NGÔ THỊ BẠCH HẠC
"Nước mắt chảy nghiêng” ư ? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói về chuyện mắt khóc, mắt cười khá lạ: “Còn hai con mắt khóc người một con. Còn hai con mắt một con khóc người”, chứ có nói năng chi về cách thức nước mắt chảy xuôi hay chảy nghiêng… Vậy mà nhà văn sinh năm một chín năm tư ở tận mũi Cà Mau đã dùng hình ảnh có chút lạ lùng và ấn tượng này để làm tựa đề cho đứa con tinh thần vừa xuất bản vào những ngày cuối, tháng cuối, năm 2023 (Nxb Đà Nẵng).
Sau lời bạt trần tình nhan đề “Tôi viết từ tâm thức” - rất sâu sắc, như tiếng vọng trùng khơi của sông Mẹ, như âm thanh rung cảm của dây đàn về nghề cầm bút - là mười hai truyện lần lượt theo thứ tự: Tường trắng lạnh căm, Nước mắt chảy nghiêng, Tâm kinh, Giao hoan cùng nỗi buồn, Triền xanh gió động, Phục kích, Người đến muộn, Mái ấm, Thì thôi cũng đã, Mùi của con người, Thả vào hư không và Lạc dấu con người.
Mười hai truyện ngắn, như mười hai ngọn nến lung linh giữa hai bờ hư - thực. Và tôi, người đọc đi đọc lại tập truyện này, vẫn chủ quan cho rằng, các truyện có tên: Nước mắt chảy nghiêng, Tâm kinh, Giao hoan cùng nỗi buồn, Thì thôi cũng đã, Mùi của con người, là những truyện ngắn hay, ám ảnh, thiên về tình yêu, là những nỗi buồn không thể nào nguôi ngoai, là nước mắt cứ âm thầm chảy nghiêng xuống triền đời kiêu bạc. Là chính tác giả, qua các nhân vật được tác giả yêu thương - đã đầy niềm vui cực độ lẫn nỗi buồn cực điểm khi chia chữ cho người.
Đọc xong tập truyện, úp trang sách cuối lại, các nhân vật nhỏ nhoi như bước ra cuộc đời để nắm tay ta tìm sự sẻ chia.
Ở truyện đầu tiên “Tường trắng lạnh căm”. Tác giả đã ghi dòng phi lộ “viết như một lời xin lỗi”. Bối cảnh câu chuyện là ở bệnh viện. Con cái nuôi cha mẹ đau ốm ở bệnh viện cũng là chuyện thường tình. Nhưng cái điều khác thường là bởi cây kẹp tóc nằm không đúng chỗ. Ông con trai tuổi già gần 70 nuôi bà mẹ 96 tuổi bị bệnh nặng. Nàng dâu trẻ nuôi mẹ chồng bị ung thư giai đoạn cuối. Mẹ chồng khó tính, không bao giờ sát sanh dù con muỗi vo ve hành hạ con người suốt đêm không ngủ, dù con sâu có ăn hết vườn cải cũng chỉ được lấy kéo cắt lá có sâu bỏ ra xa cuối góc vườn… Hai bệnh nhân nằm sát nhau. Nàng dâu trẻ tuổi đảm đang vén khéo lo cho cả hai bà vì “anh đàn ông vụng về”. Tối đến, người nuôi bệnh trải chiếu dưới đất mà ngủ. Mệt mỏi cả ngày nên nàng dâu vô tư lăn xuống chiếu. Tai hại là do cây kẹp tóc nằm lộn chỗ bên gối ông già nuôi mẹ. Chi tiết thắt nút. Sáng hôm sau, ông thức dậy, thấy cây kẹp gần gối mình nên vô tư nhặt đưa lại, khiến nàng dâu trẻ ngượng ngùng vì sự chểnh mảng. Nhưng ác hại thay, bà mẹ chồng thấy, sinh nghi ngờ, bật ra tiếng “hứ” và quay mặt vào bức tường trắng lặng câm. Trưa đó bà mất trong tư thế nằm như vậy. Không quay mặt lại. Lời kết truyện là câu nói của con dâu trong nước mắt “má nỡ giận con sao má ơi”.
Viết như lời xin lỗi là vậy. Lỗi gây cho bà mẹ chồng hiểu lầm đức hạnh của con dâu nên “bà đã ra đi sớm hơn sự tiên liệu của bác sĩ”. Tường trắng chỉ biết lặng câm.
Truyện thứ hai có tựa đề “Nước mắt chảy nghiêng” - được chọn làm tên cho cả tập - là một câu chuyện khác về tuổi ấu thơ, về tình yêu đầu đời - với những xúc cảm dại khờ được lột tả rất tinh tế, về tình yêu hiện tại - với những rung chạm, rúng động và trào dâng như sóng biển, qua chi tiết và ngôn từ không có gì mới lạ nhưng lại diễn đạt rất lạ, không lẫn vào ai. Như mạch ngầm tuôn chảy và đọng lại ở nơi cần đọng. Rồi tung toé, vỡ oà.
Nàng là con riêng của mẹ kế hiền từ. Cả hai vừa là anh em, vừa là hơn cả tình anh em. Nhưng dù có xác tín không vượt qua giới hạn, cố gắng kiếm tìm không gian phi giới tính… thì sự trở lại của Mai (từ nước ngoài về) vẫn làm bung xõa sự kiềm nén của giới tính từ thuở tiền thanh xuân. Từ cái buổi ướt mưa, khi Mai “kinh ngạc” thấy cái vật be bé thun lại, teo nhỏ đi vì lạnh của anh, “dường như Mai đã kéo ra nhè nhẹ rồi dùng bàn tay khum khum che đè ủ ấm. Từ cái buổi Mai bị ngụp nước, anh hai phải cấp cứu, “phải xoa bụng, vén tóc, dùng vạt áo lau mặt cho nàng…” “Làn da trắng màu sữa mê hoặc” ám ảnh anh suốt về sau. Không bao giờ anh có thể tìm thấy cái cảm xúc ấy trong cuộc đời.
Giờ gặp lại, anh vẫn cố cưỡng chống, cố giữ cái ranh giới mong manh vì phía sau anh là một gia đình đầm ấm và Mai cũng vậy, một gia đình êm ấm với người chồng “vệ sĩ”. Thiết tha ngây dại. Dù thâm tâm cả hai đều không muốn đánh mất đời sống thực của mình. Nhưng chuyện đến phải đến. “Giờ đây, bờ bên kia sao bỗng dưng mới lạ và xa thăm thẳm, cám dỗ sự phiêu lưu của anh. Sự phấn khích, sự đê mê, sự cuồng hoan đã dâng và phún xuất đã trào”.
Nhưng sau cơn mê, biết Mai phải chịu đựng một viên đá sần sùi sắc cạnh nằm dưới mảng lưng trần của nàng trong cơn “sóng động dữ dội” đã làm anh chới với. Thân thể Mai nghiêng. Nước mắt cũng chảy nghiêng. Truyện kết thúc bằng tin nhắn nhói lòng của Mai: “Từ nay trong cuộc đời còn lại, nỗi buồn khổ sai sẽ dắt em theo”.
Truyện có sức ám ảnh mãnh liệt, rất hay, rất buồn nhưng đẹp. Chừng như tác giả là hiện thân của nhân vật “anh” luôn kiêu bạc, như con voi già cô độc, muốn cất lên tiếng thét kiếm tìm hạnh phúc ở thấu tận trời xanh.
Những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật sắc nét, và viên đá sần sùi, sắc nhọn là hình ảnh ấn tượng ghim vào lòng độc giả!
“Nước mắt chảy nghiêng” là truyện ngắn thứ hai trong mười hai truyện toàn tập. Đừng hỏi vì sao nhà văn lấy tựa đề này mà không lấy các tựa truyện khác cũng rất khác lạ trong mười hai truyện, như: Giao hoan cùng nỗi buồn, Tâm kinh…
Theo lời Phật dạy: tùy duyên! Cái duyên ám vào tâm. Dù nhà văn có là tín đồ của Chúa. Truyện thứ ba này dễ dựng thành phim!!!
“Tâm kinh” lại mang một màu sắc khác trong tập. Có ánh sáng của Phật pháp, có mùi vị của thiền, có nhân quả, có luân hồi. Và đây là truyện rất hay khiến ta nghĩ nhiều về nội dung, ý nghĩa của truyện. Về “sắc sắc không không”, về “chân không diệu hữu”…
Khi sư trụ trì kêu lên với nội lực của một vị chân tu “hãy trả tượng Phật cho chùa”. Âm vọng của nhà sư tràn lướt trên mặt sông: “Thí chủ ơi, quay đầu là bờ”. Tên trộm tượng Phật đã quát trả lại với nội lực không kém: “Bên kia cũng là bờ vậy”. Và thằng bé đã ôm bụng cười ngặt nghẽo khi nhìn thầy nó ngớ người, sững sờ nghe âm thanh dữ dội từ dòng sông hất ngược lên: “Bên kia cũng là bờ vậy”!
Chi tiết rất đắt. Khen cho cách dụng từ và hình ảnh đối lập mà tác giả đã dựng lên. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, đó là trí huệ. Cả những suy nghĩ của thằng bé: “Xá lợi từ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”… “Chùa không tượng Phật, mà kẻ trộm thì có. Trong sương mù Bát Nhã, chú tiểu nhỏ nhoi, chới với níu lấy cái hư hư không không”.
Lời đối đáp của Sư - Cậu Cả, với cháu đồ đệ cũng gợi lên nhiều suy niệm qua đoạn văn miêu tả rất dịu dàng: “…Trăng thật đẹp, nhấp nhô suốt cả dòng sông… Hai thầy trò ngồi ở đầu cầu ngắm trăng. Chú tiểu hỏi thầy: Trăng đẹp quá, hiện hữu kì diệu, nhưng sao lại là không. Sắc (đẹp) ngồi học hàng ngày bên cạnh con, làm sao nói “sắc không thị tức”. Vị sư già bèn kể: “Ta hai mươi tuổi, nhìn một nhan sắc áo mỏng trong mưa, ta run rẩy, môi khô khát, ta mơ vòng tay choàng ôm thân thể cô ấy, muốn ghì riết, siết lấy. Giờ đây, khi nhìn một cô gái sexy trong mưa bay, ta tự hỏi, về nhà cô ta có bị cảm lạnh không… Đạt tới cảnh giới đó, con sẽ hiểu “sắc tức thị không”. Tất cả chỉ là… một ngày nào đó, con bỗng thấy lòng mình hóa từ bi”….Tâm kinh là thế. Câu hát của Trịnh Công Sơn chợt bật ra: “Yêu người, lòng chợt từ bi bất ngờ”.
Với “Giao hoan cùng nỗi buồn”, câu chuyện thứ tư, có 8 khúc, đọc đến câu chữ cuối cùng, ta có chủ quan không khi nghĩ: nhà văn hình như đã vắt kiệt tâm sức mà viết. Mỗi chữ như rỉ máu đỏ. Ngòi bút thì đang nhỏ mực đen. Tương phản sắc màu. Tương phản giữa hạnh phúc giao hoan và nỗi buồn khốn khổ. Hình như ta nghe được nhịp thở gấp, hình dung được tiếng gõ nhanh của mấy ngón tay lướt trên bàn phím! Hình như con chữ đang trào ra từ trái tim bị tình yêu hành hạ cả xác thân lẫn tâm trí. Con chữ và tình yêu đang dẫn dắt tâm thức của nhà văn. Vì anh đã từng tâm niệm: “Chính tôi cũng là một nhân vật trong tâm thức mình. Tôi viết từ tâm thức. Những gì thương yêu, cảm xúc mãnh liệt và bỏng rát sẽ trào lên. Cứ thế tôi viết. Cứ thế tôi chỉ việc khơi dòng cho những cảm xúc ấy chạy trên giấy…”
Giao hoan cùng nỗi buồn, người có chút gì vui? Nỗi buồn được chưng cất thành men rượu ngọt để người chìm trong ký ức mà giao hoan! Niềm vui chợt hiện! Trong buồn có vui! Trong vui có buồn! Lại “sắc sắc không không”.
Như nhân vật Mai trong “Nước mắt chảy nghiêng”, nàng ở xa anh vài ngàn km, thành đạt và hạnh phúc gia đình viên mãn. Nhưng tuổi thơ nàng đã gắn bó cùng anh nơi con sông xanh biếc, có tập bơi bằng thân chuối, có xem cá sinh sản, có những trò chơi trẻ con… Làm sao mà quên được dù có khi đi khắp bốn phương trời.
Bối cảnh mở đầu truyện là chiếc ca - nô lao đi trên một dòng sông rộng. Hai bên triền sông là màu xanh của rừng tràm rừng đước. “Anh và nàng ngồi ở băng ghế sau cùng… gió mạnh bạt ngược, tóc nàng bay dài trên sóng… một nửa khuôn mặt nàng chỉ cách anh trong gang tấc, trái tai đính một hạt ngọc trai lấp lánh…”. Anh hạnh phúc dù có che giấu. Và mấy ngày sau, trong trạng thái cô đơn cùng cực, anh gửi cho nàng một tin nhắn: “nhớ tiếng cười của người đàn bà - nghiêng trên sóng”.
Chuyến công tác trở về quê hương của Nàng xui khiến họ gặp nhau sau đằng đẵng xa cách. Những con đường dốc mù sương, những triền thông lạnh đón bàn chân họ. Vượt qua một chút tình anh em, họ tay trong tay một chút, họ say một chút, họ yếu mềm một chút… Anh đã mơ giấc mơ hồ điệp: nàng ngủ cùng khách sạn, nàng bước vào phòng của anh, nàng ngủ trên chiếc giường trống… nàng như bé con trong thân thể một người đàn bà đầy mê hoặc. Đôi lúc, anh nghĩ, nàng mang một tâm hồn trẻ thơ - trong một cơ thể đàn bà. Để không nghĩ nhiều về nhục cảm, Anh luôn nghĩ về nàng như thế. Ngây thơ khờ dại như bé gái lên mười.
Nhưng, Nàng vẫn luôn khiến anh vất vả lao đao, vẫn luôn rình rập giăng bẫy cho nàng ngả vào vòng tay ôm của anh dù chỉ vài giây ngắn ngủi! Trong một không gian phi giới tính mà anh và nàng thiết lập! Anh biết nàng đẹp, nhân hậu, tài hoa nên nhiều người theo đuổi dù có chồng bên cạnh. Anh hoảng sợ. Anh đã gửi hàng triệu tin nhắn da diết cho nàng để bảo vệ nàng khỏi cám dỗ… Ôi anh yêu nàng biết bao nhiêu mà nàng thì cứ xem anh như một người anh trai để nàng nũng nịu, sẻ chia.
Đoạn văn tâm tình về người bạn chí cốt đã mất của anh đầy xúc động. Anh đã gửi cho nàng bài tưởng niệm viết cho bạn và gửi tin với ngụ ý nhắn nhủ: “Mười năm trước, trời đã lấy đi của ta một người bạn. Nay trời trả lại cho ta một người đàn bà để ta hờn giận và yêu thương”.
Những dòng trong khúc 4 viết về chuyến đi ra đảo sáng tác của nhân vật anh với những ngôn từ miêu tả dị biệt nhưng rất ấn tượng. Nhân vật anh muốn đi tìm một không gian phi giới tính mà anh và nàng dầy công kiến tạo! Nhưng bất thành. Anh phải tự hủy không gian ấy. Giao hoan cùng nỗi buồn để đau xé từng thớ tim. Trong khúc 4 này, tác giả còn có những lời viết về cuộc nói chuyện đầy sự đắm say, mê hoặc của ác thần Lucifer và nàng Eva ở vườn Địa đàng vừa thực vừa hư đầy quyến dụ. Để rồi kết luận: “không gian phi giới tính dù thần linh kiến tạo còn bị phá vỡ, huống gì sự kiến tạo của một kẻ hoang tưởng là anh” (tr 47, 48).
Rồi nhà văn cũng để cho ông trời sắp xếp một cuộc gặp giữa anh và vợ chồng nàng. Rồi chồng nàng đột xuất về Mỹ trước. Rồi nàng đến căn phòng có hai giường ngủ của anh và như trẻ con giữ khoảng cách an toàn với anh… để kể chuyện, để ngủ một giấc bình yên. Khúc cuối truyện, tác giả xây dựng tình huống chia tay thật lãng mạn và cũng thật buồn. Con người sống không thể thiếu tình yêu. Nhưng vì một tình yêu đẹp, vì không muốn làm tổn thương những người thân trong mái ấm gia đình, nên họ chỉ có thể yêu trong tâm tưởng!
Truyện ngắn “Triền xanh, gió động”. Ông - nhân vật chính là một người chạy xe ôm “…lặng câm, ông bị cô lập giữa cõi đời… vì thái độ lặng lẽ và câm nín… trong mọi biến cố của gia tộc. Ông cố níu giữ cô gái là khách đi xe thường xuyên trên chuyến xe ôm của ông…” từng phút từng giây, từng hơi thở mong manh… cả dáng vẻ và cử chỉ… của nàng. Là cô gái sẽ đến một khách sạn, một biệt thự, một căn nhà nào đó theo yêu cầu. Khi ông nghe tín hiệu điện thoại vang lên ba hồi chuông khúc Love is blue là sẽ đưa - lẫn đón nàng về, bất kể thời gian. Quá từng trải từng đường ngang ngõ tắt trong thành phố này, ông biết, “nàng chỉ mang cơ thể của nàng tới đó…”
Ông cũng là người làm thêm công việc: chăm sóc, thay đổi trang phục cho các mannequin ở một cửa hàng thời trang. Lúc bắt đầu thật thú vị. “Cô chủ đẹp, ánh đèn đẹp, khách hàng đẹp, mannequin đẹp”. Nhưng đó là “the beautiful is outside”- cô chủ chua chát nói. Rồi còn đòi: “con gả cho chú một cô nhé”. Một cơ thể lạnh không có hơi ấm của sự sống, gả cho một người cô độc như ông sao?
Thời gian tàn phá. Mannequin nứt nẻ, thô nhám, ông cũng là người tháo rời các bộ phận bỏ thùng rác. Chuyện đơn giản thế, nhưng với nhà văn, khi xe rác chưa lấy đi, các bộ phận ấy nhô lên khỏi thùng rác giống như một vụ án mạng phi tang bằng cách phanh thây. Ông phải vội trấn an: “đó không phải cơ thể sống của một con người, mình đâu phải là kẻ tâm thần, sát nhân!”
Sự tưởng tượng kinh khiếp của nhà văn.
Cả hai, cô gái bán thân xác cho những gã đàn ông đầy dục tính và ông - người chạy xe ôm, đều “lủi thủi, cô đơn, nhức nhối, lặng đau” như nhau khi trở về ngôi nhà của mình.
Ngày lại ngày qua. Năm này sang năm khác.
Đến một hôm cả hai cùng mỏi mệt. Mái nhà êm ấm chợt hiện ra trong ông, qua cái nắm tay ấm. Ông ước gì. Trái tim chừng như đã. Thiên đường chừng như đã. “Quán cỏ… Ngoại ô ngút ngàn bông sậy trắng. Nắng xanh, cỏ xanh nghiêng nghiêng run rẩy theo triền xanh gió động”. Nhưng nàng đã nhợt nhạt, ngấn lệ khi trả lời: “Ông buồn. Em buồn. Sẽ sinh ra những đứa con rất buồn”.
Và ông hiểu, từ đây, cuộc đời ông sẽ giam hãm trong thinh lặng với những mannequin câm lặng. Ước gì, ông đã không cất lời “em về ở với tôi” để không phải bước ra khỏi giấc mơ về một ngôi nhà hạnh phúc.
Truyện cứ thế mà buồn. Dù “ông biết sâu thẳm trong ông lại tiếp tục không nguôi những cơn gió lớn”. Hy vọng là những giọt nước thánh nhỏ xuống cánh đồng khô hạn! Truyện kết thúc, le lói chút tia nắng quái chiều hôm. Là nhà văn sắp xếp cho nhân vật sống đời sống khắc nghiệt bằng giọng văn tưởng chừng lãnh cảm, nhưng xé sợi thớ tim của mình khi vắt từng con chữ!
“Phục kích” là truyện thứ sáu. Nhân vật thầy giáo (cán bộ nằm vùng) và Chín Nhỏ - em trai người anh cấp tá của chính quyền cũ bị phục kích chết. Tình tiết hay, chi tiết ấn tượng chính là bức tranh đất sét khô (có in dấu tay thầy giáo nằm vùng) ở ngay bờ kênh đêm phục kích và cuộc đối thoại triệt buộc lẫn hăm dọa của Chín Nhỏ với thầy giáo - hai con người đối lập nhau về lý tưởng. Tình tiết ngộp thở chính là lúc Chín Nhỏ - cũng là người bày cho cậu con trai nhỏ của thầy giáo học bơi (dù thầy đã cấm con trai) và không màng tới phận người khi cậu nhỏ sắp bị đuối nước. Mong muốn trả thù cho cái chết của anh trai luôn đè nặng tâm trí Chín Nhỏ. Nợ máu phải trả bằng máu. Không cần tuổi tác, chức vụ, địa vị…
Một mạng phải trả bằng một mạng. Những tưởng thầy giáo sẽ đau đớn vớt xác con về. Nhưng tác giả đã cao tay khơi ngọn lửa lương tri của Chín Nhỏ: “thầy dắt con thầy về đi”. Và tâm lý nhân vật thâm sâu này đã được nhà văn lột tả bén ngót: “…”
“Người đến muộn”, một truyện trực tiếp nói về nghề viết. Mọi người đã nhập trại đông đủ. Chỉ riêng người lớn tuổi là đến muộn. Muộn về thời gian. Muộn về cách tiếp cận phương thức sáng tác hiện đại. Muộn cả trong việc nhận định về tay nghề của mình!
Người ta thường kháo nhau rằng: “Văn mình, vợ người”. Nhưng người lớn tuổi thì không. Ông trăn trở với con chữ, tình tiết, hình tượng nhân vật, nội dung - ý nghĩa truyện. Căn phòng nhỏ được bố trí cho ông và người nhỏ tuổi. Tác giả không gắn tên cho cả hai nhân vật. Nhưng cần gì phải gắn. Ta chỉ biết họ là nhà văn thuộc hai thế hệ khác nhau, phong cách văn chương khác nhau. Nhà văn lớn tuổi đang bị văn chương giày vò và chính ông thì đang vô tình giày vò nhà văn trẻ tuổi.
Anh chàng cố gắng hết sức có thể khi ông nhờ đọc bản thảo, khéo léo khi góp ý vì sợ ông tổn thương. Và có khi phải lang thang suốt ngoài đường để nhường không gian cho ông sáng tác.
Nhà văn miêu tả cách ông ngồi viết, cách ông thể hiện tâm trạng buồn bực, cách ông chia sẻ với người trẻ tuổi, cách ông xé - ông đốt bản thảo biểu lộ sự thất vọng ghê gớm về tác phẩm mình tạo ra… đều rất chừng mực, hợp lý. Và cái kết là ông tiêu hủy bản thảo, rồi rời bỏ trại viết. Ông cương quyết từ giã ngòi bút khi thấy mình không theo kịp sự đổi mới về văn chương. Dù sao, nhà văn ấy cũng là một người đáng trọng, ông biết dừng lại khi cảm xúc đã nguội, khả năng đã mòn. Biết đâu được, mai kia mốt nọ, khi có hấp lực nào đó thôi thúc, ông lại viết và có những tác phẩm để đời. Cuộc đời người tuy ngắn nhưng ý nghĩ thì dài lắm.
Truyện thứ tám có tên “Mái ấm”. Tình tiết cứ hiện lên mà vui mà buồn theo sự dẫn dắt từ tâm thức của tác giả. Lê Đình Trường xây dựng cái nền cho một mái ấm rất “duyên”. Nàng say tình mà tìm đến anh. Nàng đến. Đột ngột. Bất ngờ. Khiến anh chới với, khiến “anh choáng cả người. Anh là người có lỗi…. anh đã “vô tình” tán tỉnh, giăng lưới bủa vây nàng… anh đã trót mở cổng để cho nàng bước vào khu vườn của sự đam mê và bất trắc”. Nàng có chồng - một giảng viên trí thức - nhưng đã bỏ nàng mà đi.
Đoạn văn tả cảnh nàng giao chiếc chìa khóa cho anh rất trong trẻo. Anh lo sợ, chiếc chìa khóa ấy mở ra cánh cửa thiên đường hay địa ngục? Rung động nghiệt ngã. Nhưng một lát thôi, vì có ai ngờ nàng lí lắc: chỉ là chiếc chìa khoá xe. Tiếng cười nghịch ngợm dễ thương của nàng biến anh, rốt cuộc thành kẻ si tình!
Rồi tác giả cho họ về một nhà - thành một gia đình bé mọn: hai vợ chồng và cô con gái đầu lòng. Mâu thuẫn phát sinh khi người vợ mang thai đứa thứ hai. Chuyện thường ngày ở huyện. Nhà nghèo, phụ nữ ốm yếu, con cái nhỏ dại. Phải tính toán. Cái sự tính đó, có khi rất tàn nhẫn. Như trong truyện, người chồng khuyên vợ nên bỏ cái thai. Tức là giết con. May thay người vợ không thuận tình và có thời gian xem người chồng như kẻ thù: nó là một mạng người, nó là con anh, không thể xé thân xác bé con ra từng mẩu thịt vụn… Tác giả cũng đang xé hình ảnh ra bằng ngôn từ đó thôi!
May thay, bé con được ra đời. Và mái ấm đó tưởng chừng “sóng gió” khi bé con làm “ông ba” hốt hoảng lo lắng khi hỏi: con có “tự chọn” ông ba được không? Và mái ấm đó đã ấm hơn khi cả nhà cười xòa khi biết có bé xem việc chọn ông ba như chọn một cái áo đẹp. Thực ra, cái kết vẫn có vẻ hoàn hảo quá! Nhưng thì thôi, hạnh phúc luôn có những con sóng gợn!
“Mùi của con người”
“Thả vào hư không”
“Lạc dấu con người”
Ba truyện ngắn thứ mười, mười một, mười hai nằm sát gần nhau. Cùng một chủ đề về thân phận con người trong chiến tranh, sau chiến tranh. Các nhân vật trong truyện đa phần đầy nỗi buồn chồng chất theo thời gian.
“Mùi của con người” là một câu chuyện về một gia đình có đứa con trai bị thiểu năng trí tuệ. Người mẹ trẻ đẹp như thiên thần, tài hoa duyên dáng đã bỏ công việc để ở nhà chăm và chạy bệnh cho con khắp nơi. Nhưng nhiều năm trôi qua rồi, vẫn vô vọng. Đứa con người đầy lông lá, vô cảm, hay đập phá, có khi đánh cả thiên thần mẹ! Nàng cam chịu như nhận quả báo từ tiền kiếp. Nhưng anh thì giận dữ, phẫn nộ… đòi đưa đi bệnh viện tâm thần hay xích nó lại. Trái tim thiên thần chọn con chứ không chọn chồng! Anh thua cuộc trong ngôi nhà của mình, trong tình cảm vợ chồng. Thằng bé không thích sự có mặt của anh - kể cả đồ dùng của anh nhưng nghiện cái mùi của anh! Mùi anh nhạt đi (do vắng nhà) là nó bứt rứt, trầm cảm… nên nhiệm vụ của anh là giữ “mùi của con người” cho con. Anh luôn muốn chia sẻ với vợ vì nàng đã từ bỏ công danh sự nghiệp cả tuổi trẻ và hạnh phúc vợ chồng. Nên đôi khi anh có ý nghĩ giải thoát cho nó và hay là giải thoát bản thân. Trái tim anh luôn yêu thương và luôn nhức nhối vì bổn phận. Chỉ còn cách: anh sẽ gùi những đau khổ và hoang mang này vượt qua những đêm trắng.
Dù sao, con trai anh vẫn luôn cần cái mùi của anh - mùi của con người!
“Thả vào hư không”
Ừ thì thả vào hư không. Cho nhẹ lòng nhẹ gánh. Nhưng dễ dàng gì!!!
Trong chiến tranh, anh em cùng núm ruột mẹ sinh ra, ở hai đầu chiến tuyến cũng lẽ thường… Bên thua trận bên thắng trận đều có những nỗi đau khó tỏ bày. Biết làm sao được. Chiếc xe lăn em đẩy người anh tàn phế đi quanh, có lúc đã chực lăn, chực ngã… May mà có tiếng gọi của lương tri. Và truyện cứ thế mà buồn.
“Lạc dấu con người”. Còn nỗi sợ hãi nào kinh khiếp hơn khi lạc dấu con người?
Bối cảnh là câu chuyện cháy rừng dữ dội. Mọi người cùng nhau ra sức cứu rừng. Nhưng “lực bất tòng tâm”. Rồi trong cơn biến, nhân vật đàn ông lạc vào rừng sâu, mấy ngày khốn đốn, tìm không ra dấu vết con người. Thời tiết khắc nghiệt, rừng rú chập chùng dây leo, cỏ dại, kiến lửa đàn đàn thiêu đốt, nắng mưa hành hạ… Cơm không có ăn, nước không có uống. Quạnh quẽ rùng rợn, cô độc tột độ. Rắn rít, côn trùng dễ dàng xâm lấn.
Không một ai! Không một ai! Mò mẫm tìm đường, tìm dấu con người nhưng tìm hoài trong vô vọng. Ảo giác chập chờn… nỗi chết chóc, chi tiết bị côn trùng cắn, bí tiểu… được nhà văn miêu tả rất đặc sắc.
May mà cuối cùng, tác giả cũng cho nhân vật tìm thấy đường về… trong cơn khốn đốn cực cùng. Nhưng với cách kể luân phiên cách đoạn, còn có một bối cảnh khác cũng gợi ấn tượng không kém. Em đến bên anh, chăm sóc cho anh - một người bị bỏng do lửa táp trong cơn cháy rừng dữ dội và mất sức do đói khát… lâu ngày. Như một người vợ. Không ngại bí mật về thân thể, em lau rửa, làm vệ sinh… và nằm bên cạnh ôm anh mà ngủ. Nhưng, kết truyện “Tất cả những cảm giác xa xưa ấy vẫn còn mơ hồ trong trí não. Ngày ngày, anh thường hay hồi tưởng lại mùi hương của nàng, vòng tay của nàng, tiếng kêu của nàng. Những hình ảnh, âm thanh và mùi vị ấy như một tay vịn để anh níu lấy”. Có nghĩa, anh đã lạc dấu con người, sau đó, tìm ra sự hồi sinh, nhưng cuối cùng, lại lạc dấu tình yêu. Truyện buồn nhưng vẫn mang tia nắng xanh, dẫu rằng le lói!
“Thì thôi cũng đã…” là câu chuyện thứ 9 trong tập. Nhưng người viết lại muốn giới thiệu cuối cùng. Chỉ vì sự lạ. Vì rằng, chỉ từ hai bài thơ tình cờ đọc được đâu đó, (hay chuyện có thật?) mà nhà văn đã dẫn dụ người đọc đi vào mê trận của tình yêu. Không ai biết được.
Nhân vật Tôi đầy si mê với những bài thơ tình nàng gửi tặng với đề từ: tặng Tr yêu dấu. Để rồi, nhân vật “Tôi” cứ sống với không gian tươi đẹp có thơ ca nhạc họa và có bóng dáng của nàng suốt đằng đẵng bao năm. Dù sau này, có lúc, “Tr - tôi” đã đặt ra nghi vấn: thơ của nàng hay thơ của ai mà nàng đem tặng? Những vần thơ trong “Khất thực em” như viết ra cho nhân vật Tr: “Anh cầm bình bát đi xin oản. / Nợ đời nhau anh khất thực em./ Xa xôi thế hương vẫn lồng trong gió/ Lồng cả ngực anh đêm mỗi đêm.. . Anh nói nguyện làm thân đạo hạnh/ Xin oản cho em khắp thế gian/ Ngủ bên bờ thực như đôi trẻ/ Ngộ ra trời đất hóa chăn màn…”
Nhưng, nhân vật Tr - được Lê Đình Trường dựng lên để “gánh vác” cuộc đời của cả hai người: Tr và họa sĩ Trung. Tên họ đều bắt đầu bằng phụ âm Tr. Trường yêu dấu hay Trung yêu dấu đều có thể! Sự sáng tạo không ngừng chảy và đầy khắc nghiệt. Như bức tranh của họa sĩ Phao lô Trung vẽ cô gái ngồi trên chiếc ghế “mục ruỗng, chênh vênh” và đang tự cứa tay mình, với từng giọt đỏ tươi mơ hồ nhỏ xuống …
Chính bức tranh ấy đẩy hai người bạn cũng tên Tr. ra xa. Rồi chính nó cũng xuất hiện trong suy nghĩ của họ khi kết nối lại sau bao năm ly biệt. Và cũng chính nó, là bước ngoặt cho người họa sĩ bứt phá đi lên trong sự nghiệp sáng tác, bứt phá để tìm đến tình yêu!
Vợ sắp cưới của họa sĩ cũng hay tặng thơ cho chàng. Nút thắt đã đứt bung. Anh bàng hoàng đau đớn khi họa sĩ khoe bài thơ có chữ viết của nàng: “Viết cho Tr. yêu dấu”. Thì ra, nàng đâu phải viết cho anh!
“Thì thôi! Cất giữ ký ức hoài rồi cũng sẽ tan tành theo cơn bão. Hay như dòng suối kia cứ tuôn chảy một lần cho cạn nguồn thương nguồn nhớ. Như anh đã một lần, phải thế không anh? Thì thôi! Anh ơi! Ta cũng đã một lần xanh”
Ừ thì thôi vậy! Chào buồn em đi!
Truyện từ cuộc đời mà đến. Có cuộc đời là có truyện. Mà cuộc đời thì lắm nỗi vui buồn. Nên thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm thật thấu tâm can: “Thì thôi! Hãy cứ một lần xanh!”
Lê Đình Trường nguyên là giáo viên Toán Lý. Có lẽ, vì thế nên khi bén duyên với văn chương, giọng văn của anh chắc gọn, có khi sắc lạnh nhưng lấp lánh quang phổ. Các tia sáng có khi hội tụ, có khi bức xạ phản chiếu nội tâm nhân vật vô cùng sâu sắc và giàu yêu thương. Mười hai truyện là mười hai bông hoa, có bông cực đẹp nhưng cũng có bông chỉ đẹp vừa chừng thì đó cũng không có gì lạ.
Đọc xong tập truyện, cảm xúc tỏa lan và không dễ dàng gì tan đi!
Giêng Hai /2024.