Tình quê ấm áp

23/01/2024 15:29
159

HOÀNG NGỌC THANH


Lúc nhỏ ở quê, điều kiện thiếu thốn, lấm lem bùn đất, nhìn anh chị họ ở thành phố sạch sẽ đủ đầy mà ngưỡng mộ. Mỗi lần nghe ai đó nói “người nhà quê” thấy ngượng ngùng tủi thân lắm. Bây giờ, sau bao năm sống ở chốn thị thành đông đúc, thấy yêu lắm hai chữ quê nhà, như chốn bình yên để nhớ, để về.

   Về quê, rũ bỏ náo nhiệt của phố phường, yên ả đón mặt trời mọc trên những ruộng vườn xanh mướt. Nhìn từng giọt sương mỏng manh tan chảy dưới tia nắng đầu ngày. Ngắm đàn bò thong dong vừa đi vừa gặm cỏ, bầy vịt kêu quang quác kiếm mồi dưới đồng ruộng mới gặt xong. Nghe tiếng ếch nhái, ễnh ương rền rĩ sau những cơn mưa dầm, tiếng ve ra rả vào ngày nắng cháy, tiếng dế réc réc dưới ụ đất sau vườn.

   Về quê, những món ăn dân dã không bao giờ cạn. Cắp rổ đi hái lá me non, nấu nồi canh chua cua đồng, ngắt đọt rau lang mơn mởn xào tỏi, thêm vài con mắm cá, là có bữa cơm ngon lành. Ngày mưa, ra sau vườn hái nấm mọc trong mấy bụi chuối, nửa kho tiêu, nửa nấu canh với lá bình bát mọc dại bên rào, thơm ngon giòn ngọt. Dây bình bát ở Bắc Bình quê tôi khác với cây bình bát ở miền Tây, lá nấu canh ăn rất ngọt, trái chín chuyển màu từ xanh thẳm sang đỏ rực, vị chua chua. Lúc nhỏ chúng tôi thường hái mấy trái đỏ mọng tranh nhau ăn, có khi làm đồ hàng, bứt thêm mấy cọng cỏ gà, gom lá mít tết đủ hình đủ kiểu, bấy nhiêu đó chơi cả ngày không biết chán.

   Người nhà quê, gặp mặt gọi nhau thằng Cu, con Cọc, cái Đẹt … Ông bà quan niệm đặt tên xấu cho dễ nuôi. Những cái tên tròn trịa cũng bị phát âm địa phương làm cho méo mó: Hoan thành Hon, Khoa thành Kho, Bướm thành Bớm… Hồi mới lên thành phố học, gặp đứa bạn từ thuở mặc quần thủng đít. Tôi vui mừng, gọi: “Bủm ơi, Bủm à”, nó trốn biệt, không dám nhận bạn.

   Thuở nhỏ, xóm tôi nghèo từ đầu trên tới cuối ngõ, lâu lâu mới được bữa ngon. Nhà nào có món gì, cũng phần cho xóm giềng. Đứng bên hàng rào trồng bằng cây me thấp tè, í ới gọi nhau: thím Chín bưng tô canh chua; cô Hai cầm mấy con cá khô. Đến giờ tôi vẫn nhớ đám giỗ ở quê. Hàng xóm, có gì góp đó, tối đến tụ lại gói bánh tét, bánh ít, làm bánh bò, bánh bông lan, tiếng cười nói chuyện trò rôm rả. Hôm sau, cúng xong ăn uống no say, mỗi người còn phần mang về, đủ loại bánh trái. Mỗi lần được cho món gì, anh em tôi xì xụp chia nhau, vét cạn đáy, còn xuýt xoa thòm thèm. Mẹ tôi thường nói, mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn.

   Lúc tôi đưa mẹ về quê, cậu Năm lẳng lặng đạp xe đi về gần ba mươi cây số, mua ếch òn đãi hai mẹ con. Cậu nhỏ choắt, da sạm đen vì sương gió, cọc cạch đạp chiếc xe cũ kỹ. Ghi đông lủng lẳng chùm ếch òn, gương mặt nhăn nheo nở nụ cười tươi rói, món này chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa, em mua cho chị ăn. Bữa ăn đó ngon nhất chính là món ếch òn cậu mua về, nó thấm vị mặn của giọt mồ hôi, chứa vị ngọt của người quê đón tiếp kẻ phương xa.

   Tới nhà chú Sáu mua trái cây, chú cười: “Tụi bây như con cháu trong nhà, cho chứ bán buôn gì.” Chú cho thêm chuối, đậu trong vườn. Thùng lớn thùng nhỏ, lỉnh ca lỉnh kỉnh, như người đi buôn.

   Những món quà quê, dù chỉ là hạt đậu củ khoai, trái chanh nải chuối nhưng thấm tình thương mến của người dành cho người, đó là thứ mà không gì thay thế được. Giờ đây, khi ai hỏi, cô là người thành phố hay ở tỉnh. Tôi sẽ ưỡn ngực tự hào, tôi ở quê. Hai chữ quê nhà nghe thân thương quá đỗi. Bởi nơi ấy có hồn quê bình dị và tình quê ấm áp như thế.