Đồng chí Lê Duẩn với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Bình Thuận

21/04/2022 00:00
1038

HÀ NGÂN


   Trên đường vào Nam Bộ, dừng chân Bình Thạnh, chỉ đạo phong trào địa phương

   Từ ngày 25 đến ngày 27/5/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt Nam Bộ để bàn về công tác củng cố lại Đảng bộ Nam Bộ. Hội nghị nêu rõ vị trí quan trọng của chiến trường Nam Bộ và trách nhiệm nặng nề của tổ chức đảng trong công tác lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Hội nghị quyết định cử đồng chí Lê Duẩn về Nam Bộ cùng các đồng chí hoạt động trong Nam lập thành Ủy ban cải tổ Đảng bộ Nam Bộ, đồng thời chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ lâm thời. Thực hiện quyết định tại hội nghị tháng 5/1946, đồng chí Lê Duẩn cùng đoàn công tác nhanh chóng lên đường vào Nam Bộ.

   Sau khi Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) bị thực dân Pháp phản bội, giao thông đường bộ chia cắt, hệ thống liên lạc bằng điện tín không còn. Để giải quyết việc giao thông liên lạc trong tình hình mới, Ban giao thông liên lạc Trung ương tổ chức đường thư trục từ Việt Bắc đến huyện Hiên (Quảng Nam). Các tỉnh Khu V, Khu VI tổ chức tiếp đường dây vào các tỉnh Nam Bộ. Ở Bình Thuận, hai tuyến liên lạc trên bộ và biển được tổ chức. Đường bộ nối liền từ Ninh Thuận vào Ô Rô, qua Hàm Thuận vào Hàm Tân, đến Xuyên Mộc (Bà Rịa) vào Nam Bộ. Năm 1947, đường biển từ Sơn Hải (Ninh Thuận) vào La Gàn, Hàm Tân và vào Bà Rịa. Hai tuyến giao thông do Trung đoàn 82 tổ chức với nhiệm vụ đưa, đón cán bộ, chuyển công văn, thư từ Bắc vào, trong Nam ra và đường biển chở hàng hóa tiếp tế từ Khu V vào, từ Nam Bộ ra. Hai tuyến giao liên đã đưa, đón hàng trăm đoàn cán bộ an toàn, trong đó có các đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao Trung ương. Mặc dù trong quá trình hoạt động, nhiều cán bộ, chiến sĩ giao liên hy sinh vì bệnh tật, hoặc địch phục kích, nhưng hai tuyến đường giao liên vẫn luôn thông suốt, không bao giờ gián đoạn. Xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong là một trạm của đường giao thông liên lạc Bắc - Nam. Trước khi đến chiến khu Ô Rô, phải qua trạm 50 (Vĩnh Hảo), trạm Bình Thạnh. Nhiều đoàn cán bộ Trung ương đi trên đường dây giao thông liên lạc từ miền Bắc vào, miền Nam ra đều dừng chân ở xã Bình Thạnh.

   Tháng 6/1946, đoàn công tác do đồng chí Lê Duẩn(1) dẫn đầu, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử vào Nam Bộ để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến, đi vào đến xã Bình Thạnh và ghé lại đây. Khi dừng chân tại Bình Thạnh, đồng chí Lê Duẩn được Việt Minh và Ủy ban xã giao cho gia đình ông Huỳnh Tiếng (Bổn Tiếng) và vợ là bà Phạm Thị Nhường, một gia đình cách mạng trung kiên, trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ an toàn. Do địch đánh phá ác liệt, đoàn công tác chưa đi được vào chiến khu Ô Rô, nên đồng chí Lê Duẩn ở lại Bình Thạnh gần một tháng, tại nhà ông bà Huỳnh Tiếng, Phạm Thị Nhường.

   Khi địch vào nhà vợ chồng ông Huỳnh Tiếng, bà Phạm Thị Nhường lục soát, kiểm tra, đồng chí Lê Duẩn nhanh chóng ra trú ở hầm bí mật ở phía sau nhà. Địch lùng sục ngoài rào, khắp nhà và cả nơi đặt hầm bí mật, đồng chí Lê Duẩn vẫn an toàn, không bị lộ.

   Trong thời gian lưu lại Bình Thạnh, đồng chí Lê Duẩn được các cán bộ huyện Tuy Phong như: Trần Đình Quảng (Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, một hình thức hoạt động của Đảng sau khi tuyên bố rút vào hoạt động bí mật), Phạm Quỳnh Đồng (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện) cùng một số cán bộ xã đến thăm và trao đổi ý kiến. Sau khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo tình hình, đồng chí Lê Duẩn có nhiều ý kiến quan trọng về chiến tranh nhân dân, công tác quần chúng, bồi dưỡng sức dân, đoàn kết dân tộc. Do buổi đầu công tác lãnh đạo kháng chiến còn hạn chế, nên ý kiến của đồng chí Lê Duẩn giúp cho huyện nhiều điều. Trong quá trình kháng chiến, các quan điểm của đồng chí Lê Duẩn đã giúp cán bộ huyện tháo gỡ khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo.

   Sau khi tình hình tạm yên ổn, đoàn công tác tiếp tục đi vào Ô Rô, vào phía Nam Bình Thuận. Đầu năm 1947, đồng chí Lê Duẩn đặt chân đến núi Chứa Chan thuộc Bà Rịa, địa đầu của miền Đông Nam Bộ trong nỗi mong chờ của đồng bào, đồng chí.

   Với việc hầm bí mật bảo vệ đồng chí Lê Duẩn thoát khỏi sự càn quét, lùng sục của địch, từ đó, xã Bình Thạnh đã phát động phong trào xây dựng nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Tháng 10/1946 (sau khi đoàn công tác của đồng chí Lê Duẩn lên đường vào Nam Bộ), Chi bộ Đảng xã Bình Thạnh được thành lập và Nghị quyết đầu tiên của chi bộ (quy ước, bất thành văn), “đào nhiều hầm bí mật, xây dựng làng chiến đấu”(2).

   Hưởng ứng chủ trương của Chi bộ xã, hàng trăm hầm bí mật trong xã ra đời, tăng gấp nhiều lần so với trước. Nhiều kiểu hầm kiên cố, chống cát lún sụt ra đời, vách được dựng bằng ván gỗ, xây bằng đá san hô, hoặc đá quánh. Hầm được đào giữa nhà, miệng hầm dưới bàn thờ tổ tiên; hầm đào gần giếng nước, miệng hầm trổ ra thành giếng nước, người trú ẩn phải leo trèo xuống giếng, lặn xuống nước mới vào được hầm trú ẩn; hầm được đào ngay dưới bếp nấu, nắp hầm là “ba ông đầu rau”…Hệ thống hầm bí mật xã Bình Thạnh trở thành vũ khí lợi hại chống giặc, bảo vệ tài sản của người dân, bảo vệ cán bộ địa phương cũng như cán bộ cao cấp của Trung ương từ Bắc và Nam và ngược lại, dừng chân tại trạm Bình Thạnh khi bị địch càn quét. Những năm từ 1946, 1947, 1948 chưa có lần nào địch phát hiện được hầm bí mật có cán bộ trú ẩn. Hầm bí mật bảo vệ an toàn nhiều đoàn cán bộ Trung ương dừng chân ghé lại, cũng như bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong kháng chiến chống Pháp trở thành niềm tự hào của người dân Bình Thạnh, Tuy Phong.

   Trên đường ra Việt Bắc, dừng chân xây dựng cách đánh đặc công trên chiến trường cực Nam Trung Bộ.

   Tháng 6/1952, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Văn Linh và một số cán bộ ra Việt Bắc theo đường Trường Sơn. Đồng chí Lê Duẩn cũng như các anh em trong đoàn đều mang theo một ít đồ dùng cá nhân. Xuất phát từ Chiến khu Dương Minh Châu, rồi cứ từ trạm này đến trạm khác phải đi cả ngày, thường đi từ sáng sớm tới xế chiều.

   Trên đường ra Việt Bắc, Bí thư Trung ương Cục(3) Lê Duẩn dừng chân lưu lại, làm việc với tỉnh Bình Thuận vào cuối tháng 6/1952. Sau khi nghe Ban cán sự cực Nam và Tỉnh ủy Bình Thuận báo cáo, Bí thư Trung ương Cục đã đánh giá tình hình, có nhiều ý kiến về các mặt công tác, chỉ đạo cho Bình Thuận phương thức tổ chức hoạt động, đẩy mạnh kháng chiến, phù hợp với đặc điểm chiến trường và cục diện chung, nhất là việc xây dựng căn cứ lâu dài. Đặc biệt, Bí thư Trung ương Cục tâm đắc với lối đánh kỳ tập, kết hợp Cảm tử với Xung kích tiếp chiến của lực lượng vũ trang Bình Thuận. Qua đó, Bí thư Trung ương Cục đã gợi ý và kể nhiều đến cách đánh đặc công sáng tạo ở Nam Bộ. Trong đoàn công tác theo Bí thư Trung ương Cục ra Việt Bắc lần này có 10 cán bộ chiến sĩ đặc công được lựa chọn đi theo, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa giúp huấn luyện cho địa phương và báo cáo với Trung ương. Theo nguyện vọng của Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Thuận, để tạo thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang Bình Thuận nói riêng, lực lượng vũ trang cực Nam Trung Bộ nói chung, nhằm nhân rộng cách đánh mới hiệu quả, trước khi lên đường ra Việt Bắc, Bí thư Trung ương Cục Lê Duẩn đã để lại 03 cán bộ đặc công giúp tỉnh Bình Thuận và cực Nam Trung Bộ xây dựng lực lượng đặc công.

   Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự cực Nam và Tỉnh ủy Bình Thuận, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Thuận tiến hành lựa chọn trong các đơn vị chiến đấu của tỉnh, những chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, chiến đấu giỏi để tham gia lớp huấn luyện bộ đội đặc công. Lớp huấn luyện bộ đội đặc công tỉnh Bình Thuận, được gọi tên là “lớp công binh”(4) được tổ chức tại Triền, thuộc khu Lê Hồng Phong (nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc). Qua quá trình lựa chọn từ các đơn vị, trung đội đặc công gồm hơn 70 cán bộ, chiến sĩ được thành lập, do Nguyễn Bính làm trung đội trưởng, Lê Văn Luyến làm trung đội phó. Tỉnh Ninh Thuận cử 09 chiến sĩ vào khu Lê hình thành một đại đội tham gia lớp huấn luyện. 03 cán bộ đặc công của Nam Bộ gồm Nguyễn Hiếu Liêm – Đại đội trưởng, Trần Thắng Nê và Nguyễn Hữu Đôi là cán bộ tiểu đội bắt tay ngay vào công tác tổ chức, huấn luyện.

   Giáo án huấn luyện đặc công do 03 cán bộ đặc công Nam Bộ xây dựng gồm hai phần: lý thuyết và thực hành động tác. Về lý thuyết, học viên được học cách nắm quy luật hoạt động của địch, cách tổ chức điều nghiên một lô cốt, đồn binh độc lập, một tiểu khu; cách xác định phương hướng, đo vẽ dựng đồ hình cứ điểm; cách xử lý các tình huống bất ngờ… Về thực hành động tác, học viên được huấn luyện cách hóa trang, kỹ thuật vận động bí mật qua các dạng địa hình, tránh địch tuần tiểu, đèn pha, cách khắc phục vật cản, kỹ thuật tiềm nhập vào sâu bên trong các đồn bót, cứ điểm, cách đánh bộc phá vào lô cốt, nhà lính, hầm ngầm…

   Chương trình huấn luyện khá nặng nề, nhưng do có sở trường về cách đánh chiến trường và có kinh nghiệm chiến đấu, lại được cán bộ đặc công Trung ương Cục chỉ bảo tận tình nên tất cả trung đội tiếp thu kỹ thuật, chiến thuật khá nhanh. Trong vòng hai tháng, cơ bản hoàn thành việc huấn luyện và thực tập, chiến sĩ có thể đánh địch được. Qua kiểm tra, đánh giá kết quả đã tuyển chọn được 43 chiến sĩ đủ tiêu chuẩn, thông minh, dũng cảm, kỹ thuật thuần thục, sức khỏe tốt, thành lập đơn vị đặc công tỉnh Bình Thuận, lấy phiên hiệu B9. Số học viên còn lại chưa hội đủ các yếu tố cần thiết của chiến sĩ đặc công thì được đưa về lại các đơn vị cũ làm nòng cốt. Chính số chiến sĩ này đã trở thành nòng cốt trong việc đặc công hóa bộ binh, nâng cao hiệu quả đánh địch của các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận những năm 1953 – 1954. Tháng 8/1952, sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện bộ đội đặc công cho cực Nam Trung Bộ, ba cán bộ Nguyễn Hiếu Liêm, Trần Thắng Nê, Nguyễn Hữu Đôi tiếp tục lên đường ra Việt Bắc.

   Để thể nghiệm cách đánh mới trên chiến trường Bình Thuận và thực hiện chủ trương phá khu tập trung dân, tạo thuận lợi cho công tác dân vận, địch vận, Tỉnh đội Bình Thuận tổ chức đánh đồn Ngã Hai. Đồn Ngã Hai nằm trên ngã ba đường đi Phan Thiết - Sài Gòn và Phan Thiết - Mương Mán, cách thị xã Phan Thiết 07 km về hướng Tây Nam; được xây dựng khá kiên cố, nhiều lô cốt và nhiều lớp rào bao bọc xung quanh. Lực lượng địch tại đây có hơn 01 đại đội dưới sự chỉ huy quan Tư của Pháp. Đêm 18/9/1952, trung đội đặc công do Tỉnh đội phó Nguyễn Minh Châu chỉ huy đánh đồn Ngã Hai. Đến giờ quy định, bộc phá đồng loạt nổ, phá sập các lô cốt, các ụ súng và các nhà lính bị tiêu diệt. Trong vòng 20 phút, bộ đội làm chủ đồn Ngã Hai và khu tập trung dân. Tổ đặc công ở hướng chặn viện cũng diệt xong tháp canh cầu 40 và chặn đánh viện binh địch từ Phan Thiết. Kết thúc trận đánh, đã tiêu diệt 60 tên địch, bắt sống hơn 60 tên, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, phá khu tập trung và đưa phần lớn dân làng về xóm cũ.

   Sau các trận bị các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận tấn công trước đây, đối phương đã đề phòng cẩn thận hơn, nhưng lại bị giáng một đòn ở sát nách Phan Thiết bằng cách đánh “rất kỳ lạ”(5) như đối phương thú nhận. Sáng hôm sau, một tên đại tá Pháp từ Sài Gòn đã tức tốc bay ra Phan Thiết để nghiên cứu cách đánh này để đối phó.   

   Chiến thắng Ngã Hai là chiến thắng đầu tiên bằng cách đánh đặc công trên chiến trường Bình Thuận, cực Nam Trung Bộ và Liên khu V. Chiến thắng Ngã Hai, chiến thắng sử dụng chiến thuật đặc công xuất hiện lần đầu trên chiến trường Bình Thuận, đã góp phần tích cực đánh bại chiến thuật tháp canh và cứ điểm của địch trong điều kiện trang bị kỹ thuật còn rất hạn chế. Bộ đội đặc công tỉnh Bình Thuận, chiến thuật đặc công trên chiến trường Bình Thuận, chiến trường Khu VI ra đời có công lao đóng góp của Bí thư Trung ương Cục Lê Duẩn.

   Tháng 5/1976, sau hơn 01 năm thống nhất đất nước, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn về thăm Đảng bộ và nhân dân Thuận Hải, thăm lại những nơi đã dừng chân trong kháng chiến chống Pháp. Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy (có các Bí thư Khu ủy Khu V, Khu VI Võ Chí Công, Trần Lê tham dự) qua phân tích tình hình khu vực và trong nước, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định tình hình và đặt ra hai vấn đề là: nạn đói sẽ xảy ra và bọn Pôn Pốt sẽ tấn công nước ta. Từ đó nhiệm vụ của toàn Đảng, trong đó có tỉnh Thuận Hải là chống đói, phát triển sản xuất, ổn định tình hình và xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu.

   Về thời gian đồng chí Lê Duẩn dừng chân tại Bình Thạnh, Tuy Phong  

   Trong quá trình tìm tư liệu hình thành bài viết, giữa các tài liệu Trung ương và địa phương, chúng tôi nhận thấy có sự khác nhau về mốc thời gian đồng chí Lê Duẩn dừng chân tại Bình Thạnh, Tuy Phong. Đó là có hai mốc thời gian: năm 1946 và tháng 6/1947.

   Trong hai cuốn Lịch sử Tuy Phong, tập 1 (1930 -1954) và Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hóa đều ghi mốc thời gian đồng chí Lê Duẩn đến Bình Thạnh vào tháng 6/1947. Ngay cả cuốn Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hóa, cũng chưa khớp nhau về thời gian này, khi phần hình ảnh chụp nơi hầm trú ẩn của đồng chí Lê Duẩn tại Bình Thuận chú thích tháng 10/1947. Chúng ta cũng dễ thông cảm cho những nhân chứng lịch sử địa phương khi tái hiện lại, nhớ lại sự kiện đã lâu, lẫn lộn thời gian là điều cũng dễ hiểu.

   Khi đối chiếu mốc thời gian tháng 6/1947 với cuốn Tiểu sử Lê Duẩn (thuộc Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước, năm 2007), chúng tôi nhận thấy có thể đồng chí Lê Duẩn đặt chân vào Bình Thạnh năm 1946, chứ không phải 1947.

   Theo cuốn Tiểu sử Lê Duẩn, từ ngày 25/5 đến ngày 27/5/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Nam Bộ, chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ lâm thời. Hội nghị cũng quyết định đồng chí Lê Duẩn cùng một số đồng chí khác phải về Nam Bộ để chỉ đạo hoạt động. 

   Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Cộng hòa Pháp từ 31/5 đến 20/10/1946 trở về. Sau ba tháng thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước an toàn. Do yêu cầu cấp thiết của mặt trận, trước khi trở lại miền Nam đồng chí Lê Duẩn đã không được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Người khuyên bảo, dặn dò(6). Như vậy, có thể khẳng định đồng chí Lê Duẩn vào Nam ngay sau hội nghị Trung ương tháng 5/1946. Và dừng chân tại Bình Thuận trong năm 1946 chứ không thể vào giữa năm 1947 như Lịch sử Tuy Phong, tập 1 (1930 -1954) và Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hóa đã thể hiện trước đây.

   Cũng theo cuốn Tiểu sử Lê Duẩn, đầu năm 1947, đồng chí Lê Duẩn đặt chân đến núi Chứa Chan thuộc Bà Rịa, địa đầu của miền Đông Nam Bộ trong nỗi mong chờ của đồng bào, đồng chí.

   Và từ ngày 16/12 đến 20/12/1947, Hội nghị đại biểu Xứ ủy Nam Bộ diễn ra tại Đồng Tháp Mười, căn cứ của Khu 8 đã bầu ra Xứ ủy chính thức do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy (7).

   Do vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, cần có một cuộc họp chuyên đề để làm rõ mốc thời gian đồng chí Lê Duẩn dừng chân tại Bình Thạnh. Từ đó, đem lại thông tin chính xác đến mức có thể về mặt sử liệu. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

   Vĩ thanh

   Đảng bộ tỉnh Bình Thuận không bao giờ quên được những kỷ niệm đẹp của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn dành cho vùng đất cực Nam Trung Bộ qua 02 lần dừng chân trong kháng chiến chống Pháp và lần về thăm sau một năm đất nước thống nhất. Những lời chỉ đạo của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã được Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận chuyển hóa thành hiện thực, đạt được những kết quả quan trọng trong 09 năm kháng chiến chống Pháp, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ và trên bàn hội nghị Genève.

   Sau giải phóng, nhằm lưu dấu lại những kỷ niệm sâu sắc đối với những lãnh đạo tiền bối của Đảng đối với quê hương, tại tỉnh Bình Thuận có hai công trình liên quan đến cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đó là: Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) và Nhà tưởng niệm Chiến thắng Ngã Hai (tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam).

   Để lưu dấu lại những kỷ niệm không thể nào quên vào những ngày tháng 6/1947, khi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ dừng chân tại làng quê biển, cùng trải qua gian khổ với người dân nơi đây, tháng 9/2009, một công trình được xây dựng trên khu đất gia đình vợ chồng ông Huỳnh Tiếng, bà Phạm Thị Nhường, mang tên “Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn”.

   Khu lưu niệm tọa lạc tại thôn 2, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong có tổng diện tích là 789 m2, được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2174/QĐ-UBND, ngày 15/9/2009 của Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong từ nguồn vốn ngân sách huyện thực hiện theo Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 22/11/2006 của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa VI) về phát triển kinh tế - xã hội các xã, thị trấn vùng ven biển, bãi ngang, giai đoạn 2007 - 2010.

   Công trình khởi công từ tháng 10/2009 đến tháng 6/2011 thì khánh thành với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ 100 triệu đồng. Các hạng mục công trình trong khu lưu niệm gồm: nhà tưởng niệm theo kiến trúc dạng nhà cổ, hông và mặt tiền trống, trụ tròn, ở giữa có bia tưởng niệm; cổng tam quan; tường rào; sân nền; hệ thống điện, nước và sân vườn. Khu lưu niệm được Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong giao cho Ủy ban nhân dân xã Bình Thạnh chịu trách nhiệm quản lý, khai thác. Trong thời gian qua, việc quản lý, khai thác Khu lưu niệm được Ủy ban nhân dân xã Bình Thạnh chú trọng gìn giữ, bảo vệ, phát huy. Địa phương đã hợp đồng với 01 lao động để bảo vệ, chăm sóc, quét dọn hàng ngày và mở cửa hướng dẫn khi có người đến viếng, tham quan vào các dịp lễ, tết. Hàng năm, địa phương còn tận dụng không gian trong khu lưu niệm để phục vụ tổ chức các hoạt động như: tiếp xúc cử tri, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 … Ngoài ra, cũng có một số đoàn khách đã đến viếng, tham quan, tìm hiểu thêm về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhất là khoảng thời gian lưu lại nơi đây.

   Tượng đài chiến thắng Ngã Hai, được xây dựng trước năm 1996, nhằm ghi dấu trận đánh Pháp bằng chiến thuật đặc công đầu tiên của bộ đội đặc công cực Nam Trung Bộ, chiến thuật đánh địch độc đáo mang dấu ấn chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn. Tượng đài chiến thắng Ngã Hai nằm trong khuôn viên đồn Ngã Hai của Pháp năm 1952. Tượng đài thể hiện các tư thế chiến đấu của bộ đội đặc công tỉnh Bình Thuận trong trận đánh vào đồn Ngã Hai.

   Đến năm 2019, Đảng bộ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam có chủ trương nâng cấp, xây dựng thêm nhà tưởng niệm, khuôn viên, chỉnh trang tượng đài chiến thắng Ngã Hai, trở thành “Nhà tưởng niệm Ngã Hai”. Đó là công trình hết sức ý nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương, chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Hàm Mỹ nhiệm kỳ 2020-2025.

   Việc chú trọng phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử đang là xu hướng chung của các tỉnh, thành cả nước trong đó có Bình Thuận. Trong thời gian đến, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn sẽ được đầu tư xây dựng thêm Đền thờ và các hạng mục công trình gốc hoặc công trình phục dựng tạo điểm nhấn như: hầm nuôi giấu cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; phòng trưng bày tài liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhất là các tài liệu về con người, sự vật liên quan đến khoảng thời gian đồng chí ở tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong chỉ đạo phong trào cách mạng. Để từ đó có thể phát huy được việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống lịch sử trong thế hệ trẻ./.

 

Chú thích

([1]) Tại Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9/1960), đồng chí Lê Duẩn được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; (2) Đảng bộ xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (1996), Bình Thạnh truyền thống cách mạng và văn hóa, Xí nghiệp In Bình Thuận, tr.52; (3) Từ Đại hội II (1951), Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai, thì Trung ương Cục miền Nam ra đời, thay cho Xứ ủy Nam Bộ có từ năm 1946; (4) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận (1997), Lịch sử đặc công tỉnh Bình Thuận (1952-1975), Xí nghiệp In Bình Thuận, tr.45; (5) Tỉnh ủy Bình Thuận (2006), Bình Thuận 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 187; (6) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước (2007), Tiểu sử Lê Duẩn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.38; (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.349-358.