BÌNH THUẬN NGHIÊM TÚC THỰC HIỆN
KẾT LUẬN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
TẠI HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC

02/12/2022 00:00
655

HÀ NGÂN


Ngày 24/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, gửi đi thông điệp cả về đối nội và đối ngoại, khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh Bình Thuận qua 01 năm nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lĩnh vực văn hóa – văn nghệ của tỉnh đã tạo được nhiều dấu ấn hết sức quan trọng.

   Triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng việc làm cụ thể 

   Việc nâng cao nhận thức và năng lực lãnh  đạo  của  các  cấp  ủy đảng,  sự quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được chú trọng. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nêu cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ trong tình hình mới. Nội dung, phương thức lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển khai thực hiện Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao. Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức với nhiều đổi mới, sáng tạo về quy mô và hình thức thể hiện.

   Việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước tiếp tục được quan tâm. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường triển khai đồng bộ, xuyên suốt việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, đã phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến, tạo động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; từng bước góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho đội ngũ văn nghệ sỹ phát huy năng lực sáng tạo các tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ; về đề tài “Nông thôn mới”, “Biển, đảo quê hương”...Các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ công cuộc đổi mới và hội nhập, giới thiệu những điển hình về gương người tốt, việc tốt  trong thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; những nét đẹp đất nước, con người, quê hương Bình Thuận; giới thiệu ca ngợi việc làm tốt, tấm gương tiêu biểu, điển hình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

   Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật trong tỉnh luôn phát triển, đạt nhiều kết quả. Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận (là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh) phát hành 06 số trong năm (2 tháng/số), đăng tải nhiều tác phẩm gắn với tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận; xây dựng, duy trì chuyên trang, chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng, thu hút, phục vụ bạn đọc gần xa. Hội viên các chuyên ngành Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc đạt nhiều kết quả cao trong các liên hoan, cuộc thi khu vực, toàn quốc. Tại cuộc thi truyện ngắn Đông Nam Bộ lần 1 – 2021, các tác giả Bình Thuận đạt nhiều thứ hạng từ giải nhất đến khuyến khích. Bình Thuận cũng tổ chức thành công Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 29 năm 2022, với 1.510 tác phẩm của 210 tác giả từ 8 tỉnh miền Đông Nam bộ. Ban Giám khảo đã chọn được 135 tác phẩm của 84 tác giả vào chung khảo, treo ảnh triển lãm. 

   Việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục và các hệ giá trị: quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam được chú trọng. Bình Thuận đã thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững đất nước. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân hưởng thụ văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần xây dựng con người Bình Thuận có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; ý thức tập thể, đoàn kết vì lợi ích chung; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện nghĩa vụ cơ bản của công dân. Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình… được các địa phương, sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm triển khai gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”; cụ thể hóa tiêu chí người tốt, việc tốt trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua ở địa bàn cơ sở. Quy ước thôn, khu phố của từng cộng đồng dân cư được thực hiện tốt; truyền thống gia đình, dòng họ phát huy trong việc giáo dục con, cháu; các dòng họ chú trọng hoạt động khuyến học, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập của gia đình, dòng họ và toàn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội ngày càng tiến bộ, tiết kiệm và lành mạnh theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Các nguyên tắc, nghi thức, phong tục, tập quán được cụ thể hóa bằng điều khoản trong hương ước, quy ước xây dựng thôn, khu phố văn hóa. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên phát động, vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, người lao động làm tốt công tác cải cách hành chính, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều thôn, khu phố duy trì và không phát sinh mới tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật...

   Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được thực hiện thường xuyên. Hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua được tổ chức quy mô, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc vùng miền địa phương; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh được triển khai đồng bộ; đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trùng tu, tôn tạo 06 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và được chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một số lễ hội (Lễ hội Dinh Thầy Thím thị xã La Gi; Lễ hội Katê của người Chăm, tỉnh Bình Thuận); triển khai thực hiện một số đề án, dự án đến năm 2030 (Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”).

   Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của Nhân dân; tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa của các dân tộc, vùng, miền; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của Nhân dân luôn được quan tâm. Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức được khuyến khích, động viên phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động, liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; văn, nghệ sĩ Bình Thuận được tạo điều kiện để sáng tạo tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Phát huy vai trò văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người mới Việt Nam. Khơi dậy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đồng thời, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, mê tín, dị đoan. Thực hiện Quy chế số 13-QC/BTGTW, ngày 29/01/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Quy chế Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch kèm theo Thể lệ tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2025.

   Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, văn nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ. Chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa, văn nghệ, trí thức khoa học phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất luôn được thực hiện. Đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Thuận phát triển toàn diện về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đến tháng 11/2022, có 235 hội viên (60 hội viên Trung ương), sinh hoạt tại 06 chuyên ngành gồm Văn học (106), Nhiếp ảnh (52), Mỹ thuật (33), Sân khấu (18), Âm nhạc (18), Múa (8). Các văn, nghệ sĩ trong tỉnh được tham dự các lớp quán triệt Nghị quyết, Hội nghị văn hóa toàn quốc do báo cáo viên Trung ương báo cáo trực tuyến; tham dự lớp tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới” do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức năm 2021-2022; tham gia các chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh.

   Việc xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển văn hóa được chú trọng; đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện. Cụ thể, tổng kinh phí Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt ngành Văn hóa Thể thao Du lịch năm 2022 là 111.913 triệu đồng, tăng 44% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 cấp cho ngành Văn hóa Thể thao Du lịch là 229.128 triệu đồng, tăng 86%, so với giai đoạn năm 2016 - 2020. Các cơ quan chức năng triển khai việc sửa chữa, trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, thư viện như: đền thờ Thầy Sài Nại (huyện Phú Quý), Thư viện tỉnh, Nhà trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, dinh Ông Cô (Thành phố Phan Thiết); triển khai công trình Cổng chào Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, thành phố Phan Thiết...Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình Nhà hát và Triển lãm văn hóa, nghệ thuật với kiến trúc, trang thiết bị hiện đại, nhằm đáp ứng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. 

   Việc chuyển đổi số, xây dựng môi trường văn hóa số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bức phá vươn lên. Từ đó tỉnh Bình Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 18/3/2022, Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy mạnh chuyển đổi số theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; ứng dụng nền tảng số hướng đến nâng cao chất lượng sống của nhân dân và sự phát triển của doanh nghiệp. Bình Thuận cũng là đơn vị thứ 19 trong cả nước xây dựng và triển khai hoạt động Bảo tàng 3D Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trên Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh nhân dịp Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022).  Các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch, hoạt động văn hóa văn nghệ được đăng tải, giới thiệu trên môi trường số. Nội dung tổng hợp giới thiệu nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm tham quan...trên địa bàn tỉnh được tích hợp, mã hóa thành mã QR để nhân dân, du khách thuận tiện trong việc tra cứu, tìm hiểu.

   Những công việc trong thời gian đến

   Để tiếp tục triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc trong thời gian đến, tỉnh Bình Thuận tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh  đạo  của  các  cấp  ủy đảng,  sự quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về văn hóa; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch trên lĩnh vực văn hóa. Tổ chức các đợt hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, trưng bày, triển lãm chào mừng các ngày lễ lớn, ngày lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh; duy trì hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, các lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc, tôn giáo, các vùng, miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát các di tích văn hóa - lịch sử để lập đề án đề xuất trùng tu, sửa chữa, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, gắn với phát triển du lịch. Bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật; đầu tư trang, thiết bị, cơ sở vật chất cho lĩnh vực văn hóa, nhất là việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách bồi dưỡng, đào tạo và đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ trong lĩnh vực này./.