Văn nghệ sĩ, chiếc cầu nối tâm tư, nguyện vọng của người dân với đại biểu Quốc hội, HĐND và ngược lại

16/06/2021 09:55
601

VNBT


Ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là chủ nhật, 23-5-2021. Đây là ngày hội lớn, cũng là sự kiện đặc biệt để mọi người phát huy quyền công dân bằng lá phiếu bầu ra người tài đức lãnh đạo đất nước, bầu ra được những người thấu hiểu được lòng dân để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.

Văn nghệ sĩ không chỉ là cử tri mà còn là chiếc cầu nối người dân với Quốc hội, HĐND. Và ngược lại, là truyền đạt, giải thích những chủ trương, chính sách về các vấn đề dân sinh, xã hội, văn hóa, các chiến lược phát triển đất nước của Quốc hội, của các cơ quan hành pháp.

  Thực tế trong những nhiệm kỳ qua, tiếng nói văn nghệ sĩ đã đánh động được những vấn đề khá nóng của đất nước, đã cùng với dân, thay mặt dân chất vấn, tranh luận thẳng thắn trực tiếp bằng kiến nghị hoặc gián tiếp bằng tác phẩm về những lỗ hổng, khuyết điểm, những việc làm người dân chưa hài lòng của chính quyền và các cơ quan hành pháp. Tất nhiên về hướng truyền thông ngược lại, tức thông tin từ đại biểu đến cử tri, cũng được văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc, trong đó có văn nghệ sĩ Bình Thuận. Đã có rất nhiều tác phẩm, bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống và mang tính chất cầu nối như vậy.

  Bất kỳ xã hội nào cũng luôn tồn tại những câu hỏi: Nước đã mạnh chưa? Dân đã hạnh phúc chưa? Vấn đề nào đang được sửa sai, thay đổi? Những vấn nạn lớn như tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí tiền của nhân dân… đã được giải quyết đến đâu? Những bức xúc của người dân đã được lắng nghe chưa và đã giải quyết, khắc phục đến đâu?... Do vậy vai trò cầu nối của văn nghệ sĩ là rất cần thiết.

  Văn nghệ sĩ là những người đặc biệt quan tâm đến vận mệnh đất nước, sự tồn vong của dân tộc và tình cảm của người dân, nguyện vọng của người dân nên ý nghĩa lá phiếu của cử tri văn nghệ sĩ càng thêm phần quan trọng.

  Một văn nghệ sĩ đúng nghĩa luôn phải là một công dân đúng nghĩa, tức là phải gương mẫu trong việc thực hiện Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

  Một văn nghệ sĩ đúng nghĩa luôn phải là người có nhu cầu cao độ về việc tự nghiên cứu và nắm vững luật pháp, đồng thời quan sát, chia sẻ với người dân. Có như vậy thì tác phẩm mới có nền móng tư tưởng vững chắc, thông điệp đúng đắn và có sức thuyết phục cao.

  Trong cuộc bầu cử lần này có sáu nhà văn, nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa - văn nghệ trên cả nước ứng cử Quốc Hội:

- Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương ;

- Nhà văn Nie Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk, người Ê đê ;

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện VHNTQG - Bộ VHTTDL;

- Thạc sĩ Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội;

- NSNA Trần Thị Thu Đông- Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam;

- Lê Thị Hồng Nhung, Nhà hát Cải lương Hà Nội.

  Và có nhiều ứng cử viên Hội đồng Nhân dân các cấp là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

  Đó là tín hiệu đáng mừng!

  Thực tế đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều đột phá mang tính bước ngoặt. Điều đó cũng tỷ lệ thuận với sự phức tạp của các vấn đề xã hội, những chuyển đổi từ nông thôn chuyển dần thành phố thị, sự tinh vi của nạn tham nhũng, những bất nhất khó nắm bắt của lòng người… Thuyền to sóng lớn là quy luật tất yếu. Chính vì thế nhiệm vụ của văn nghệ sĩ trong vai trò cầu nối và phản biện xã hội cũng đòi hỏi cao hơn, chính xác hơn, mạnh mẽ hơn.

  Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận với 242 hội viên (gồm các ngành Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc) là 242 cử tri trách nhiệm không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử mà trách nhiệm đặc biệt ấy còn thể hiện trong suốt nhiệm kỳ và cả về sau.

  Văn nghệ sĩ Bình Thuận phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, luôn hưởng ứng công cuộc xây dựng đất nước vững mạnh, giàu đẹp và cũng luôn đứng về phía lẽ phải, sự công bằng, cùng tâm tư, nguyện vọng, hạnh phúc của người dân.