nguyện.