HÀ THANH TÚ
Ở miền Trung, tháng chạp thường mưa rây nhẹ, làn mưa mỏng bay nghiêng vừa đủ ướt những con đường ngoằn ngoèo dẫn vào các thôn xóm. Cái dạng mưa không quá ồn ào ấy chỉ đủ làm xanh non những liếp cải dân trồng ăn Tết, bán Tết. Là dạng mưa gây nhớ, mưa xao xuyến. Mưa báo hiệu một năm sắp hết. Trong khung cảnh đó, con người trở nên xuyến xao, nhiều ưu tư, suy nghĩ. Thế nhưng, không phải ở tuổi nào con người ta cũng nghĩ giống nhau. Trẻ khác, già khác, cao tuổi khác. Và tùy theo tuổi tác (trẻ, già) mà cái nhớ, cái nghĩ có thể là hồi ức của một người, nhiều người, hay là những dự tưởng, những khai phóng về tương lai. Tôi từng chú ý cha tôi. Ông là dân ngược nguồn một thuở. Từng chèo con thuyền nan vượt bao con thác lên Tí Sé, Dùi Chiêng của Quảng Nam, chở sản vật miền núi về xuôi….. Ông là hình ảnh sống động của câu ca về nghề ngược nguồn ở Quảng Nam quê tôi: “Ai về nhắn với nậu nguồn, mít non chở xuống, cá chuồn chở lên”…Là người theo cách nói của ngày hôm nay là kết nối giữa vùng xuôi – vùng ngược; thành viên của công ty dịch vụ vận tải liên tỉnh… Ông là một trong cây sào cứng, giàu kinh nghiệm vượt thác nhất làng tôi, cái làng ven sông Vu Gia, huyện Đại Lộc. Một đôi lần, mưa xuân phất phới bay, ông hay nhìn mưa, trầm ngâm. Đáp lại câu hỏi của tôi, cha đang nghĩ gì, là cái cười không rõ tiếng, sau đó ông chậm rãi: “Cha nghĩ tới bạn ngược nguồn trước đây. Có một năm, vào hai mươi lăm tháng chạp, cha và họ xuôi dòng. Bữa đó mưa nguồn kéo dài đã mấy ngày. Đầu nguồn sông, cây to, cây một hai người ôm, lao vun vút giữa dòng nước réo, sôi sục. Bè của cha do năm anh em chống, người nào thân hình cũng lực lưỡng, ấy vậy mà có lúc tưởng chúng vỡ bè đến nơi. Một, hai người đi nguồn lần đầu, có mặt trên bè, mắt nhắm nghiền, mặt xanh như tàu lá. Cha trấn tĩnh họ, nói với họ nắm chặt dây néo khi bè đi vô giữa thác… Nhọc nhằn, lận đận rồi cũng về tới bến. Có người bước chân lên bến, thấy người nhà ra đón, không cầm được nước mắt. Bây giờ, vẫn cái bến sông đó, nhưng bạn bè không còn bao nhiêu người. Có tuổi hết rồi. Tứ tán phương trời nào đó! Nhân đó, cha kể về cái nhịp sống, mùa vụ, tết ngày xưa. Tết thời chạy Tây, chạy giặc, thiếu thốn. Chiều ba mươi đem chiếc thau đồng, tài sản quý giá mang theo từ quê nhà, đổi cho đồng bào Thượng, được con heo chia cho mươi gia đình để mấy ngày xuân bọn con nít có chút thịt. Mà đâu cứ cha tôi. Cách đây vài năm, tôi trò chuyện với ông Cấn, quê ở Quảng Nam vô Mũi Né (Phan Thiết) từ thuở tóc còn xanh, nay là chủ một nhà hàng tiếng tăm, đón nhiều khách quốc tế, nghe ông này nói: “Tết nào cũng mong người quê gởi bánh Tổ (1). Có bánh Tổ sắp lên bàn thờ, tui thấy mình như sống ở quê; thấy cha mẹ, ông bà về với mình”.
Có thể nói, cha tôi, ông Cấn và nhiều người cao tuổi khác, khuynh hướng là ngược dòng, hoài niệm cái cũ, quá khứ. Tâm trạng khắc khoải của người muốn tìm về cái cũ, sống với bao điều đã qua dấu yêu. Bởi thế, cho nên trước khi cha tôi mất ít năm, một ngày xuân, sau khi đã nhấp chén trà, nhìn mông lung ra con đường chạy trước nhà, thấy cái bến sông Vu Gia mờ tỏ ở bên kia con đường, vô tình nghe anh trai tôi đọc hai câu thơ Nôm tương truyền của vua Tự Đức khóc Bàng Phi: “Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại, để dành hơi”, cha tôi rướm nước mắt. Và rồi suốt buổi sáng mưa xuân phất phới bay, cha tôi hay tặc lưỡi, đi đi lại lại trong nhà, như thể ông đang tìm về với cái ngày xưa của ông. Nói chung, sự hoài niệm không có hồi kết, nó truyền thừa từ người có tuổi này sang người có tuổi khác, bất cứ ở đâu trên thế giới, nhất là khi không khí tết cận kề. Nó giải thích vì sao trong nhiều buổi liên hoan văn nghệ đâu đó, người lớn tuổi khi được mời hát thường chọn “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo, hoặc “Trở về dòng sông tuổi thơ” của Hoàng Hiệp, để nói thay lòng mình. Những người lớn tuổi vì lý do nào đó ra nước ngoài sinh sống, lại càng gắn bó với hồi ức. Mong ước về thăm quê, thăm bạn bè cũ cho thỏa nhớ nhung.
Người lớn tuổi là thế, còn thanh niên thì sao? Gần đây tôi về thăm quê. Quê tôi bây giờ đường ngang ngõ tắt là đường bê tông hoặc tráng nhựa. Bây giờ chẳng thấy mấy người gánh thóc đi xay, bán hàng xáo. Người ta ăn gạo từ các nơi chở về như người thành thị. Trong câu chuyện với cháu, với con, chúng đều nói về thì tương lai. “Năm tới con vô Sài Gòn học sửa chữa máy tính. Ở mình thanh niên, học sinh dùng máy tính nhiều rồi”. Đứa có sức khỏe, mộng đi xa thì bảo đang nghiên cứu xuất đi lao động nước ngoài. Ngay cả những cháu lâu nay ở quê, quen với cây trồng, cũng tính chuyện sang năm hùn hạp ai đó, mở nhà máy. Con người ta ai cũng có quyền mơ ước. Thanh niên, sự mơ ước càng phải nhiều hơn. Thông qua mơ ước, con người trở nên năng động, tìm kiếm mọi cơ hội việc làm, từ đơn giản đến đòi hỏi sự nghiên cứu cao sâu. Chỉ đến khi nào, sức cùn, lực cạn, người ta mới hay nghĩ lại, mới ngược dòng về quá khứ, về tuổi thơ. Đó cũng là câu chuyện của định luật tuần hoàn vậy. Như lá cây, sau khi sống hết phần đời lại rụng về cội. Biết, hiểu điều đó, dễ cảm thông với người thân ta khi họ có những giây phút ngồi trầm ngâm, ưu tư, rồi thở dài. Ngày xưa cha tôi, đôi lần ra bến sông, ông đều nhìn ra sông một lúc lâu, không chớp mắt; lấy chân khỏa nước sông, than nhỏ: “Mới đó mà mấy chục năm trôi qua!”.
Tôi đang vào tuổi chớm già. Tôi đang bắt đầu nghĩ ngược, nhìn lui!
(1) Loại bánh mà nguyên liệu chính là bột nếp trộn đường, thành thứ bột sền sệt. Khuôn bánh là chiếc rổ tre, bên trong lót lớp lá chuối để khi đổ bột sền sệt vô, không chảy ra ngoài. Sau đó là hấp cách thủy trong nhiều giờ.