Về văn hóa trọng nữ của người Việt

19/06/2023 14:23
4440

TĂNG THỊ NGUYỆT NGA


   1. Dẫn nhập

   Đầu thế kỉ XX, thế giới công nghiệp đang trong thời kỳ mở rộng và nhiều biến động, dân số bùng nổ, nhiều tư tưởng cấp tiến ra đời trong đó có cuộc đấu tranh của phụ nữ giành quyền bình đẳng với nam giới. Kể từ đó, trải qua hơn 9 thập kỉ đấu tranh, phong trào đã giành được nhiều thành tựu to lớn, mang lại tiếng nói bình đẳng cho hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới.

   Bình đẳng giới là việc giới nam và giới nữ có vị trí, vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau của sự phát triển đó (luật bình đẳng giới 2006).

   Như vậy, bình đẳng giới hoàn toàn khác với công bằng giới. Hiện nay chúng ta đang cố sức thực hiện công bằng giới nhằm đối xử hợp lý với nam và nữ dựa trên việc thừa nhận các khác biệt giới tính nhằm đảm bảo cho nam nữ có cơ hội và điều kiện tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng. Tuy nhiên đây chỉ mới là phương tiện, là quá trình để thực hiện bình đẳng giới. Do đó vai trò của việc nâng cao giáo dục bình đẳng giới cho toàn xã hội nói chung và cho thế hệ trẻ nói riêng là hết sức quan thiết.

   Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á – khu vực ăn sâu tư tưởng Nho gia với quan niệm bất bình đẳng giới “trọng nam khinh nữ” sâu sắc. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay ít ai hiểu rằng thực tế đó không bắt nguồn từ vốn văn hóa truyền thống của người Việt. Trong truyền thống văn hóa Việt, vai trò của người phụ nữ luôn được đề cao và coi trọng hơn cả. Phải chăng đã đến lúc cần nhận chân và khơi lại nét truyền thống văn hóa này? Có như vậy chúng ta mới dễ tiến kịp nền văn minh thế giới, bảo vệ được quyền bình đẳng cần có giữa người với người.

   2. Về tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ngoại nhập

   Năm 1070, vua Lí Thánh Tông cho lập văn miếu thờ Chu Công, Khổng Tử đánh dấu sự tiếp nhận chính thức đối với tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa. Từ đó cho đến kì thi khoa cử phong kiến cuối cùng năm 1919 nói riêng và ngày nay nay nói chung, nền văn hóa Việt Nam đã chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ hệ tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa. Trong đó có sự ăn sâu bám rễ của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của các nhà Nho.

   Nho giáo do Khổng Tử sáng lập dựa trên những nền móng của Chu Công vào khoảng thế kỉ V trCN. Nó là một hệ thống giáo lý của các nhà Nho nhằm tổ chức xã hội hiệu quả nhưng nó không giống các điều luật ngày nay mà nó là tư tưởng nhằm đào tạo ra những người Quân tử để cai trị đất nước giúp vua. Cốt lõi của tư tưởng này gói gọn trong 9 chữ: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Kim chỉ nam cho mọi hành động cai trị của người Quân tử mà Khổng Tử đề ra là: nhân trị (cai trị bằng tình người) và chính danh (mỗi người phải làm đúng với chức phận của mình). Tuy nhiên vì đi ngược với thói quen cầm quyền chuyên chế bằng vũ lực và pháp trị của các đế vương thời bấy giờ nên tư tưởng của Khổng Tử không được trọng dụng.

   Đến thời Hán Vũ Đế (140-25 trCN), rút kinh nghiệm từ sự thất bại của Tần triều cũng như thấy được lợi ích từ tư tưởng “nhân trị” của Khổng Tử mang lại nên đã đưa Nho giáo lên làm quốc giáo. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp mị dân vì thực tế nhà Hán vẫn cai trị theo lối pháp gia. Họ chủ trương ngoại Nho, nội Pháp – lấy Nho và “nhân trị” mềm mỏng làm cái bình phong để che đậy cho lối cai trị bằng pháp luật cứng rắn. Bằng cách này, nhà Hán đã âm thầm sửa đổi những nội dung chính trong tư tưởng Khổng Tử. Chuyển “nhân trị” thành “lễ trị”. Thay quan niệm “dân chủ” thành “quân chủ”…theo đó các mối quan hệ “tam cương”, “ngũ thường” từ quan hệ hai chiều bình đẳng theo tư tưởng Khổng Tử giờ thành một chiều duy nhất với trách nhiệm của kẻ dưới đối với người trên. Từ đây hình thành các công thức phi nhân bản: quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu. Quan niệm coi trọng phụ nữ, đề cao tình yêu trai gái trong sáng theo tư tưởng Khổng Tử cũng từ đó bị thay bằng trách nhiệm một chiều của phụ nữ đối với đàn ông: phu xướng phụ tùy; tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; nam nữ thụ thụ bất thân…Những quan niệm này đã hoàn toàn xóa bỏ quyền vị của nữ giới và sai lệch quá nhiều so với tư tưởng Nho giáo gốc của Khổng Tử. Và từ đó đến nay, Trung Hoa nói riêng và Đông Nam Á nói chung lại chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng này – tư tưởng Hán Nho.

   Nho giáo khi du nhập vào Việt Nam không còn mang trên mình tư tưởng của Khổng Tử nên tất nhiên quan niệm bất bình đẳng giới “trọng nam khinh nữ” cũng từ đó mà len sâu bám chặt trong mỗi con người. Dưới sức ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ hầu như không có quyền vị: không được đi học; không được tham gia chính sự. Chỗ của họ là ở phía sau, phía dưới, là người nâng khăn sửa túi cho nam nhi. Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã nói rõ bản chất vấn đề, người phụ nữ không được xếp ngang hàng, không xứng để so sánh thậm chí hoàn toàn không có giá trị trong xã hội. Do đó thật không quá khi nói rằng sự bất bình đẳng giới được đẩy lên đỉnh điểm trong thời kì phong kiến dưới sự kiểm soát của hệ tư tưởng Nho giáo.

   Ngày nay, mặc dù chế độ phong kiến đã sụp đổ, hệ tư tưởng Nho giáo không còn được sử dụng nhưng những gốc tích, những tàn dư trong tư tưởng này vẫn còn hiện hữu rõ nét trong đời sống nhân dân ta. Tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ngự trị trong suy nghĩ và hành động của nhiều người dân. Thậm chí trong bộ phận dân trí có học thức cao, hiểu biết rộng vẫn còn nhiều người chưa cởi bỏ hoàn toàn khỏi sự thống trị của tư tưởng cũ. Ước muốn phải sinh được một đứa con trai để nối dõi tông đường; câu mắng “không biết đẻ” dành cho những người phụ nữ sinh con gái một bề…vẫn còn văng vẳng, len lỏi và hiện hữu trong xã hội hôm nay. Hệ lụy của nó chắc hẳn không cần bàn cãi thêm. Nhiều bất cập trong phân công lao động; tình trạng chênh lệch giới tính dân số tương lai gần; vai trò người phụ nữ trong từng gia đình chưa được cải thiện… Hiện trạng này thật sự là một bước cản lớn trên con đường tiến tới bình đẳng giới – tiến tới xã hội văn minh. Do đó, nhận chân lại truyền thống trọng nữ giới vốn có trong nền văn hóa nước ta là một việc làm cần thiết với nhiều ý nghĩa thiết thực.

   3. Về truyền thống “trọng nữ” của văn hóa Việt

   Nằm ở góc tận cùng phía Đông - Nam châu Á, Việt Nam mang trên mình đầy đủ những nét đặc trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Từ đặc trưng gốc, sự quy định của địa lý khí hậu cũng như hình thức sản xuất kinh tế khiến con người hình thành lối tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc trọng tình, trọng đức, trọng văn và trọng nữ.

   Đối với con người gốc nông nghiệp “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Khác với nguyên tắc tổ chức cộng đồng theo lối coi trọng sức mạnh, đề cao tài năng (nhất là tài võ thuật) và trọng nam nhân của các dân tộc gốc du mục phương Tây, người gốc nông nghiệp phương Đông tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc: trọng tình. Trong mọi hoạt động sống, người ta thường xuyên dựa trên “cái tình” để giải quyết các vấn đề hơn là “cái lý”. Bởi thế dân gian mới có câu: “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn huynh đệ, năm trí tuệ”. Mặc dù chỉ là quan điểm truyền miệng song câu nói trên phần nào phản ánh thói trong quen phương cách xử lý các công việc của người Việt. Theo đó, trí tuệ là thứ cuối cùng sau rất nhiều yếu tố thiên về “cái tình” dùng làm căn cứ để giải quyết một vấn đề. Điều này trái ngược hoàn toàn so với các nước phương Tây trọng tài, trọng sức mạnh.

   Nguyên tắc “trọng tình” này hiển nhiên mang tính hai mặt và cũng hiển nhiên dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ. Khác với phương Tây có gốc du mục, lối sống du cư khiến họ thường xuyên di chuyển chỗ ở, khái niệm nhà ở với họ chỉ là những công trình tạm bợ, ít cố định dài lâu. Người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng lại luôn coi trọng cái nhà, trong nhà lại coi trọng cái bếp tức là gắn với người phụ nữ. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đàn bà coi như ngọn lửa sưởi ấm cho cả gia đình mà lửa thì quan trọng lắm.

   Xét trên phương diện kinh tế, người phụ nữ trong gia đình nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt, được coi là “tay hòm chìa khóa”. Phụ nữ là người quản lý tài chính vì họ là người đảm nhận khâu quan trọng nhất trong sản xuất lúa nước: trồng lúa, gặt lúa. Theo nguyên tắc chung, trong một tổ chức xã hội, người tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhất chính là người quản lý và có địa vị cao nhất. Bởi thế ở trong nhà, người đàn ông muốn gia thế yên ấm thì phải tâm niệm: “nhất vợ nhì trời”. Vị trí và lời nói của người vợ trong gia đình phải được xem xét trước tiên. Còn khi ra ngoài xã hội, các hoạt động đối ngoại của gia đình Việt cũng đề cao vị trí của người phụ nữ khi quan niệm “lệnh ông không bằng cồng bà”. Xã hội tiến bộ, ngày nay nguyên tắc này đã có nhiều phương diện không còn phù hợp song vẫn chưa hoàn toàn bị triệt tiêu. Người phụ nữ vẫn được coi là “nội tướng” đảm bảo sự bình yên và vững chắc trong mỗi gia đình Việt.

   Từ góc độ ngôn ngữ, chữ viết cũng dễ dàng khẳng định vai trò chủ chốt của người phụ nữ Việt trong đời sống xã hội nói chung. Trong vốn từ tiếng Việt xưa nay đã dành từ “cái” với nghĩa là “mẹ” mang thêm nghĩa là “chính, quan trọng, to lớn nhất hay là giới tính nữ”: Với nghĩa “mẹ” thể hiện trong trường hợp “con dại, cái mang”; nghĩa chỉ “người đứng đầu, làm chủ” thể hiện trong trường hợp “nhà cái”; nghĩa chỉ “to lớn nhất, quan trọng nhất” trong các trường hợp “đường cái quan, đũa cái, ngón tay cái, trống cái”; nghĩa chỉ “sự vượt trội” trong trường hợp “cái thế”; nghĩa chỉ “giống nữ” trong trường hợp “trâu cái”…Như vậy, từ “cái” ngoài mang nghĩa chỉ giống nữ, chỉ mẹ thì tiếng Việt còn dùng nó để diễn tả nhiều nghĩa khác, song tựu trung đều mang đại ý to lớn, quan trọng bậc nhất. Và đây cũng chính là cách thể hiện sự nhìn nhận về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong tư duy dân tộc Việt.

   Người phụ nữ trong văn hóa Việt cũng là nhân tố quyết định trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo con người. Theo quan niệm truyền thống, mẹ chính là người đóng vai trò quyết định trong việc dạy dỗ con cái: “Phúc đức tại mẫu”. Mẹ vừa là người trực tiếp sinh đẻ, cũng là người thầy giáo dục các con nên người. Thành bại của đời con phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Mẹ làm tốt, con sẽ thành công trưởng thành; ngược lại không may con hư hỏng thì nguyên nhân cũng không đâu khác là: “con hư tại mẹ”. Theo đó, đối tượng duy nhất phải đứng ra gánh lấy hậu quả khi “con dại” cũng không ai khác ngoài “cái mang”. Mẹ chính là người chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối đời con, đã đảm nhận thiên chức mang nặng đẻ đau đưa con đến với cuộc đời, lại đảm nhận nốt vai trò đào tạo con nên người. Chính bởi vai trò lớn lao đó mà ca dao Việt Nam mới có câu:

   Công cha như núi Thái Sơn
   
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
   
Một lòng thờ mẹ kính cha
   
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con.

   Trong câu từ lời ca, tuy cùng ghi nhận công ơn sinh – dưỡng – dục của người đời dành cho các đấng sinh thành song vẫn hàm chứa trong đó sự nhận định vai trò khác nhau giữa cha và mẹ. “Công cha” tuy to lớn, mạnh mẽ như núi cao vời vợi nhưng vì là “công” nên vẫn có thể tính được, vì là “công” nên dù to lớn đến đâu vẫn có thể trả đủ. Núi Thái Sơn biết rằng vô cùng to lớn, song suy cho cùng vẫn là một thực thể hữu hình, có thể đong đếm được. Điều này hoàn toàn không thể làm được đối với “nước trong nguồn” như trường hợp của mẹ. “Nghĩa mẹ” vốn đã là phạm trù tinh thần không thể đo lường, lại được ví cùng “nước trong nguồn” không bao giờ vơi cạn, cũng không thể đong đếm để cho thấy công ơn của mẹ đối với con cái là cả vũ trụ bao la không thể kể xiết. Nói cách khác, bài ca dao cũng chính là lời khẳng định về vị trí không thể thay thế và vai trò quan trọng bậc nhất của người mẹ trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành người.

   Trên phương diện trật tự quan hệ và phân bổ quyền hạn trong gia đình: từ “vợ” luôn được đặt trước từ “chồng” khi diễn tả quan hệ hôn nhân. Hai người có hôn thú được gọi là “vợ chồng” hợp pháp. Và hôn nhân của người Việt xa xưa tồn tại theo chế độ “mẫu hệ”: người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân; người chồng phải ở rể bên nhà vợ; con cái sinh ra được đặt tên theo họ mẹ…(Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định thông qua các di chỉ phát hiện được từ nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình hay từ các dấu tích trong truyền thuyết họ Hồng Bàng nói về nguồn gốc hình thành dân tộc Việt và nhà nước Văn Lang. Các nghiên cứu đều đi đến thống nhất cho rằng trước thời đại Hùng Vương, người Lạc Việt sinh sống thành cộng đồng mẫu hệ). Và cho đến nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn duy trì ở một số dân tộc thiểu số không chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa như ở các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) gồm Jarai, Êđê, Chăm, Raglai, Churu, cư trú ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, và ở các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic) như M’nông, K’ho, cư trú ở Nam Tây Nguyên liền kề với các tộc người Nam Đảo.

   Qua đây có thể khẳng định rằng trong truyền thống văn hóa Việt gốc, người phụ nữ rất được coi trọng và thường nắm giữ những vai trò chính yếu trên mọi lĩnh vực đời sống. Ngược lại, vị thế của người đàn ông hết sức mờ nhạt nếu không muốn nói là bị coi khinh. Trong quan niệm dân gian Việt, việc sinh được con gái đầu lòng còn quý giá hơn cả gia tài: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Vẫn có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, lại thêm “ruộng sâu” đối với người nông dân trồng lúa nước hẳn phải mang giá trị liên thành. Ấy vậy nhưng vẫn chưa có giá bằng một cô con gái đầu lòng, cho thấy việc sinh được con gái thật sự đáng giá. Không những thế, trong ca dao Việt còn “nhất bên trọng” đối với nữ và “nhất bên khinh” rõ ràng đối với nam:

   Ba đồng một mớ đàn ông
   
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
   
Ba trăm một mụ đàn bà
   
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.

   Những câu ca dân gian này hoàn toàn trái ngược với quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” dưới chế độ phong kiến. Không tường tận vấn đề sẽ dễ cho rằng dân ta tự mâu thuẫn. Thực tế đây là hai quan niệm của hai nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại trong một không gian văn hóa. Một bên theo truyền thống trọng nữ của văn hóa Việt bản địa và một bên theo tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ ngoại nhập từ Trung Hoa. Một bên chỉ tồn tại dưới chế độ phong kiến (dù ngày nay vẫn còn nhiều tàn dư), một bên trường tồn cùng chiều dài lịch sử dân tộc (có những giai đoạn bị chèn ép nhưng vẫn âm ỉ tồn tại trong dân gian). Ngày nay, khi chế độ phong kiến đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình, tư tưởng Nho giáo cũng đã lụi tàn, chính là lúc nhân dân ta cần khơi lại truyền thống văn hóa: tôn trọng nữ giới. Đây là một bước tiến cần thiết để bắt kịp tiến bộ xã hội, cũng là cách nhanh nhất để chúng ta trở về với những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có của dân tộc mình.