Truyện ngắn của KIM BẰNG
1.
Không hiểu sao, trong cuộc đời - nghĩa là từ lúc trưởng thành biết cảm nhận, lo toan, yêu ghét… và biết thương nhớ bóng hình một người khác phái-cái gì anh cũng nghĩ một nửa, nói một nửa và làm một nửa. Không ai biết trong đầu anh có nghĩ điều gì tới nơi tới chốn không, nhưng anh luôn nói và làm một nửa. Đàm đạo với anh, không ai biết anh đang nói về đề tài gì, sẽ kết thúc câu chuyện ở đâu và ý kiến của anh về điều đó như thế nào? Nói chuyện với người không có chính kiến nghe cũng chán nên bạn bè dần dần xa lánh anh, chỉ còn lại vài người ngồi lim dim như triết gia để nghe anh độc thoại. Nói về chân lý anh cũng nói một nửa, nói về sai lầm anh cũng nói một nửa; nói về đúng sai phải trái anh cũng nói kiểu lấp lửng, lưng chừng. Có người bực bội phê phán anh thì anh biện hộ rằng: Không có gì tuyệt đối cả. Trong trời đất cũng có âm có dương, có ngày có đêm, có nắng có mưa, có đực có cái, có trắng có đen, có lửa có nước… nghĩa là phàm cái gì phải có ngược lại thì nó mới bổ sung nhau, mới sinh sôi nảy nở và tồn tại được! Người biết điều thì gọi anh là ông Tương Đối, ông Trung Dung; kẻ châm chọc thì gọi anh là ông Hàng Hai, ông Ba Phải. Ai gọi gì thì gọi, riêng anh tự nhận mình là ông Nửa Vời.
Nửa Vời làm cũng vậy. Nghĩa là cũng nửa nạc nửa mỡ. Đang làm cỏ anh bỏ đi tưới cây. Tưới cây chưa xong thấy xoài hườm hườm bèn trèo hái một mủng đem dú. Dú xong lại ra vườn làm cỏ tiếp. Bực mình, vợ anh la: “Những người như ông, y học gọi là người có bệnh trầm uất, là xì-trét, ông biết không?”. Anh cười hề hề: “Kệ tui, ai gọi gì thì gọi, riêng tui khi xong việc thì ba việc đó phải xong cùng một lúc…hè… hè…”. Vợ anh cười huề rồi nói vói theo: “Cũng may chuyện đó ông làm tới nơi tới chốn, chớ nửa vời thì chết với tui!”. Anh cười vô tư như chẳng có gì bận tâm, chuyện nhỏ mà! Hì…hì…
Đọc sách cũng vậy. Đọc cuốn này chưa xong, anh bỏ dở tới tủ sách lục tìm quyển khác. Đang đọc văn học, đọc tới trang có đụng tới triều đình phong kiến, anh bỏ đó đi tìm “Việt Nam sử lược” … để xem người ta viết có đúng không… rồi quên luôn không thèm đọc nữa. Nghĩa là anh bị phân tâm, bị đãng trí, bị chi phối bởi nhiều thứ quá đến nỗi nhiều lúc quên luôn cả chính mình, cả thời tiết đang nắng chang chang còn anh thì mãi nhớ về những cơn mưa thơ ấu nhiều nước mắt…
2.
Cơn mưa đầu mùa mịt trời mịt đất, anh đeo giỏ đi bắt cua. Cua đồng nấu với thứ gì mà ăn chả ngon? Muốn đơn giản thì rửa sạch rồi rang muối nhắm với rượu gạo là số một! Anh lầm lũi đi trong mưa, mỗi bước đi là mỗi bước nhớ mẹ đến nhói lòng. Nhớ bát canh cua nấu với cây chuối hột, với chùm ngây rau nhớt, nhớ mắm cua hột vịt, nhớ cua ram sả ớt…và những ngày xưa mẹ bì bõm dầm mưa lạnh cóng dưới đồng sâu. Cha mất sớm, một mình mẹ thân cò bươn chải sớm hôm nuôi ba con bữa no bữa đói. Với con cua, mẹ đã chế biến thành nhiều món hợp khẩu vị cho lũ con có bữa cơm ấm áp bên bếp tranh nghèo…
Anh mang giỏ cầm cái cần độc theo sau mẹ trong cơn mưa ướt sũng. Cái áo tơi của mẹ, tấm ny-lon choàng cho con, không có ý nghĩa gì trước những cơn gió ngang tàng đang xuôi rồi trở ngược, lộn tùng phèo lật trước ra sau. Tiếng mẹ sau hai hàm răng lập cập: “Cua bò lên bờ nhiều như vầy là sắp lụt đây! Ráng chút nữa nghe con?”. Thấy cua nhiều quá, mẹ cũng ham mà anh cũng ham. Khi giỏ cua đã gần đầy thì bỗng nghe phía đầu suối tiếng nước ầm ào như một cơn thác đổ. Mẹ anh la lên hốt hoảng: “Không kịp rồi con ơi! Lũ cuốn! Lũ cuốn…”. Con suối Tà Nùng bình thường những ngày anh đi tắm trâu trông hiền hòa là thế mà hôm ấy nó hung dữ như một con trăn nước khổng lồ. Tiếng sầm sập, ầm ào, va đập xen lẫn tiếng Cu Tư: “Chiều nay mẹ về được ăn mắm cua, ngon lắm!”. Nó chép chép miệng rồi nuốt nước miếng nghe cái ực. Con Bé Ba lườm em: “Mày chỉ được cái háu ăn, mẹ ram khô để dành giở cơm đi học!”. Thằng Cu Tư vẫn một mực đòi làm mắm cua chưng hột vịt, nó giậm chân khóc thét, tiếng nó oang oang, ầm ầm, ào ào nghe như gió rít, như nước xoáy cứ cuốn hút vào trôn ốc, vào cái phễu khổng lồ rồi tung bọt ra trắng xóa cả một vùng trời đêm sũng nước.
Khi tỉnh lại anh thấy mình nằm trên bụi duối, còn mẹ anh thì bị con trăn nước cuốn đi vĩnh viễn không về…
3.
Phải chi nửa chừng mẹ anh về nhỉ? Phải chi khi được nửa giỏ cua anh nài nỉ đòi về? Phải chi đừng ham đầy giỏ thì bây giờ anh đâu mồ côi cả cha lẫn mẹ? Suốt đời anh cứ luôn trăn trở chuyện đầy vơi, hơn thiệt. Bây giờ chuyện gì đối với anh chỉ một nửa thôi là đủ! Nhưng biết thế nào là một nửa khi cái giỏ của lòng ham muốn thì khôn cùng?
K.B