Thử phân tích một truyện ngắn qua góc nhìn thi pháp học hiện đại

18/10/2023 09:24
1263

BÙI THỊ KIM VÂN


Có thể hiểu, thi pháp là mỹ học của nghệ thuật ngôn từ, là cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Từ những đặc trưng chủ yếu trong thi pháp truyện ngắn, chúng tôi liên hệ phân tích truyện ngắn Chuối Hoa của Võ Nguyên, tác giả văn học địa phương Bình Thuận.

   Truyện ngắn Chuối Hoa in trong tập truyện Khát mùa chim di trú – Nxb Thanh Niên, tái bản lần 3, năm 2013 – truyện thứ 2 trong 15 truyện. Truyện lấy ý tưởng từ thực tế về tập tính của loài cá Chuối hoa (có nơi gọi là cá lóc, cá tràu). Đó là một loài cá thể hiện trách nhiệm làm mẹ cảm động sâu sắc không khác con người. Thường vào mùa nắng, trong ao hồ khan hiếm thức ăn, cá mẹ nuôi con bằng cách nhảy lên bờ, phơi nắng cho khô da, rồi nhảy xuống nước cho da tưa ra để cá con ăn. Đặc biệt khi gặp nguy, để bảo vệ đàn con, cá mẹ thường ngậm con vào miệng chờ khi an toàn mới nhả cá con ra.

   TRUYỆN NGẮN CHUỐI HOA  TỪ GÓC NHÌN THI PHÁP HỌC

   Cốt truyện 

    Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm biểu hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm. Cơ sở sâu xa chi phối cốt truyện là xung đột tạo tình huống nghệ thuật, có thể là xung đột xã hội hay xung đột nội tâm nhân vật. Cái hay của truyện ngắn Chuối Hoa ở chỗ tác giả lồng hai câu chuyện trong một truyện để xây dựng hai xung đột thắt nút, mở nút truyện cùng lúc tạo nên sự hấp dẫn cho truyện. Về kết cấu truyện lồng truyện ở góc độ một thủ pháp văn chương đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học thế giới. Một thủ pháp để lồng ghép một câu chuyện độc lập (có liên quan hoặc không về mặt nội dung) vào tác phẩm chính trong quá trình diễn tiến của tác phẩm, tình tiết trong truyện được nhà văn lựa chọn rất kỹ, chỉ ghi lại những tình huống nào tiêu biểu nhất. Trong truyện ngắn Chuối hoa, ta thấy có hai mạch truyện như vậy đan xen một cách tự nhiên như sau:

   Mạch truyện thứ nhất: Chuyện lớp học  

   Trong lớp học, cô giáo kể chuyện vào giờ sinh hoạt lớp. Đó là câu chuyện về cá mẹ và đàn cá con. Vì trời nắng hạn, ao hồ khan hiếm thức ăn, cá Chuối Hoa mẹ đành làm một việc nguy hiểm đến tính mạng của mình để cho con có cái ăn. Lần thứ nhất nhảy lên bờ phơi nắng, sự việc diễn ra suôn sẻ, nhưng đến lần sau thì gặp nạn ngay trước sự kinh hãi của đàn con thơ dại. Cá mẹ rơi vào nanh vuốt của Mèo. Nếu câu chuyện dừng lại ở đó sẽ là một kết thúc bi thảm. Trong thực tế, bản thân cá là loài sống dưới nước, có loài cá nào lên bờ nằm phơi nắng mà không gặp nguy hiểm, nếu không bị chó mèo ăn thịt mà gặp con người cũng chưa chắc thoát nạn. Câu chuyện xuất hiện trong lớp học khiến học trò rơi nước mắt. Trong số ấy có cô học trò nhỏ khóc vì liên tưởng đến người mẹ của mình tần tảo, vất vả gánh hàng rong đi bán hằng ngày. Sau khi cô giáo tìm hiểu mới biết hoàn cảnh của học trò, đã xúc động và kể tiếp đưa đến một kết thúc mới cho câu chuyện. Bọn trẻ lại vui, phấn khởi, cô cũng nhoẻn miệng cười trong niềm vui của trẻ. Có lẽ cô giáo không muốn làm tổn thương tình cảm của trẻ khi chúng phải nghe một kết thúc đau buồn. Nước mắt ngây thơ trong sáng của học trò thôi thúc cô giáo tìm lời giải đáp là đem lại niềm tin và hi vọng tốt đẹp cho tâm hồn trẻ thơ, nên dẫn dắt câu chuyện đi đến một kết thúc có hậu, trả lại bình yên cho cuộc đời những người mẹ lao khổ. Cách kết  thúc truyện có hậu của truyện Chuối Hoa nằm trong mô típ truyện cổ tích dân gian. Đó cũng là điều mong muốn không riêng của những tâm hồn bé thơ mà cả người trưởng thành đừng để một bi kịch buồn nào cho người mẹ tần tảo, khó nhọc vì con cái phải gánh lấy. Kết cục ấy phù hợp với sức tưởng tượng và tư duy trẻ thơ. Kiểu kết cấu theo mạch kể này thể hiện tình cảm cô - trò gần gũi, thấu hiểu. Người cô quan tâm đến tình cảm và cảm xúc của các con, chọn những câu chuyện hay để làm cho tâm hồn các con thêm giàu tình yêu thương và lòng hiếu thảo, quan tâm đến hoàn cảnh của nhau chứ không rơi vào vô cảm.

   Mạch truyện thứ hai: Chuyện về mẹ con cá Chuối Hoa hay câu chuyện nhân sinh.   

   Bên cạnh cốt truyện trên, câu chuyện còn có một mạch kể khác quan trọng hơn. Từ câu chuyện về mẹ con của cá Chuối Hoa: Do trời nắng hạn, cá Chuối Hoa mẹ không thể tìm được thức ăn để nuôi đàn con của mình, nên đành phải vọt lên bờ nằm phơi nắng để kiến bâu vào khắp thân rồi vặn mình nhảy xuống ao, khiến cho lũ kiến nổi lêu bêu trên mặt nước để làm thức ăn cho cá con. Rồi một hôm cũng như thường lệ, Chuối Hoa nằm phơi trên bờ để bọn kiến bến bu dày thân hình nhưng chưa kịp xuống nước lại đã bị con mèo nhảy đến vồ. Cá mẹ bất lực chảy nước mắt khóc trước sự kinh hãi của đám con. Trước kịch tính này, con chó mực ở đâu nhảy đến cướp phần của mèo, trong sự đối đầu giằng co gầm gừ hung dữ của chó và mèo, giúp cá mẹ rời khỏi nanh vuốt của mèo nhảy xuống ao thoát chết. Tả về cá mẹ, vì lấy bản thân nuôi con, nên “thân hình cá mẹ mang đầy vết sẹo. Đuôi và vi bị sứt khuyết nhiều mảng”. Rồi đêm hôm đó, những cơn mưa sau ngày nắng hạ cũng đến làm cho nước ao làng Hạ dâng lên, giúp đàn cá con vượt qua mùa hè khô cạn với bao thử thách khó khăn. Lúc này cá mẹ “Nhận thấy đàn con tự kiếm sống được rồi, mẹ bảo: - Bằng mọi cách, các con phải vượt khỏi cái ao tù này để ra sông. Nơi ấy mới là đất sống, sẽ không còn đói khổ. Đàn con khuyên mẹ cùng đi, nhưng mẹ bảo, sức mẹ yếu lắm rồi, không đi cùng các con được. Lũ con cứ bịn rịn quấn quýt mãi, không chịu rời xa mẹ. Đến khi Chuối Hoa mẹ kiên quyết gắt lên, chúng mới chịu len theo con nước ra sông. Một thời gian tha hồ bơi lội ăn uống sung sướng nơi nước sâu sông rộng, lũ con nhớ mẹ quá, đa số chúng nó quay về ao làng Hạ. Nhưng bơi tìm khắp nơi, gọi “mẹ ơi mẹ hỡi”, song chẳng thấy bóng dáng của mẹ Chuối Hoa đâu. Chỉ có vài loài cá khác mới đến, nhìn chúng có vẻ ngạc nhiên, lạ lẫm.” (tr.5)  Ở mạch truyện thứ hai này, tình huống truyện trở nên gay cấn hơn và kết cục truyện khá bất ngờ. Tác giả còn sử dụng một kết thúc mở, tạo một khoảng trống để bạn đọc suy ngẫm về quy luật của đời người, quy luật cuộc sống, cùng đối thoại với bạn đọc. Truyện không những khiến ta xúc động bởi câu chuyện về loài vật mà khiến người đọc suy ngẫm về quy luật nghiệt ngã của cuộc sống, cha mẹ không mãi ở đời với con, rồi đến lúc người thân yêu nhất cũng phải rời xa ta, không ai có thể nằm ngoài quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Cuộc sống luôn vận động và thay đổi, thời gian là chuỗi ngày liên tục với những điều mới đến, thậm chí khi lớn lên theo thời gian sẽ không còn nhận được dấu ấn nào của những người thân quen bên ta, mà ở đó mở ra khung trời xa lạ và sẽ đối diện bắt gặp những ánh nhìn ngỡ ngàng lạ lẫm.

   Ở đây, truyện kể không chỉ liên kết với nhau để làm nổi lên một nội dung chủ đề mà là nhiều chủ đề với những thông điệp khác nhau, điều hấp dẫn bạn đọc từ người lớn đến trẻ con là chỗ ấy. Hai mạch truyện liên kết với nhau theo cách lồng khung, xâu chuỗi vào nhau, trong đó các mạch truyện được nối kết, đan cài vào nhau liên tục, tự nhiên, hợp lí, đã có mối liên hệ ngay trong bản thân tác phẩm để cùng tạo nên một thể hoàn chỉnh và thống nhất. Phần nền của tác phẩm đã làm cho kết cấu câu chuyện chặt chẽ, hoàn chỉnh và có ý nghĩa xuyên suốt đối với các mạch truyện được đan cài trong quá trình kể. Kết cấu của truyện được tổ chức chặt chẽ thông qua sự phát triển của tình cảm (cô - trò, mẹ - con), tâm trạng của các nhân vật trong truyện, cá tính và số phận nhân vật được bộc lộ hoàn chỉnh và rõ nét hơn.

   Như nhà văn M. Gorki đã nói “Văn học là nhân học”, là sự tái hiện, khám phá về con người. Đọc bất cứ tác phẩm văn học nào cũng đều có thể thấy có bóng dáng, hình ảnh, chân dung, hoạt động, trạng thái, tính chất của con người ở đó… rất đa dạng và thường rất khác nhau, không lặp lại. Trong tác phẩm văn học, dù miêu tả thế giới loài vật thì đích đến vẫn là thế giới của con người, là câu chuyện về cõi nhân sinh. Có hướng vào con người thì văn học mới thực hiện trọn vẹn chức năng của nó. Chính từ những đặc điểm đó, truyện Chuối Hoa đã gợi được sự yêu thích bởi lồng vào nhau hai cốt truyện và hai tầng ý nghĩa.

   Xây dựng nhân vật

   Nhân vật là hình tượng trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng, tình cảm, chủ đề của tác phẩm. Nhân vật chính trong truyện Chuối Hoa bắt đầu từ thế giới loài vật, lấy con vật làm đối tượng phản ánh để thấy được những đặc điểm tự nhiên của chúng nhằm gợi liên tưởng đến quan hệ xã hội - thẩm mỹ con người (gần giống với nhân vật trong truyện đồng thoại). Nhân vật hiện ra trong tác phẩm không đơn thuần chỉ để tái hiện mặt tự nhiên của chính nó, mà còn là hình tượng ẩn dụ về cuộc sống, về tình nghĩa, về lòng hiếu thảo. Khi tiếp xúc với các nhân vật, người đọc – nhất là trẻ em dễ nhận ra bóng dáng cuộc sống của mình, của người mẹ tảo tần trong cõi nhân sinh. Vốn xuất thân từ một nhà giáo, từ lòng mong muốn đưa tâm hồn trẻ thơ tới những đỉnh cao đẹp về tư tưởng tình cảm, Võ Nguyên đã chọn chủ đề theo lối riêng của mình và thể hiện chủ đề của tác phẩm một cách nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu lắng.

   Nếu như mạch truyện thứ nhất, nhân vật được xây dựng chủ yếu qua lời nói, suy nghĩ của cô giáo và học trò, có phần đơn giản thì ở mạch truyện thứ hai hấp dẫn và sinh động hơn bởi nhân vật được khắc họa đầy đặn hơn. Qua thế giới loài vật được nhắc đến trong truyện là Chuối Hoa và đàn con trong ao làng Hạ, những con vật Mèo, Chó có lời nói, tình cảm, những lo toan của cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn thử thách, có những cạm bẫy cuộc đời rào đón, nhưng cũng có sự hồn nhiên, vô ưu của những đứa con thơ dại, và có cả hy sinh, mất mát một cách âm thầm lớn lao của người mẹ: “Khi ăn hết kiến, chúng thấy quanh mình của mẹ tưa ra một lớp bợn nhờn - bợn nhờn ấy do ánh nắng đốt khô da vảy khi mẹ phơi trên bờ, giờ gặp nước nở tưa ra - chúng lại tiếp tục tranh nhau rỉa những bợn tưa ấy trên mình mẹ một cách vô tư để thưởng thức ngon lành. Nhìn đàn con no nê, phục hồi sinh lực, mẹ Chuối Hoa vô vùng sung sướng”. Qua trang văn của tác giả khiến người đọc nghĩ đến bao người mẹ trong cuộc sống mưu sinh vội vàng, tấp nập, giữa dòng đời hối hả này. Đó là người mẹ của cô bé học trò trong truyện với gánh hàng rong rủi buổi trưa nắng chang chang để có tiền cho con ăn học. Người mẹ sẵn sàng hy sinh bản thân vì con.   

   Nhân vật cá Chuối Hoa mẹ không những là hình ảnh ẩn dụ về người mẹ vất vả, tảo tần, sẵn sàng hy sinh mà còn khắc họa ở ước mong cho tương lai của con. Người mẹ không phải chỉ nhìn ở hiện tại, mà còn nhìn ở tương lai. Trong xã hội này không ít những người mẹ, người cha như thế. Họ vất vả lo con ăn học để con bay cao, bay xa trong vùng trời mới tốt đẹp hơn, để chúng có một tương lai tốt hơn cha mẹ chúng đã từng trải qua. Nhân vật cá Chuối Hoa mẹ còn được khắc họa ở nội tâm sâu sắc, ở lời nói kiên quyết, dứt khoát đầy quyền lực của người mẹ để thúc giục các con mau chóng theo nguồn nước ra sông sinh sống mặc cho người mẹ ở lại trong sự thiếu vắng, cô đơn: “Bằng mọi cách, các con phải vượt khỏi cái ao tù này để ra sông. Nơi ấy mới là đất sống, sẽ không còn đói khổ.” (tr. 5)

   Nghệ thuật trần thuật

   Cốt truyện Chuối Hoa đơn giản (chỉ là chuyện của con cá), thành công của truyện đến từ vai người kể và cách thức kể chuyện của tác giả. Chuối Hoa được kể từ ngôi thứ ba, là người biết hết mọi chuyện, kể tất cả những gì xảy ra với nhân vật. Trong suốt diễn biến các sự kiện liên quan đến mẹ con Chuối Hoa – người kể chuyện luôn tỏ thái độ độc lập, khách quan của mình, nhưng ẩn đâu đó là tâm trạng ưu tư, thâm trầm, thương cảm. Nhất khi cuộc sống quá khó khăn, bị đẩy đến đường cùng thì người mẹ đã quyết định làm việc táo bạo, đánh đổi mạng sống của mình cho con. “Cái nắng nung gay gắt kéo dài lê thê hết ngày này sang ngày khác, mang theo những cơn gió khô nóng rát. Nước ao mỗi ngày một cạn. Thức ăn mỗi ngày một hiếm. Chuối Hoa dẫn đàn con đi lùng sục khắp nơi, thỉnh thoảng mới có năm ba con kiến gió từ đâu trên bờ rơi xuống, thế là lũ con lại tranh nhau, con được con không! Nhiều khi đói quá chúng phải cắn cả rong rêu để lót dạ. Đến lúc gần như không còn gì cho đàn con sinh sống, nhìn chúng ngày thêm gầy gò, ốm yếu tong teo, Chuối Hoa mẹ hết sức đau lòng. Vào một buổi trưa, ánh mặt trời như lửa đổ xuống ao, nước càng nóng dữ, đàn con phải lẫn nấp vào trong bóng cỏ để thở. Bụng đói cồn cào, sống dở chết dở, chúng khóc lóc, kêu gào rất thảm. Chuối Hoa mẹ tìm mãi không biết cách nào để cứu lũ con, cuối cùng quyết định, một quyết định hết sức táo bạo. Chuối Hoa phải phóng lên bờ, cứ nằm thế để cho ánh nắng chói chang đốt vào da thịt. Làn da đẹp đẽ thế kia se lại, khô dần. Rồi đàn kiến từ đâu ùn ùn kéo đến, bám vào mình mẹ mà cắn, mà rứt. Chuối Hoa đau đớn không dám cựa mình, nghiến răng chịu đựng. Khi đàn kiến phủ lên đầy mình, Chuối Hoa lấy hết sức để phóng xuống nước. Khi tấm thân của mẹ trở về với nước, lũ kiến lập tức nổi lêu bêu lên mặt ao. Chuối Hoa con vô cùng phấn khởi, tranh nhau lao lên mặt nước cắn mồi.”

   Điểm sáng tạo nghệ thuật tự sự ở chỗ đôi lúc tác giả chuyển điểm nhìn trần thuật và ngôi kể sang cho nhân vật trong truyện là “cô giáo”. Sự thay đổi ngôi kể được đan xen tự nhiên, làm cho kết cấu truyện lồng truyện mang lại hiệu quả cao nhất, người đọc rút ra nhiều bài học, nhiều suy ngẫm hơn. “Một hôm, Chuối Hoa vừa phóng lên bờ, đàn con dưới ao nhìn theo hốt hoảng, chúng đồng thanh thét lên một tiếng kinh hoàng!. Con mèo hoang từ đâu phóng tới. Chuối Hoa mẹ nhanh chóng nẩy mình lên để phóng về nơi cũ, nhưng không kịp nữa rồi, con mèo kia càng nhanh hơn, thân hình của Chuối Hoa đã nằm gọn trong đôi vuốt mèo khủng khiếp. Không còn lối thoát, biết cuộc đời của mình đến đây xem như chấm dứt, thế là xong, nhưng chợt nghĩ đến đàn con đói khát đang chờ mẹ dưới ao, Chuối Hoa chảy hai dòng nước mắt. Kể đến đây, cô giáo lặng im. Cả lớp lặng im. Bỗng một tiếng “nấc” vang lên từ góc bàn bên phải. Cả lớp quay nhìn. Nước mắt bạn ấy long lanh chảy xuống gò má. Bạn đứng dậy, nghẹn ngào nói:

   - Cô ơi! Đừng kể nữa!

   Cô ngạc nhiên hỏi:

   - Vì sao?

   Bạn ấy lau nước mắt:

   - Em sợ lắm!

   Hóa ra, khi tìm hiểu, mới biết mẹ của em trưa nào cũng gánh hàng đi bán. Trời càng nắng thì mẹ mới bán hết được hàng để nuôi con. Em học trò nước mắt vẫn chảy dài trên má:

   - Tại sao cô để cho mèo bắt mẹ Chuối Hoa!?

   Bây giờ thì đến lượt mắt cô rưng rưng. Cô quay nhanh lên bảng để giấu học trò. (Tr.4)

   Nên mở nút cho kịch tính này, qua lời kể tiếp theo của cô giáo, cũng là ý đồ hết sức nhân văn của nhà văn, để cho con mực xuất hiện giành mồi, Chuối Hoa mẹ mới có điều kiện thoát khỏi vuốt mèo trở về với đàn con dưới ao nước.

   PHẦN KẾT 

   Đượm tình thương và giàu sức biểu cảm, trang viết của tác giả Võ Nguyên đã đem lại cho người đọc, nhất là các em thiếu nhi những bài học sâu sắc về cuộc đời, về sự hy sinh lớn lao của người mẹ. Sáng tác của tác giả vừa góp phần làm phong phú diện mạo văn học tỉnh nhà, góp thêm một cách nhìn cảm động về tình mẫu tử vào dòng chảy chung của văn học dân tộc, là tác phẩm khá phù hợp với tâm lý tình cảm tiếp nhận của thiếu nhi. Cuộc sống dù bộn bề, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, nhưng những câu chuyện trong sáng viết cho thiếu nhi của tác giả vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận, trân trọng, xem đó là món quà, như viên ngọc long lanh mà ở đó giúp các em có thể soi vào để thấy tâm hồn mình cần luôn được giữ gìn hướng thiện, nhằm thanh lọc cho tình cảm luôn được trong sáng.      

 

 

   TÀI LIỆU THAM KHẢO
   1. Lại Nguyên Ân chủ biên (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia  Hà Nội, Hà Nội.
   2. Hà Minh Đức chủ biên (2008), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
   3. Huỳnh Như Phương, (2021), Tác phẩm và thể loại văn học, Nxb ĐHQG - TP. Hồ Chí Minh.
   4. Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử: Về Thi pháp thơ Đường  - Nxb Đà Nẵng, 1997.
   5. Tập truyện ngắn Khát mùa chim di trú - Võ Nguyên, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2010; tái bản lần 3, năm 2013