Nghệ nhân ưu tú Lê Trường Ngọc người góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc

23/11/2020 00:00
876

HỒ XUÂN HẢI


Nghệ nhân Lê Trường Ngọc đã gắn bó với loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian hơn sáu mươi năm. Ông vừa biểu diễn, vừa sáng tác, vừa dàn dựng và giảng dạy truyền bá nghệ thuật đến nhiều thế hệ học viên. Những đóng góp quan trọng của ông với loại hình nghệ thuật dân gian đã được ngành văn hóa của địa phương và Trung ương ghi nhận, nhiều lần tặng bằng khen và giấy khen.  Năm 2015, ông vinh dự là một trong bốn nghệ nhân của tỉnh Bình Thuận được Chủ tịch Nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

   Nghệ nhân Lê Trường Ngọc tên thật là Ngô Vĩnh Ngọc sinh năm 1939 tại Chợ Lầu, Bắc Bình, Bình Thuận trong gia đình truyền thống nghệ thuật. Cha ông là Ngô Xuân Bản, là một tay đàn kìm cổ nhạc thượng hạng, còn mẹ là Lục Thị Hà có giọng hát hay và diễn xuất giỏi, được nhiều công chúng mến mộ. Hàng ngày được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật dân gian như thế nên khi đang là một cậu bé mới hơn mười tuổi Trường Ngọc đã biết chơi một số nhạc cụ học được từ người cha của mình. Năm lên 13 tuổi Trường Ngọc đã chơi thành thạo đàn Mandolin, loại nhạc cụ đàn có tám dây. Có năng khiếu, sáng dạ lại ham học hỏi, một năm sau Trường Ngọc chuyển qua học cổ nhạc và chơi đàn kìm (nguyệt cầm), gáo, ghi-ta. 15 tuổi Trường Ngọc đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ và thường đi với các nhóm bạn biểu diễn Đờn ca tài tử ở Phan Thiết, Phú Long, Liên Hương...  

   Đầu năm 1950, biến cố đã xảy đến với gia đình ông. Cha ông lúc bấy giờ là trưởng công an xã Thuận Thành huyện Hòa Đa bị Pháp bắn chết khi đang đi làm nhiệm vụ và mẹ ông cũng bị Pháp bắn chết ở ngoài rừng khi bà đang đi tiếp tế cho cách mạng năm 1954. Trường Ngọc trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 15 tuổi. Kể từ đó ông đi làm cơ sở cách mạng, nhưng đến năm 1959 ông bị phát hiện phải bỏ quê nhà Bình Thuận chạy vào Sài Gòn. Thời gian này Trường Ngọc vừa tham gia cách mạng, vừa đi làm kiếm sống, lại phải vừa đi học thêm văn hóa. Và ông đã quen được nhiều nhạc sĩ giỏi ở các tỉnh miền Nam như Văn Cơ, Năm Dĩ, Bảy Bá...

   Năm 1962, ông thoát ly về lại Bình Thuận và công tác ở trường Đảng tỉnh. Vì có khả năng sáng tác nên đầu năm 1963, ông được chuyển qua Đoàn văn công Đội tuyên truyền thống nhất của Tỉnh đội làm trong tổ sáng tác và làm nhạc công. Năm 1965 ông về lại Ban Tuyên huấn Tỉnh đội làm công tác sáng tác và đạo diễn cho đoàn văn công đi diễn. Giai đoạn này ông sáng tác nhiều tác phẩm và được công chúng biết đến như tác phẩm thể loại tân nhạc: Thời cơ đông xuân, Tiếng hát tiểu đoàn 482, Đưa pháo qua sông. Cổ nhạc có: Bài ca binh vận, Đừng đi tới nữa, Người con gái đất đỏ, Dưới trăng đào công sự, Khu Lê bất khuất, Lý con sáo tam giác anh hùng. Thể loại ca Tây Thi: Tân điền rực rỡ. Kịch cải lương hai hồi: Anh đã về, Đứa con thứ hai cảnh ngộ một tấm lòng...

   Tết Mậu Thân năm 1968 đang lúc dẫn Đoàn Văn công đi phục vụ làm nhiệm vụ thì ông bị bắt, một số anh em trong Đoàn hy sinh, ông bị đày đi nhà tù Nha Trang, Phú Tài (Bình Định) rồi ngày 29/2/1968 ông bị đày ra trại giam tù binh Phú Quốc. Trong trại giam tù binh Phú Quốc bọn giám thị hà khắc ngăn cấm tù binh tụ tập đông người, không cho ca hát, ngâm thơ những bài ca kháng chiến, không cho học tập văn hóa, kể chuyện ngoài đời mà bắt phải học tập tiêu lệnh nội quy kềm kẹp tù binh của chúng. Ai vi phạm thì bị nhốt vào Chuồng Cọp cao hơn thì bị đưa lên gặp Ban điều hành tra tấn tàn bạo, rồi nhốt biệt giam ở Chuồng Cọp khắc nghiệt hơn. Mặc dù bị dày xéo đánh đập dã man hàng ngày tại trại giam, ngủ đêm sáng mai tỉnh dậy mới biết mình còn sống, nhưng Trường Ngọc và những anh em trong tù vẫn đứng lên đấu tranh phản đối sự đánh đập vô cớ của giám thị, đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, đòi được quyền học tập văn hóa, được đàn ca, giải trí khi thân xác đang bị giam cầm trong 4 bức rào gai vây phủ. Những quyền lợi của tù binh tất nhiên kẻ địch không bao giờ chấp nhận, nhưng phong trào học tập văn hóa, học tập chính trị và các môn nghiệp vụ, chuyên môn vẫn phát triển từng cụm, từng nhóm trong nhà tù. Trường Ngọc đã sáng tác những vần thơ cổ động tinh thần anh em trong tù chống lại giám thị, tiêu biểu là bài thơ: A2 nổi sóng. Rồi sáng tác các bài chòi, cải lương thể loại tân nhạc như bài: Những người con truyền thống, Lời ca trong tù, Lối về hoa nở, Thuyền cập bến, Cánh chim lồng … Các sáng tác của ông được phác họa trên cát, trên chảo nấu ăn và được ghi lại trong cuốn giấy quyến hút thuốc nhỏ. Nội dung các tác phẩm tố cáo chế độ tàn ác của địch và động viên tù nhân giữ gìn khí tiết cách mạng, giữ trọn niềm tin với Đảng với Bác Hồ, hẹn nhau ngày chiến thắng trở về và cổ vũ tinh thần đấu tranh trực diện với kẻ thù hoặc vượt ngục trở về với cách mạng. Viết đến đâu ông tổ chức cho anh em học đến đó. Rồi ông tổ chức đóng đàn, dạy tốc ký bằng mã số, dạy nhạc tân, nhạc cổ và tổ chức các hoạt động biểu diễn sân khấu ở trong tù. 

   Hiệp định Paris năm 1973, ông được trao trả về sân bay Thiện Ngôn của tỉnh Tây Ninh và được Trung ương cục miền Nam phân công ông làm cụm trưởng cụm 3 của anh em tù Phú Quốc về. Nhưng chỉ một thời gian ngắn Ban Tuyên huấn Trung ương và Tổng đội Thanh niên xung phong rút điều ông qua làm Chính trị viên phó của Đoàn Văn công Tổng đội Thanh Niên xung phong miền Nam. Thời gian này, ông đã lãnh đạo Đoàn đi biểu diễn nghệ thuật ở các tỉnh của Campuchia. Cuối năm 1973, ông về công tác tại quê nhà và làm trưởng đoàn Văn công tỉnh Bình Thuận. Tháng 4/1976, ông chuyển về huyện Hàm Thuận làm trưởng phòng văn hóa thông tin. Năm 1982, ông làm trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Bắc Bình đến cuối 1988 thì ông nghỉ hưu.  

   Thời gian sau ngày giải phóng, công việc của ông chủ yếu đi giàn dựng các tiết mục cho các đội văn nghệ biểu diễn, dạy nhạc, dạy hát, dạy múa cho những học viên ở các đoàn Văn công của các huyện trong tỉnh; làm giám khảo cho các hội thi, hội diễn, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân… Mặc dù bận bịu với nhiều công việc như thế, nhưng ông cũng dành thời gian để sáng tác những tác phẩm mới. Tiêu biểu về thể loại cổ nhạc có bài: Bình Thuận quê tôi sau ngày giải phong, Khúc ca hoa chúc; Tân nhạc có bài:  Xuân Quang ngày mới, Xuân An hành khúc, Xứng danh thị trấn anh hùng; ca Tây Thi có bài: Người già hôm nay.

   Có thể nói, Lê Trường Ngọc là người đã cống hiến trọn đời mình với cách mạng và nghệ thuật. Những đóng góp quan trong của ông cả trong thời chiến lẫn thời bình với cách mạng, với nghệ thuật đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huân chương quyết thắng hạng nhất, Huy chương chiến sĩ văn hóa, Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương về tư tưởng văn hóa, và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Bình Thuận. Ngày 13 tháng 11 năm 2015, Lê Trường Ngọc vinh dự là một trong bốn nghệ nhân của tỉnh Bình Thuận được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho cá nhân ông.