LƯƠNG ĐÀO QUỐC DŨNG
Cảm hứng viết về tình yêu đôi lứa có từ thời cổ đại trong tâm thức mỗi nhà văn, nhà thơ. Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, tâm lý tình cảm của con người cũng có quá trình phát triển khác nhau, điều đó đi vào tác phẩm văn học cũng có những biểu hiện khác nhau qua tiếp nhận của người sáng tác. Tuy vậy, tình yêu lứa đôi từ xưa đến nay lại có điểm giống nhau là sự rung động từ con tim đến với con tim, đắm say khao khát giới tính mà tạo hóa đã mặc định ban cho con người để bảo tồn nòi giống. Từ huyền thoại xa xưa trong Kinh thánh Adam và Eva ăn trái cấm ở Vườn Ê Đen để hiểu ra điều thiện - ác mới có loài người, đến chuyện tình nổi tiếng của thần Zeus và Hera trong thần thoại Hy Lạp, cũng như truyền thuyết mối tình thơ mộng của Lạc Long Quân và Âu Cơ để sinh ra nòi giống Việt Nam… Mãi về sau này qua từng niên đại, qua mỗi thời kỳ, việc biểu hiện tâm sinh lý tình cảm của loài người cũng có những phát triển trong bộc lộ giao cảm vừa thiêng liêng vừa trần tục tùy thuộc vào trình độ văn hóa khác nhau. Dẫu chưa có con số tổng kết cụ thể, nhưng dung lượng truyện tình yêu đôi lứa chắc chắn có khối lượng vào bậc nhất trong kho tàng văn chương nhân loại.
Nói thế để thấy rằng, ở nước ta, giai đoạn lịch sử từ sau 1945 đến 1975 là giai đoạn lịch sử gắn liền với hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khốc liệt, tất cả đều bị chi phối bởi không gian đạn bom khói lửa, cuộc sống tử sinh hết sức vô thường, thế nhưng những tác phẩm văn học của các nhà văn nói chung và ở địa phương Bình Thuận nói riêng bên cạnh cảm hứng yêu nước và đấu tranh, tinh thần phản chiến, tự hào dân tộc, thân phận con người, triết lý nhân sinh, khát vọng tự do, hòa bình… còn một mảng đề tài khá đậm nét là cảm hứng về tình yêu đôi lứa, ta có thể bắt gặp trong sáng tác của Vũ Anh Khanh, Hoài Khanh, Yên Hy Ba, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Như Mây, Từ Thế Mộng,… sáng tác trong vùng kháng chiến có các tác giả như Huy Sô, Nam Hà, Hồ Phú Diên, Nguyên Nam… đã dành những trang viết về mảng đề tài tình yêu đôi lứa, vợ chồng.
Chiến tranh là hủy hoại, tang thương, thường tình yêu đôi lứa thời chiến tranh luôn gắn với mất mát và đau thương, đó cũng là nội dung bao trùm trong văn học giai đoạn 1945 – 1975 ở Bình Thuận. Nhưng một đặc điểm lạ thường khi chiến tranh càng ác liệt, càng đau thương thì dường như lúc ấy tình yêu lứa đôi, khát vọng sống của con người lại bừng lên mạnh mẽ nhất. Nhiều câu chuyện trong các sáng tác của Vũ Anh Khanh được xây dựng trên quan hệ tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng và đời sống hôn nhân, với niềm cảm thông và trân trọng với cuộc đời của họ. Tình yêu của Niềm đối với Nhàn trong Cây ná trắc tuy nhẹ nhàng, bình dị trong cuộc đời thường, nhưng cũng gặp phải không ít trắc trở, gian nan, bởi Nhàn đã có người yêu và sắp thành hôn. Nét đẹp trong tình cảm của Niềm là sự trong sáng, không ghen tuông, dẫu không thành vợ chồng, vẫn mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Trong trận chiến đánh Nhật, bị thương nặng, Niềm đã trăn trối với Tảo: “Anh săn sóc giùm má ba em và khi nào thái bình anh có gặp Nhàn, anh bảo rằng em vẫn còn nhớ nàng cho đến lúc chết, mặc dầu nàng đã có chồng” [1, tr.94]. Trong tình cảm vợ chồng, có khi tác giả hướng ngòi bút của mình phân tích tâm lý nhân vật để thấy được nỗi niềm về hạnh phúc lứa đôi – vợ chồng và nét đẹp của người trai thời chiến. Sự lo lắng của nhân vật Tảo với mái ấm gia đình khi lên đường kháng chiến là một hiện thực cảm động của bất kỳ ai trong cùng hoàn cảnh: “Tảo mường tượng bóng vợ ẵm con đứng yên trên một ngọn đồi thông xanh, tầm mắt xa vời, ngóng trông tà áo trắng bay rũ giữa sương chiều rơi mau, làm cho Tảo xót xa nghĩ đến những buổi mong chờ của một người chinh phụ, mặc áo tang, đợi người chồng đã chết ngoài chiến trận – không bao giờ về nữa!” [1, tr.73]. Trong truyện, tác giả cũng đề cập đến chuyện tình yêu đẹp trong dang dở giữa Hồ và An, dang dở buồn đau là hậu quả do chiến tranh gây ra: “Hai người có dịp để yêu nhau. Ba má Hồ và ba má An cũng bằng lòng. Chỉ còn đợi Hồ thi xong bằng thành chung và nếu không có giặc thì…” [1, tr.30]. Khi xây dựng truyện có chi tiết cổ xưa về chuyện đan áo cho người ra đi, nhưng đó cũng hình ảnh thường gặp trong thời kháng chiến: “Thật ra, ngày An đi, Hồ đã đoán trước thế nào cũng có cái tin này về. Thành ra tấm áo mùa đông em cố công đan cho anh ấy, giờ cũng chẳng biết gửi cho ai!” [1, tr.53]. Điều đáng để chúng ta chú ý khi tác giả xây dựng những câu chuyện về tình yêu lứa đôi luôn đan lồng với tình yêu quê hương, mà quê hương là bóng hình bao giờ cũng hết sức thân thương, thiêng liêng, cao quý trong tâm hồn trai trẻ: “Mắt Hồ lóng lánh sáng, nàng nhìn một lần chót khoảnh đất thân yêu, ghi sâu vào lòng hình ảnh những con đường cát trắng, những gian nhà bé tý, những vườn cau xanh lá… Bao nhiêu kỷ niệm ngày còn nhỏ dồn dập chạy lại trong đầu nàng, Hồ thẫn thờ: - Nếu em chết, bên kia thế giới em sẽ kể với An rằng: Làng Khánh Thiện vẫn đáng yêu như tự thuở nào!” [1, tr.58]. Nhiều câu chuyện trong sáng tác Vũ Anh Khanh xây dựng trong mối quan hệ như giữa người thiếu nữ quê mùa, hay người con gái đô thành với chàng trai có chí hướng đang tham gia cách mạng vì vận mệnh đất nước. Có khi đó là vì lòng ngưỡng mộ chí khí anh hùng, người con gái sẵn sàng hiến dâng để được yêu, được sống, để lưu truyền nòi giống và như được tiếp thêm sức mạnh để chàng trai hoàn thành sứ mệnh của mình với dân tộc (người con gái trong câu chuyện về giáo sư Mai Bằng Phương, truyện Mai Bằng Phi).
Ở một phương diện khác về cảm hứng tình yêu trong thơ Hoài Khanh, ta dễ dàng bắt gặp sự song chiếu hiện tại và dĩ vãng, nay và mai, sáng và tối, hiện hữu và luân hồi... là những thái cực đan xen, đối chiếu, song hành, luôn có mặt. Nhưng tình yêu lứa đôi đi với nỗi buồn cũng là thái cực luôn gắn kết với nhau: “Nửa đêm ta chẳng là ta,/ Em về đâu để cành hoa úa tàn/ Dòng sông nước chảy hao mòn/ Yêu em cũng vậy đâu còn thanh xuân/ Xin em cứ được là rừng/ Khổ đau bóng nọ xanh cùng trong mơ” (Hao mòn, Hoài Khanh). Như Phạm Công Thiện khi viết về Hoài Khanh, rằng người ta như thấy cái buồn tận cùng của cuộc đời, người ta phát sợ và hãi hùng với cái kiếp cô đơn của đời người. “Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rứt, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn” [2, tr.4]. Có thể đó là góc nhìn chủ quan về thi sĩ, nhưng khi tiếp xúc với tác phẩm của Hoài Khanh, bắt gặp những câu hồ nghi cứ vọng mãi vào cõi xa xăm, nhưng soi vào mỗi câu chuyện tình yêu, soi vào thời cuộc, người ta cũng rất dễ thấy tâm trạng mình, nỗi niềm chung trong ấy. “Làm sao đợi làm sao chờ,/ Làm sao còn mãi những giờ yêu em?” (Sau lưng ngày tháng). Sự gặp rồi chia xa như bất chợt không bao giờ đoán định được, nhưng khi em ra đi đối với người ở lại là sự hụt hẫng không cùng, là cõi trống trơ hoang vắng: “Rồi em lại ra đi như đã đến/ Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù/ Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu” (Ngồi lại bên cầu). Hay: “Em đi lạnh một dòng mưa/ Nguồn thanh xuân đó già nua nhánh cành” (Thân phận). Đối thoại là một trong những phương thức thường gặp trong thể hiện tình yêu lứa đôi thơ Hoài Khanh. Ta (tôi) và em, tôi và nhân gian, tôi với cuộc đời, ta và vũ trụ, ta và thời gian, tôi và niềm hoang lạnh cuộc đời... là hàng loạt cảm thức dễ dàng bắt gặp trong thơ ông: “Ta là gió của nghìn năm xưa cũ/ Tiếc huy hoàng một thuở trở về đây/ Ta là nhạc của luân hồi chín kiếp/ Hồn trầm luân thắm máu những bàn tay” (Sẽ là gì trong một kiếp xa xôi). Thơ tình yêu nhưng nhiều khi còn man mác nhuốm nỗi đau buồn trong cái hoang lạnh sầu nhân thế, trong đó có anh và em. Buồn trong nỗi cô quạnh của kiếp người hay nỗi buồn của thế giới hiện tại cũng thế mà thôi. Nỗi buồn đượm một sự trải nghiệm những vấn đề lớn lao của thời đại mà nhiều khi dường như Hoài Khanh mượn câu chuyện tình yêu để trải lòng cùng ta nỗi sầu muộn bao la của con người trước nhân thế: “Lâu rồi có phải không em/ Tình yêu đó cũng hao mềm như sương/ Em đi lạnh lẽo trên đường/ Bước chân thon có gợi nguồn siêu sinh/ Có vang từ cõi vô hình/ Nhịp luân trầm vọng thanh bình biệt chia/ Giờ đây đồng vọng bốn bề/ Từ Phi, Á đến ta về thiên thu!”. (Đồng vọng, Hoài Khanh).
Tình yêu lứa đôi trong các sáng tác của Yên Hy Ba được phản ánh khá sinh động và thấm đượm nỗi buồn của cuộc sống nhọc nhằn, vất vả. Những truyện Tiếng trúc trên đồi, Nước bấc về gành, Trăng trên sông, Thương để trong tim, Dấu nước mắt trên gối… hướng người đọc đến những câu chuyện tình yêu thi vị và lãng mạn, tình yêu xuất phát từ tình cảm chân thật và thủy chung của đôi trai gái. Có khi vì chiến tranh chia lìa, có khi vì lễ giáo, có khi vì lòng tự ái trắc ẩn của chàng trai mà họ không đến được với nhau. Mỗi câu chuyện có thể xem là một nốt nhạc buồn; mỗi câu chuyện lại là một quãng lặng về lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn với những trái tim đáng được hạnh phúc, được yêu thương. Nhân vật Huy trong Tiếng trúc trên đồi là một chàng trai đa tài, nhất là tài thổi sáo, tiếng sáo của anh rất dễ làm xao động lòng người, nó là âm thanh của tiếng vui, buồn, hờn, giận… nó là tiếng thay lời muốn nói cho mọi cung bậc thăng trầm của nỗi niềm con người trong cuộc sống. Vì rất yêu Thơ và không muốn người yêu mình lấy một người chồng nghèo, nên chàng đi lính cho Tây mãi tận trời Âu: “Chỉ biết là phải đi. May thì có nhiều tiền để về cưới người thương, không may thì gởi xác ở xứ người cũng chẳng sao” [3, tr. 111]. Huy ra đi để lại bao thương nhớ, lo lắng cho người yêu. Anh đi lính và cái không may – vốn là hậu quả của chiến tranh – đã đến với anh, tiền không có, thân anh tàn phế, anh bị hắt hủi, khinh miệt, đói khát, bơ vơ bên xứ người, hàng ngày anh phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của người đời: “Huy chẳng có được nhiều tiền như ước vọng, cũng chẳng chết được như ý muốn. Huy hiện vẫn là một kẻ nghèo lang bạt, vất vưởng trên đất lạ với mỗi một cái chân còn lại. Cái chân kia đã mất, đôi nạng gỗ giúp anh đi tìm cái sống thãi thừa” [3, tr. 112]. Những người bản xứ họ khinh khi, miệt thị, “anh tự đày đọa tiếng sáo anh, xui cho người khinh rẻ cả giống nòi” [3, tr. 115]. Giờ đây từ tiếng sáo yêu thương vút lên thành tiếng sáo buồn thương, đau đớn, “sáo đang xuống trầm, dìu dặt, đắm chìm. Tất cả như tiếng thở dài không bao giờ dứt của đợi chờ, tấm tức như tiếng nấc nghẹn ngào ly biệt” [3, tr. 107]. Khi trở về quê hương, Huy phải chấp nhận một cái giá quá đắt cho quyết định của mình. Trong khi đó, ở Nước bấc về gành ta lại gặp một câu chuyện cảm động về tình yêu giữa Sim và Gành. Sim là người Bắc do tản cư loạn lạc, cô lạc mất bố, u với đứa em còn bế, cô tản cư vào Nam ở với dì, gặp Mành, tuy nhà nghèo nhưng là chàng trai giỏi giang và đáng yêu xứ biển, “Tình yêu đã đến với hai mái đầu Nam – Bắc xa diệu vợi chân trời góc bể mà lại thắm thiết như xưa đã có hẹn hò…” [3, tr. 137]. Một lần Mành đi biển, gặp bão, chiếc ghe Mành bị xiêu, anh bị trôi dạt theo chiếc ghe, mọi người đều nghĩ anh đã chết. Ai cũng thương xót cho Mành, nhất là Sim. Nhưng Mành vẫn sống gặp lại Sim trong niềm mong ước đoàn tụ và hạnh phúc. “Sim nghĩ đến một buổi sáng nào đó, trời cũng an lành thế này, ấm áp thế này, cùng với triệu người trở lại trên đất Bắc” [3, tr. 148]. Từ nhân vật người mẹ trong truyện Dấu nước mắt trên gối, Yên Hy Ba nhắn gửi đến người đọc thông điệp về cuộc đời đầy nỗi nhọc nhằn của người phụ nữ bao dung. Cuộc đời của má là biểu tượng cho tình yêu thương con cái, đức hy sinh và nỗi niềm thầm kín một tình yêu thời son trẻ. Lúc làm dâu, má phải chịu bao nỗi nhọc nhằn vì “giận hờn ngoại, nội trút cả lên con ngoại”, má phải ngày đêm nhọc nhằn, khi “trông chừng nước mắm trổ”, khi gánh nước đường xa, vì khổ quá mà “ngoại xót thương, thường thức đón má, bảo người nhà gánh thay cho má ngủ, bao giờ có nước má lại dậy gánh về” [3, tr. 204]. Rồi khi những đứa con bị bệnh mất, ba cũng mất thì nỗi đau ấy lại hằn thêm trên đôi vai của má, thêm bao nhiêu lo toan đè nặng lên vai người đàn bà đáng kính ấy. Trong truyện tác giả nhiều lần nhắc đến câu “Có phải buồn đau ngày xưa đó chiều nay đã làm cho má khóc” [3, tr. 205]. Kỷ vật duy nhất má để lại trên đời chỉ là một mảnh giấy, nhưng chứa đựng tất cả những gì đau nhất, mà lại đẹp nhất về tình yêu của người vợ, người mẹ. “Anh, Không thể nào được. Con tôi, các con tôi! Thôi đành… Ng. 7-3-1951” [3, tr. 213].
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Như Mây, Tôn Thất Trâm (Đài Nguyên Vu), Từ Thế Mộng... thiên về trĩu nặng một tâm tình non tơ, tươi trẻ, khát vọng cho một tình yêu được lên ngôi, hạnh phúc. Là khát vọng muốn sống, muốn chiếm hữu được cái đủ đầy, ngọt lịm “thanh sắc của thời tươi”.
“Mười tám em buồn hơn tuổi dại/ Vì rằng hai đứa cách xa nhau/ Hoàng hôn trở tím lưng chừng núi/ Em duỗi hồn em giấc mộng đầu” (Màu tím Pensée, Từ Thế Mộng).
Có thể thấy mấy đặc điểm khá rõ trong tác phẩm văn học Bình Thuận giai đoạn này là tình yêu đôi lứa trong mùa chinh chiến ở đô thành còn là những cảm hứng trong ưu phiền, mộng ảo trong cõi thiên thu, trong nỗi buồn nhân tình thế thái. Điều đó có thể bắt gặp trong sáng tác Yên Hy Ba, Nguyễn Bắc Sơn, Hoài Khanh, Huỳnh Hữu Võ, Đài Nguyên Vu, Nguyễn Như Mây...
Sáng tác của các tác giả là những chiến sĩ vừa cầm súng vừa viết văn ở chiến khu, qua ngòi bút của họ, tình yêu đôi lứa - tình vợ chồng, gắn với niềm tin mãnh liệt vào nhiệm vụ chính trị của người chiến sĩ cách mạng, đó là sức mạnh chiến đấu, sức mạnh chiến thắng, gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng giành lại độc lập dân tộc, tự do. Tình yêu nam nữ hòa cùng với tình yêu đồng bào, đồng chí, tình nghĩa xóm làng, ruột thịt. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm viết về tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng ở vùng kháng chiến không nhiều.
Thu Lâm cảm hứng viết về “em” khi lên đường kháng chiến (1947), dẫu “em” ấy có thể là nhân vật phiếm chỉ về người con gái quê nhà, nhưng đó là câu thơ tình chia sẻ với em trong thời chinh chiến: “Em! Đâu chỉ riêng mình mất mát/ Nước non đầy tang tóc đau thương/ Trong sâu thẳm sao mờ bóng dáng/ Em – quê hương lặng lẽ soi đường” (Chia tay – 4, tr. 163). Hay sau này hồi tưởng lại: “Em ơi! Đất vốn cực/ Gian nan bám theo hoài: thử sức/ Nắng cháy da, lội cát bỏng Khu Lê/ Em có biết Ô Rô?/ Chia nhau lon nước/ tắm rung cây, tắm lửa đến hè” (Anh bộ đội cực Nam – 4, tr. 165).
Huy Sô viết truyện ngắn Hai em bé lấy không gian tự sự trên quê hương thông qua cuộc đời trẻ thơ đau thương dữ dội của hai chị em bé Gái, hiện lên hình ảnh cuộc đời của đôi vợ chồng - tức cha mẹ sinh ra hai cháu. Chồng là chỉ huy trung đội du kích “đánh chặn Tây tràn vào xóm”, rồi hi sinh dưới chiến hào. Còn vợ là người vừa tần tảo nuôi con vừa tham gia kháng chiến, gánh gạo nuôi quân. Rồi một đêm không về nữa, để lại hai đứa con trong vòng tay nâng đỡ của bà con láng giềng. Tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng trong truyện Huy Sô đọc lên nghe ray rứt, xót xa vào tận đáy lòng, đau cùng nỗi đau của người dân trên quê hương trong tháng ngày chiến tranh tàn khốc (5, tr.15).
Ngòi bút của nhà văn ở vùng kháng chiến lúc ấy chủ yếu cổ vũ tinh thần chiến đấu, ngợi ca những chiến công. Còn viết về tình yêu lứa đôi, họ rất dè dặt, cẩn trọng. Mãi sau này khi viết về những sinh hoạt trong kháng chiến, họ cũng chỉ thoáng gợi, hoặc đề cập một cách gián tiếp về ngôi thứ ba. Truyện ngắn Nơi tình yêu đi qua của Nguyên Nam xây dựng nhân vật trung tâm là Út Phượng, cô tham gia bộ đội được phân công đi học y tế và về làm việc ở trạm giao liên. Song cô thấy chỉ quanh quẩn một nơi, muốn làm một việc gì đó có phạm vi hoạt động rộng hơn, nên đề xuất xin sang đơn vị khác. Biết được điều đó, trạm trưởng Lang phân công thêm cho Phượng ngoài nhiệm vụ ý tá kiêm công tác phát hành thư. Một hôm trên đường nhận thư, bị mưa lũ cuốn, đến khi Lang và đồng đội tìm được đưa về, thư từ ướt hết, Phượng mở ra phơi và tò mò xem. Trong các lá thư, kể cả thư của những người yêu gửi cho người yêu cũng không có một chữ “yêu đương”, chỉ toàn kể chuyện quê nhà, chuyện chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở miền Bắc. “Nhưng đến một lá thư, không biết thứ bao nhiêu đã làm cho Phượng sửng sốt. Bức thư ấy không giống với bất cứ một bức thư nào mà cô đã đọc, không hề nói đến chuyện làng xóm, chuyện làm ăn, chuyện chống chiến tranh phá hoại... Cũng không đá động đến chuyện nhớ nhung yêu thương. Đó là bức thư của một người vợ ở hậu phương viết gửi vào cho chồng đang chiến đấu ở chiến trường này. Cô ta trâng tráo nói đã có con với người đàn ông khác. Điều tệ hại hơn nữa là cô ta đổ lỗi tất tần tật cho hoàn cảnh, lên án gay gắt gia đình chồng, lên án cả chồng, lên án hoàn cảnh. Còn phần mình thì cô ta tự vuốt ve cho là chính trực, là một phụ nữ chính chuyên. Và cuối cùng cô ta viết: “Con của anh tôi đã giao cho bà nội. Tôi về ở với người chồng mới hơn nửa năm nay rồi. Vậy là tôi đã thực sự chia tay anh từ ngày ấy” (6, tr.202). Đọc cái thư ấy Phượng thấy phẫn nộ và chán ngán, quyết định không chuyển bức thư đó cho người nhận. Cô lẩm bẩm: “Thật là mỉa mai! Một mụ đàn bà cáo hơn cả loài cáo mà lại chê Nguyệt cô vụng tu”. Rồi nói với Lang: “Em nghĩ cái bức thư ấy không xứng đáng với anh bộ đội ấy. Với lại, đối với những người đang ở chiến trường ta không nên đưa đến một điều gì làm cho họ bận tâm. Lang hết sức ngạc nhiên. Anh không ngờ Phượng, cái con người tưởng là bướng bỉnh ấy lại có những suy nghĩ mà anh chưa nghĩ tới. Bất giác anh nghe từ chỗ sâu thẳm nào đó trong lòng anh rung lên một tiếng gọi thì thầm: Phượng! Nhưng miệng anh lại bật ra một tiếng nói khác: - Thật hết ý!” (6, tr.209). “Phượng ngước mặt nhìn anh. Cái nhìn rất lạ! Từ trong đôi mắt trong sáng ấy đang dồn dập phát ra những tín hiệu long lanh. Cô hỏi rụt rè: - Anh Lang này, có phải trạm giao liên là nơi tình yêu đi qua không anh? Lang không trả lời câu hỏi của Phượng mà anh lại hỏi lại cô: - Thế Phượng còn xin đi nơi khác nữa không? Phượng vội lắc đầu và cúi nhìn xuống. Hai người không nói gì với nhau nữa. Họ im lặng như thế không biết bao lâu. Khi người y tá của bệnh viện mang khay đến thay băng thì Lang mới hay bàn tay nhỏ, ấm áp của Phượng đang nằm gọn trong bàn tay nóng hổi của mình” (6, tr.2016). Truyện ngắn nói về tình yêu lứa đôi sau này mà cũng chỉ dừng lại ở mức độ ấy.
Nam Hà viết Ngày rất dài (7.1) xây dựng hình ảnh ông Năm B đã yêu cô gái trẻ đẹp ở vùng quê hương La Gi – Bình Thuận, không chỉ vì cái đẹp mà vì tính cương trực của người yêu, dám khẳng định tình yêu, vượt qua thử thách và chấp nhận gian khổ. Tình yêu đó gắn với sự hy sinh vì cách mạng, vì dân tộc, khi tập kết ra Bắc, theo phân công của tổ chức vào Nam, nhưng để đảm bảo bí mật ông phải báo tin cho vợ hay là mình đi học ở nước ngoài, dù đang chiến đấu ngay trên mảnh đất quê vợ thân yêu, ngay cả những đứa con của ông cũng không thể gặp được và không biết bây giờ sống như thế nào. Xét ở góc độ cá nhân, tình yêu của ông Năm B thật là một minh chứng sống cho nghịch cảnh éo le về tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng trong chiến tranh. Câu chuyện cô Xuyến và anh Ba Hoành trong Dưới những cánh rừng Ô Rô (7.2) cũng thật đáng quý, họ yêu nhau ngay trên quê hương Khu Lê anh dũng. Qua mỗi trận càn, những trận chiến diễn ra ác liệt, càng làm cho họ thêm thắm thiết, gắn với tình yêu làng xóm, yêu nhiệm vụ và không thể rời xa nhau. Khi Xuyến mang thai, cô vẫn sẵn sàng tham gia những trận đánh rất nguy hiểm. Nhưng tình yêu ấy không đi đến cuối con đường, Ba Hoành không được nhìn mặt con, vì anh đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh càn. Nam Hà đã rất thành công trong xây dựng nét đẹp tình yêu vợ chồng, đối với những ba, những má yêu nhau như thuở ban đầu. Tình yêu trải qua thử thách tháng ngày chiến tranh, một niềm tin nhuốm màu thiêng liêng, đến cái chết họ cũng tìm về bên nhau. Ở đây ta bắt gặp tình yêu lứa đôi gắn liền với tình yêu Tổ quốc, nhân dân.
Khảo sát vài nét về góc độ tình yêu đôi lứa qua một số tác phẩm của các tác giả văn học Bình Thuận trong vòng 30 năm – từ sau 1945 đến 1975, ta bắt gặp ở đó những tâm hồn đa cảm, trải qua bao biến đổi cảm xúc đi từ niềm vui đến nỗi buồn, từ hạnh phúc đến khổ đau, cảm quan người viết luôn sâu nặng tình đời, rất đỗi nhân văn, góp phần tạo nên diện mạo một giai đoạn văn học địa phương thêm đa chiều, phong phú.
_______________
1. Vũ Anh Khanh (1947), Cây ná trắc, Nxb Tân Việt, Sài Gòn
2. Hoài Khanh (1972), Thân phận, Nxb Ca dao, Sài Gòn.
3. Yên Hy Ba (2004), Truyện ngắn Yên Hy Ba, Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận xuất bản.
4. Thu Lâm – Trần Ngọc Trác (2020), Văn học kháng chiến Bình Thuận, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh
5. Huy Sô (1987), Mặt trời tháng ba, Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh (Truyện đăng trên Văn nghệ Quân đội năm 1958).
6. Nguyên Nam (2020), Văn học kháng chiến Bình Thuận, Nxb Văn hóa – Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh
7.1. Nam Hà (2004), Ngày rất dài, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội; 7.2. Nam Hà (1995), Dưới những cánh rừng Ô Rô, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.