Những bóng hồng trong Thơ và Đời của thi sĩ Phạm Thiên Thư

14/12/2023 00:00
509

NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM


Cùng ngồi với Phạm Thiên Thư, ta càng nhận ra bao điều thú vị lẫn thi vị về ông. Chuyện đạo, chuyện đời, chuyện tình yêu, chuyện thơ ca, và cả chuyện kinh doanh (thuốc và sách). Nơi gặp gỡ nhà thơ thuận tiện nhất và dễ dàng nhất là vỉa hè đối diện với quán cà phê Hoa Vàng của ông (cư xá Bắc Hải - Bình Thạnh). Mỗi sáng, nhà thơ thường ngồi nơi này, trên chiếc ghế xếp, gần một tảng đá nhỏ để ngắm ra bao nhiêu hình thù, để hút thuốc, để gật gù nghĩ và viết, để cười nói ngắt quãng với bạn bè văn chương và người ái mộ… đến thăm. Trong những câu chuyện không đầu không cuối ấy, ta nghe và hình dung ra có nhiều bóng hồng dịu dàng, tha thướt… lướt qua thơ và cuộc đời của Phạm Thiên Thư.

   1. Những bóng hồng trong thơ Phạm Thiên Thư 

   Nếu tính từ ngày 1/1/1940 đến nay, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã tròm trèm 84 tuổi. Đã là cái tuổi thiên tri mệnh. Đã trải qua hai lần bệnh thập tử nhất sinh, mất ngôn ngữ, và trải qua mấy lần duyên nợ. Nhưng đó là chuyện đời.

   Còn chuyện đạo, chuyện thơ, ông đã có thời gian nương bóng cửa Thiền gần 10 năm trời (1964 - 1973), khi vừa độ tuổi thanh niên, với pháp danh Thích Tuệ Không. Và cũng trong thời gian tu tập này, thi sĩ - tu sĩ đã cho ra đời tác phẩm Đoạn trường vô thanh (1973), với những vần thơ lục bát trác tuyệt, bay bổng, thiền ý phiêu diêu, nổi danh trên thi đàn, và đã được trao giải nhất văn chương miền Nam thời ấy. 

   Chuyện đạo còn kéo dài mãi sau này và đến tận bây giờ, (dù nhà thơ đã cởi áo tu, rời Chùa từ năm 1973), hiện chủ yếu là tu tại gia, và viết Kinh về Đạo bằng thơ. 

   Với gia tài văn chương khá đồ sộ, cả đời thơ của ông như luôn ướp hương của những vị thuốc đông y gia truyền từ đời ông cha (ở đất Thái Bình), như đẫm chất men say quan họ từ quê mẹ (ở đất Bắc Ninh) và tất nhiên, như thấm nồng chất thiền tịnh của một vị tu sĩ, dù đời tu chốn thiền môn chỉ gần một thập kỷ mà thôi.

   Vì sao một tu sĩ ngày ngày tụng kinh niệm Phật, tu tập trong Chùa lại có những vần thơ nửa đời nửa đạo như thế? Và có phải vì nửa đời lấn át mà tu sĩ Tuệ Không đành rời đạo để hoàn tục với đời? Câu trả lời xin dành cho mọi người tự tìm hiểu vậy.  

   Nhưng, ta tin chắc rằng, dù có lời giải đáp như thế nào đi nữa, thì những vần thơ ông viết về cảnh quan, về đời sống (dẫu khi đang tu niệm) luôn thấm đẫm thiền vị và ngay cả những vần thơ ông viết về tình yêu nam nữ cũng ngời ngợi chất Thiền. 

   Ngày ấy, nhân vật nữ - EM - trong thơ ông xuất hiện khá lạ, đẹp và nhiều “biến tấu”. Khá lạ và đẹp vì bóng dáng yêu kiều tha thướt của người con gái buổi tan trường luống cuống đi về. Và vì bóng dáng cô thôn nữ hái dâu làm nên một cuộc tình lãng mạn với anh học trò đang dùi mài kinh sử… Khá lạ và đẹp vì có cô gái trẻ hay đi lễ chùa này, đã từ giã cõi trần và để lại kỷ niệm hoa niên, để lại một chuyện tình xót xa, vương lòng thế tục. Và vì có khắc tên nàng- như vết chân chim- trên gác chuông chùa ngày ngày vẫn vang lên những âm thanh nền nã khiến người khoác áo nâu sồng thương nhớ khôn nguôi. Khá nhiều “biến tấu” vì sự lan tỏa của những hình ảnh ấy trong đời sống con người chúng ta… Tất nhiên, không thể quên vai trò cầu nối từ “chiếc đũa âm nhạc diệu kỳ” của nhạc sĩ Phạm Duy. Với bàn tay vá cách cảm tài hoa của nhạc sĩ, hình ảnh Ngọ- hình ảnh Ẩn Lan - hình ảnh tín nữ… cứ theo dòng thơ lan tỏa đến dòng chảy của âm nhạc và thật tự nhiên neo vào lòng người. 

   Các bóng hồng trong thơ ấy, đa phần, từ đời sống bên ngoài, được Phạm Thiên Thư dẫn lối vào thơ. 

   Là giai nhân: “em là giai nhân/ ta là thi sĩ/ gặp em một lần/ mà nhớ chung thân…” (Giai nhân), 

   Là người áo lụa “một sợi tóc biếc/ dài như mưa thu/ lẫn trong sương mù/ guốc nào động nhỏ/ hoa nào rơi thưa/ ai kia áo lụa/ bước đi chần chừ" (Áo lụa), 

   Là em ngồi đan áo: “Em ngồi đan chiếc áo len xanh/ Hẹn gió thu về gửi tặng anh/ Rồi bỏ đó em vào thiên cổ/ Anh một đời ngóng áo thiên thanh” (Đan áo),

   Rồi từ Em đan áo, ta lại bắt gặp hình ảnh bóng hồng phơi áo: “Xưa em phơi áo giữa thu phong/ Lá vàng cài trên lụa rực hồng/ Nay áo đã cuốn về thiên cổ/ Lá vàng bay lạnh nỗi niềm không” (Phơi áo),

   Còn có bóng hồng thương áo cũ, hoài niệm dáng xưa, nghe bùi ngùi: “Xưa khâu áo này/ đường kim mũi chỉ/ nay anh lại thăm/ em đã theo chồng/ anh mang áo cũ / đắp khi gió đông" (Áo cũ).

   Từ hình ảnh áo cũ nhớ nhung hoài niệm, có một tượng đài duyên dáng, ngây thơ, trong trắng đã được khắc chạm và trở thành vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng, trinh nguyên thuần khiết… của phụ nữ Việt Nam trong thơ ông. 

   Lớp người trẻ của thập niên 60, 70 và cả sau này mấy ai mà không nhớ hình ảnh “guốc mộc đi về” trong tà áo dài trắng thướt tha làm say lòng bao chàng trai học trò tuổi mới lớn. Đó là Em nữ sinh Hoàng Thị Ngọ, áo trắng tan trường, nghiêng vành nón lá, ôm cặp xuống phố, guốc gỗ lóc cóc khua vang… trong Ngày xưa Hoàng Thị: “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Chim non giấu mỏ/ Dưới cội hoa vàng/ Bước em thênh thang/ Áo tà nguyệt bạch/ Ôm nghiêng cặp sách/ Vai nhỏ tóc dài…”

   “...Mười năm rồi Ngọ/ Tình cờ qua đây/ Cây xưa vẫn gầy/ Phơi nghiêng ráng đỏ/ Áo em ngày nọ/ Phai nhạt mấy màu?…”

   Là Em - Ẩn Lan, cô gái cắp rổ hái dâu bên cồn, áo nhuộm đầy bóng hoàng hôn… trong Gọi em là đóa hoa sầu: “Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn/ Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu/ Tiếng nàng hát vọng đôi câu/ Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ…” “...Lều tranh còn ủ chăn mơ/ Mối tình là một bài thơ vô đề/ Ẩn Lan ơi! mái tóc thề/ Gió xuân nay có vỗ về suối hương…” “...Gọi em là đóa hoa sầu…” (Trích Đoạn trường Vô thanh 1717 - 1750).

   Nhạc sĩ Phạm Duy đã quá tuyệt vời khi chọn trong bài thơ những từ, những câu thơ giàu hình ảnh nhất, đắt nhất… để phổ thành bài hát cùng tên với giai điệu ngọt ngào, có một chút hoài niệm, có một chút liêu trai, pha một miền thoát tục…Từ một bài thơ viết theo thể lục bát, chiếc đũa diệu kỳ của Phạm Duy đã gõ vào những thanh âm nghe dìu dặt, đắm say. Và hình ảnh Em - Ẩn Lan đã bay lên trên miền thoát tục ấy. 

   Là Em tín nữ, nhè nhẹ gót chân son vào chùa lễ Phật trong Thoáng Hương Qua và đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Em lễ chùa này. Đó là bài thơ kể lại một mối tình buồn và thánh thiện nơi chốn tịnh thiền.

   Theo lời kể của Phạm Thiên Thư, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông theo học tại trường Phật học Vạn Hạnh và xuống tóc đi tu vào năm 1964. Cũng có người cho rằng thời kỳ ông vào chùa tu là để “trốn quân dịch”. Và ở đó, ông đã thấm nhuần đạo Phật hồi nào không hay. Những bài thơ “nửa đạo nửa đời” rất dí dỏm của ông khiến nhiều người thích, không những không chê thầy “vô đạo”, mà còn mỉm cười thông cảm.

   Trong thời gian tu học tại chùa (1964 – 1973), ông vô tình chứng kiến mối “hương tình” của một chú tiểu và cô bé Phật tử. Tình yêu mong manh như sương như khói. Cô bé cũng như khói sương, đột ngột lìa đời. Xúc cảm trước cái chết bi thương của bóng hồng thơ dại ấy, ông đã viết bài thơ Thoáng Hương Qua. Chỉ là Hương qua. Một thoáng. Nhưng day dứt buồn thương. Phạm Duy đã đẩy bài thơ tình buồn ấy vào những cung bậc cao trào, chuyển câu thơ 6 chữ thành câu thơ 7 chữ rộn ràng… bớt đau thương, bi lụy.

   Bài thơ Vết Chim Bay của Phạm Thiên Thư cũng ru hời một bóng hồng thuở xa xăm. Chuyện tình cũng xảy ra ở chốn Thiền môn, nơi gác chuông chùa nọ.

   Em là chim. Em không là chim? Con chim nào qua đó mà in dấu chân mềm? Và em biết đâu tìm? Chữ trong chuông. Tên trong chuông cứ theo gió, theo chiều vọng mãi. Không biết chuyện tình bắt đầu từ đâu?   

   “Ngày xưa anh đón em/ Trên gác chuông chùa nọ/ Con chim nào qua đó/ Còn để dấu chân in/ Anh một mình gọi nhỏ/ Chim ơi biết đâu tìm/ Mười năm anh qua đó/ Còn vẫn dấu chân chim/ Anh một mình gọi nhỏ/ Em ơi biết đâu tìm.

   Ngày xưa anh đón em/Trên gác chuông chùa nọ/ Bây giờ anh qua đó/ Còn thấy chữ trong chuông/ Anh khoác áo nâu sồng/ Em chân trời biền biệt/ Tên ai còn tha thiết/ Trong tiếng chuông chiều đưa.

   Ngày xưa em qua đây/ Cho tình anh chớm nở/ Như chân chim muôn thuở/ In mãi bậc thềm rêu/ Cõi người có bao nhiêu/ Mà tình sầu vô lượng/ Còn như trong giả tưởng/ Hay một vết chim bay”.

   Cái kết buồn vời vợi là em ra đi biền biệt. “Như chân chim muôn thuở/ In mãi bậc thềm rêu”. Cho anh khoác áo nâu sồng. Bởi, “Cõi người có bao nhiêu/ Mà tình sầu vô lượng”.

   Ta không biết vì sao trong thời gian tu tập mà thi sĩ Phạm Thiên Thư - Tu sĩ Thích Tuệ Không lại viết nên những vần thơ tình đậm chất thanh thoát như thế. Nhưng, những bóng hồng trong thơ ông cứ đẹp, cứ lung linh, cứ ám vào lòng người thưởng thức thơ ông và thưởng thức nhạc Phạm Duy không nguôi. Những bóng hồng xinh đẹp và thiện lương luôn tồn tại trong đạo và đời. Vì tình yêu trong sáng đích thực luôn là niềm cứu rỗi và mang lại hạnh phúc cho mỗi chúng ta.

   2. Những bóng hồng trong đời của Phạm Thiên Thư 

   Trong gia tài thơ ca đồ sộ của mình, Phạm Thiên Thư có tác phẩm Đoạn trường vô thanh nổi tiếng. Chính ông cho rằng, cuộc đời ông và Đại thi hào Nguyễn Du (tác giả Đoạn trường Tân thanh tức Truyện Kiều) có những điểm tương đồng về thơ ca và các mối nhân duyên. 

   Phạm Thiên Thư đã có những bài thơ tình lay động tâm hồn chúng ta từ ngày ấy cho đến mãi tận bây giờ. Nếu những bóng hồng trong thơ cứ lung linh, ảo mộng thì ở ngoài đời, sau khi hoàn tục, Phạm Thiên Thư có tới ba người vợ. 

   Người vợ thứ nhất, thi sĩ Tuệ Mai, con gái của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà thơ thời cuối hạ kỳ Trung đại - nổi tiếng với bài Gánh nước đêm. Những tưởng cùng một lòng yêu chuộng văn chương, tình sẽ bền lâu hết kiếp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, khi dây tình chừng đã dứt, hai người đành buông tay.

   Người vợ thứ hai, nữ sĩ Mai Trinh Đỗ Thị, con gái của nhà văn Hoàng Ly, chị của nhà văn Hoàng Linh. Nữ sĩ rất xinh đẹp, tài hoa, hiền hòa, tiếng nói nhỏ nhẹ pha giọng miền Bắc. Là một bóng hồng ngoài đời và trong thơ Phạm Thiên Thư. Phạm Thiên Thư từng cho rằng, không hiểu sao, Mai Trinh Đỗ Thị giống Hoàng Thị quá: “Cô này quê ở Hải Dương, như chính nhân vật trong bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của tôi. Họ giống nhau như hai giọt nước".

   Nhận xét về Mai Trinh Đỗ Thị, tác giả Trần Áng Sơn cũng từng viết: “Tôi gặp Mai Trinh Đỗ Thị vào một buổi sớm mai. Lúc ấy tôi cảm thấy hình như mình bị choáng váng trước một thiếu nữ có sắc đẹp liêu trai hoang đường, sắc đẹp phảng phất nét trung cổ Tây phương, nhất là đôi mắt. Không biết người Sơn Tây của Quang Dũng mắt đẹp đến chừng nào, nhưng đôi mắt của thiếu nữ trước mắt tôi chứa đựng cả “một trời viễn xứ khôn khuây”. (Thannien.vn Lê Công Sơn).

   Mai Trinh Đỗ Thị là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm được yêu thích như: Gối mộng, Điều ước màu trắng, Mê lộ, Cõi miền, Đỉnh trời gió hú, Mai em theo chồng… Thơ của Mai Trinh Đỗ Thị rất hay, dễ lay động lòng người. Điểm qua bài thơ Mê lộ của nữ sĩ, ta nghe có một khúc trầm mở đầu rất da diết, thiết tha: “Ta với người uống cạn cả dòng sông/ Sao cây trái trong hồn chưa hết đắng?/ Tình đã đi qua mùa yên lặng/ Những lá vàng trút xuống mảnh vườn câm...”. 

   Ta không thể biết được xúc cảm của thi sĩ Phạm Thiên Thư như thế nào khi đọc thơ tình buồn của vợ cũ, nhưng ta thì ám ảnh, ngậm ngùi. 

   Về chung nhà với Mai Trinh Đỗ Thị, ba người con đã lần lượt chào đời. Nhưng thập niên 80, hai người lại đường ai nấy đi. Không ai hỏi vì sao hai nhà thơ nổi tiếng với những tuyệt phẩm thơ, có nhà cửa, có con cái, đều hiền lành, nhân hậu thế, mà lại không ở được cùng nhau đến răng long đầu bạc? Chuyện tình, chuyện đời khó định đoán là thế!

   Căn nhà ở đường Trần Kế Xương, Gia Định tưởng rằng sẽ là Cà phê Động Hoa Vàng cho gã từ quan họ Phạm, nhưng đành sang tay người khác để hai người thơ lo cho cuộc sống riêng của mình… 

   Chốn nương dâu ở Nha Bích - tỉnh Bình Phước cũng đã từng níu chân nhà thơ, nhưng chỉ một thời gian, ông bán nương rẫy, chủ yếu ông ở Sài Gòn để theo đuổi Điện công Phathata (Pháp - Thân - Tâm) giúp chữa bệnh cho người đời. Nhà thơ đã từng chỉ cho tôi phương pháp dùng “móng rồng” để trị bệnh. Móng rồng của nhà thơ (năm ngón tay chụm lại bấu vào chỗ đau) mấy năm về trước vẫn còn có lực lắm.

   Người vợ thứ ba, bà Trần Thị Như Báu là một nha sĩ, ít hơn ông 10 tuổi, sống cùng ở quán cà phê Hoa Vàng, đường Hồng Lĩnh, cư xá Bắc Hải, nơi thường hay tụ hội những anh em văn nghệ sĩ và cả những người mến mộ nhà thơ tài hoa- thầy thuốc Phạm Thiên Thư.

   Bóng hồng thứ ba trong đời Phạm Thiên Thư dong dỏng cao, trắng trẻo, xinh xắn, gắn kết cuộc đời với nhà thơ những đoạn cuối phận duyên. Nhà thơ vẫn ngày ngày ngồi nơi hiên nhà, nhìn bóng hồng “vợ” đi làm, đi chợ… và không biết có làm nhiều thơ cho nàng thơ này không!

   Có một thời, nhà thơ chuyển lên sống trên Bàu Cát...Cùng bạn bè rủ lên thăm ông, thấy tâm hồn chừng xa xăm lắm. Có một lúc nhà thơ muốn vào sống trong chùa gần nhà. Nhưng âu cũng là duyên, là phận, nhà thơ lại quay về “Động Hoa Vàng” ngày xưa, có lẽ sẽ sống hết phần đời nơi đây, bên bóng hồng thứ ba của mình.

   Ba bóng hồng trong đời của Phạm Thiên Thư thì đã có hai người là nữ sĩ xinh đẹp và nổi tiếng, đều là con gái của hai văn nhân nổi danh trên văn đàn nước Việt. Gia tài thi ca của nước Việt có dấu ấn riêng của những bậc tài hoa này. Và Phạm Thiên Thư đã gắn kết với các bậc nữ lưu ấy, tâm hồn đã rộng mở và rung động để cho những vần thơ đẹp của ông bay lên.

   Những vần thơ trác tuyệt của thi sĩ Phạm Thiên Thư đã làm lay động tâm hồn bao người. Đến nhạc sĩ Phạm Duy còn phải cảm mà làm nên những giá trị âm nhạc vượt bậc thiên hạ. Chất mộng, thiền và thơ luôn ngự trị trong trái tim ông. Nên không ngạc nhiên lắm khi có nhiều bóng hồng trong thơ và trong đời ông là thế.

   Những bóng hồng rất riêng và rất lạ…

   Tới giờ, nhà thơ vẫn trầm ngâm hàng ngày ngồi trước hàng hiên của quán cà phê nhà mình để lắng nghe cuộc đời, gặp bè bạn, làm thơ ngắn… với nụ cười luôn nở trên môi.Và tôi luôn có cảm nghĩ, ông là gã thi sĩ thẩn thơ như Từ Thức lạc cõi tiên, ngơ ngẩn trở về trần thế, tu cho hết kiếp, làm thơ cho hết kiếp… Vì có gì đâu, khi ta chỉ là một Vết chim bay: “Ngày xưa anh đón em/ Trên gác chuông chùa nọ/ Con chim nào qua đó/ Còn để dấu chân in/ Anh một mình gọi nhỏ/ Chim ơi biết đâu tìm”

   Nhưng vết chim bay ấy lại vướng vít những bóng hồng như một đóa hoa sầu, một tà áo dư hương… Thì thôi: “Ta về rũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc trên đồi dạ lan/ Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” (Đưa em tìm động hoa vàng - PTT).

   Tu sĩ. Thi sĩ. Lòng yêu người cứ như lòng giấy viết đầy trang chữ. Yêu người, tụng niệm như cầu kinh.

   Hỡi những bóng hồng trong đời và đi vào trong thơ bất tuyệt của Tuệ Không tu sĩ - Phạm Thiên Thư. Những bông hồng biết nói năng, thưa thốt. Có bông hồng biết làm thơ… để cho người đời sau cứ mãi đắm chìm trong ý thơ, ý nhạc, trong màu thiền nơi cõi phiêu linh…