Lời cuối

17/12/2023 20:50
225

Truyện ngắn của DŨNG NGUYÊN


Ông Phan Quân vô cùng cảm động khi nhìn cô cháu gái đang ngủ gục bên chân ông, ở cuối giường bệnh. Có lẽ đây là người thân sau cùng trong gia đình mà ông có thể gặp mặt trước khi ông vĩnh viễn ra đi - ông bi quan nghĩ như vậy! Ông cố gượng dậy, với tay có ý muốn xoa đầu cô cháu gái để biểu lộ tình thương và sự biết ơn của ông đối với cô. Người mà giờ đây ông xem như là ân nhân, là một nhà từ thiện. Người đang chăm sóc một bệnh nhân ung thư phổi vào giai đoạn cuối! Ông nhìn cô cháu gái, ông cảm thấy vô cùng hối hận! Thực sự ông không phải là người chú tốt. Vì trong lúc còn mạnh khỏe, ông chưa bao giờ quan tâm giúp đỡ cháu mình, người đang có cuộc sống không khấm khá gì. Vậy mà bây giờ, khi ông gục ngã, nhiều người trong gia đình quay mặt đi thì chính cô lại đưa tay đỡ lấy ông. Chính cô đã đứng ra bảo bọc ông, chăm sóc ông trong giây phút ông hoàn toàn tuyệt vọng! Nghĩ cho cùng, mấy mươi năm sống trên đời, hình như ông cũng chẳng đem lại lợi ích cho ai! Còn trong gia đình, ông chỉ là đứa em hiền từ, luôn biết vâng lời anh chị của ông thôi. Chỉ chừng ấy – ông nghĩ – không đủ để anh chị ông quan tâm đến ông trong tình thương ngọt ngào ruột thịt! Ông cảm thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn! Đúng ông là người “vô tích sự”! Ông sống một cuộc đời nhạt nhẽo, hời hợt như một gã giang hồ, không vợ không con! Hình như trong giây phút này, ông không ngừng suy nghĩ được! Ông tự biết mình không còn sống  được bao lâu. Thời gian giờ đây chỉ còn tính bằng phút bằng giây! Rồi ông sẽ từ giã mọi người, từ giã trái đất này. Có thể người ta sẽ xem ông như chưa từng đến đây. Tự nhiên ông cảm giác lạnh lạnh trong người. Ngoài kia hình như trời đang đổ mưa – ông đoán như vậy. Cơn mưa đầu mùa gợi trong ông biết bao kỷ niệm. Ông tự hỏi, có còn dịp nào để ông cùng bạn bè ngồi trong quán cà phê vào buổi trưa khi trời đổ cơn mưa ngắm nhìn những người qua phố trông họ co ro và vội vã hay  không? Có thể là không! Còn nhiều thứ khác nữa. Rồi đây sẽ vẫy tay chào ông trong ngậm ngùi! Ông lại thấy thèm một điếu thuốc, dù miệng ông còn rất đắng. Ông cố đưa tay muốn rờ vào túi áo – theo thói quen – rồi giật mình nhớ ra Bác sỹ cấm ông hút thuốc từ ngày ông nhập viện. Ông hoàn toàn mất tự do – ông nghĩ như vậy. Chưa bao giờ ông thấy cuộc đời lại tẻ nhạt đến thế này! Ôi, nó cô đơn và tẻ nhạt quá! Ông có cảm giác như đang chơi vơi giữa biển khơi đầy bão tố!  Có còn cơ hội nào dành cho một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối không? Ông tự hỏi chính ông, rồi tự trả lời: “Không còn cơ hội nào cả”. Bất chợt ông hồi tưởng về một quá khứ. Cái quá khứ mà ông không thể nào quên. Vì nó mang cho ông biết bao điều cay đắng! Nhưng, rồi chính nó cũng đem đến cho ông một chút ngọt ngào, pha lẫn sự khổ đau suốt cả một đời. Ông đúng là một người đàn ông sống mơ hồ trong tình cảm, nhất là với phụ nữ. Có lẽ vì vậy ông trở thành một người đàn ông sống độc thân dài nhất và đáng thương nhất! Có người đã nói như vậy. Ừ, mà ông cũng từng có vợ kia mà. Cũng từng có một gia đình như mọi người đàn ông khác trên trái đất. Nhưng cho tới hôm nay, với tuổi trên 70 rồi mà ông vẫn sống độc thân vui tính và bền vững như vậy! Có người từng hỏi ông, có phải ông sống như vậy vì ông thủy chung với một người phụ nữ nào đó? Để trả lời câu hỏi, ông chỉ biết cười một cách thật lòng để ai hiểu sao thì hiểu. Có đôi khi ông tự hỏi sao mình không cưới vợ thêm một lần nữa xem sao. Cũng có một ít phụ nữ thích ông kia mà? Biết đâu cuộc đời nó sẽ thăng hoa. Nhưng ông không chút mảy may nào tin vào điều đó. Ông nhớ có lần gặp lại Vân, người vợ duy nhất trong đời ông đã ly hôn sau 3 tháng cưới nhau. Cô ta hỏi ông:

   - Sao anh không lập gia đình? Anh có  biết, anh cứ sống như thế làm em khó chịu lắm không?

   - Em đừng nghĩ rằng, anh sống như vậy là vì em hay vì cái quá khứ mà chúng ta đã bước qua – ông trả lời.

   -  Em hỏi thật anh nhé – cô ta cố tình không tha cho ông – có khi nào anh trách em không? Vì em mà anh sống đơn độc như vậy? 

   - Hãy thôi đi – ông tỏ ra khó chịu – Em đừng quan tâm anh bằng cách tự mình tưởng tượng ra như vậy. Hình như em đã hiểu sai về cuộc sống hiện tại của anh. Thực sự, anh  rất cảm ơn em. Nhờ em mà anh có được một cuộc sống tự do, không vướng bận và phiền hà.

   Cô ta nhìn ông với ánh mắt thương hại. Ông nhìn sâu vào ánh mắt đó nó chứa đựng sự kiêu hãnh của người phụ nữ luôn tự hào về sắc đẹp của mình. Ông không thích chút nào về ánh mắt đó. Ngay cả cái nhân cách của cô ta, bây giờ cũng như trước đây, khi còn là vợ ông. Nhưng trước mặt cô ta, ông chỉ biết mỉm cười, một nụ cười hiểu sao cũng được.

 ***

   - Ôi, chú! Chú dậy rồi sao? Xin lỗi con đã ngủ quên! Cô cháu gái vội vã đứng lên, liền tay rót nước và hai tay đưa cho ông: Mời chú uống nước.

   - Con ngủ thêm một chút nữa đi – ông nhỏ nhẹ bảo – Chú cảm thấy đã khá nhiều rồi. Thực sự ông nói cho cô cháu an tâm, thời gian của ông đâu còn bao lâu nữa!

   Cô cháu gái kéo tấm chăn qua một bên và đỡ cho ông nằm nghiêng. Cô lấy khăn ướt lau phần vai của ông một cách thận trọng. Giờ đây qua những cơn đau mà ông không còn kịp kêu than, rên rỉ đã để lại ông một thân xác khô gầy nằm lép xẹp trên giường bệnh. Ông nghĩ, cuộc đời đâu còn gì và thân xác của ông cũng chẳng còn gì. Còn chăng là đang làm phiền những người thân đang sống bên ông! Khăn ướt  của cô cháu gái lau đến đâu, nước mắt của ông rươm rướm đến đó. Nhưng ông cố che đi sợ làm đau lòng cô cháu gái đáng thương!

   - Chú chịu khó uống tí sữa nhé chú. Để con pha cho chú – giọng cô cháu như nài nỉ.

   Ông như muốn bật khóc! Nhưng nước mắt của ông trong lúc này như đã cạn khô theo cơn đau suốt hai tháng qua, từ khi ông được đưa vào bệnh viện. Một việc thật dễ dàng là uống sữa cho cháu vui mà ông lại cứ chần chờ, không muốn uống. Vì giờ đây cơ thể ông đã từ chối tất cả như nó đang từ chối cuộc sống của ông theo từng giờ từng phút! Ông nói:

   - Chú chưa muốn uống. Khi nào chú uống chú sẽ nói – cô cháu có vẻ không vui.

   - Chú phải cố gắng – cô cháu nói. Vì giờ đây, sữa như là thức ăn chính của chú. Chú phải cố gắng mới vượt qua cơn bệnh này. Mọi người ai cũng lo cho chú, nhất là chú Lê Trình. Nếu không có chú ấy, con không biết phải làm sao!

   Nhắc tới Lê Trình, ông nhớ lại thời còn là sinh viên tham gia vào chương trình Thanh niên Phụng sự xã hội. Hồi ấy Lê Trình là một sinh viên thuộc đoàn Thanh niên Tôn giáo Baha’i cùng tham gia với ông vào Đoàn công tác từ thiện xây dựng Làng Cô nhi Long Thành. Lê Trình là một thanh niên theo chủ trương “Một nhân loại thống nhất và hòa hợp các Tôn giáo trong một Thế giới hòa bình, không chiến tranh”. Trong những chuyến công tác từ thiện ông là người thường đưa ra tranh luận với Lê Trình các vấn đề liên quan tới hòa bình và các Tôn giáo. Từ đó ông trở thành người bạn thân với Lê Trình. Về sau, Lê Trình là một kiến trúc sư nổi tiếng trong thành phố, nên cũng ít gặp nhau. Đến khi ông cưới vợ, ông có mời Lê Trình đến dự. Không biết Lê Trình nghĩ gì, trong tiệc cưới lại kéo ông ra ngoài đưa cho ông card visit và dặn: “Nhớ khi nào cuộc sống không được vui hay gặp khó khăn gì đó, nhớ liên lạc với tôi nhé, qua địa chỉ này”- ông lấy tay chỉ vào card visite với đôi mắt rất thân thương. Mấy mươi năm sau, khi phát hiện ông bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Lúc đó ông mới nhớ tới Lê Trình và bảo cô cháu gái tìm đến báo cho Lê Trình biết. Khi hay tin Lê Trình đã vội vã chạy đến bệnh viện và tổ chức người đến bệnh viện phụ với cô cháu gái chăm sóc ông hằng ngày. Ông Phan Quân quay qua hỏi cô cháu:

   - Mấy ngày nay chú Lê Trình có dặn gì không con?

   - Dạ, có. Chú ấy nói, có lẽ không còn bao lâu nữa, người ta sẽ cho chú xuất viện. Chú ấy bảo con xem tiền mua thuốc và viện phí hết bao nhiêu để chú đưa cho con thanh toán cho họ. Con nói với chú Trình, bây giờ xuất viện biết đưa chú về đâu! Về nhà cô tư, con thấy không tiện. Vì cô đã già đâu săn sóc cho chú được. Còn con, không thể ở đó được – cô cháu nói một cách thật lòng.

   - Chú Trình nói sao – ông hỏi.

   - Chú ấy nói. Vậy chỉ còn cách xin bệnh viện cho chú ở đến khi nào tìm được chỗ thuận tiện mới xin xuất viện, đưa chú về. Con có nghe chú ấy nói qua điện thoại – cô cháu kể - Chú Trình bảo mấy người bạn của chú bên Đạo Baha’i lên Messenger kêu gọi bạn bè trong nhóm ủng hộ tiền cho chú và cắt người ban đêm đến bệnh viện trực phụ cháu. Vì bây giờ chú yếu lắm rồi! Chú ơi, cháu quên nói với chú. Mấy cô bác bên nước ngoài có gửi về cho chú 500 Đô-la để phụ tiền thuốc cho chú.

   - Vậy hả con. 500 Đô-la tính ra tiền Việt là bao nhiêu vậy con? – ông hỏi.

   - Khoảng 11 triệu đó chú – cô cháu trả lời.

   - Con tìm cách chuyển lời cảm ơn của chú đến mấy cô bác bên đó nhé – ông  ôm ngực ho mấy cái, thều thào nói tiếp: Số tiền đó là cả một tình thương yêu của  gia đình đó con.

   - Dạ con biết chú ạ. Dù sao số tiền đó cho mọi người biết Chú cũng có một gia đình – cô vừa nói vừa lấy tay xoa xoa sau lưng cho ông bớt ho.

   - Thì có con là một gia đình rồi – ông nhìn cô cháu thoáng một chút buồn! Đó là điều chú luôn rất vui và  biết ơn con – ông nắm chặt bàn tay cô cháu gái, lòng đầy xúc động. Cô cháu quay mặt cố giấu đi giọt nước mắt đang rơi! 

 ***

   Một tuần sau, đêm đó, ông Phan Quân tỉnh dậy sau một cơn đau khủng khiếp. Ông thều thào nói trong hơi thở. Ông bảo cô cháu hãy ghi lại lời cuối của ông chuyển cho ông Lê Trình, người bạn chân tình của ông, ông nói: “Anh Lê Trình, tôi xin vĩnh biệt anh cùng các bạn cao quý của tôi, là ân nhân đã cứu đời tôi. Tôi không thể nào chịu đựng lâu hơn nữa, để còn nhìn thấy các anh! Dù ở thế giới nào, tôi không bao giờ quên ơn các bạn!” Rồi sáng hôm sau ông qua đời tại Bệnh viện trên tay đứa cháu gái đáng thương!