Vị trí tác phẩm Lao động biển cả trong sự nghiệp văn học của Victor Hugo

31/08/2024 01:25
223

TRẦN THỊ ĐAN DUY


   Cây sồi già của văn học lãng mạn 

    Aragon đã từng nhận xét: “Nếu tiếng Pháp hiện đại ra đời vào thời Louis XI thì thơ ca hiện đại xuất hiện từ trong cơn lốc của chủ nghĩa lãng mạn và tất nhiên nó mang muôn hình muôn vẻ, nhưng có một người thâu tóm được nó, trong con người ấy, mọi truyền thống và sáng tạo hòa thành một hỗn hợp, con người ấy là nhà thơ thật sự của dân tộc Pháp, là nhà thơ lớn nhất của Paris: Victor Hugo”. Ở Việt Nam, Victor Hugo đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Hầu như những tiểu thuyết của Hugo đều được dịch sang tiếng Việt, thơ của ông được giảng dạy ở nhà trường phổ thông trung học. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về Hugo, đánh giá về ông rất sâu sắc, đủ mọi khía cạnh, đặc biệt nhấn mạnh ở khía cạnh của một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa, một người gieo hòa tình thương, một sứ giả của hòa bình. Victor Hugo được mệnh danh là cây sồi già của trường phái lãng mạn thế kỷ XIX, sừng sững như một tượng đài trong nền văn học Pháp với những bộ tiểu thuyết lãng mạn đồ sộ, mang tâm hồn và hơi thở của con người nước Pháp thế kỷ XIX.

   Nói đến tác phẩm của Hugo người ta nhớ ngay đến các tập thơ Trừng phạt, Chiêm ngưỡng, các tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris, Những người khốn khổ, Chín mươi ba, Truyền kỳ các thời đại, Người cười, Nghệ thuật làm ông. Riêng đối với tiểu thuyết Lao động biển cả (1) do được dịch sau này (1989) nên chưa được sự chú ý của các nhà nghiên cứu và độc giả tại Việt Nam.

   Bộ ba tiểu thuyết liên hoàn

   Tác phẩm Nhà thờ đức bà Paris (1831), Những người khốn khổ (1861) và Lao động biển cả (1866) là bộ ba tiểu thuyết liên hoàn viết về người lao động trong thời đại mới của Hugo. Nếu ở quyển thứ nhất tác giả ca ngợi tình thương yêu của những con người bình thường như cô vũ nữ Esméralda và chàng Quasimodo dị tật kéo chuông, thì trong quyển thứ hai Hugo lại tập trung miêu tả một xã hội đầy cặn bã, còn tồn đọng vô số những cảnh đau lòng. Hugo đưa lên trang viết của ông tất cả những vẻ đẹp cao cả của những con người bất hạnh bị vùi dập trong xã hội ấy. Đến quyển thứ ba nhà văn đã miêu tả rất thực, rất sinh động những con người lao động chân chính, lao động không mệt mỏi. Hugo tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, niềm tin ấy “gắn với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, giống như đại dương làm đắm những con tàu” (2) . Quyển tiểu thuyết này không thể vắng mặt khi ai đó muốn nghiên cứu về bút pháp lãng mạn của nhà văn vĩ đại Hugo.

   Sự nghiệp sáng tác của Hugo từ những năm 1851 cho đến cuối đời là rất vĩ đại, chứng minh bằng sự ra đời hàng loạt các tiểu thuyết mà có thể gọi là kiệt tác. Đây là giai đoạn ông thành công nhất khi thể hiện tư tưởng cũng như hoàn thiện về phong cách nghệ thuật. Thơ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong sự nghiệp sáng tác của Hugo, bên cạnh đó tiểu thuyết có sức sống ngang tầm, nó như “một sự bổ sung, thể hiện những dự định sáng tạo độc đáo, táo bạo, mới mẻ và thầm kín mà Hugo chưa thể đưa được vào thơ” (3) 

   Sự tưởng tượng tuyệt vời

   Là cây bút hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với thời đại, phong cách Hugo mang một dấu ấn riêng không thể lẫn lộn với các nhà văn lãng mạn khác. Năng lực chủ đạo của Hugo, theo một số nhà nghiên cứu, là trí tưởng tượng và đặc biệt là trí tưởng tượng bằng mắt. Lao động biển cả là một trong những đứa con của sự tưởng tượng đó.

   Lao động biển cả là một quyển tiểu thuyết lãng mạn. Lấy nguồn cảm hứng từ gió và đại dương, từ cuộc sống của nhân dân vùng biển Manche, Hugo đã tái hiện lại hiện thực bức tranh đời sống của nhân dân xứ đảo bằng trí tưởng tượng và sự hư cấu độc đáo. Chính vì được viết theo khuynh hướng lãng mạn nên nhân vật trong tác phẩm được lý tưởng hóa mang dáng dấp của một người khổng lồ cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Nhân vật bị bao trùm bởi một lớp màn bí mật ngay từ những ngày đầu mới xuất hiện, tạo ra sự cách ly với cuộc sống cộng đồng. Cuộc sống cô đơn đó làm nảy sinh một kích thước mới trong nhân vật. “Cảnh ngộ cô đơn phát ra đôi chút thác loạn cao cả. Đó là làn khói của bụi cây rực lửa. Vì vậy mà có sự rung động bí mật của ý nghĩ, khiến nhà bác học trở thành nhà thần thị và thi sĩ thành đấng tiên tri… Gilliat không cao đến thế mà cũng không thấp đến thế. Anh là một con người trầm tư. Không có gì hơn”. Hugo xây dựng nhân vật theo quan điểm: lời nói sẽ dư thừa, hành động mới là quan trọng. Xuyên suốt tác phẩm, ngoại trừ một câu nói “Cô sẽ lấy anh ta ư?” và lúc từ giã Déruchette, nhân vật hầu như không nói. Mà ngay cả lúc ấy, lời nói của anh cũng chỉ để truyền đạt những thông tin cần thiết, hoàn toàn không dư thừa. Còn về hành động thì tác giả lại để cho nhân vật của mình mặc sức tung hoành. Bút pháp lãng mạn tạo ra cho nhân vật dáng vẻ hoang đường. Từ lớp màn bí mật được bao phủ lúc đầu, Gilliat đã dần dần xa lạ với con người ban đầu của anh. Hugo đã từng giới thiệu: “tóm lại đó là một con người đáng thương biết đọc, biết viết”, nhưng rõ ràng không còn là con người tầm thường ấy nữa khi nhân vật đối diện với đêm tối giông bão. Lấy không gian rộng lớn của đại dương làm bối cảnh lao động, lấy các lực lượng thiên nhiên làm dụng cụ “về nhiên liệu anh có xác tàu, về động cơ có nước, về bể có gió, về đe có một tảng đá, về nghệ thuật có bản năng, về sức mạnh có ý chí. Gilliat hăng hái bắt tay vào công việc tối tăm ấy”. Con người đáng thương kia trở nên kỳ vĩ như một vị anh hùng đang chống lại cuộc xâm lược thông minh, đôi khi có những hành động kì lạ, hóm hỉnh. Có lần anh ngoảnh lại nói với chớp “Cầm hộ tao cây nến”, có khi anh lại tưởng mình đang quai búa cả vào mây. Việc đi xa dần tính chất ban đầu trong nhân vật, Hugo từng bước “tiến đến hiện tượng văn học của thế kỷ XX. Ở đây sự phù hợp tâm lý với đặc trưng tính cách không còn là nhân tố quyết định của nhân vật”. (4)

   Giống như những quyển tiểu thuyết khác của Hugo, bút pháp miêu tả vẫn đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm này. Những trang viết miêu tả trận chiến đấu của Gilliat với bão tố [Chương VII, quyển ba, phần thứ hai] là những trang văn miêu tả hết sức độc đáo. Ta thấy ở trong trang sách của ông nổi lên những đường nét, màu sắc, âm thanh, hình thù, bóng dáng, tâm trạng… chúng kết cấu, đả loạn, giành giật, cấu xé lẫn nhau. Với một lượng từ ngữ phong phú và tính chính xác kết hợp giữa ngôn ngữ của khoa học tự nhiên, ngôn ngữ kỹ thuật hàng hải, ngôn ngữ thủy thủ…, nói chung là ngôn ngữ chuyên ngành, thông qua tài miêu tả điêu luyện làm cho trang văn của Hugo có một sự sống động kỳ lạ. Cái hay ở chỗ, là tưởng tượng nhưng khi đọc lên người đọc có cảm giác như đang đứng trước cảnh tượng hãi hùng của cơn bão biển thực sự. Điều ấy chứng tỏ tài quan sát thực tế của tác giả. Những trang ông miêu tả cảnh hang động dưới đáy biển cũng là những trang văn đầy sức cuốn hút [chương VIII, quyển một, phần hai]. Một cái động ngầm của biển cả được miêu tả như một tòa lâu đài tráng lệ làm bằng đá hoa cương: “những lớp rêu huy hoàng của biển cả phủ nhung lên các góc đá hoa cương. Các chỗ hiểm trở đều được trang hoàng bởi những loại dây leo hoa to, khéo léo không để rơi xuống và dường như thông minh vì chúng trang trí rất đẹp.   (…). Tất cả vẻ duyên dáng có thể có được một hang động đều ở đây. Cái ánh sáng địa đàng kỳ lạ từ dưới nước hắt lên, vừa là ánh sáng chập chờn của biển cả, vừa là tia sáng thiên đường làm dịu bớt tất cả mọi đường nét trong một cảnh phân tán hư hư thực thực. Mỗi ngọn sóng là một lăng kính. (…). Trước mắt cảnh mờ đục của bình minh như có những đoạn cầu vòng chìm ngập dưới nước. (…). Núi đá ở cây, cây ôm núi đá với một vẻ yêu kiều quái gở”.

   Là một nhà thơ viết tiểu thuyết nên trong tiểu thuyết cũng tràn đầy chất thơ. Dành trọn hai chương VII và VIII cho việc miêu tả một cái hang động mà không có chi tiết nào lặp lại là một sự tài tình. Ông có một đầu óc tưởng tượng tuyệt vời. Tưởng tượng lại hết sức chính xác, quả không sai là “tưởng tượng bằng mắt”. Lúc thì là con mắt của nhà thiên văn học, lúc thì của nhà vật lý, khi thì của một nhà trang trí nội thất và khi lại giống anh chàng họa sĩ. Có thể nói ở Hugo tập trung không biết bao nhiêu nhân tài mà sự thể hiện tài năng ấy chính là những trang miêu tả giàu chất thơ, chất nhạc và chất văn của ông. Nếu nhưng những trang miêu tả đám đông không có trong tác phẩm này thì bù lại là những chương miêu tả ngoại đề. Xen lẫn vào giữa công cuộc lao động kinh khủng của Gilliat, Hugo xây dựng những chương ngoại đề bằng bút pháp miêu tả hết sức thành công như các chương: Sub-umbra, Các loại gió ngoài khơi, Biển và gió… Ở các chương này nhà văn không dừng lại ở miêu tả nữa mà đi đến chỗ xây dựng nên những hình tượng thiên nhiên: bóng tối, gió, sóng. Đây chính là thế lực thù địch của con người, là hiện thân của cái ác đang cố nhấn chìm những gì chống lại nó. Đặc biệt ở chương Sub-umbra (trong bóng tối), hình tượng bóng tối được Hugo xây dựng có một áp lực mãnh liệt. “Bóng tối là một, vì thế mà rùng rợn. Đồng thời nó lại phức tạp, vì thế mà khủng khiếp. Tính đơn nhất của nó đè nặng lên đầu óc của chúng ta và làm mất ý chí chống cự (....), người ta đầu hàng, người ta lo giữ mình. Người ta đứng trước Tất-Cả, vì vậy mà phải khuất phục, và trước Nhiều-Thứ vì vậy mà phải cảnh giác” và “đêm tối là hình thái riêng và bình thường của sáng tạo đặc biệt trong đó có chúng ta. Ngày vốn ngắn ngủi về thời gian cũng như không gian, chỉ có sự kế cận với tinh sao”. Hugo có một kho tàng ngôn ngữ hết sức phong phú, khả năng sáng tạo hầu như vô biên. Mô típ lãng mạn này hầu như xuyên suốt các tiểu thuyết của Hugo. Trong bóng đêm, cái ác hoạt động. Ở tác phẩm này, biển cả là không gian bao trùm mà biển lại đồng nhất với bóng đêm. Trong cơn bão “bóng đen tràn ra thành mãng lớn”, biển cả như “đêm lỏng gào thét”. “Nhìn vào lòng biển cả là nhìn vào cảnh tượng của cõi xa lạ tức nhìn vào nó từ khía cạnh khủng khiếp (...). Vực sâu cũng tương tự như đêm tối. Ở đấy cũng có cảnh ngủ yên, ít ra là ngủ bề ngoài lương tâm sáng tạo. Tại đấy diễn ra một cách hoàn toàn yên ổn những tội ác vô trách nhiệm. Tại đấy trong cảnh thanh bình ghê rợn, những phôi thai của sự sống, gần như ma quỷ, hoàn toàn như yêu quái làm những công việc hung ác của bóng tối”. Tài miêu tả của Hugo còn được thể hiện ở các chương của quyển bốn (Hai đáy của chướng ngại vật), ba chương tả lại cảnh Gilliat giao chiến với bạch tuộc. Đây là ba chương được coi như một sự sáng tạo nổi tiếng của Hugo, ở đó quy tụ sự gặp gỡ giữa cái hiện thực và cái ảo giác, giữa hình ảnh và từ. Về hình thức, đây là bức tranh được vẽ nên bằng sự thành công và sức hấp dẫn của bút phá miêu tả, về xây dựng biểu tượng thì con bạch tuộc, theo Hugo, là con “nhân sư kinh khủng đặt ra câu hỏi bí ẩn khủng khiếp. Bí ẩn của cái ác”. Đây cũng là một biểu tượng của thiên nhiên mà Hugo muốn đề cập đến. Việc xây dựng các biểu tượng thiên nhiên ở các chương ngoại đề chính là để thể hiện tư tưởng của nhà văn. Con người được đặt trước vận mệnh của vạn vật và buộc phải giao tranh để chống lại định mệnh ấy. Mặt khác, con người cần trải qua gian khổ mới phát hiện ra bản thân mình.

   Các hình tượng tương phản và các phản đề

   Cách viết này xuyên suốt tác phẩm, dành cho tất cả các nhân vật. Để khắc họa hình tượng nhân vật này, nhà văn xây dựng một hình tượng khác tương phản và đem so sánh đối chiếu với nhau. Để giới thiệu Lethierry, ông xây dựng Gilliat, từ tính cách của Gilliat ông chuyển sang Lethierry. “Gilliat là một người man rợ, Lethierry là một người man rợ khác”. Rồi “tất cả những gì cởi mở ở Lethierry thì ở Rantaine đều khép chặt, Rantaine kín đáo”. Với nhân vật Clubin thì “giá đặt bên cạnh cái nhìn của hắn thì cái nhìn của Rantaine có vẻ như của trẻ sơ sinh… Clubin nghĩ đến Rantaine với một thái độ khinh miệt vô bờ bến, kiểu con chồn hôi khinh miệt con hổ. Rantaine trơ trẽn ra đi còn Clubin lại vênh vang biến mất”. Bằng cách xây dựng những phản đề ngắn gọn nhưng nó có sức khái quát cả cuộc đời nhân vật. Chính vì Rantaine kín đáo nên hắn đã thực hiện được âm mưu phản bội lại Lethierry. Chính vì “một lời nói ra Mess nhớ mãi, một lời nói xong Déruchette quên ngay” nên cô đem tình yêu dâng cho kẻ khác không chút bận tâm về lời hứa của mình. Mỗi nhân vật đều được Hugo miêu tả rất chi tiết và không bao giờ thiếu những phản đề như thế. Sự xuất hiện nối tiếp nhau lần lượt của các nhân vật cũng nhằm vào ý đồ đó của nhà văn. Nhân vật đầu tiên là Gilliat. Hugo đã gieo vào lòng người đọc những ấn tượng mạnh ngay từ dòng giới thiệu đầu tiên về nhân vật của mình. Về diện mạo bên ngoài vẫn là cái vẻ cục mịch thô kệch, “cái xấu chung của dân chúng” nhưng thực sự thì anh cũng có nét đẹp “nhìn nghiêng anh có một cái gì đó của một người man rợ cổ xưa. Ngồi yên anh giống như một người Đa xi trong đội quân Tơ ra gian. Tai anh nhỏ, thanh tú, không rách, với những đường vành rất đẹp. Giữa hai mắt anh có cái nếp nhăn thẳng đứng hiên ngang của con người dũng cảm và kiên nghị. Hai khóe môi trễ xuống, vẻ chua chát; vầng trán cong cong cao quý và trong sáng; con người ngay thật nhìn thẳng, mặc dầu hay hấp háy kiểu dân chài vì chói ánh sóng biển. Tiếng cười của anh ngây thơ và rất dễ thương. Không một thứ ngà nào sánh kịp hàm răng trắng bóng của anh. Nhưng ánh mặt trời đã làm cho anh gần như giống một người da đen, mới ba mươi tuổi mà anh như bốn nhăm. Anh đeo bộ mặt âm thầm của gió trời và biển cả”. Không chỉ Gilliat, tất cả các nhân vật khác đều được Hugo miêu tả rất chi tiết diện mạo như thế. Từ ấn tượng của nhân vật này, nhà văn bắt qua một nhân vật khác bằng một phản đề, cứ như thế có một chuỗi liên hệ nhập nhằng mà riêng lẻ giữa các nhân vật của ông. Ở họ đều có nét chung của người lao động vùng biển nhưng lại có nét riêng của cá tính mỗi người.

   Bên cạnh việc khắc họa tính cách nhân vật, Hugo còn thành công ở việc miêu tả tâm lý nhân vật một cách sâu sắc mà tiêu biểu nhất là chương mô tả tâm trạng của Clubin. Khi hoàn thành xong âm mưu đắm tàu, lột bỏ được cái vẻ lương thiện giả dối hơn ba mươi năm đè nặng lên con người, “bản chất gian ác lộ rõ trên bộ mặt của hắn” và hắn thỏa mãn mặc cho lòng mình sung sướng. “Lột bỏ mặt nạ còn giải thoát nào dễ chịu hơn! Lương tâm hắn sung sướng được thấy mình trần truồng một cách ghê tởm và được tự do đắm mình trong điều ác (....) Thành thật cảm thấy mình đê tiện, ôi còn khoái cảm nào hơn! Tất cả những niềm ngây ngất có thể có được dưới địa ngục Clubin đang hưởng thụ trong phút này. (...) Clubin tự ban cho mình niềm say sưa đã không kể gì liêm sỉ vì mọi người đã biến mất và chỉ còn có trời cao. Hắn tự nhủ: Ta là một thằng đểu giả! Và hắn thấy thỏa mãn”. Suốt tám trang viết chỉ để phân tích, lý giải tâm trạng của một con người mà lại chỉ xoay quanh một vấn đề: sung sướng được quay trở về sống lại với bản chất thật của mình, chứng tỏ tài năng của Hugo về nhiều khía cạnh. Có am hiểu đời sống nội tâm, có tường tận bản chất của con người mới có thể lý giải được những suy nghĩ như Clubin, đồng thời cũng cho thấy được cái nhìn tích cực của nhà văn khi lý giải nguyên nhân sản sinh ra cái xấu trong con người. “Sự gò bó lúc nào cũng phải kính nể mọi người, cuối cùng khiến ta điên cuồng ham muốn chuyện vô liêm sỉ. Do đấy mà người ta đi đến một thứ khao khát những chuyện xảo trá”. “Vì lý gì hắn lại không sinh ra giàu có? Hắn cũng chẳng đòi hỏi gì hơn được cha mẹ cho mười vạn livrơ lợi tức. Tại sao hắn không được như thế. Đâu phải lỗi tại hắn. Đã không cho hắn hưởng tất cả lạc thú ở đời, tại sao buộc hắn phải lao động, nghĩa là phải lừa lọc, phải phản trách, phải phá hoại? Tại sao bằng cách ấy người ta lại đày đọa chịu cái hình phạt phải xu nịnh, phải luồng cúi, phải chìu chuộng, làm cho người khác yêu quý và kính nể và ngày đêm mang một bộ mặt khác bộ mặt của hắn? Che đậy là một sự cưỡng bách phải chịu đựng. Người ta căm thù trước kẻ mà ta nói dối. Cuối cùng giờ phút đã điểm Clubin đang trả thù”. Bằng những đoạn độc thoại như thế Hugo đã kín đáo phơi bày bộ mặt của xã hội, một xã hội mà con người phải sống bằng mặt trái của lương tâm, một xã hội mà người lao động đang chịu một sự áp bức bóc lột. Tuy nhiên, nếu vì những áp bức bất công mà tất cả người lao động kia đều sinh ra xấu xa, đê tiện như Clubin thì xã hội thật kinh khủng. Hugo tiến bộ ở chỗ tìm cách lý giải nguyên nhân nhưng ông còn hạn chế ở cách giải quyết của mình.

   Những bất ngờ

   Bằng cách kể chuyện đơn tuyến, cốt truyện rất đơn giản, kết cấu gần giống như một câu chuyện cổ tích nhưng nhà văn đã lôi cuốn người đọc bằng cách dẫn dắt tình tiết bất ngờ. Để đi đến kết thúc câu chuyện nhà văn buộc chúng ta phải dừng lại nhiều lần. Mỗi lần dừng lại là mỗi lần câu chuyện đi vào tình huống gây cấn hơn, hấp dẫn hơn. Người ta vừa mới ca ngợi Clubin “đấy là con người lương thiện nhất trên toàn biển cả” thì tấm màn bí mật đã được hé mở bằng màn độc thoại nội tâm của Clubin. Thì ra chiếc tàu không bị tai nạn mà đó là âm mưu của tên cướp biển đội lốt thuyền trưởng lương thiện. Tương lai sáng lạn đang chờ hắn phía trước thì thình lình màn sương mù bị xé toạc, hòn Duouvrer khủng khiếp hiện ra. Giây phút huy hoàng chưa kịp tắt thì giờ phút lâm chung đã ập đến. Công cuộc lao động của Gilliat để cứu con tàu cũng được tạo dựng không ít tình tiết bất ngờ. Vật lộn với cơn bão đang làm đắm con tàu, Gilliat ngất đi, coi như mọi thứ đã kết thúc, kể cả cuộc đời anh, nhưng khi anh tỉnh lại thì biển cả thanh bình đến đáng sợ. Tất cả đã được cứu thoát. Niềm vui chưa trọn vẹn, trở về với bao hân hoan thì lại chứng kiến cảnh cha cố tỏ tình với người mình yêu. Các phán đoán đối lập được nhà văn khai thác triệt để tạo ra cho truyện một sức cuốn hút vì không thể đoán được tương lai số phận nhân vật như thế nào. Việc xây dựng truyện theo dạng các chương ngắn gọn, mặc dù bằng lối kể chủ quan, nhưng tác phẩm không gây cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán bởi trong từng chi tiết nhỏ bé cũng có chức năng riêng của nó mà các nhà nghiên cứu Pháp gọi là “gieo mầm” cho những sự cố sau này. Các chương ngoại đề xen kẽ là cho câu chuyện dừng lại và bao giờ cũng vậy, để chuẩn bị cho những cảm xúc mới Hugo thường hay dài dòng. Đặc trưng của bút pháp lãng mạn là lý giải mọi sự cho rõ ràng và Hugo cũng không đi ra ngoài đặc điểm này.

   Cái gì làm nên giá trị của tác phẩm?

   Quyển sách dày 550 trang tràn ngập chất thơ. Tác giả đề cao tính chủ quan, xây dựng nhân vật theo khuynh hướng lý tưởng hóa, mang dáng dấp của một nhân vật khổng lồ về trí tuệ và nhân cách cao cả. Những con người cao cả đó sống thấp thoáng giữa thực và mộng để đối lập lại thực tế xám xịt của xã hội đương thời. Mặt khác chủ nghĩa lãng mạn cũng rất tôn sùng cái tôi trữ tình, sự say đắm của trái tim nên trong tác phẩm nhân vật vừa đẹp vì tính cách trong lao động và càng đẹp hơn bởi tâm hồn cao thượng trong tình yêu. Lao động biển cả là một quyển tiểu thuyết lãng mạn mang đầy đủ các đặc điểm tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX. Không những thế, tác phẩm được viết vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ, khi trào lưu lãng mạn có phần mờ nhạt bởi sự lên ngôi của chủ nghĩa hiện thực nên Hugo đã tiếp thu một số yếu tố hiện thực trong cách mô tả thế giới nhân vật. Từ đó, tác phẩm đem lại những giá trị nhân văn mới mẻ so với các nhà văn cùng thời, đó là mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người, sự hỗ trợ giữa tình yêu và lao động, tác động của sự đơn độc, ý nghĩa của lao động cá nhân, triết lý trái tim nâng lên trí tuệ… Lao động biển cả xứng đáng có mặt ở vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Victor Hugo.      

 


   Chú thích

    (1): Nguyên tác là Les travailleurs de la mer. Có người dịch là “Những người lao động trên biển”, có người dịch “Những người lao động miền biển”. Ở bài viết này tôi trích dẫn dựa theo bản dịch của Hoàng Lâm năm 1989 với tựa đề “Lao động biển cả”, NXB Văn học.
   (2) Hoàng Nhân (1992), Đến Paris gặp Victor Hugo, NXB TPHCM, Trang 15
   (3) Nhiều tác giả (1997), Văn học Phương Tây, NXB Giáo dục, trang 493
   (4). Đặng Thị Hạnh (1987), Tiểu thuyết Hugo, NXB ĐH &THCN, trang 100