PHAN THỊ NGỌC LINH
Ba nói “Hồi đó hổng có cái đường mương này đâu” (hồi đó là hồi nào ai biết). Nhưng từ hồi con nít xóm này biết tắm mương tới giờ thì đã có cái đường mương này rồi. Cái đường mương cong cong, quẹo quẹo dắt díu lẹo ẹo chạy qua trước mặt các mái nhà tranh tre, nứa lá.
Mương thủy lợi dẫn nước ra ruộng lúa nên cũng không lớn lắm, vừa đủ lũ nhỏ đi học về là phóng ào xuống ngụp lặn thỏa thuê, hốt cát đất bùn sình trét lên đầu rồi thi nhau nhận nước rửa đầu thí mụ nội. Vì trước mặt mỗi nhà là con mương này nên ai muốn vào nhà cũng phải bắt một cái cầu ván. Tụi nhỏ khoái cái vụ cút mương lặn qua cầu, ngoi được lên đứa nào đứa nấy đầu cổ rong rêu bắt gớm như ma rừng. Có thằng dóc tổ bày đặt lặn qua cầu không cần bịt mũi, nửa chừng nước ộc ộc chui vô mũi, vô miệng chừng tắt thở lật đật đứng ào lên đụng ván cầu đánh bốp lại sấp ngửa chìm xuống dòng nước, mồm mỏ tím ngắt, chân tay run lẩy bẩy biểu “Tao xém chết đuối, may mà hồi trước nằm mơ ông cố tổ tao có chỉ cho mấy chiêu bóp mũi thần đường mương nên tao đứng dậy được”. Thằng láo thấy ớn, hổng nhờ lũ nhỏ bợ đít lên thì uống nước nhừ chớ ở đó mà khua môi múa mép.
Cũng đường mương đó, khúc trên gần đập Cà Ty nước mạnh và trong hơn khúc dưới nên người ta hay đem quần áo ra đó tắm giặt luôn thể. Có mấy bận tụi nhỏ tắm dưới này cứ thấy quần áo trôi theo dòng nước, lừ đừ, vướng mắc, lúc lắc, rồi lại lừ đừ trôi. Ôi thôi thôi, đủ loại: quần lớn, quần bé có, áo lớn áo nhỏ có, áo không dây và có dây cũng có. Mà ngộ nhứt là loại quần đàn ông có cửa. Bọn con nít cứ xum xoe mãi, lí giải này nọ mà vẫn không tìm ra lí do tại sao khi thì quần có cửa chính, khi thì có cửa hậu, lúc lại là cửa giữa. Thằng Tèo Hai la làng “A, tao biết dồi, xé cửa để chiến đấu”. Mồ tổ cái thằng, tào lao xịt bộp. Thế là nó lấy cái que, treo quần lên, vác đi khắp làng trên xóm dưới tìm gia chủ. Đố cha nội nào dám thừ mặt ra nhận quần của tao, có mà nổi tiếng về tinh thần “chiến đấu” theo lí giải của nó.
Cũng nhân vụ trôi quần áo mà sấp nhỏ kể lại, ông nội nghe xong hứ hé “Tụi đó dở òm, phải tao là không trôi kiểu nào được hết. Tao nghe nói có mấy thằng lội qua đường mương, dắt theo xe đạp mà để trôi mất dép là tao gai nhãn ghê lắm”. Đứa cháu ngồi kế bên hỏi: “Chớ ông nội làm sao, nước mạnh quá chừng mà”. “Thì quăng chiếc xe xuống chận ngang lại rầu mò chớ sao!”. À, nghe cũng có lí. Chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà chiều hôm đó nội đi chạy nước đập về, ngang qua cái “giỏ khổ” ngồi xuống rửa chân, lớ quớ thế nào mà nước kéo luôn chiếc dép tổ ong. Nội quăng xe cái ào xuống nước như làm xiếc, cởi quần dài, ở trần leo xuống vớt dép mà tới chiều cũng toàn là cát với sạn. Má tụi nhỏ cười ngỏn nghẻn thấy ghét, ông cháu đích tôn cũng cười “Ông nội tài ghê, bái phục”. Ông hứ hé “Chắc nó mắc trong cỏ chứ trôi đâu nhanh dữ mạy”. Vậy mà miết tới khi hết làm hợp tác xã, hết dẫn nước thủy lợi, mương khô cong mà chiếc dép tổ ong của ông nội cũng chưa hề tìm thấy trong bụi cỏ hang cua nào. Chắc hà bá đem về làm “hài bảy dặm” kén vợ cho con.
Hồi đó, lũ nhỏ chơi nhiều hơn học. Trưa kéo ra tắm mương bất kể ngày mưa ngày nắng, chí chóe ỏm tỏi vật nhau, nhận nước đến tím tái mặt mày. Không tắm mương thì đi bắt dế, đứa nào đứa nấy đen thui thùi lùi như con chí đực trên đầu anh bạn Xômali trong hầm than đêm 30 cúp điện. Dế cồ trục, cồ than, dế óc tiêu, dế cha, dế mẹ gì bắt ráo đem về bỏ vô vỏ hột quẹt diêm cho thêm vài cọng cỏ dế rồi nằm phục cả buổi nghe nó gáy rét rét sướng mê tơi. Đêm về, có trăng cũng như không trăng, tụ tập cả lũ cả làng chơi trốn tìm, tạt lon, rồi chừng mệt thì văn nghệ văn gừng hát múa đủ loại trần gian, âm phủ. Người nhà quê hay ngủ sớm bởi ban ngày công việc đồng áng vất vả, vậy mà bọn con nít rần rần dậy làng dậy xóm. Một đêm mùa thu đẹp trời, trăng bàng bạc khắp đường làng ngõ xóm, bọn con nít tập trung ở trước khoảng sân rộng của nhà ông Sáu chơi tạt lon. Lại rần rần, lại dậy làng dậy xóm. Già Sáu ra đuổi nhưng có đứa nào chịu về, già đóng cửa quay vào nó lại chí cha chí chóe. Già mở cửa, lần này bưng theo thau nước tạt cái ào vào lũ nhỏ. Chu cha, mấy đứa ngồi gần cửa giãy đành đạch như phỏng nước sôi, la bải hải “Chồi ôi, khai rình hà. Chồi ôi, mặn chằng hà. Chồi ôi, thúi con mắt tao dồi. Oái oái…” Chúng chạy loạn xà ngầu, búng tanh tách như tép. Vừa khóc, vừa cười, vừa la. Rồi cười, la, khóc… Thì ra, già Sáu quay vô đóng cửa “chế biến amoniac”. Thằng Tủm Gáo ngồi ở xa dính đâu mấy hột vô mỏ, theo quán tính le liếm ói tới mật xanh mật vàng. Có đứa tội nghiệp gội đầu luôn mới ghê. Vậy mà mấy ngày sau cũng lại tụ tập tạt lon, chán thì hát hò “ngàn năm thương hoài một bóng hình xưa”.
Rồi một đêm trăng thanh gió mát nọ, cũng như cái đêm trăng thanh gió mát mà bọn trẻ hứng trận cuồng phong amoniac, con nít xóm Đường mương chơi “dàn quân hú hù”. Lần này có thêm con mụ Ba Lùn không được tỉnh tham gia. Chia thành hai phe sau khi quánh tù tì. Bên thằng Tèo Hai trốn trước, bên thằng Tủm Gáo tìm đánh. Trời! tụi nó lùng sục khắp xóm không sót bụi cây, hốc hẻm nào. Phe Tèo Hai bị phe Tủm Gáo bắn thí mụ nội, chỉ có mươi mười lăm phút bắt sống ráo trọi. Phe thắng bắt tù binh cõng chạy mấy vòng ruộng trước nhà ông Sáu mệt xịt khói lỗ tai. Đến lượt bọn thằng Tủm Gáo trốn. Trời ơi, bọn này dạn ghê lắm, chúng nó đi xa thiệt là xa, băng qua đường rày xe lửa (mà ở đó người ta nói ma nhiều lắm). Phe Tèo Hai tập hợp lại, đứa nào cũng nắm chặt tay, nhét ngón cái vô chính giữa vừa đi vừa thì thào câu thần chú đuổi ma “Án ma ni, bắt nhị hồng”. Tìm bắn chết hết “quân thù” sau một trận sinh tử quyết liệt thế nhưng vẫn không thể nào tìm ra con át chủ bài của phe địch – con mụ Ba Lùn. Công nhận mụ trốn chỗ nào mà bên đó giả đò sống lại cũng tìm không ra. Hóa ra bả chui vô cái miếu dưới tán cây Sộp ngoài Xã Bông, sau nghe tụi nhỏ kêu lảnh lót trong đêm mụ leo tuốt lên cây Sộp. Người già ở xóm nói cây đó đêm nào cũng có ma le đánh đu, có cho vàng cũng không ai dám đến. Vậy mà mụ Ba Lùn đánh đu với ma le mới ghê. Không dám tới gần, lũ con nít lấy đất chọi bịch bịch lên cây. Lát sau mẻ tụt xuống, tóc tai rối nùi như má của ông nội con ma le. Tụi nhỏ ù té chạy, bả cười hé hé “Mồ tổ cha đứa nào chọi trúng cái mỏ tao sưng như cái bánh xe đạp chửa”. Từ dạo ấy, đố đứa nào trong xóm dám cho mụ Ba Lùn chơi trò gì cho dù đó chỉ là trò bắt cào cào, châu chấu.
Mới đó mà đã mười mấy năm. Thời gian như chó chạy cong đuôi, con nít xóm Đường Mương giờ lớn ráo trọi. Có đứa bôn ba làm ăn xa mãi không về, giờ neo đậu xứ người hay chết đâu hổng chừng. Có đứa theo má qua tuốt bên Mỹ, lâu lâu bò về gặp lại mấy anh em nhà hàng xóm cười nhắc chuyện khi xưa ta bé. Nó là con Gái Ễnh. Hồi còn bé tí mà con này nó chửi tên cha mẹ người ta có bài có bản lắm. Hổng biết con nhỏ nhà bên chọc ghẹo gì nó mà thấy nó cao giọng với đứa em con cậu “Ê, Heo, tao mới bắt cho mày con cào cào hường hường nà”. Hỏi có ứa gan không, má con nhỏ kia tên Hường, ba con ta tên Tư Cào. Giờ nó qua bển văn minh rần rần, về lột xác như chị con thiên nga. Con nhỏ nhà bên hỏi “Ở bên đó có cào cào hường hường cho mày bắt hông”. Nó cười “Chuyện xưa bà ơi, hồi đó con nít, ăn thua cho bõ ghét”. Rồi có đứa lấy chồng sớm gặp phải cái thằng chồng tệ bạc, vũ phu nó đánh cho ngày mấy trận mà khổ nỗi thương con không bỏ được. Đứa bán nước mía đầu đường, đứa là nông dân thứ thiệt mới sáng chưa bảnh mắt đã xắn quần tới háng xách chà len đi cuốc đất. Cũng có đứa ăn học thành tài nhưng chẳng làm gì cho ra hồn, bám vào thanh long mà sống. Có đứa nghèo đến nỗi sợi thun cột tóc cũng không có. Hình như hồi đó cút đường mương quá nên giờ không đứa nào ngóc đầu lên nổi với thiên hạ. Giờ trăng cũng thanh vào những đêm rằm, gió vẫn mát rười rượi chạy giỡn khắp xóm Đường Mương nhưng con nít xóm này giờ không chơi nữa, không phá làng phá xóm nữa. Chúng nó bận học, học ghê lắm. Không giống con nít ngày xưa. Tuổi thơ mỗi thời mỗi khác!
Xóm Đường Mương, một phần kí ức tuổi thơ ùa về trong ngày trở lại.