Vũ điệu thúng chai

22/08/2024 11:24
170

HOÀNG NGỌC THANH


Những chiếc thuyền thúng của ngư dân ở Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh:XH

 

Dọc bờ biển từ dải đất miền Trung đến vùng đất phương Nam đầy nắng gió, không khó để bắt gặp những chiếc thuyền thúng lướt đi chễm chệ trên đầu ngọn sóng hoặc nằm phơi mình trên bờ cát trắng mịn, tạo thành bức tranh rực rỡ sắc màu. Đó là phương tiện đi biển có một không hai của ngư dân Việt, không tìm thấy đâu trên bốn bể năm châu.

   Mỗi lần ngắm những chiếc thuyền thúng bé nhỏ đó, tôi tự hỏi, chúng có tự bao giờ?

   Ngư dân gọi thuyền thúng bằng cái tên thông dụng hơn, thúng chai. Lần về lịch sử cùng truyền thuyết thì thúng chai có từ thời nhà Đinh. Lúc bấy giờ, trong cuộc đại loạn mười hai sứ quân, tướng quân Trần Ứng Long đem quân dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang, nay là Thanh Oai, Hà Nội. Sứ quân lập căn cứ giữa vùng sông nước hiểm trở, lau sậy trùng điệp, dẫn dụ địch vào thế trận bày sẵn. Tướng quân Trần Ứng Long hạ lệnh cho quân chặt tre đan thuyền, phỏng theo cách đan thúng, làm phương tiện phục vụ chiến đấu. Sau này ông cùng quân về quê dạy người dân cách đan thúng làm phương tiện đánh bắt trên biển. Chính vì thế ngày nay dân làng Nội Lễ suy tôn Trần Ứng Long là ông tổ nghề đan thuyền.

   Tuy nhiên những chiếc thúng chai được phát triển mạnh từ thời Pháp thuộc, khi thực dân Pháp đánh thuế cao nghề đi biển, ngư dân đã chế ra chiếc thúng chai nhằm tránh thuế. Nó không phải là thuyền theo định nghĩa của người Pháp, chỉ là một chiếc thúng lớn, đủ sức chở vài người cùng các sản vật đánh bắt. Ngư dân né được thuế thuyền mà vẫn đi biển duy trì cuộc mưu sinh. Thật không ngoa khi gọi thúng chai là trí khôn của ngư dân Việt.

   Quê ngoại tôi ở một làng chài nhỏ nhấp nhô theo sóng nước. Mỗi khi mặt trời rót cạn giọt nắng cuối ngày, thì ngư dân trong làng hồ hởi đẩy thúng ra khơi. Những chiếc thúng chai đủ sắc màu như nét chấm phá lên bức tranh hoàng hôn diễm lệ, phụ họa bằng bản tình ca của tiếng sóng rì rào. Đến khi bóng đêm phủ một màu đen thẫm lên biển trời, ngọn đèn gắn trên đầu ngư dân bắt đầu tỏa sáng. Ánh sáng dù mỏng manh vẫn đủ sức xé toạc màn đêm, hòng tìm kiếm những sản vật tươi ngon từ trong lòng đại dương sâu thẳm. Dưới biển ánh đèn lấp lóa, trên trời sao sáng lung linh, thi nhau nhấp nháy.

   Lúc mặt trời vươn mình thức giấc, chiếu rọi tia nắng đầu ngày, những chiếc thúng chai đồng loạt rời biển cập bờ, đem về thành quả của một đêm dài lao động. Cua, tôm, cá, ghẹ tươi xanh, quẫy đạp trong mắc lưới, nhả mùi hải sản tanh nồng, theo cơn gió lan ra khắp bến cảng. Cứ hai ngư dân thành một cặp, gánh hai đầu đòn gánh, đưa những chiếc giỏ đầy ắp cá tôm lên bờ, chờ xe đưa đi khắp các nẻo đường phố thị. Bấy giờ thúng chai nằm ngủ sau đêm dài lênh đênh trên biển, mặc cho con sóng đùa nghịch vỗ mạn ì ầm. Trông như em bé ngái ngủ, khẽ cựa mình theo nhịp sóng lắc lư rồi tiếp tục say sưa giấc mộng.

   Thúng chai có đường kính chưa đầy hai mét, nhờ vậy mà linh hoạt lắm thay. Trong khi thuyền lớn dài và nặng xuống nước phải thông qua con sông gần biển, hoặc chỉ cập xa bờ, thì thúng chai xuống biển từ bãi cát, vừa làm phương tiện đi biển vừa làm nhiệm vụ trung chuyển hải sản, hàng hóa từ thuyền lớn vào bờ và chiều ngược lại. Ngoài cuộc mưu sinh, thúng chai còn làm nhiệm vụ cứu hộ. Các thuyền lớn gặp nạn trên biển, thuyền cứu hộ không thể cập mạn, chỉ có thể dùng thúng chai chuyền nhau sang. Thúng chai còn là thuyền con của các tàu đánh bắt xa bờ, là phương tiện thoát hiểm khi tàu gặp sự cố.

   Ngày trước, thúng chai chủ yếu đan từ tre. Thúng tre rách đem về vá lại dùng tiếp. Nếu được làm kỹ lưỡng, sử dụng cẩn thận có thể dùng đến mười năm. Đến giờ, đa phần thúng làm bằng vật liệu tổng hợp (composite), gắn máy nổ, di chuyển nhanh hơn, đi xa hơn, đánh bắt được nhiều sản vật có giá trị hơn.

   Riêng tôi vẫn hoài niệm về chiếc thúng tre thuở nào. Nó gợi nhớ một làng chài bình yên. Không ồn ào máy nổ, không mùi khói xăng, nước biển trong vắt không bợn cặn dầu. Tôi xem mỗi chiếc thúng chai là một tác phẩm nghệ thuật của người nghệ nhân tài hoa, dồn hết tâm sức của mình vào mới làm ra được.

   Tre để làm thúng phải là tre mỡ già từ sáu mươi phần trăm trở lên. Loại tre này chịu nước tốt, độ dẻo cao, không bị giòn gãy khi phơi khô. Tre được vót nan tỉ mỉ, đan mê, lận vành, tiếp tục phơi khô. Tiếp đến trét phân bò lấp đầy từng kẽ nan, cho thúng không bị hở mới trét dầu rái chống thấm. Dầu rái được bôi trét không dưới ba lần, mỗi lớp bôi là một lần phơi nắng. Sau đó đào hầm dưới đất làm khuôn, đưa mê thúng xuống, bắt đầu lận vòng thúng sao cho tròn đều, cân bằng và thẩm mỹ. Những chiếc thúng chai hoàn chỉnh đem phơi nắng nhiều lần tăng độ dẻo dai. Bên trong thúng, cố định thêm các thanh tre cho chắc chắn. Gắn các thanh ngang làm chỗ ngồi. Nhờ quá trình gia công tỉ mỉ mà thúng chai vững chãi trước sóng, không bị gió đánh lắc lư, ngược lại còn uyển chuyển trôi theo. Ngư dân đem thúng về quét sơn, đề tên mình vào, tránh nhầm lẫn. Nét chữ nguệch ngoạc trên nền xanh đỏ tím vàng. Vô tình tạo nên vũ điệu sắc màu cho biển cả.

   Hồi bé xíu, cậu cho tôi lên thúng cùng ra biển. Tôi lắc lư theo nhịp sóng, tiếng cười hòa vào tiếng hát của đại dương. Tôi học cấp hai, cậu dạy tôi cách chèo, làm sao cho thúng không xoay tròn, nhẹ nhàng lướt trên ngọn sóng. Cậu nói, chèo thúng chai cần khéo léo. Cậu dạy tôi quan sát hướng gió. Gió thổi thuận chiều, không mất nhiều sức. Nếu gió thổi ngược, cần giữ vững tay chèo, vận nhiều lực tay và chân để điều khiển thúng đi đúng hướng.

   Làng tôi chỉ vài trăm nóc nhà. Vậy mà cứ đến ngày hội vô cùng sôi nổi. Đó là những dịp làng tổ chức đua và biểu diễn thúng chai. Dù không được người ngoài biết đến, nhưng đối với dân làng, đó là ngày vui nhất, sảng khoái nhất. Cờ xí rợp trời, chiêng trống rền vang. Già trẻ bé lớn bồng bế nhau đội nắng cổ vũ. Những ngư dân tay chai mặt nám, cả đời chỉ biết có biển, vào ngày này ăn mặc đẹp đẽ, rũ bỏ những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, chú tâm vào tay chèo sao cho về đích nhanh nhất trong tiếng hò reo của cả làng.

   Vui nhất là màn lắc thúng. Ngư dân không dùng bất cứ loại dụng cụ nào như mái chèo hay dầm để bơi mà ở tư thế nửa đứng nửa khom, chân trụ vững bụng thúng, tay bu chặt vành, vận dụng toàn thân lắc mạnh đưa thúng lướt đi. Thỉnh thoảng rộ lên những tràng cười vang dội khi bắt gặp tư thế có một không hai của ngư dân đang ra sức lắc thúng về đích. Vòng đua này thường có nhiều ngư dân ngã xuống nước, lóp ngóp bơi vào bờ. Dù thắng hay không, ai cũng tươi cười rạng rỡ.

   Cậu tôi và bạn bè còn phô diễn kỹ thuật xoay thúng điêu luyện. Chân đạp thúng, tay vung mái chèo, kết hợp nhuần nhuyễn. Thúng xoay tròn nhịp nhàng. Cậu như người nghệ sĩ đầy ngẫu hứng, tỏa ra sức mạnh đẹp đẽ. Cậu kể, ngày xưa mợ thích cậu từ những lễ hội như vậy. Hai cậu cháu liếc trộm mợ, cười khanh khách.

   Em chê thuyền ván chẳng đi
   Em đi thuyền thúng có khi trùng triềng
   Có khi đổ ngã đổ nghiêng…

   Nghề xoay thúng hiện nay được phổ biến rộng khắp, như tiết mục biểu diễn đậm hương vị biển cho du khách thưởng ngoạn. Thúng chai có thêm việc mới, mang hình ảnh độc đáo của mình đi khắp bốn phương.

   Bao năm sống ở thị thành, tôi vẫn nhớ làng chài da diết. Nhớ dải đất đỏ cheo leo bên bờ cát trắng. Nhớ bến cảng nhỏ rộn rã đầu ngày. Nhớ ngư dân đời đời chất phác. Nhớ cả những chiếc thúng chai dập dềnh theo con sóng…