Nỗi khát

15/12/2023 00:00
183

NGUYỄN DŨNG


Không phải là một cuộc hẹn trước để gặp nhau. Cũng không phải là cuộc gặp mặt thường niên của những người lính cựu chiến binh thời trước. Chúng tôi, những người lính chiến thời 79 - 84 của thế kỷ trước ở mặt trận Tây Nam, trở về quê nhà  quê hương Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận). Đằng sau cuộc chiến, có đứa được lành lặn trở về, nhưng cũng có nhiều người đã mãi mãi ra đi. Có đứa lại vô tình bỏ quên chân, quên mắt, quên tay. Chiến tranh! Dù có biện hộ thế nào cũng không thể che giấu đi một sự thật đau lòng. Đó là nỗi mất mát! Nhưng đó là sự hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp nhất của một con người, của một công dân, của một dân tộc. Đó là sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia khi đất nước bị xâm lấn và đó cũng là sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc. Giúp bạn là tự giúp mình.

   Tàn cuộc chiến, về đến quê mỗi người mỗi ngả, cuộc sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, quê hương đất nước còn nghèo. Từ đó chúng tôi biền biệt cách xa nhau, tình đồng đội cũng vơi đi một ít. Mặc dù là vẫn sống chung trong một tỉnh, hai đầu cũng không xa quá hơn 200 km. Cho mãi đến năm 1999 mới thật sự có lần gặp mặt đầu tiên tại hội trường Tỉnh Đội để kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đoàn 5504, quân tình nguyện Việt Nam của tỉnh Thuận Hải. Nỗi mừng dâng tràn, niềm vui đong đầy trong từng đôi mắt của những người lính chiến dạn dày sương gió năm xưa. Nói sao cho hết, nói sao cho cạn lời của những ngày gian khổ. Nằm rừng ngủ núi, ven bụi ven bờ. Sông sâu núi thẳm, dốc ngược cheo leo. Bao lần tiến công, bao lần phòng thủ. Bao lần chiến dịch hành quân truy quét địch. Bao lần trận địa chiến, mấy lần tao ngộ bất ngờ bên những cánh rừng sâu. Và sau những lần chiến đấu, dù cho có thương tích hoặc hy sinh, nhưng lại tăng lên rất nhiều tình thương yêu đồng chí đồng đội, rồi ngầm thề siết chặt tay nhau. Người này kể, người kia giành nói chen vào như sợ không còn kịp nói. Hớn hở vui mừng vì còn có dịp gặp lại nhau. Ngày đi suýt soát tuổi 20, giờ gặp lại đã đến tuổi 40, vẫn còn lừng khí thế. Hỏi nhau nếu đi đánh nữa, mày có đi không? Nếu là chính nghĩa, đánh để giữ trọn vẹn đất nước mình thì chí trai thời binh lửa. “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Cuối cùng là bữa tiệc chia tay, biết bao kỷ niệm thương yêu nói sao cho hết được lời. Từng nhóm ôm vai, bắt tay tạm biệt để về lại đời thường. Và cũng từ đó bọn chúng tôi những người trong đơn vị cũ đã có được địa chỉ của nhau. Đã có những cuộc gặp thường xuyên hơn theo dịp thường niên hay đột xuất. Đến nỗi sau này mỗi lần gặp lại đã hình thành câu hát “Ai đã gọi là ta phải đi” để đánh dấu những lần gặp lại, lúy túy say trong vòng tay bè bạn, những người bạn từ bốn phương trời, vì lý tưởng quê hương mà được gặp nơi đây. Tình đồng đội chan hòa, kê thêm cái ghế, để thêm cái chén, cái ly cho những người đã mất không về. Phút mặc niệm ban đầu để nhớ về những chiến sĩ, người bạn đã hy sinh trên chiến trường đất giặc.

   Địa điểm mà chúng tôi chọn để họp mặt gặp nhau là một ngôi nhà vườn bên chân núi Cố ở phường Phú Hài, Phan Thiết. Ngôi nhà vườn này giờ là một quán ăn nổi tiếng do có khung cảnh đẹp, gió mát từ dưới hồ nước thổi lên, cả khuôn viên rộng rãi của khu vườn lại nằm tựa bên chân núi, nên rất đẹp, cùng với thức ăn ngon của các loại đặc sản vùng miền. Chúng tôi gặp nhau không ngồi trong quán cùng thực khách, mà xếp riêng một góc dưới tàn cây mát bên hiên nhà, với cây đàn guitar để sẵn bên giá nhạc. Vài vòng khai lộ trôi qua là đến lúc rượu vào lời ra, lại đến lúc đờn ca sáo thổi. Những khúc quân hành, những bản nhạc đời lính chiến, và cuối cùng là sự lắng đọng, không gian như chùng xuống khi mỗi đứa thì thầm kể lại nhau nghe về những ngày gian khổ.

   Trung đoàn bộ E29 – F307, những ngày ở Preah Vihear. Tỉnh kết nghĩa với quê hương Thuận Hải chúng tôi.

   Theo từng điểm chấm sẵn trên bản đồ tác chiến, chúng tôi lặng lẽ, căng mắt cảnh giác và di chuyển len lỏi băng qua những đồi khộp thưa, qua những trảng rộng le rừng, đi sâu vào những cánh rừng già nguyên sinh của vùng Đông Bắc Campuchia truy tìm quân địch. Đi chen cạnh bên những con đường hành lang và những ao hồ có nước mà cấp trên dự đoán là có chỗ đóng quân hay dừng chân trú tạm của địch. Một ngày, hai ngày, ba ngày, đoàn quân đi dần sâu vào trong đất bạn, quyết truy tìm cho được hang ổ của bọn diệt chủng khát máu. Từ ruộng vườn sông biển ra đi, chúng tôi là những người lính tuổi đời vừa mới 18 - 20. Có biết rừng núi nhiều cũng chỉ trong sách vở, đến bây giờ mới chứng kiến ngọn nguồn. Nhiều ngày trong rừng, đi giữa bầy muỗi vắt, sâu đo kiến độc, có khi cả ngày không thấy ánh sáng mặt trời. Chỉ một màu sương khói mờ mờ, ẩm thấp âm u, từ 9 giờ hơn là trời đã đổ mưa. Mưa như trút nước, trời đất tối sầm, không gian bao la ngả nghiêng chuyển động theo những hàng cây cổ thụ già cao vút. Gió từng cơn thổi thốc vào khuôn mặt, sấm chớp lóe sáng đầy trời, tia lửa loằng ngoằng chạy trên khắp vòm cây. Mưa ào ào trút xuống theo từng cơn gió vụt đến giật gào. Một khung cảnh cuồng nộ khủng khiếp của thiên nhiên, nhưng chỉ nói lên một phần gian khổ chịu đựng của chúng tôi với chỉ một tấm tăng buộc chặt vào cổ áo. Mưa hơi ngớt, tiếp tục di chuyển đội hình đến những vùng tương đối cao trong tư thế hành quân, dưới chân nước ngập đến nửa ống quần, vẫn bì bõm băng đi cho kịp đến nơi tập kết. Có khi mưa lũ tràn đến cả hai ba ngày, không nổi được lửa để nấu cơm, chỉ chia nhau từng bịch gạo sấy cầm hơi. Đôi chân rã rời vì cứ trời tạnh là đi, một nửa phần chân luôn ngâm trong nước, cơm sấy tay cầm vừa đi vừa nhai. Chừng độ 3 giờ chiều mà trời đã muốn tối đen, tìm đến điểm cao nơi nước chưa kịp đến, cả đơn vị ai cũng ướt và lạnh cộng cùng với cái đói. Đào một cái hố hơi sâu, đi tìm mớ củi rừng khô chưa kịp ướt đem chất đầy dưới hố. Chặt thêm một ít nhánh lá cây rừng để đắp phủ ngụy trang che đi ánh sáng, chúng tôi nổi lửa để hong khô quần áo, xua đi cái lạnh của rừng sâu. Đun sôi chút nước nấu vội chén trà, còn than cời nướng cháy mấy con khô, cố ăn xong thì trời đã tối sầm. Tiếng rừng đêm còn thêm những điều xa lạ đối với những người lính trẻ miền quê. Nằm trên võng đắp tăng mà vẫn lạnh co ro, nhưng cái rét của rừng sâu không làm chúng tôi nhụt chí. Chốt gác tựa cạnh gốc cây to, mặt quay ra ngoài tay ghì chặt súng, mắt tai vẫn sẵn sàng tư thế xung phong. Có đứa không yên giấc ngủ, lọ mọ trở mình rồi xuống võng, đi đến đống than hồng ngồi hong để chờ trời sáng. Tiếng thú rừng rúc gào trong đêm nghe đến rợn người, đến rạng sáng thì chợt vang trời tiếng khỉ bầy gọi hú kêu đàn, tiếng chim rừng lanh lảnh hót vang, và ôi thôi dưới đất là vô số các loại côn trùng lạ đang bò lổn ngổn, kể cả rắn rít và bọ cạp cũng tìm nơi khô ráo như chúng tôi. Bọn chúng bò đi ngang qua chỗ đóng quân, thản nhiên đi trước mũi giày, leo lên những rễ gốc cây nổi cuộn, rồi lặng lẽ chui vào các hang hốc nào mà chúng thấy an toàn. Trong mùa mưa, với những lần hành quân tìm địch như thế, bọn chúng tôi rồi cũng dần quen, dần cũng biết cách chế ngự và chịu đựng. Nhưng cái nỗi dầm mưa ướt lạnh, lội nước bơi sông, đi ngược suối để không còn dấu vết hành quân. Cơm chưa ăn mà đã rã rời từng hạt bởi nước thấm của mưa rừng. Ba bốn ngày có khi không thấy bóng mặt trời, đi trong lặng lẽ thâm u của rừng sâu nước bạn. Với một trái tim đập tràn máu Việt hùng anh, cùng một đôi vai mang nặng tình quốc tế với nhiệm vụ thiêng liêng, cứu bạn là tự cứu mình.

   Khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi Đông Bắc Campuchia, chạy nghiêng về phía Tây đến giáp với Thái Lan chỉ cách một con sông. Trong một năm chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Cái mùa mưa dầu sao cũng dễ trôi qua, còn mùa khô mới thật là khốn khó.  Mùa khô, chúng ta càng tăng cường hơn ở mặt trận chủ động tiến công, thì phía địch ngược lại cũng ra sức phá hoại, phục kích phản đòn. Cường độ đụng trận giáp nhau luôn xảy ra và mức cảnh giác hoàn toàn rất cao. Có khi bước ra khỏi khu vực đóng quân chừng cây số là đã luôn đụng địch. Thành ra kế hoạch hành quân tác chiến, đều được phổ biến sâu trong toàn đơn vị, công tác hậu cần cho mỗi chiến dịch hành quân đều cẩn thận và đầy đủ. Nhưng tất cả cũng chỉ là lý thuyết chuẩn bị, còn thực chiến có khi còn rắc rối hơn nhiều. Mùa mưa, đi trong ao hồ sông suối, nước ngập liên miên, trời luôn mù mưa tối, quần áo ít lúc nào khô. Sang đến mùa khô thì hoàn toàn ngược lại, mặt trời nóng cháy luôn đổ xuống mặt đất, rừng cây, trên suốt chặng đường hành quân của đơn vị. Cái nắng nóng của mùa khô, giữa đỉnh trưa như muốn thiêu cháy tất cả núi rừng và những sinh vật đang ở trên mặt đất. Cái nắng hành quân cũng gian nan không kém gì mưa lũ. Rừng khộp trơ cành bởi lá non chưa ra kịp, suối cạn, khe hồ khô nhanh từng giọt nước, Lượng nước dự trữ mang theo mỗi ngày dần cạn, đi suốt mấy ngày chưa thấy được dòng sông, cả đoàn quân đi trong cơn khát dày vò. Bao gạo trên vai mấy ngày không vơi cho nhẹ bước, bởi thiếu nước nấu cơm chỉ để dành nước uống. Đôi chân mỏi nhừ vì vẫn thẳng hướng hành quân. Đồng đội tôi có đứa đã lả người gục ngã vì mệt và khát. Nhưng lệnh hành quân chỉ cho nghỉ lại ven rừng một lúc rồi lại phải dìu nhau đi.

   NẮNG,  NÓNG,  KHÁT. Từng cơn ào tới, cũng hiểm nguy như những lằn đạn của quân thù, đôi mắt mơ màng như trông thấy con suối cạn ngẩn ngơ. Những đọt le rừng cũng héo khô vì khát nước, chỉ mong đợi đến đêm về vươn ngọn hứng hơi sương. Nhưng Tổ quốc ơi! Dù có khát đến bao lần, chúng tôi vẫn đứng vững nơi đây vì nhân dân bạn. Lính chiến chúng tôi đã đến lúc dạn dày mưa nắng, đã được trui rèn trong lửa đỏ, mưa bùn, với một quyết tâm sắt son không gì lay chuyển nổi. Tổ quốc. Quê hương. Lòng thủy chung là chân lý nghĩa nhân. Giữ vững niềm tin: Giúp bạn là tự giúp mình.

 

   Nỗi khát 

   Mưa đầu mùa giật từng cơn xối xả
   Nước tràn về đâu còn con suối cạn hôm qua
   Đoàn quân đi vẫn vững vàng, vội vã
   Nước lũ reo không ngăn được bước hành quân
   Chúng tôi đi áo sũng, nước bết quần
   Nắm cơm trưa đẫm nước mưa rời từng hạt
   Dừng bước chân giấc ngủ chẳng yên
   Vì gió lay tăng, giọt mưa đêm tạt

   Gió từng cơn xua cành cây xào xạc
   Không ngăn được nhiều cái nắng cháy mùa thu
   Nắng cũng gian nan không kém gì mưa lũ
   Nắng xém trên cành, lốm đốm lá nhành hoa
   Ôi cái nắng sao thật là kỳ lạ
   Như muốn thiêu, đốt cháy cả núi rừng
   Nắng nóng khô nhanh theo từng mạch nước
   Đoàn quân đi trong cơn khát dày vò
   Bao gạo trên vai hai ngày không vơi bớt
   Bởi vì không có nước, lửa không reo
   Nắng nóng mang theo, níu vai dần nặng
   Đồng đội dìu nhau có người khát lả
   Rừng khộp chạy dài, họng cháy, rộp bàn chân
   Gượng dậy rồi lại thẳng hướng hành quân.
   Nắng. Nóng. Khát!


   Mỗi cơn đến bỗng căng như đường đạn
   Lại một lần nhìn con suối cạn ngẩn ngơ
   Sỏi đá bơ vơ, tìm nước đâu bây giờ
   Thấy nước nhiều lần nhưng là thấy trong mơ
   Đọt le rừng cũng héo khô vì khát nước
   Đợi đêm về vươn ngọn hứng hơi sương
   Đoàn quân ra đi với tất cả tình thương
   Tình quốc tế xua tan cơn khát nước
   Qua gian nan nuôi thêm lòng căm giận
   Đi giết thù, giải nỗi hận cho dân
   Tổ quốc ơi! Dù khát đến bao lần
   Chúng tôi đứng vững nơi đây vì nhân dân bạn
   Đời lính chúng tôi, mưa dày, nắng dạn
   Giúp bạn trọn tình, đó là tự giúp ta.

   Anh bạn tôi thổn thức! Bài thơ này không phải của riêng tao! Tao chỉ giữ bài thơ từ dưới đáy ba lô cho đến ngày tan chiến trận. Vì tao chỉ viết mấy câu, rồi cả Tiểu đội góp nhau mỗi người một ý. Nhưng giờ đây, bạn bè có thằng không còn nữa. Câu thơ nó còn đây mà nó đã không còn. Không nhiều đứa còn nhớ bài thơ, nhưng bài thơ chép xong tao giữ mãi trong lòng. Hôm nay ngồi đây tao đọc mấy câu đầu, còn nguyên bài thơ mai mốt tao sao rồi gửi cho các bạn.      

(Viết theo lời kể của một CCB ở đơn vị E29–F307. Trung đoàn bộ)