PHẠM KHÁNH DUY
Đối với mỗi người, hình ảnh “con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui” và những sân ga luôn mang lại nhiều cảm xúc. Trong cảm thức của nhiều người, tàu sắt Thống Nhất không đơn thuần chỉ là phương tiện di chuyển mà nó còn gắn liền với vẻ đẹp và linh hồn của Tổ quốc Việt Nam, là biểu tượng của sự thống nhất Bắc Nam, của tình đoàn kết, tấm lòng thủy chung son sắt. Con tàu và sân ga đã từng khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo của biết bao văn nghệ sĩ, trở thành một hình ảnh, hình tượng nghệ thuật, thậm chí là một biểu tượng quen thuộc trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Qua những xúc cảm của cá nhân thi sĩ, con tàu và sân ga trong thơ lại hiện lên với ý nghĩa khác nhau, biểu lộ những thông điệp khác nhau.
Con tàu và sân ga - biểu tượng của vẻ đẹp non nước
Qua ô cửa con tàu, phong cảnh của Tổ quốc hiện lên thật đẹp đẽ và trù phú. Từ điểm nhìn là con tàu đang di chuyển trên hành trình Nam - Bắc, nhà thơ Lê Văn Vọng đã nhận ra: “Qua cửa sổ con tàu là đất nước, là em/ Dáng mẹ lưng còng/ Những túp lều mái tranh/ Những cánh đồng quanh năm nước nổi/ Mặt trời lên/ Mặt trời chìm/ Giọt mồ hôi cha kết tinh thành muối/ Giọt mồ hôi em vở học trò bổi hổi” (Chiều sân ga, Lê Văn Vọng). Con tàu cứ đi, đến mỗi miền quê thì ngoài cửa sổ lại hiện ra phong cảnh khác nhau, đặc trưng văn hóa khác nhau, ẩn đằng sau là những khuôn mặt, những dáng hình lam lũ, tảo tần trong cuộc sống đời thường nhưng vô cùng nghĩa tình và luôn mang trong tim những ước mơ, khao khát.
Ngắm nhìn đất nước từ con tàu Bắc - Nam, nhà thơ Xuân Quỳnh đã chứng kiến biết bao cảnh tượng mĩ lệ của Tổ quốc, sự nhộn nhịp, huyên náo của phố phường, sự yên ả của vùng nông thôn. Bằng cái nhìn tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của người con gái luôn ý thức được tình yêu riêng tư và tình yêu đất nước, trong khoảnh khắc nỗi buồn chia cách lên ngôi, Xuân Quỳnh vẫn nhận ra “Những phố phường nhộn nhịp/ Bỡ ngỡ trong ánh đèn”, “Dặm đường xa nắng dãi/ Chuyến phà con nước dâng”, là mùa thu lãng mạn nhưng đượm buồn của đất Bắc với “Lá bay đầy lối qua”, là những sự vật bé nhỏ nhưng thân thương như “Màu hoa trên cửa sổ/ Quán nước chè mùa đông” (Sân ga chiều em đi, Xuân Quỳnh). Đất nước qua ô cửa con tàu không trừu tượng, xa xôi mà đơn giản là những hình ảnh rất đỗi bình dị, nhưng gần gũi với đời sống con người, để nhớ để thương trong lòng những người con đất Việt.
Con tàu và sân ga - biểu tượng của sự chia ly
Hơn hết, trong thơ ca, con tàu và sân ga thường biểu trưng cho sự chia ly, cách trở. Ở sân ga, con người thường có hai trạng thái cảm xúc rất rõ rệt: một là niềm vui sướng, niềm hạnh phúc khi hồi hương, khi người đi xa trở về vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn; một là nỗi buồn, luyến lưu, bịn rịn của kẻ phải từ giã người ở lại để ra đi. Được xem là một trong những bài thơ về sự chia ly hay nhất trong văn học Việt Nam hiện đại, Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bính đã lột tả rất chân thật cảnh đưa tiễn của những người trên sân ga. Đó là cuộc phân ly của những người yêu nhau da diết: “Có lần tôi thấy một người yêu/ Tiễn một người yêu, một buổi chiều/ Ở một ga nào xa vắng lắm/ Họ cầm tay họ, bóng liêu xiêu”, là đôi vợ chồng vì cuộc mưu sinh gian khó nên một người đành ra đi tìm kế sinh nhai, trước khi đi người chồng vẫn không quên dặn vợ làm tròn đạo hiếu: “Chị mở khăn giầu, anh thắt lại: Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”, hay người mẹ tóc bạc lưng còng xót xa tiễn con đi lính - mà trong hoàn cảnh ấy, có thể đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng trong cuộc đời kẻ ở người đi: “Có lần tôi thấy một bà già/ Đưa tiễn con đi trấn ải xa/ Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng/ Lưng còng đổ bóng xuống sân ga” (Những bóng người trên sân ga, Nguyễn Bính). Chẳng cần quá màu mè, chỉ với cấu trúc “Có lần tôi thấy…” cùng giọng điệu chậm rãi, mang tính chất kể chuyện, Nguyễn Bính cũng đã làm người đọc rung động, xót buồn khi nghĩ về những cuộc chia ly. Phân ly - dù vì bất cứ lý do gì cũng không thể không gợi lên cảm xúc bịn rịn, đớn đau. Nguyễn Bính đã nhận ra một sự thật đơn giản mà thấm thía: sân ga - nơi “Những cuộc chia ly khởi tự đây”, cùng với đoàn tàu, cặp hình ảnh ấy vốn là biểu tượng của chia xa, cách trở.
Bằng những hồi tưởng về những ngày thơ bé ra sân ga chỉ để ngắm nhìn cảnh tiễn đưa và buồn cùng người đưa tiễn, trong bài thơ Những ngày nghỉ học, Tế Hanh đã kể lại một tuổi thơ trong sáng nhưng đượm buồn gắn liền với những cảm thức về con tàu và sân ga: “Những ngày nghỉ học tôi hay tới/ Đón chuyến tàu đi đến những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”. Có chứng kiến cảnh chia ly trên sân ga, thậm chí là người trong cuộc, từng tiễn biệt một ai đó hay được một ai đó đưa tiễn mình về nơi nào đó xa xôi, mới thấu hết nỗi buồn của sự phân ly vốn là điều không thể tránh trong cuộc đời. Thuở viết bài thơ này, có lẽ Tế Hanh chưa có quá nhiều trải nghiệm về những chia ly so với thời ông viết bài thơ Nhớ con sông quê hương, nhưng nhìn cảnh người đi kẻ ở, trong phút phân kỳ, có lẽ nỗi buồn chia ly, ngăn cách cũng phần nào nhuốm vào tâm hồn trong sáng của ông: “Kẻ về không nói bước không vương/ Thương nhớ lan xa mấy dặm trường/ Lẽo đẽo tôi về theo bước họ/ Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương” (Những ngày nghỉ học, Tế Hanh).
Và nỗi buồn ly biệt cũng từng được nữ sĩ Xuân Quỳnh diễn tả đến kiệt cùng trong bài thơ Sân ga chiều em đi. Chẳng hiểu hết nhân vật “em” trong bài thơ ra đi vì cớ gì, hay ra đi vì tiếng gọi của quê hương, đất nước, nhưng “em” chính xác là cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh. Với “người con gái đất La Khê”, chia ly đã trở thành một trong số những nỗi ám ảnh choán ngợp trong thế giới thơ ca của chị. Buổi chiều trên sân ga - qua lời thơ Xuân Quỳnh - hiện ra thật buồn bã, vắng vẻ, im lặng. Dường như khoảnh khắc ấy người ta chẳng cần phải nói với nhau quá nhiều, bởi nói bao nhiêu cũng không đủ, không thỏa trước giờ phút lên đường, giã biệt: “Sân ga chiều em đi/ Gạch dưới chân im lặng/ Bóng anh in thành tàu/ Tóc anh xòa ngang trán - Sân ga chiều em đi/ Bàn tay da diết nắm/ Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc” (Sân ga chiều em đi, Xuân Quỳnh). Cái nắm tay da diết ấy mới thật thắm thiết làm sao. Nắm tay vì không nỡ chia xa, nắm tay để trao truyền cho nhau hơi ấm phút sau cùng, để trao gửi niềm tin về một ngày tương ngộ không xa lắm…
Con tàu và sân ga - biểu tượng của khát vọng lên đường
Ở một góc độ khác, con tàu và sân ga trong thơ ca còn là biểu tượng đẹp đẽ cho khát vọng lên đường, niềm ước mong được chinh phục những miền đất trên khắp quê hương nước Việt. Những năm tháng miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, Tây Bắc lại đi vào công cuộc kiến thiết, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết bài thơ Tiếng hát con tàu, với hình tượng chủ đạo là con tàu. Thực tế, khi Chế Lan Viên viết bài thơ này, hoàn toàn chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Vậy, con tàu trong Tiếng hát con tàu chắc chắn là một hình tượng ẩn dụ: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu - Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng/ Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội/ Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi/ Ngoài cửa ô tàu đói những vành trăng” (Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên). Con tàu trở thành hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ, tượng trưng cho khát vọng hăm hở lên đường, khát vọng được trở về cội nguồn của tình yêu thương. Tây Bắc - trong tim Chế Lan Viên - chính là nguồn cội, vì nơi đó có những con người ân nghĩa ân tình, đã cưu mang, chở che cho nhà thơ và đồng chí, đồng đội trong những tháng năm kháng chiến. Nơi đó có “mế” tuy “không phải hòn máu cắt” nhưng nhà thơ vẫn một lòng tri ân: “trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”; nơi đó có “anh” với “Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách/ Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”; nơi đó có “em” một lòng trung trinh với cách mạng, ngày đêm giấu xôi nuôi giấu cán bộ trong rừng. Đoàn tàu trong bài thơ đang tiến về nguồn cội, thay nhà thơ nói lên thông điệp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Chuyến tàu mang khát vọng lên đường còn xuất hiện trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ viết: “Hà Nội rì rầm… Còi thổi ngoài ga/ Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa/ Tiếng xình xịch chạy dọc đường Nam Bộ/ Ôi con tàu trái tim ta đó/ Tiếng đập thình thình muốn vỡ làm đôi” (Bài ca xuân 61, Tố Hữu). Con tàu ấy đang lăn bánh và tiến về phương Nam xa xôi, bởi miền Nam - một nửa thân yêu của Tổ quốc đang quằn mình trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Từ miền Bắc, những người con mang khát vọng thống nhất vẫn không nguôi hướng về miền Nam thân yêu, đêm ngày thao thức cùng miền Nam, bởi Bắc - Nam sau trước vẫn một lòng, không gì có thể chia tách được. Chuyến tàu ấy đã đi trong thanh âm của cuộc chiến tranh, cũng là chuyến tàu chở bao hy vọng về một ngày miền Nam sẽ không còn lửa khói, Bắc - Nam sum họp một nhà. Con tàu Việt Nam vì thế mà trở nên thiêng liêng hơn rất nhiều!
Con tàu và sân ga - biểu tượng của tình yêu đôi lứa
Đẹp vô cùng khi con tàu và sân ga còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Trong thơ Việt Nam, có nhiều thi sĩ đã mượn tàu và ga, chuyện đi xa và trở về, gắn bó thắm thiết… để nói lên tình yêu của đôi nam nữ. Hành trình của con tàu là hành trình tìm kiếm hạnh phúc, còn sân ga là bến đỗ bình yên mà bất kỳ ai cũng khao khát, ước mong. Biểu tượng này có lẽ xuất hiện khá nhiều trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là tình yêu da diết hòa lẫn với nỗi âu lo về một tình yêu không trọn vẹn bởi Xuân Quỳnh là người phụ nữ đã từng trải qua những đổ vỡ xa xót trong tình yêu: “Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Những cửa sổ con tàu chẳng đóng/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh” (Tự hát, Xuân Quỳnh).
Cũng trong mạch xúc cảm âu lo, trăn trở, dường như là ám ảnh về sự chia cách ấy, Xuân Quỳnh đã dự cảm về những tăm tối trong cuộc đời mình, dự cảm về ngày tình yêu không còn thì mọi thứ mà nữ sĩ nghe được, trông thấy, thậm chí chạm vào cũng trở nên vô vị, trơ lì cảm xúc: “Gió thổi nơi này không lạnh tới nơi kia/ Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo/ Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu/ Tấm lòng anh trong mỗi chuyến đi xa/ Em không còn thấy nhớ những sân ga/ Những nơi đã đi, nhưng nơi chưa hề đến…” (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Xuân Quỳnh). Nỗi âu lo ấy thật chất xuất phát từ một trái tim yêu nồng nàn, khát khao được sống trọn trong những phút giây được sống, được yêu, muốn vĩnh viễn hóa tình yêu của cuộc đời mình, để tình yêu cứ mãi nhịp bước cùng năm tháng.
Tiếng còi tàu là một âm thanh vọng sâu vào cõi thức, nó chẳng những mang ý nghĩa báo hiệu mà trong không gian tình yêu, nó còn là tiếng vọng khơi nhắc những kỷ niệm tình yêu của đôi lứa. Những kỷ niệm đó có thể sẽ được nhắc lại bởi hai người, cũng có thể chỉ còn một người ngồi trong miên man da diết nhớ, như người đàn bà trong thơ Lê Thị Bạch Huệ: “Ngày mai đếm bao lần còi mãi thúc/ Nghe con tim thổn thức nhớ thương nhiều/ Trên đường về chân cứ bước liêu xiêu/ Mong em mãi bao giờ em trở lại - Em đã đi lòng lặng sầu tê tái/ Tôi một mình lạc lõng nhớ thiết tha/ Rồi thời gian cứ lặng lẽ đi xa/ Sân ga ấy bây giờ thành… kỷ niệm” (Sân ga chiều kỷ niệm, Lê Thị Bạch Huệ).
Con tàu và sân ga đã đi vào thơ ca như một biểu tượng nghệ thuật, gợi nhiều cảm xúc trong lòng người đọc như cái khoảnh khắc đứng trên sân ga nhìn cảnh tiễn đưa bịn rịn, vấn vương. Con tàu Việt Nam bỗng dưng trở thành niềm thương, nỗi nhớ của nhiều người, là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Nó chính là hiện thân của vẻ đẹp đất nước mình, của sự chia ly thấm đẫm nỗi u buồn xót tiếc, của tình yêu bất diệt vĩnh hằng và khát vọng lên đường, theo đuổi những điều nhân văn, cao cả.