Truyện ngắn của ĐINH ĐÌNH CHIẾN
1. Cô vợ bạn tui, một cô giáo thích với công việc lau dọn đến mức ghiền. Cô luôn cặm cụi với từng mi-li- mét ngôi nhà. Bước vào ngõ cái sự sạch sẽ quá mức đôi lúc cũng làm cho khách ái ngại. Nhưng mà tính cô ấy nó thế:
- Vào đi, mang cả giày vào. Khỏi cởi.
Cái gì trong nhà sau ba tháng không dùng đến là A-lê-hấp dẹp ngay. Vậy nên có lần không thấy cái máy scan ảnh bạn hỏi vợ máy đâu? Vợ nói lâu không thấy anh dùng lúc sáng cho bà ve chai rồi. Lão bạn kêu trời không thấu.
Nhà sạch, cái gì trong nhà cũng sáng choang. Cái tủ thờ cẩm lai cũ đóng từ năm 1990 vậy mà lên nước nổi vân thành tuyệt đẹp. Chỉ có cái ảnh cụ thân sinh bạn tui thì quá cũ. Ảnh chụp từ hồi đen trắng qua thời gian bây giờ bị nổ lốm đốm. Tôi hỏi sao không đi phục chế lại. Bạn nói đem đến nhiều thợ nhưng ai cũng bảo không làm được. Mà thật bây giờ chỉ còn cái dáng của khuôn mặt còn thì chỗ mờ, chỗ chỉ còn khoảng trắng. Bạn nói đây là nỗi buồn nhất của tui với anh chị em trong nhà vì tui hứa là sẽ phục hồi được. Vậy mà chịu. Vừa nói mắt bạn rưng rưng. Bạn là thế, hễ chạm đến một nỗi niềm nào đó là cứ rưng rưng. Thấy vậy tôi nói để đó tôi lo vì tôi có một cậu bạn hồi năm 1989 cùng học vẽ truyền thần. Sau này tôi bỏ còn chú em vào thành phố vừa làm vừa học. Nay trở thành họa sĩ có tiếng. Với yêu cầu bây giờ bạn tập trung tất cả ảnh của anh chị em lại. Rồi ghi chú khuôn mặt ông giống ai cái gì cứ ghi vào, chú thích cẩn thận, càng nhiều thông tin càng tốt. Tôi lo, chậm thì sáu tháng. Nhanh thì ba tháng có ảnh. 8 ngày sau tôi có 5 tấm ảnh anh chị em nhà bạn và 3 trang A4 thông tin.
Ở tuổi 54 bạn tôi vẫn lãng mạn, sự lãng mạn của hiệu ứng người già. Có lẽ bắt đầu cái độ tuổi U60 người ta càng ngấm sự đời nên thiết tha cuộc sống. Bạn thường đứng ngồi thất thần và hay mủi lòng, dù chỉ là việc cỏn con. 4 tháng sau tôi mang đến nhà tấm ảnh của ông cụ bằng chất liệu sơn dầu. Tay bạn run run mở dây và tấm lót bức tranh. Khi nhìn được hình ông cụ thì bạn khụy xuống, ôm bức ảnh khóc.
- Ba tui, hình ba tui đây mà. Ba ơi, con nè, Nguyện nè ba.
Sau cơn xúc động, bạn nắm tay tôi: - Ông đã giúp tôi làm một việc có mơ tui cũng không nghĩ tới. Cảm ơn ông nhiều lắm.
Nửa tháng sau, Nguyện tay đùm tay gói vượt trăm cây số đến thăm tôi.
- Chị với mấy đứa em tui ngoài quê gửi cho ông đây, bắt tui phải mang đến tận nhà để thay mặt đại gia đình cảm ơn ông và người bạn họa sĩ của ông. Mọi người mừng lắm khi tui chụp lại bức ảnh in lớn, đóng khung gửi về. Nhiều ông bà trong làng cũng tìm đến xem bức ảnh. Nhiều người còn xuýt xoa giá mà có được tấm hình đẹp như thế!
Ít dịp bạn đến thăm. Chiều nay tôi nói với bà xã là bọn anh có hẹn nên không ăn cơm nhà. Tôi chở bạn đi lòng vòng một số nơi. Đến nhá nhem tôi đưa bạn đến một quán mì có tiếng.
- Chào chị, tui có anh bạn nhớ món đặc sản quê nên chở đến nè. Rồi quay sang nói với bạn:
- Mì Quảng có tiếng. Toàn dân nhà ông cả đấy.
- Rứa anh ở mô? Tui ở Đại Lộc
- Tui Quế Sơn...
Câu chuyện quê và những câu chuyện về mì quảng quê râm ran. Khi chủ quán bưng tô mì ra anh bạn tui nhìn nhìn săm soi từng thứ rồi lẩm bẩm với tôi: - Đúng rồi, lá mì phải thoa dầu. Tô mì có đậu phộng rắc lên. Rau sống phải có thêm bắp chuối. À đây rồi bánh tráng dòn dòn để bên. Bát mì nước chỉ lúp xúp. Có thêm bát nước nhân kế bên ai cần thêm thì cứ việc. Nói thế nhưng bạn tôi vẫn ngó ngó tìm tìm. Chị chủ quán bước đến : - Tui biết anh tìm gì rồi. Có phải anh tìm thứ này không? Vừa hỏi chị vừa đưa ra 3 trái ớt.
- Đúng rồi, không có loại ớt xanh trái to là không đúng gốc. Ớt này cắn cái nghe dòn, mùi cay bốc lên mũi thế mới đã.
Tôi ăn, bạn tui cũng thong thả ăn nhưng hắn đằm lại không nói gì. Nguyện rụt rè húp chút nước, gắp chút mì, rồi đưa trái ớt lên cắn cái bụp, cánh mũi hít hà mở ra co lại. Một lúc bạn lấy khăn giấy xì mũi.
- Ông khóc à?
- Không, không! Ớt hơi cay…
Tối về nhà tôi, hai người ngồi bên ấm trà, bạn tui thú nhận ở quán mì quảng bạn đã khóc:
- Nhớ ngày còn sống, ông nội tui đi làm ngoài đồng về ngồi vào cái bàn gỗ, hai chân xoa xoa, đập đập vào nhau rồi ngồi xổm cả hai chân lên cái băng ghế dài. Bà nội bưng tô mì cho ông, bàn tay bà mở ra một nắm ớt xanh to, dài, thứ mà ông tui ghiền nhất. Ông vừa ăn vừa rù rì nói chuyện với bà.
Nguyện nói trong sự xúc động: - Đó là kỉ niệm về nội tui, nhớ về ông tui muốn khóc.
2. Thấy bạn nhớ quê mà rưng rưng tôi cũng chạnh lòng. Đêm đó tôi kể cho bạn nghe về chuyện của mình:
…Theo thói quen cơm tối xong tôi ra bàn uống nước và xem chương trình thời sự của VTV1. Hai đứa con đang tranh luận về phần mềm nào đó trên tiktok.
- Hai đứa tránh sang một bên dành chỗ cho ba uống trà, xem thời sự. Vợ tôi nói với hai đứa con rồi đặt ấm trà xuống bàn nhẹ tay rót nước.
Tivi vừa bật lên đã thấy cô phát thanh viên khẩn cấp thông báo:
- Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa kéo dài nhiều ngày đã gây ngập lụt lớn ở huyện...
- Ơ lụt ở quê ba kìa. Con gái lớn đưa tay chỉ. Thằng em hưởng ứng:
- Nhà cửa ngập trôi lênh láng...
Nói rồi hai chị em lại tiếp tục bàn về chuyện gì đó về tiktok trên mạng.
Tôi hoang mang dán mắt vào màn hình. Chỉ ảnh hưởng áp thấp thôi sao mà ở quê ngập lụt ghê thế. Đồ đạc, trâu bò cùng với cây, gỗ trôi xiết trên sông. Một số gia đình vật dụng nổi lềnh bềnh. Có gia đình bồng bế nhau trèo lên mái nhà để trú. Tay tôi run run cầm tách trà vợ đưa, chưa kịp đưa lên miệng tách trà rơi xuống khay cái xoảng. Nước bắn tung tóe. Tôi ôm ngực.
- Ông sao thế? Vợ dồn hỏi.
- Tôi đau, đau lắm bà ạ.
- Ông đau ở đâu, có làm sao không? Lũ lụt tai ương luôn xảy ra có phải chỉ mới lần này đâu!
Đưa tay đập đập vào chỗ trái tim mình: - Đau ở đây bà ạ. Tôi nói trong hơi thở gấp: - Mình từng là nhà giáo dạy dỗ hàng chục thế hệ học trò... thế mà con mình mình không biết dạy.
- Ông nói ý gì tôi không hiểu!
- Bà thấy chưa, con mình một đứa học đến đại học năm nhất, một đứa học lớp 10, chúng được tiếng là ngoan và học giỏi. Vậy mà khi thấy ở quê bị lũ lụt chúng chỉ nhìn một cách thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra. Tui nghĩ hết biết. Không chỉ quê bố, mẹ mà đáng ra bất kì ở nơi nào trên đất nước mình và cả ở nước nào đó trên thế giới chúng cũng phải có sự chia sẻ, cảm thông chứ. Sao chúng lại vô tình như thế!
Khục khặc ho: - Mình chỉ chăm chút dạy con chữ nghĩa mà quên đi việc trước tiên dạy con cách làm người phải biết thương yêu. Đến quê mà chúng cũng chỉ nói một câu tỉnh queo “quê ba kìa...”
Tui buồn quay sang vợ:
- Vậy quê của chúng ở đâu hả bà? …
Bạn an ủi: - Trẻ con bây giờ đứa nào cũng thế không riêng gì mấy đứa con nhà anh. Chúng mình làm bố làm mẹ chiều chuộng chúng nó quá. Làm thay chúng, nghĩ thay chúng tất tần tật. Chỉ yêu cầu chúng một việc là học thật giỏi. Sai là ở đó.
- Cả đêm và mấy ngày sau đó tôi không chợp mắt ông ạ. Lâu nay mình cứ tưởng nhà trường sẽ dạy tụi nhỏ hết mọi thứ thông qua nhiều môn học. Chúng được học cả tình yêu quê hương đất nước từ tiểu học, trung học cơ sở và ở trung học phổ thông. Nhưng nghiệm lại cách dạy của chúng ta hơi giáo điều, sách vở, chỉ biết tụng theo cách thuộc bài để trả lời câu hỏi của thầy. Chúng có nhập tâm đâu.
- Ông nói đúng. Các môn xã hội học trò học đối phó nên nhanh chán, chóng quên. Cái tâm không để vào đó thì làm sao mà yêu cho được. Các bác ở trên còn cho rằng giáo viên không biết cách dạy.
- Năm nay bộ đã cải cách, đã thay sách, đã chú ý dạy kĩ năng, đưa phương pháp dạy tích hợp vào chương trình.
Ông bạn chậm rãi: - Thay sách nhưng rồi cũng để thử xem sao. Nhưng theo tôi dạy cho con trẻ yêu quê, yêu hàng xóm láng giềng thì bố mẹ phải chịu trách nhiệm chính. Không thể đẩy hết cho nhà trường được. Tôi ngẫm cả đêm đó ông ạ.
Vẻ mặt bạn vẫn không hết bàng hoàng. Sáng ngày chia tay bạn nói:
- Lỗi của ông là không đưa vợ con thường xuyên về thăm quê.
Bạn nói đúng. Cả chục năm tôi không đưa vợ con về. Quê tôi một vùng cát nghèo. Nhớ cái lần gần nhất cũng đã mười năm. Về quê, hai đứa nhỏ lòng vòng lối xóm. Hôm sau không biết đi đâu. Chúng nằng nặc đòi về lại trong Nam. Rồi sau khi mẹ tôi mất tôi không đưa vợ con về mà chỉ về một mình.
3. ... Nghe lời bạn, 27 tháng chạp tết Giáp Thìn tôi đưa vợ con về thăm quê. Bây giờ con tôi đã lớn. Chúng hiểu sau lần tôi đánh đổ ly trà và vợ tôi luôn nhạy cảm về chuyện quê nên ý tứ nhắc hai đứa nhỏ. Về quê lần này có thể một phần vì thương ba mà chúng hồ hởi lên đường. Cả nhà thống nhất đi tàu lửa để trải nghiệm.
17 giờ 30 phút đến nơi. Cả nhà ra sân ga. Tôi nháo nhác tìm chiếc taxi vì về đến nhà còn 25 km nữa. Bất ngờ một đoàn xe máy ào tới.
- Con chào cậu mợ.
- Con chào chú thím, anh chị.
- Con chào hai bác…
Tôi trố mắt, thì ra chị tôi đã bố trí một đoàn ra ga đón.
- Cháu là Hòa, cậu nhớ rồi, còn… mấy đứa…
- Cậu làm sao nhớ được bọn cháu. Đây là Hải con chú Thái. Đây là, đây là …
Một cô gái nhanh nhẹn chen ngang:
- Con mới là nhân vật được mọi người nhắc đến lúc nãy… chị An còn nhớ ngày trước về em rủ chị và mấy người đi tắm sông. Nghe tin bác gái hốt hoảng. Lần ấy con bị đánh một trận ra trò bác gái còn nhớ không?.
Mọi người cười vui. Vợ tôi sực nhớ: - Con là Châu, con gái chú Khánh, lớn thế này rồi à!
- Gần 10 năm rồi mà bác.
- Thôi, về nhà tha hồ mà kể. Bây giờ lên xe…Hòa kết thúc câu chuyện rồi sắp xếp từng người, từng xe.
Con đường từ ga về quê băng qua cánh đồng, mùa này lúa đang lên xanh, tiếng sóng lúa rì rào, thoảng hương. Tôi bồi hồi nhớ về những chuyện ngày xưa…
Mồng 4 tết, lại một đoàn rồng rắn tiễn chúng tôi ra ga tàu. Con gái lớn của tôi ôm chầm chị tôi mà khóc.
- Cô ơi, con sẽ luôn về quê. Bây giờ con mới hiểu tại sao ba con hay nhớ quê mà khóc!
*
Tôi kể lại cho Nguyện về chuyến thăm quê. Nguyện vui và triết lý:
- Tôi nói đúng không? Nhà trường dạy về tình yêu quê hương đất nước nhưng chỉ là nêu khái niệm. Còn các bậc cha mẹ phải biết thổi cái hồn quê cho lớp nhỏ. Đó vừa là trách nhiệm nhưng đó cũng là hạnh phúc.
Tôi không bàn gì thêm.