Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam

18/06/2022 20:32
1101

ĐỖ THÀNH DANH


Đó là tên quyển sách mà tôi vừa được PGS.TS. Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam tặng. Tranh thủ những ngày nghỉ lễ vừa rồi, chúng tôi đã đọc và có thể khẳng định rằng đây là công trình đầy tâm huyết, trách nhiệm và là tiếng nói khách quan của các nhà Sử học, Luật học về một vấn đề được nhân dân và quốc tế quan tâm; công trình góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo, là căn cứ khoa học để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ta. Trong đó, có một số thông tin mới liên quan đến Bình Thuận, đó là trường hợp của đội Bắc Hải.


Bìa sách Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam

   Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam

   Theo PGS.TS Đỗ Bang, Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam là công trình tiếp nối các nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo trước đây do Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện. Sách tập hợp 21 bài viết của các nhà sử học, chuyên gia về pháp lý đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Các bài viết này được tuyển chọn từ những tham luận tại Hội thảo khoa học do Hội KHLS Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 23/4/2021.

   Sách được bố cục thành 2 phần chính:

   Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam;

   Giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống.

   Chủ đề Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam có 13 bài viết. Mở đầu là những nghiên cứu củatác giả Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam) đã tập trung làm rõ quá trình xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài viết khẳng định: “Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phương thức thụ đắc lãnh thổ của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi hai quần đảo này còn là những lãnh thổ vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình, rõ ràng và phù hợp với hệ thống cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình” (Tr.18).

   Từ những tư liệu đương thời của các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Scotland, tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến làm rõ hơn diện mạo, phạm vi, hoạt động khai thác, thương mại và chủ quyền của nhà Tây Sơn ở Hoàng Sa. Tác giả khẳng định: Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1778-1802) nhưng nhà Tây Sơn được xem là gạch nối quan trọng trong quá trình khai thác, xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa (lúc bấy giờ bao gồm cả Trường Sa), trải từ thời các chúa Nguyễn qua vương triều Nguyễn thế kỷ XIX (Tr.51).

   Sau khi thành lập, triều Nguyễn đã kế thừa chủ quyền từ các chính quyền trước đó để tiếp tục quản lý, khai thác kinh tế và thực thi chủ quyền ở các quần đảo này bằng quân đội chính quy, cùng bộ máy chính quyền trung ương và tham gia của các địa phương. Nó được thực thi qua các lệnh, dụ của triều đình và được ghi lại trong các bộ quốc sử, quốc đồ, châu bản, mộc bản,… Những nội dung này được làm rõ qua các bài viết của các tác giả: Đỗ Bang, Nguyễn Quang Ngọc, Lê Thị Hoài Thanh, Phan Tiến Dũng và Nguyễn Anh Tuấn.

   Qua bài viết của Nguyễn Đình Dũng, Trương Minh Dục, Trần Nam Tiến đã hệ thống hóa một cách đầy đủ những hoạt động đấu tranh gìn giữ, bảo vệ chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của các chính thể đại diện cho nhân dân Việt Nam từ thời thuộc Pháp (1884) đến năm 1975. Đồng thời, xem đây là những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý có giá trị được cộng đồng quốc tế thừa nhận, góp phần tích cực cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay kế thừa hợp pháp, nhằm tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách vững chắc.Từ năm 1975 đến nay, nước ta xác định Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo lớn, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.

   Ở chủ đề Giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống, các bài viết cung cấp hệ thống các văn bản pháp luật về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời làm rõ giá trị của các văn bản đó nhằm minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này. Hướng giải quyết các tranh chấp chủ quyền, cũng như những chính sách khẳng định chủ quyền và hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong tình hình mới,….

   Bình Thuận, quê hương của đội Bắc Hải?

   Sau khi vào trấn thủ vùng đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn tiến hành xác lập chủ quyền của mình ở Biển Đông, tiến tới khai thác kinh tế và quản lý biển đảo; trong đó cho lập đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để khai thác, bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

   Về nhân sự của đội Hoàng Sa,đến nay các nhà sử học đã đi đến thống nhất là dân xã An Vĩnh (huyện Bình Sơn) và dân phường An Vĩnh (đảo Lý Sơn) Quảng Ngãi. Riêng trường hợp đội Bắc Hải vẫn chưa xác định được quê hương.

   Trong bài viết “Đội Hoàng Sa và Bắc Hải khai thác, bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời chúa Nguyễn”, tác giả Đỗ Bang đã đưa ra một số nhận định,gợi mở một hướng nghiên cứu mới.

   Theo ông, đến cuối thế kỷ XVII, vấn đề khai thác vùng biển đảo phía Nam được chúa Nguyễn rất quan tâm, bởi do ở đây không chỉ có nguồn lợi dồi dào về kinh tế, giao thông thuận lợi mà còn là các cứ điểm quân sự có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng. Do vậy, chúa Nguyễn cho thành lập đội Bắc Hải để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế và quốc phòngcủa chính quyền Đàng Trong.

   Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho biết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu và các tiền tuần đò […]”. Sách Đại Nam thực lụccũng viết: “Lại có đội Bắc Hải, mộ người thôn Tứ Chính thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào […]”. Như vậy, theo Phủ biên tạp lục Đại Nam thực lục thì nhân sự chủ chốt của đội Bắc Hải được tuyển từ thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương.

   Tuy nhiên qua khảo sát thực địa tại các làng cổ ven biển 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận chuyên về nghề đánh cá, tác giả Đỗ Bang cho rằng “không thấy có tên các làng này” (Tr.45). Cũng theo tác giả Đỗ Bang, khi đọc sách của Nguyễn Huy Quýnh (một quan chức triều Lê-Trịnh, trong những năm 1775-1785 khi làm quan tại Phú Xuân-Huế có soạn Quảng Thuận đạo sử tập) có gặp địa danh Đa Tứ Chính: “Ngoài Vũng Moi có Cù lao Xanh, Tứ Sơn, Đa Tứ Chính dân cư lấy đánh cá và nhặt tổ yến làm nghề mưu sinh”. Cù lao Xanh nay thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

   Về địa danh Cảnh Dương, ở miền Trung hiện vẫn còn hai ngôi làng mang tên này,một thuộc huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) và một thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Và khi căn cứ vào ghi chép của Lê Quý Đôn, tác giả Đỗ Bang cho rằng: chúa Nguyễn không thể chọn ngư dân của hai làng Cảnh Dương này tham gia đội Bắc Hải được “vì quá xa xôi về phía Bắc, rất khó khăn đối với những ngư dân đi trên những chiếc thuyền câu ra khơi dài ngày để làm nhiệm vụ” (Tr.46).

   Từ sử liệu của Nguyễn Huy Quýnh: “[Cửa] Cảnh Dương sâu ít, bên trên thông với suối Ba Tơ” (Quảng Ngãi). Do vậy, tác giả Đỗ Bang đi đến kết luận về quê hương của đội Bắc Hải: “Như vậy, sau nhiều năm tìm kiếm hai làng Tứ Chính và Cảnh Dương trên đất Bình Thuận không có kết quả như mong muốn, những thông tin này về quê hương của đội Bắc Hải là Đa Tư Chính ở Bình Định và Cảnh Dương ở Quảng Ngãi” (Tr.46).

   Thay lời kết

   Biển đảo có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ hàng nghìn năm nay, biển đảo là cửa ngõ giao thương quan trọng của Việt Nam với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi giao thoa và hội nhập của các nền văn hóa trên thế giới; luôn là nguồn tài nguyên vô tận trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; là tuyến phòng thủ đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng – an ninh của đất nước. Do đó, từ thời các chúa Nguyễn đến Tây Sơn và triều Nguyễn đã tiến hành xác lập chủ quyền. Sang thời cận – hiện đại, nhiều công trình nghiên cứu đã đưa ra nhiều minh chứng thuyết phục và quan điểm đúng đắn về chủ quyền của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta mà Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam là một trong số đó. Cuốn sách là tài liệu không thể thiếu khi tìm hiểu về biển đảo nói chung và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

   Riêng ý kiến của PGS.TS Đỗ Bang về quê hương của đội Bắc Hải, chúng tôi xem đây là một giả thuyết khoa học,góp phần mở ra một khả năng mới trong việc nghiên cứu về các làng biển cổ ở miền Trung nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung.