Thương Hoài...Nục Mọng, Ve Châm

14/10/2020 00:00
1137

NGUYỄN DŨNG


Trời vần vũ kéo mây đen kịt một góc mặt biển, sấm chớp đùng đùng rồi cơn mưa ập tới. Mưa ào ào như trút nước một hồi là tạnh, mây tan nhanh, bầu trời sáng lại, trong xanh như chưa có cơn mưa vừa vụt tới, như không có việc gì xảy ra, mặt biển màu nước đục xanh. Mùa mưa ở các tỉnh phía Nam thường đến vào đầu tháng 4 âm lịch. Mùa mưa đến cũng là mùa bắt đầu sinh sôi, nảy nở của các loài hải sản, trong nước biển mùa này có rất nhiều vi sinh vật là thức ăn chủ yếu của các loài cá nhỏ mới lớn. Phiêu du trong nước theo đàn chừng tháng thì cá con vừa lớn cỡ chừng mút đũa, ngón tay. Khi vừa được bằng ngón tay thì thiên nhiên hào phóng lại có thêm những chuỗi thức ăn khác để cho cá lớn. Đàn ruốc đông vô kể, đi đỏ cả mặt nước, có khi vô gần sát cả bờ, và dĩ nhiên đàn ruốc đi đến đâu thì đàn cá con theo đến đấy. Không những chỉ cá mà cả con người cũng được hưởng nguồn lợi trời ban này. Sáng chiều, từng dàn lưới rùng, lưới dụi kéo ruốc lẫn cá rộn cả một vùng biển. Thiên nhiên, đất trời và vạn vật cũng đồng điệu với nhau, trong khi ở biển các loài đón mưa mà sống, mà lớn lên thì trên mặt đất, cây cối cũng đâm chồi nảy lộc. Sau vài cơn mưa bất chợt vụt xanh tươi, lá non ra mướt mắt. Rau cỏ tự nhiên mọc đầy trong vườn ngoài ngõ, cây me già trước cổng cũng cựa mình cho lún phún từng chùm, từng nhánh lá non xanh.

   Tiết trời nóng nực, nắng như nung, trưa chiều mọi vật đều như cứng lại, cứ bức rức, bần thần khó chịu. Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đây đều sẽ cảm nhận được cái nắng tháng 4 ở vùng đất cực Nam này. Những tháng ngày khó chịu do thời tiết nhưng cũng ngập tràn những ký ức qua từng lớp tuổi thơ và từng tuổi trải. Nhớ những lúc vào mùa, cứ sáng sáng, chiều chiều, nhiều ghe đi biển tấp vào bãi ngang để gỡ cá mang lên chợ, hay từng nhóm lưới rùng đang kéo chầm chậm từng bước vào bờ, mang theo đủ loại tôm cá, mà trong đó nục mọng, ve châm giăng đầy cả lưới. Cá nục mọng là các loại cá nục ở lúc còn nhỏ bằng cỡ ngón tay, khi lớn lên chúng sẽ thành nục lỡ, nục suông, nục gai, nục sồ, có con lớn bằng cổ tay. Còn cá ve châm thì không lớn, loại này lớn lắm cũng chỉ cỡ ngón tay mà thôi. Đất trời, tạo hóa cũng sắp bày mọi việc, mỗi một giống, một loài đều có một số mệnh. Riêng cái giống cá này có chức năng là thêm một chuỗi thức ăn theo qui luật sinh tồn cho các loài khác kể cả con người.

   Cá nhỏ, thịt mềm, thơm ngọt, có xương mà cũng như không, nấu kiểu nào ăn cũng dân dã, mặn mà theo kiểu người Phan Thiết. Cá tươi được bán theo ký hay theo mớ, cứ lường bằng mắt rồi bán đại cho mau, cá nhỏ mà lại nhiều nên dễ tính. Thêm năm ba gánh mua từng thúng rồi tất tả, vội vàng quơ chồng xịa tre chất vào thúng, quảy lên vai, bươn chân chạy về các miệt quê cận thành như Phú Tài, Tiến Lợi, Xuân Phong để bán nhanh cho kịp. Người mua mang về rửa sạch rồi bóp bỏ mang và ruột xong để phấn cá đã sạch qua một bên. Có nhiều món để nấu nhưng nấu canh chua với lá me non để ăn cho mát ruột vào mùa nóng nực này là ngon nhất. Còn để có món mặn mòi ăn kèm với cơm và bún hay cháo sáng thì món kho hành ớt với tóp mỡ và kho keo với nước mắm đường tiêu là không chê vào đâu được. Giã một cối hành ớt, thêm một ít nước mắm vào rồi ướp chung cá. Nấu nồi nước chờ sôi một dạo, vò nhẹ lá me non trong lòng bàn tay thả vào nước, chờ cho sôi lại thì trút cá vào nồi, sôi thêm hai dạo nữa thì nêm nếm cho vừa miệng ăn là được. Cơm nóng nấu gạo Nàng Sậu hay gạo Ba Thóc mới, cứ bới cơm rồi chan canh vào chén, cá gắp một lần hai ba con chấm vào chén mắm ớt, cho vào miệng rồi nhai nghe ngọt ngọt, chua chua, mằn mặn, húp thêm miếng nước canh, nhai nắm lá me non có pha thêm mùi hành ớt, nghe mát cả một mùa hè.

   Cá nục mọng và ve châm mà kho hành ớt trong nồi đất có thêm ít tóp mỡ xắt hạt lựu, thú thật không đất trời nào hiểu thấu tại sao nó lại ngon đến thế. Cũng đơn giản là hành ớt ướp vào cá, thêm mắm muối và chút đường, chút màu, kho nhẹ lửa một hồi là cá chín, nhưng muốn có một nồi cá kho ngon thì phải kho đi, kho lại vài lần cho thấm. Cứ thấy nước cạn xuống dưới cá thì thêm nước vào, như vậy vài lần cá vừa thấm, vừa mềm. Để thưởng thức loại cá kho này cho đúng điệu thì có nhiều cách ăn. Bới chén cơm, múc một vá cá kho cho vào chén, ăn hoài, ăn mãi cũng còn thèm. Kho để qua đêm, đến sáng sớm có gánh bún con ngang qua ngõ, mua một vài ký tùy theo rồi hâm lại nồi cá kho, ăn xong ra đồng làm hoài mãi không thấy đói. Thêm một ít rau sống, lấy bánh tráng gạo hoặc mì nhúng nước, cuốn cả rau, cả cá và bún, cả nhà cứ ngó nhau rồi mạnh ai nấy cuốn. Buổi chiều không có mồi gì cho các bậc cao niên, cứ nướng vài cái bánh tráng dày, hâm lại nồi cá rồi múc ra, thêm ít rau thơm. Hớp một ly, bẻ miếng bánh tráng nướng, xúc ít cá cho vào miệng nhai nghe dòn rụm, nhón thêm vài cọng rau nữa cho thơm. Còn món kho keo sền sệt nước nước mắm đường tiêu, sáng sớm ra nấu nồi cháo trắng, cả nhà ăn nhớ mãi. Quả thật, quê hương đong đầy trong những món ăn mộc mạc, nhẹ nhàng không cầu kỳ nhưng dù có đi đâu vẫn nhớ và thương hoài nục mọng, ve châm.