QUỐC KHÁNH Ở CHIẾN KHU

21/08/2022 00:00
679

HOÀNG CẨN


Cách đây năm mươi năm, lần đầu tiên trong đời tôi vinh dự được dự lễ Quốc Khánh nước nhà (2/9/1972). Đó là một buổi chiều thu, một buổi chiều êm đềm như giấc mộng, khi bóng chiều còn di động lướt thướt trên chòm cây kẽ lá. Em gái giao liên dừng chân đón nắng chiều sắp qua, thư từ gửi đến người phương xa. Khu Lê san sát rừng, chiều Hòa Đa rầm rập những bước chân. Đại đội 440 bộ đội địa phương chúng tôi ăn cơm sớm hơn thường lệ, trang bị chỉnh tề đi dự lễ Quốc Khánh 2/9 do Huyện ủy Hòa Đa tổ chức tại rừng Hồng Thái – Khu Lê. Đơn vị vừa dự lễ vừa canh gác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sân lễ, các cơ quan dân chính đảng các đội công tác trong Huyện đều về dự.

   Đến nơi chúng tôi đã thấy sân lễ phòng Văn hóa – Thông tin Huyện đã hoàn tất khi trưa, bây giờ chỉ chỉnh sửa làm thêm vài công đoạn nữa. Tuy trong điều kiện chiến tranh khó khăn về phương tiện trang thiết bị chuyên dùng nhưng lễ đài thật trang nghiêm. Đường vào lễ đài hai bên treo cờ phướng và ba tấm ảnh cỡ 60-90 người ở giữa là Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, bên phải là luật sư Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bên trái là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trên bàn thờ Tổ quốc treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nửa đỏ, nửa xanh sao vàng, bên dưới là chân dung Bác Hồ hiện thân của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Lễ đài uy nghiêm và trang trọng, ổn định trật tự công tác tổ chức xong, làm lễ chào cờ: Bài giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cất lên “Giải phóng miền Nam chúng ta thề quyết tiến bước, diệt Đế quốc Mỹ đánh tan bè lũ bán nước, ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngút trời Sông núi bao nhiêu năm tách rời ….’’. Thật là một bản anh hùng ca thôi thúc lôi cuốn tinh thần người người lên đường đi kháng chiến mang căm thù ra tiền tuyến chiến đấu quên mình góp phần giải phóng quê hương. Chính chúng tôi cũng bị bài hát cuốn hút vào vòng  xoáy trận mạc chiến trường. Toàn thể cán bộ chiến sỹ dân quân chính Đảng hướng về lễ đài nghe Thường vụ Huyện ủy Hòa Đa truyền đạt mục đích ý nghĩa tinh thần cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2/9/1945. Điểm lại tình hình cách mạng ở địa phương trong thời gian qua, đề ra phương hướng mới, chủ yếu giữ vững địa bàn. Tìm diệt địch trong ấp chiến lược hỗ trợ cho các đội công tác tuyên truyền cách mạng ở địa phương đánh địch càn quét lấn chiếm, giữ chân địch lại cho quân chủ lực của ta mở chiến dịch đánh mạnh, đánh lớn gây sức ép buộc địch (Mỹ-Ngụy) phải kí Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau đó các đơn vị phát biểu cảm tưởng hứa hẹn quyết tâm chiến đấu và bắt thách thi đua. Những lời phát biểu hùng hồn cùng tiếng vỗ tay mạnh mẽ là nguồn động viên cổ vũ thúc giục lòng người hạ quyết tâm bước vào trận chiến đấu mới. Thế hệ trẻ chúng tôi lúc đó cũng phấn khởi lạ thường, hiểu sâu thêm về lịch sử nước nhà chiến sự diễn ra ở miền Nam. Từ đó tạo niềm tin ở sự lãnh đạo của Đảng của cách mạng miền Nam. Đêm ấy Đoàn Văn công Thống Nhất tỉnh Bình Thuận về trình diễn văn nghệ phản ánh phong trào cách mạng với những chiến công lẫy lừng của quân dân Bình Thuận. Sân khấu dã chiến, ánh sáng bằng bốn cây đèn Măng xông, khi máy bay địch bay qua đề phòng nó cắt bom phải đưa đèn xuống hố đậy nắp lại. Khi máy bay qua khỏi lấy đèn lên diễn tiếp. Diễn viên có các anh chị: Ngô Thanh Tâm, Bích Liên, Tấn Mạnh, Tuyết Mai, Thanh Tuấn, Ngọc Hải, Tô Bình, Mộng Điệp, Đoàn Kỳ Dương, KNễ….Cây nhà lá vườn mà thu hút đông đảo khán giả hoan nghênh nồng nhiệt có một số bà con làm rẫy động cùng vào xem. Khí thế sôi sục những bài ca cách mạng giải phóng không ngừng trỗi dậy trầm hùng giữa rừng thu lịch sử.

   Đến nay cứ mỗi độ thu sang, kỷ niệm Quốc Khánh ở chiến khu năm ấy không phai mờ trong tôi vì không phải ai cũng có được. Nhớ nhất là cảnh cũ người xưa, kẻ hy sinh sau đó, người qua đời theo quy luật tự nhiên. Nhưng kỷ niệm đêm ấy không bao giờ mất, đã gợi lên một hình ảnh:

   Khu Lê rừng thấp cành đu đưa
   Chiều thu lá rụng tiếng như mưa
   Áo ai còn nhuộm màu sương khói
   Bóng người hòa quyện cánh rừng xưa

   Ký ức kể ra cũng lâu thật, đúng là nửa thế kỷ, ký ức đi theo thời gian cuộc sống con người. Tôi luôn nghĩ rằng: có Quốc Khánh 2/9/1945 lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ đó mới có nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cái giá mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tốn nhiều mồ hôi, xương máu trí tuệ mới có được, mục tiêu cuối cùng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.