“Dế Mèn phiêu lưu ký”
và những thông điệp giáo dục ý nghĩa

22/08/2024 00:00
2164

PHẠM THỊ THU HƯƠNG


Truyện đồng thoại là một thể loại tự sự hiện đại dành cho thiếu nhi. Đồng trong nghĩa là nhi đồng, thoại trong nghĩa là chuyện hoặc truyện, trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hóa vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật hoặc đồ vật, vừa mang đặc điểm của con người nhằm tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của các em.

   Mặc dù cũng có điểm tương đồng với truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích về loài vật ở chỗ đều lấy nhân vật là loài vật làm đối tượng miêu tả chủ yếu nhưng truyện đồng thoại vẫn tạo cho mình những điểm độc đáo riêng. Ở truyện đồng thoại, dù nhân cách hóa loài vật nhưng tác giả vẫn giữ nguyên hình dáng, đặc tính, thói quen… của chúng. Trong truyện đồng thoại, miêu tả nhân vật là một yêu cầu có tính bắt buộc, do đó đặc điểm của nhân vật rất cụ thể, riêng biệt, không thể thay thế nhân vật này bằng nhân vật kia, điều này vừa tạo nên nét đặc trưng riêng của thể loại truyện đồng thoại vừa tăng sự gần gũi lại góp phần bổ sung những kiến thức khoa học lý thú về loài vật cho các bạn nhỏ. Thông qua những bài học giản dị, hồn nhiên và nhiều cảm xúc, phù hợp với lứa tuổi của các em, truyện đồng thoại góp phần cung cấp nội dung kiến thức từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp.

   Với kết cấu đơn giản, dễ hiểu, chủ yếu là gây sự hứng thú, truyện đồng thoại được sáng tác ra nhằm mục đích giáo dục trẻ em. Nhà văn Tô Hoài là một tác giả sáng tác rất nhiều truyện đồng thoại, đã từng nhấn mạnh: “Đã đành, tác phẩm hay sẽ trở nên tác phẩm của chung mọi người. Nhưng viết cho các em, trước nhất, phải là của các em. Ví dụ: chức năng giáo dục ở một sáng tác cho các em là quan trọng bậc nhất, không thể bàn cãi”. “Dế mèn phiêu lưu ký” là một minh chứng cho tất cả những đặc trưng độc đáo của thể loại truyện tự sự hiện đại dành cho trẻ em với những thông điệp giáo dục đầy ý nghĩa.

   “Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu truyện có tên là “Con dế Mèn” (chính là ba chương đầu của truyện) do Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Tô Hoài viết thêm truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” (là bảy chương cuối của chuyện”. Năm 1955, ông mới gộp hai chuyện vào với nhau để thành truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” như ngày nay.  Tác phẩm miêu tả cuộc phiêu lưu của một chú Dế Mèn qua thế giới loài vật và loài người. Mang đậm tính phiêu lưu nhưng ẩn sâu trong đó là những bài học bổ ích bằng con đường tình cảm giúp giáo dục trẻ em rất hữu ích.

   Ngay từ đầu tác phẩm, nhân vật Dế Mèn (xưng danh ở ngôi thứ nhất), đã tự giới thiệu: Tôi sống độc lập từ thủa bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: “Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu”. Một thông điệp về việc cần phải biết tự lập, biết tự phải đứng trên đôi chân của mình, không ăn bám, không ỷ lại, không lệ thuộc vào cha mẹ, tự lập ngay từ nhỏ để có những nền tảng vững chắc cho những thành công trong tương lai. Thông điệp này được chuyển tải một cách hồn nhiên thông qua nhân vật Dế Mèn - nhân vật mà trẻ em rất thích nên sự tiếp nhận ý nghĩa cũng dễ dàng hơn, văn học giáo dục nhân cách con người ngay từ những bài học giản dị hồn nhiên đầy nhân văn.

   Trong tác phẩm, Dế Mèn là nhân vật chính, trung tâm của mọi sự kiện và hoạt động. Nhân vật này được miêu tả là một chú dế cường tráng bởi biết ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực. Tuy nhiên, cậu chàng lại có tính kiêu căng, luôn nghĩ mình “có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Dế Mèn luôn coi thường những người xung quanh, đặc biệt là Dế Choắt – người bạn hàng xóm gầy gò và yếu ớt. Một lần, Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc khiến cho Dế Choắt phải chịu oan. Choắt bị chị Cốc mổ đến kiệt sức. Trước khi chết, Choắt khuyên Dế Mèn bỏ thói kiêu căng của mình: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”. Dế Mèn vô cùng ân hận và nhận ra bài học đường đời đầu tiên của mình: “Chao ôi, có biết đâu rằng: hung hăng hống hách láo chỉ tội đem thân mà trả nợ những cử chỉ ngu dại của mình thôi. Tôi đã phải trải cảnh như thế. Thoát nạn rồi mà còn ân hận quá, ân hận mãi. Thế mới biết, nếu đã trót không suy tính, lỡ xảy ra những việc dại dột, dù về sau có hối cũng không thể làm lại được.” Từ trải nghiệm và bài học của Dế Mèn, người đọc nhận thấy những lỗi lầm có thể mắc phải của những người ở tuổi mới lớn là khi sống trong một thế giới nhỏ bé, xung quanh toàn những người hiền lành, nếu mình kiêu căng, ngạo mạn, tự cho mình hơn người khác thì có thể sẽ phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Tác giả đã gửi gắm bức thông điệp vô cùng ý nghĩa đó là trong cuộc sống, con người ta không nên kiêu căng hung hăng, xốc nổi, ngông cuồng mà dẫn tới làm điều dại dột, gây họa lớn cho bản thân mình và mọi người xung quanh. Ngược lại, chúng ta nên khiêm tốn, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức để trở thành người có hiểu biết bởi lẽ hiểu biết của con người là hữu hạn, chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương kiến thức bao la của nhân loại mà thôi. Đồng thời cũng không nên khinh thường, bắt nạt kẻ yếu hơn mình mà cần giúp đỡ họ. Không chỉ vậy, cuộc sống này ai cũng có lần mắc sai phạm, lầm lỡ, quan trọng là ta biết hối hận và sửa sai. Nếu đã mắc sai lầm thì phải nghiêm túc kiểm điểm và sửa chữa những sai lầm mà mình mắc phải, phải tự trọng, biết nghiêm khắc trước những thiếu sót của mình, vì nếu lỡ xảy ra những việc dại dột, dù về sau có hối hận cũng không thể làm lại được. Với trẻ em đó là một bài học có ý nghĩa thật sâu sắc.

   Việc Dế Mèn coi thường anh em nhà Dế Trũi bởi cái vẻ “quê kệch, mình dài thuồn thuỗn, bốn mùa mặc áo gilê trần”. Chỉ đến khi chứng kiến cảnh Dế Trũi đánh nhau rất hăng với hai mụ Bọ Muỗm, Dế Mèn mới hiểu ra rằng, “không nên chỉ xem vẻ ngoài mà coi thường ai một cách hồ đồ như vậy” đã cung cấp thêm một thông điệp giáo dục về cách nhìn người nhằm bồi dưỡng kinh nghiệm về giao tiếp và thái độ ứng xử trong cuộc sống. Trong thực tế, con người ta không ít lần mắc lỗi trong việc nhận thức, đánh giá về đối tượng giao tiếp thông qua vẻ ngoài của đối tượng. Đây cũng là bài học mà không chỉ trẻ em cần phải học để có cái nhìn sâu sắc, có sự giao tiếp và ứng xử hiệu quả hơn trong cuộc đời.

   Xuyên suốt câu chuyện là bức thông điệp giáo dục về lí tưởng và mục đích cuộc sống. Dế Mèn năng động, không bằng lòng cuộc sống an nhàn, tháng ngày quẩn quanh nơi không gian chật hẹp bên bờ đầm nước. Lời than thở của chú: “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi đào bới đất làm tổ, đêm thì đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết là cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao” như một lời cảnh tỉnh lớp trẻ cần nỗ lực xông pha, khi sức còn khỏe, tuổi còn trẻ thì không nên sống một cuộc đời nhàm chán không có những dự định, ước mơ, hoài bão lớn cho tương lai. Dế Mèn quyết định đi ra với thế giới rộng lớn để “xem xét các nơi cho mở mang trí óc ra”. Cùng với Dế Trũi, bước chân Dế Mèn đã đi qua nhiều vùng đất khác nhau, và ở đâu, Dế Mèn cũng hô hào, cổ vũ mọi người cùng nhau chung sống hòa bình, thân ái. Lí tưởng của Dế Mèn là lí tưởng về một “thế giới đại đồng”, “muôn loài cùng nhau kết anh em”; là mong ước hòa bình, không có chiến tranh, loạn lạc; là ước mơ về những cuộc phiêu lưu hòa bình để có điều kiện xem xét phong tục, nghiên cứu văn hóa và thổ nhưỡng từng vùng; là ước mơ có thể thành nhà khảo cổ, nhà địa lý, nhà kinh tế hay nhà thơ nổi tiếng để ghi lại dấu ấn văn hóa, phong tục và chung tay xây dựng thế giới đại đồng ngày càng lớn mạnh. Hình ảnh Dế Mèn nhắc nhở mọi người cần phải tìm cho mình một lí tưởng để theo đuổi và cống hiến, làm nhiều điều có ích cho con người và cuộc đời, dám bước qua những khó khăn, thách thức, học được nhiều bài học hay trong cuộc sống để ngày càng trưởng thành hơn.

   Thông qua truyện đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký, người đọc còn thấy được tình yêu văn hóa, ngôn ngữ dân gian của Tô Hoài qua cách tác giả vận dụng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ như: ăn xổi ở thì, hôi như cú mèo, cá chậu chim lồng, đỏ mặt tía tai, gan liền tướng quân, khôn ngoan đá đáp người ngoài, kéo bè kéo cánh, lạnh như đá, đi một ngày đàng học một sàng khôn, giá áo túi cơm, vừa đánh trống vừa ăn cướp, tối như mực, trời đánh thánh vật, gan như cóc tía, ếch ngồi đáy giếng, tha phương cầu thực, ngựa non háu đá, đất lành chim đậu, cùng trời cuối đất, tối như hũ nút, đông như kiến... Việc vận dụng thành ngữ, tục ngữ khiến cho ngôn ngữ truyện đồng thoại trở nên gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, dễ tạo được sự đồng cảm của độc giả và làm cho nghệ thuật miêu tả đạt được chiều sâu, đồng thời cũng giúp người đọc tiếp cận và yêu quý ngôn ngữ dân tộc.

   Những thông điệp đầy ý nghĩa từ một tác phẩm dành cho thiếu nhi được đúc rút theo con đường giáo dục bằng tình cảm vừa gần gũi, thiết thực, giàu cảm xúc, phù hợp với lứa tuổi trẻ em, vừa có ý nghĩa to lớn đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em. Đó là điều rất đáng trân trọng.      

 

   ________

   Tài liệu tham khảo

   1. Lê Nhật Ký (2018), Khai thác truyện đồng thoại vào việc rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh tiểu học, Trường ĐH Quy Nhơn.
   2. Phương Lựu (2003), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục.
   3. Tô Hoài (1998), Dế Mèn phiêu lưu ký, Nxb Văn học.