Rượu cần của người Raglay

19/06/2023 00:00
419

HUYỀN TRÂN



Các thành viên trong tổ nấu Rượu cần ở Phan Lâm (Bắc Bình)

 

Trong đời sống của đồng bào Raglay ở Bình Thuận, Rượu cần đóng một vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong các nghi lễ, lễ hội, đám cưới, Rượu cần là thức uống không thể thiếu. Rượu cần được xem là nét văn hóa vật chất - tinh thần của mỗi gia đình và cộng đồng người Raglay. Vì vậy, năm 2022, xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có chủ trương thành lập Tổ nấu Rượu cần do Hội phụ nữ xã Phan Lâm đảm nhiệm,vừa nhằm bảo tồn, phát huy nghề nấu rượu cần truyền thống của dân tộc vừa giúp các thành viên trong tổ có nguồn thu nhập ổn định.

   Một trong những người có tâm huyết giữ gìn, quảng bá thương hiệu Rượu cần - giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong suốt thời gian qua là bà Đào Thị Tuyên ở xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình.

 

   Bà Tuyên sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao Phan Sơn, huyện Bắc Bình, năm 16 tuổi bà đã được mẹ dạy cách nấu Rượu cần. Mỗi dịp lễ tết hay gia đình có khách, bà đều phụ mẹ chuẩn bị Rượu cần. Nhiều lần như thế, cái hương vị cay nồng, ngọt nhẹ của Rượu cần đã in đậm trong tâm trí bà. Theo năm tháng, dần dần bà đã biết cách ủ rượu cần, tiếp nối nghề này của gia đình.

 

   Bà Tuyên cho biết: gia đình bà vốn có truyền thống nấu Rượu cần nên ngay từ nhỏ bà đã làm quen với quy trình làm rượu cần. Khi quyết định khởi nghiệp về nghề truyền thống này, bà Tuyên dành thời gian tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông những thông tin liên quan đến sản phẩm Rượu cần, từ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đến cách ủ men và nhận thấy nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này ngày càng tăng cao, đặc biệt là vào dịp lễ hội, tết đầu lúa. Hiện nay, cứ 2 tuần bà Tuyên nấu 1 đợt, mỗi đợt nấu được 30 ché Rượu cần. Rượu bà nấu có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng được bà con trong làng khen ngợi. Dần dần thương hiệu Rượu cần nhà bà Tuyên được nhiều khách hàng trong làng, trong huyện Bắc Bình và trong tỉnh biết đến. Vừa qua, trong dịp tết đầu lúa và tết Nguyên đán, bà con trong làng và khách các nơi đặt mua rất nhiều, bà nấu ra hàng trăm ché rượu trong dịp này mà còn bán không đủ với nhu cầu mua của bà con và khách hàng. Mỗi ché bà bán từ 100.000 - 450.000 đồng, tùy vào ché lớn hay nhỏ, hay mua luôn cả ché rượu. Hiện nghề nấu Rượu cần đã mang lại nguồn thu cho gia đình bà khá ổn định, sau khi trừ đi chi phí.

 

   Cũng theo bà Tuyên, việc làm một ché Rượu cần không khó nhưng muốn làm Rượu cần ngon thì phải có bí quyết riêng. Với bà, bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nằm ở loại men và cách phối men. Theo kinh nghiệm của bà Tuyên, hiện bà sử dụng loại men làm từ lá rừng mà bà mua từ tỉnh Lâm Đồng về. Sau khi có men thì nấu cơm để nguội rồi rải đều men lên và cho vào ché, lấy lá chuối hoặc bị ni long bịt kín miệng rồi để nơi thoáng mát. Thời gian để ủ phải kéo dài 2 tháng mới có thể chiết xuất ra rượu để dùng. Rượu cần càng để lâu hương vị càng thuần đậm đà và thơm ngon hơn.

 

   Để có thể nấu Rượu cần, trước tiên phải có men, sau đó thổi gạo thành cơm và rải đều để cơm tự nguội, sau đó trộn đều với men và cho vào ché. Nếu thời tiết thuận lợi, thao tác đúng kỹ thuật thì sau 1 tháng là rượu lên men, dậy hương và có thể sử dụng.

 

   Có thể nói, đã từ lâu địa phương đã từng bước thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Rượu cần là một trong những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên và mang tính định hình văn hóa đặc trưng của người Raglay, nhưng sự du nhập của các thức uống công nghiệp quá mạnh nên rất ít bạn trẻ tìm hiểu về loại thức uống này. Vì thế đa số rượu cần đang thương mại trên thị trường đều do người lớn tuổi sản xuất. Chính vì vậy, nhằm bảo tồn, phát huy nghề nấu Rượu cần truyền thống của đồng bào Raglay. Năm 2022, xã Phan Lâm đã có chủ trương thành lập Tổ nấu rượu cần, với 6 thành viên tham gia do Hội phụ nữ xã Phan Lâm đảm nhiệm, trong đó bà Tuyên làm tổ trưởng và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

 

   Chị Đặng Thị Thái Thuận – một thành viên trẻ tuổi đang theo học nghề nấu Rượu cần chia sẻ: Với mong muốn ổn định cuộc sống và được ở gần gia đình, những thành viên phụ nữ trẻ tuổi này đã theo học cách nấu Rượu cần từ bà Tuyên. Nghĩ là làm, song hành với việc học nghề nấu rượu cần, các chị đã tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về những thông tin liên quan đến sản phẩm rượu cần, từ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đến cách ủ men, cách vận chuyển. Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, đặc biệt là hình thức mua Rượu cần làm quà biếu hay sử dụng vào dịp lễ, tết đầu năm, các chị đã bắt tay vào làm Rượu cần. Sau mẻ rượu đầu tiên bị chua không uống được, thì những mẻ sau đã có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng, được các bậc trưởng bối trong xã thừa nhận.

 

   Với tham vọng khởi nghiệp bằng nghề làm rượu nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà Tuyên và các thành viên trong Tổ luôn đặt tiêu chí ngon, sạch, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên với cách ủ gia truyền để tạo nên những ché Rượu cần mang vị ngọt tự nhiên truyền thống. Hiện tại bình quân mỗi tháng Tổ sản xuất 60 ché Rượu cần lớn nhỏ theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng. Riêng những tháng đón tết đầu lúa, tết Nguyên đán nhu cầu cao hơn nên tổ khởi nghiệp nấu rượu cần này sản xuất với số lượng lớn. - Chị Đào Thị Ngọc Tha, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Lâm cho biết.

 

   Để giúp cho tổ khởi nghiệp nấu Rượu cần thành công và mang lại hiệu quả, bà Tuyên đã luôn cống hiến hết mình để địa phương thực hiện đạt nhiều mục tiêu trong chủ trương này. Những trường hợp như bà Tuyên và các thành viên trong tổ khởi nghiệp nấu rượu cần chính là yếu tố tích cực để giúp địa phương vừa bảo tồn, các giá trị văn hóa dân tộc, vừa nâng cao đời sống kinh tế cho bà con trên địa bàn xã. Mặc dù, bà Tuyên có nhiều đóng góp, cống hiến rất nhiều trong việc bảo tồn và gìn giữ nghề nấu Rượu cần truyền thống của đồng bào mình tại địa phương xã Phan Lâm, nhưng bà Tuyên lại rất khiêm tốn. Bà cho rằng, những việc làm của mình là trách nhiệm với cộng đồng, với đồng bào của mình. Đó cũng là đức tính mà lâu nay bà đã không ngừng rèn luyện, học tập theo Bác.

 

   Hiện nay, các thành viên trong tổ khởi nghiệp nấu rượu cần đang ấp ủ ý định sẽ đưa sản phẩm rượu cần của mình đến với nhiều người hơn, đồng thời tiếp thị sản phẩm tới các cửa hàng trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường. Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng tất cả các thành viên trong tổ đã tìm ra hướng đi phù hợp để khởi nghiệp. Qua đó, truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên, những thế hệ trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương để lập thân lập nghiệp trên chính quê hương mình.