Cảm thức thời gian và suy nghiệm phận người
trong thơ Trương Đăng Dung

02/12/2022 15:47
1330

NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM


Hành trình từ tuổi trẻ đến tuổi “tri thiên mệnh”, từ “Những kỷ niệm tưởng tượng” (Nxb Thế Giới 2011) đến “Em là nơi anh tị nạn” (Nxb Văn học 2020) là cả những chuỗi ngày đối diện với thời gian và khắc khoải phận người của nhà thơ.

   Thời gian hữu hạn hay vô thủy vô chung? Thời gian vô tình hay hữu ý? Tất cả đều tùy thuộc vào cách tiếp nhận của từng cá thể con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Thời gian chuyển dịch từ ánh bình minh rực rỡ đến khoảnh khắc ráng chiều vàng đẫm, hay khi màn đêm buông xuống…là thời gian phận người tiếp xúc với những giá trị đời thường. Nhưng từ sự rúng động mãnh liệt của một tâm hồn thơ có mạch ngầm sâu rộng, với nhà thơ, lại là cảm thức thời gian đầy sắc màu, đầy hỉ nộ ái ố…Trái tim ông như thảng thốt trước những xa xót phận người, là mạch nguồn cho sự sáng tạo thi ca và triết luận.

   Trái tim ngập tràn yêu thương ấy đã bị ám ảnh bởi thời gian kỷ niệm, thời gian quá khứ, cả thời gian dự báo trong tương lai về thân phận con người. Và cảm thức sâu sắc ấy đã bật thành thơ, khắc chạm vào thơ, đa phần với giọng điệu trầm buồn, suy nghiệm.

   Thời gian như giấc mộng Nam Kha, thời gian nhanh tựa bóng câu, thời gian đã trôi đi có bao giờ trở lại. Tóc xanh rồi sẽ bạc, tiếng nói trẻ thơ ngày nào rồi sẽ đục khàn, da thơm mùi trẻ rồi sẽ nhăn chùng nếp gấp thời gian...Không một ai có thể vượt qua những thời khắc định mệnh vui, buồn, sướng, khổ, sinh lão bệnh tử…của phận người. Giọng thơ của ông trầm buồn là vì thế, luôn đầy trắc ẩn với cuộc đời, thể hiện một trái tim nhân hậu giàu lòng yêu thương về kiếp nhân sinh. Nhưng xét cho cùng, thơ ông lại vượt lên trên nỗi buồn để khao khát sống, khao khát yêu thương, khao khát cống hiến, tha thiết với thời gian hiện hữu, tha thiết với thời gian trong tương lai và thiết tha với cảm xúc hiện sinh yêu người, yêu cuộc đời này. Cảm thức thời gian đã trở thành nguồn mạch của sự sáng tạo trong thơ ông.

   Ông là PGS- TS, nhà lý luận- nhà thơ Trương Đăng Dung với tấm “lòng tha thiết với trời xanh/ mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành”.

   “Kiếp người ngắn ngủi”. Những cảm niệm và suy nghiệm của ông  đã hòa làm một. Nhà thơ đã khắc vào thơ nỗi ngậm ngùi về phận người trong cuộc sống ngắn ngủi ấy, nhưng quan trọng là thơ ông đã gửi cho chúng ta một thông điệp “phải sống” như thế nào để làm “NGƯỜI” đúng nghĩa, và để trả lời cho câu hỏi: “Có một thời ta đã sống thật sao?” (trích Có một thời)

   Sự vô tâm, ích kỷ… sẽ khiến con người quên đi sự sẻ chia thì sao gọi là đã “sống”? Khi con người đến với thế gian này, sẽ chào đời bằng tiếng khóc. Vì thế, mấy ai sống trong đời này thoát được sự khổ đau.

   Năm 1978, bài thơ đầu tiên (Âm hưởng mùa Hè) của Trương Đăng Dung được đăng trên báo Văn Nghệ. Đến năm 2004, thơ ông trở lại trên Tạp Chí Sông Hương (6/2004). Năm 2011, tập thơ đầu tay của ông ra đời, có tên là “Những kỷ niệm tưởng tượng”. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã có lời giới thiệu “Trương Đăng Dung với Thơ - Thời gian” cho tập thơ. Mở đầu là những câu: “Anh không thấy thời gian trôi, thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi”. Đó là bài giới thiệu viết về cảm thức thời gian trong thơ ông.

   Và bài thơ cùng tên Những kỷ niệm tưởng tượng là một diễn trình cho kiếp sống khổ nạn của con người:

   “Ngày ta sinh ra là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
   
Các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời.
   
Họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu…
   
…Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên.
   
Những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện...

   Những diễn ngôn tự thuật về sự khai sinh của con người nghe chừng đắng đót lời thân phận. Phận người lớn dần theo thời gian năm tháng, nỗi đau cảm niệm cũng lớn dần theo. Mảnh tã bé xíu khác gì hình ảnh của sự khiếm khuyết, đói khát và có khi là sự mất mát buồn thương.

   Nhân sinh tơi tả với những phận người làm điếm, trẻ con và người già  vật vờ, thất thểu... Tâm hồn nhà thơ lọt thõm vào một miền ký ức xa xăm, và buồn thao thiết: 

   “... Những đám tang không có hòm
   
Chân người chết thò ra khỏi chiếu.
   
... Những người mẹ bị thương ruột lòi ra vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn.
   
Và những cánh tay trẻ thơ bom hắt lên cành cây vắt vẻo...”

   Hình ảnh trong thơ ông sao giống như hình ảnh trong bức tranh hiện thực SOS của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Chiến tranh quá tàn độc. Nỗi buồn chiến tranh ám ảnh không nguôi. Phận người trong chiến tranh quá điêu linh khốn khổ.

   “Một kiếp vô thường sao đủ rộng
   
Mà hòng trải trọn một đam mê” (Tô Thùy Yên)

   Cái tôi nhỏ bé tội nghiệp hiện hữu trong thế gian này để thỏa tình yêu người, yêu thơ ca, yêu triết luận…thật khó lắm thay. Vì đời thì hữu hạn mà tình thì vô hạn. Nhiều khi, ta phải tự hỏi: Ta là ai trong cõi đời này! Trong một ký ức đất nước trượt chìm trong khói lửa chiến chinh.

   Hai chuyến tàu cùng số hiệu
   
không cùng giờ xuất phát
   
Không ga đi
   
không ga đến
   
con tàu như nỗi cô đơn của bóng đêm
   
di chuyển 
   
Không hành khách
   
không cửa sổ
   
con tàu như kí ức của mùa thu đóng hộp 
   
Rồi một ngày tàu anh kiệt sức
   
nằm im trên cánh đồng
   
những toa tàu bỏ không
   
đầy bụi 
   
Rồi một ngày tàu em đến
   
tiếng còi nghe như tiếng côn trùng
   
những toa tàu bỏ không
   
đầy mối
   
Thấp thoáng bóng người
   
trong cỏ. (Hai chuyến tàu)

   Nhà thơ Trương Đăng Dung đã từng chia sẻ: “Thật khó để có thể định nghĩa về thơ. Mà cũng không cần phải định nghĩa. Mỗi nhà thơ có quan niệm và mỹ cảm riêng về thơ. Với tôi, thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Thơ như một diễn ngôn khác, có khả năng thể hiện sâu sắc hơn, đa diện hơn cái thế giới bên trong của thi sĩ, với tinh thần bóp méo cấu trúc của hiện thực để giữ lại cấu trúc của cái tôi, giống như Ch. Caudwell quan niệm”. …

   Ông thể hiện điều đó khá rõ trong tập thơ thứ nhất Những kỷ niệm tưởng tượng”

   Trong tập thơ thứ hai “Em là nơi anh tị nạn”, nhà thơ chuyển sang một hình thức ngôn ngữ có khác hơn: dùng nhiều bí tích, dụ ngôn của Chúa để tìm đến một đối tượng nghệ thuật mới: đó là mối quan hệ của quyền lực, đức tin và mong thiện lành sẽ hiển hiện như ánh mặt trời để cứu vớt những phôi pha đổ vỡ… Ông đã nói: “Tôi sử dụng những bí tích và dụ ngôn tôn giáo làm đối tượng của phản ánh nghệ thuật để khám phá quan hệ giữa thiên chức và quyền lực, nỗi đau và đức tin trong một thế giới mà trí năng đang bộc lộ sự bất lực trước những phôi pha, đổ vỡ của đời sống”.( thethaovanhoa.vn 8/2022)

   Ngay từ tựa đề các bài thơ của ông cũng đã rất gợi, rất da diết với đời với người, rất hiện sinh. Và có thể, nối với nhau theo tầng bậc để trở thành một bài thơ khắc khoải:

   “Anh chiếm chỗ bóng đêm,
   
Anh không còn gì ngoài em,
   
Anh không thấy thời gian trôi,
   
Ánh sáng này...Ảo ảnh, Chân trời,
   
Chúa đã ra đi,
   
Có một thời, Có thể,
   
Đêm ở Roma, Đối thoại,
   
Ghi chép hè 2009, Giấc mơ của con,
   
Giấc mơ của Kafka, Những bức tường,
   
Những kỷ niệm tưởng tượng,
   
Những người đàn bà,
   
Nơi thi sĩ đến, Sách của Aylan Kurdi,
   
Thành phố phía chân trời,
   
Thoả thuận,
   
Tin nhắn cho em, Tôi lại nhìn thấy họ,
   
Trên đồi Vọng Cảnh, Trong quán cafe Pianô, Vật chứng,
   
Viết cho con…”

   Nếu “ Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được viết bằng văn xuôi thì “Nỗi buồn thân phận con người trong chiến tranh” được Trương Đăng Dung, bằng trái tim nhức buốt yêu thương, đã mượn lời thi ca để khắc chạm. Ta sẽ “sống” như thế nào trong kiếp xa xôi? Đau đáu tìm lời đáp cho câu chuyện tử sinh của kiếp này kiếp khác là chuyện quá huyễn hoặc. Sinh ra trong chiến tranh. Sống trong chiến tranh. Bom đạn mù trời. “Người chết hai lần thịt da nát tan” (Trịnh Công Sơn). Số phận con người gắn liền với nỗi đau của dân tộc. Đó là định mệnh. Cái nhìn của nhà thơ là cái nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, xót thương cho dân tộc mình chịu nhiều mất mát, hy sinh. Trong cuộc hành lữ ấy, có cả bản thân nhà thơ gắn chặt với định mệnh của đất nước, dân tộc. Những trái tim nhân hậu đau đời vật vã. Trái tim nhân hậu của nhà thơ lại càng vật vã gấp bội lần, bởi ông là nhà triết luận- nhà thơ.

   Bài thơ “Anh không thấy thời gian trôi” là một minh chứng: rằng cuộc sống chỉ là “nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn”. Cùng một lứa bên trời lận đận. Cùng thi nhân cho tim cũng héo mòn, buồn đau vì nỗi đau của phận người. Đời người mong manh, chóng vánh. Tình yêu, thù hận rồi cũng thành tro bụi trước sự khắc nghiệt của thời gian. Ai biết trước được tương lai? Nỗi đau nhân sinh trĩu nặng trong tâm nhà thơ là vì thế!.

   Từ những bài thơ rất da diết của ông dành tặng vợ, ta như hiểu thêm về cách cảm niệm thời gian và tâm tình trong thơ ông.

   Anh biết thể chất phôi pha
   
cái vỏ gối bao lần em thay mới
   
từng đêm nghe tóc bạc xót xa,
   
giới hạn bủa vây ta
   
em nỗ lực trong từng giây phút sống
   
anh tha thẩn như một người mơ mộng
   
lang thang trong kiếp làm người

   Những trăn trở, đau đáu của phận làm người được ông diễn đạt bằng lời của con nói với mẹ nghe sao xót xa, u hoài: 

   Con làm kẻ thứ ba
   
giữa tâm hồn bất an
   
và thể xác bất toàn 
   
Con tìm nơi cứu rỗi
   
giữa những hoài nghi, cô đơn và bất lực
   
ngổn ngang kí ức
   
tâm hồn con mang nặng cuộc đời con 

   Cảm thức thời gian và suy nghiệm về phận người trong thơ Trương Đăng Dung có phần khác lạ hơn người. Bởi, trong ông là sự hòa quyện của triết luận và thơ ca. Phần nào cũng trội. Nhưng thơ thì mềm mại mà triết luận thì khá khô khan. Một sự dung hợp tuyệt vời để chúng ta có một Trương Đăng Dung - Thi ca, đầy nét độc và lạ. Từ lâu, tên tuổi PGS-TS Trương Đăng Dung gắn liền với những nghiên cứu lý thuyết chuyên sâu và những bản dịch tinh tế. Thơ ca chỉ mới 02 tập cho cả một quãng đường dài mấy mươi năm, nhưng đều thể hiện nét tài hoa. Lời thơ diễn đạt nhẹ như hơi thở, như lời tâm tình, nhưng đã tác động mạnh mẽ vào sự cảm thụ của những tâm hồn miệt mài yêu thơ ca và cuộc sống. Một cách rất “hiện sinh”. Và tấm lòng nhân hậu yêu người, yêu đời mãnh liệt của nhà thơ sẽ như một bông hoa đẹp, thơm hương của hôm nay và lan mãi đến mai sau.

 

Tham khảo

1/ http:// www.thivien.net Trang thơ Trương Đăng Dung
2/Nguồn: Tạp chí Sông Hương, 3-2006 Trần Thanh Hà
3/Nguồn: Tạp chí Sông Hương, tháng 6, năm 2010 Hoàng Thị Quỳnh Anh
4/ http://www.vanchuongviet....amese/vanhoc_tacpham.asp?