MINH TRÍ
Bài thơ “Về với Đức Linh” của nữ nhà giáo - nhà thơ Lê Phượng là một trong những thành quả sáng tác của tác giả sau chuyến đi thực tế cùng đoàn văn nghệ sĩ tỉnh nhà đến huyện Đức Linh những ngày đầu tháng 7 năm nay.
Thật nhiều tình cảm đan xen lẫn nhau trong lòng một người phụ nữ khi đến với vùng đất Đức Linh này, để chị có dịp thể hiện nỗi lòng ấy vào thơ.
Ở bài thơ “Về với Đức Linh”, chủ thể trữ tình đã hóa thân vào hai nhân vật trữ tình khác nhau. Nhân vật trữ tình đầu tiên là một nam nhân. Nam nhân ấy về thăm một vùng đất đẹp về cảnh sắc tự nhiên, lại được bàn tay của những con người yêu lao động ngày đêm đắp bồi, vun xới. Sự gặp gỡ của nam nhân ấy với người con gái trên vùng đất Đức Linh này đã tạo những rung cảm ban đầu mạnh mẽ trong lòng chàng trai, để anh: “Vời vợi kiếm tìm gần nhau thêm lần nữa”. Không chỉ thế, đó còn là: “Thao thức đêm về anh khao khát Đa Kai”.
Nhân vật trữ tình thứ hai là đối tượng của những tình cảm ấy của nam nhân: người con gái. Đó là một người: “Em dịu dàng như ánh nắng ban mai”. Người mà nam nhân mong chờ, tìm kiếm ấy, “nàng thơ của anh” cũng đã có những cảm tình đáp lại một cách kín đáo, dịu dàng.
Nhân vật trữ tình ở bài thơ này rõ ràng đã được phân thân thành hai nhân vật để soi chiếu vào nhau, cùng cất lên tiếng nói chung của một tâm trạng, cảm xúc: họ đã có những tình cảm với nhau, từ những lần gặp gỡ, từ những sự ân cần khi họ có dịp gần nhau, để cả hai người, lòng vẫn không nguôi vương vấn mỗi khi đêm về. Người thì “thao thức”, người mang “những nỗi niềm”. Chỉ một chuyến về Đức Linh mà những ân tình đã được đong đầy, thắm đượm trong lòng hai con người ấy.
Qua lăng kính của một nhà giáo nữ mang tâm hồn thi nhân, Đức Linh với bao thơ mộng, cảnh sắc đa dạng, nhiều sắc màu: có thung sâu, có núi đồi, suối khe, có thác ngàn, có cao su trải rộng, có hoa, có nắng, có gió thoảng, hương bay… Làm thơ về một vùng đất mà mình có dịp dừng chân, tìm hiểu, tác giả có điều kiện để giới thiệu cho độc giả những địa danh mình đã đến, và còn là những cảm nhận khi tiếp xúc với những con người sống trên vùng đất ấy. Ở “Về với Đức Linh”, tác giả Lê Phượng đã khéo đưa những địa danh vào bài thơ một cách rất tự nhiên, đem lại cảm giác dễ chịu nơi người đọc: “Bạt ngàn cao su vi vút chập chờn/ Thấp thoáng thung sâu chiều Tân Hà bừng nắng/ Vời vợi lưng đồi miên man gió lặng/ Chiều MêPu rạo rực dáng em say”…
Giọng thơ của “Về với Đức Linh” rất nhẹ nhàng. Người đọc, đọc kỹ bài thơ sẽ lắng nghe được những thanh âm một giọng thơ nữ, cảm nhận và diễn đạt ý tình của mình ở những câu chữ đậm chất thơ.
Đã từ rất lâu, từ láy khi được các tác giả sử dụng một cách khéo léo đã góp phần không nhỏ tạo nên hiệu quả thẩm mỹ trong những sáng tác văn chương. Ở thi phẩm lần này, tác giả Lê Phượng đã sử dụng rất nhiều từ láy: “Vi vút, chập chờn, thấp thoáng, vời vợi, miên man, rạo rực, dập dìu, thao thức, khao khát, dịu dàng, ngẫm nghĩ…” Những từ láy ấy dễ tạo ấn tượng nơi độc giả về hình ảnh, cảnh tượng, độ xa gần, âm thanh, cảm xúc, nỗi lòng, thái độ cư xử giữa những con người với nhau… Những từ láy ấy kết hợp với nhau hài hòa, góp phần tạo nên những lớp từ đẹp của thi phẩm “Về với Đức Linh”.
Bài thơ có nhịp 4/4 là chính, dù tác giả khi viết chỉ lặp lại nhịp này 4 lần. Nhịp 4/5 đã được Lê Phượng sử dụng nhiều lần hơn. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã ba lần sử dụng nhịp 3/5, cùng một vài nhịp khác của mỗi dòng thơ. Nhịp điệu thơ thay đổi tạo cho người đọc cảm nhận những sự khác nhau khi thưởng thức bài thơ. Nhịp không quá đều, để không gợi cảm giác của sự lặp đi lặp lại.
Với Lê Phượng, đây có lẽ là một trong những chuyến đi thực tế để sáng tác có hiệu quả của chị. Những nỗi xao xuyến, những niềm riêng tư trước cảnh và người đã để lại trong lòng tác giả nhiều điều cần bày tỏ, nhiều sự cần sẻ chia. Bài thơ “Về với Đức Linh” sớm ra mắt bạn đọc sau chuyến đi thực tế, có lẽ quê hương Đức Linh đã đọng lại trong lòng nhà thơ thật nhiều ấn tượng cùng dào dạt những ân tình.