PHAN THỊ NGỌC LINH
Nghề trồng hoa cũng lắm công phu!
Bình Thuận vốn không phải là nơi trồng và cung cấp hoa vào thời điểm xuân về Tết đến. Thế nhưng có một vài loại hoa như cúc, vạn thọ, trường sanh, mồng gà,…vẫn được các bác nông dân trồng bán Tết vừa để tăng thêm thu nhập vừa để lưu giữ một nét đẹp văn hóa của những làng ven đô. Trong số đó, công phu nhất vẫn là trồng hoa trường sanh.
Hoa trường sanh truyền thống chỉ có hai màu vàng và đỏ. Trường sanh vàng có hai loại: một loại lá xanh thon, vàng nhạt, cánh tuy nhỏ nhưng bung đầy cây. Một loại lá hơi tím, dày, bản rộng, vàng đậm, cánh lớn hơn nhưng thưa hoa. Người sành chơi trường sanh lại thích loại hoa vàng đậm lá tím vì nhìn cứ như thấy hoa mai trên bàn thờ gia tiên. Ông bà ta chuộng trường sanh vàng đơm bàn thờ trong những ngày tết không chỉ vì tên gọi mà còn vì hoa tươi rất lâu. Lục bình không cần đổ nước, chỉ cần ít cát sạch, cho nước vào âm ẩm, cắm hoa vào thế là cụ ấy tươi cả tháng. Trường sanh đỏ (hay còn gọi là trường sanh Nhựt) thì cây không cao, lá tím tròn, chủ yếu dùng chưng trên bàn ngắm nghía cho vui. Ba ngày Tết, bốn ngày xuân mà trong nhà có mấy chậu trường sanh là nghe an tâm, nồng nàn ấm cúng.
Thế nhưng, để trồng được hoa trường sanh vào đúng Tết, người nông dân rất kì công. Khoảng vào tháng 6 âm lịch là đã bắt đầu giâm con. Khi con đã mập, khỏe, đủ sức thì bắt đầu cấy thành từng luống. Tưởng là trường sanh thì dễ sống, đụng đâu cũng nảy nhưng không phải, chúng cũng đỏng đảnh, trái tính trái nết ghê lắm. Nắng quá không chịu, gió quá không lên, mưa dầm thì úng gốc. Thế nên khi giâm con và cấy ra thì phải che sao cho vừa nắng, vừa độ ẩm, tưới tắm phù hợp. Nói chung là phải có kinh nghiệm chứ không phải thả xuống đấy rồi chúng tự lớn lên.
Giai đoạn khó khăn nhất là bắt đầu trồng chúng thành hàng với khoảng cách phù hợp. Gần quá thì cây tong teo, yếu ớt, xa một chút thì cây cao to vạm vỡ khó cắm vô lục bình. Hầu như ngày nào cũng phải mò mẫm xem lá, xem chân. Đến khi chúng phổng phao thì bắt đầu cắm tre sát vào gốc để giữ cho dáng thẳng đứng, không lệch vẹo. Cứ thế canh đúng thời gian thì bón phân, làm cỏ. Miệt mài! Rồi phải canh chừng ngắt bỏ loạt hoa nở trước để chúng đâm lứa hoa mới sao cho kịp Tết. Có lần tôi hỏi cha “Sao mình không canh cho nó nở đúng Tết khỏi phải mất công ngắt tỉa rồi hồi hộp ngồi chờ”. Cha nói: “Biết vậy nhưng không làm được, có khi chúng nở trước, khi lại ra giêng, ra hai”. Thế mới hay mỗi một cây trường sanh ra được hoa đúng Tết là cả một hành trình nhọc nhằn. Năm nào thời tiết thuận lợi thì hoa phát triển tốt, năm nào trời bỗng dưng đổ mưa trái mùa thì coi như công sức đổ sông đổ bể. Người nông dân trắng tay sau nửa năm chăm sóc, hy vọng.
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, người dân tìm đến những loại hoa sang hơn để đơm bàn thờ mấy ngày Tết. Trường sanh vì thế cũng ít được trồng, ít được chuộng. Thế nhưng những gì thuộc về văn hóa truyền thống thì chỉ có thể tạm lãng quên chứ không thể mai một. Nhà nhà, người người lại xem trường sanh là loại hoa không thể thiếu trong những ngày đầu xuân.
Những làng ven đô như Phong Nẫm, Hàm Hiệp, Hàm Thắng lại bạt ngàn trường sanh.
Nghề trồng hoa quả lắm công phu! Thế nhưng mỗi khi những nụ hoa vàng lấm tấm e ấp bên chồi lá thì niềm vui đong đầy trong khóe mắt.