Về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh khen một đơn vị bộ đội ở Bình Thuận

14/12/2023 00:00
743

HÀ NGÂN



Bia chiến thắng Lầu Ông Hoàng ngày 14/6/1947 (Xây dựng năm 2004)

Trong quá trình tìm tư liệu để phục vụ công việc, chúng tôi tình cờ đọc được một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có liên quan đến một đơn vị bộ đội của tỉnh Bình Thuận vào thời điểm năm 1948. Đó là vào dịp kỷ niệm “1.000 ngày kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết đăng trên báo Vệ Quốc quân (tiền thân báo Quân đội nhân dân hiện nay) số 25, phát hành ngày 19/6/1948, nhan đề “Các tướng sĩ yêu mến tiến lên!” để biểu dương “những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang”. Trong bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến tên một đơn vị bộ đội ở Bình Thuận.

   Nội dung bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

   “Các tướng lĩnh yêu mến tiến lên!(1)

   Nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, tôi được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy báo cáo thành tích trong cuộc luyện quân lập công vừa rồi. Tôi rất vui lòng rằng các bộ đội đều cố gắng tiến bộ.

   Những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang nhất là các bộ đội sau đây:

   - Các đơn vị Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
   - Các đơn vị sông Lô.
   - Trung đoàn 10,15, 1 ở Khu VII Nam Bộ.
   - Các đơn vị Dương Văn Dương Mỹ Tho.
   - Trung đoàn Cao Bằng.
   - Trung đoàn Thủ đô.
   - Đơn vị Ký Con.
   - Trung đoàn Dũng Cảm ở Bình Thuận.
   - Các đơn vị sông Đà, sông Mã.
   - Trung đoàn Quyết Thắng, Thừa Thiên và nhiều đơn vị khác.
   - Trung đoàn Thăng Long.

   Tôi cũng phải nhắc đến những bộ đội du kích phụ lão và phụ nữ cùng các chú liên lạc đã tỏ ra rất oanh liệt, đã làm cho thế giới biết rằng: người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sĩ yêu nước và dũng cảm, tranh đấu hy sinh cho Tổ quốc.

   Song những tiến bộ và thành tích ấy mới là bước đầu. Trong cuộc Thi đua ái quốc tới đây, các bạn phải tiếp tục tiến bộ mau hơn nữa, nhiều hơn nữa. Các bạn phải thi đua nhau đánh những trận to lớn hơn nữa, giết nhiều giặc, cướp nhiều súng hơn nữa.

   Các bạn phải thi đua xung phong trước mặt trận để làm gương xung phong thi đua cho đồng bào hậu phương.

   Tôi chắc các bạn sẽ làm được như thế, cũng như tôi chắc kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất độc lập nhất định thành công”.

   Trung đoàn Dũng Cảm ở Bình Thuận là đơn vị nào

   Để tìm hiểu “Trung đoàn Dũng Cảm” ở Bình Thuận được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi là đơn vị nào, chúng tôi tìm đọc các tập: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập 1 (1930-1954), Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận 1930 – 1954, Bình Thuận 30 năm kháng chiến (1945-1975), Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Bình Thuận, Trung đoàn 812 - Cực Nam Trung bộ…nhưng đều không thấy tên “Trung đoàn Dũng Cảm”. Tuy vậy, để có cái nhìn toàn cảnh hơn, dựa vào các tư liệu đã nêu trên, chúng tôi điểm lại những nét chính về quá trình ra đời, hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận từ tháng 8/1945 đến tháng 6/1948 (thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo: Các tướng lĩnh yêu mến tiến lên!).

   Chiều 24/8/1945, tại đồn bảo an, toàn thể binh lính bồng súng chào lá cờ đỏ sao vàng, giao nộp 30 khẩu súng trường cho cách mạng. Quân Bảo an được đổi tên thành Giải phóng quân, do Đoàn Tử Bảy chỉ huy chung, gồm 02 đại đội: Đại đội 1 - Đại đội trưởng Tôn Thất Trì, Đại đội 2 - Đại đội trưởng Cao Huy Tốn. Chiều 25/8/1945, tại sân vận động thị xã, diễn ra buổi mít tinh mừng chính quyền thuộc về nhân dân. Tại buổi mít tinh, nổi bật đội ngũ chỉnh tề của những người lính đầu đội mũ ca lô màu cỏ úa, giữa có ngôi sao năm cánh, súng trong tay, nét mặt rạng rỡ. Những người lính bảo an giờ đã trở thành Giải phóng quân. (Sau này, ngày 25/8/1945 là ngày truyền thống, thành lập lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận)(2)

   Trong thời gian tạm hòa hoãn với thực dân Pháp, Trung ương Đảng tập trung củng cố lại lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71-SL đổi tên Vệ quốc đoàn(3) thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam giải thể các chiến khu, thành lập các đại đoàn và các chi đội giải phóng quân đổi thành trung đoàn. Đại đoàn 27 chỉ huy các trung đoàn 79 (Đắc Lắc, Phú Yên), 80 (Khánh Hòa), 81 (Ninh Thuận), 82 (Bình Thuận).

   Ngày 25/6/1946, Trung đoàn 82 được thành lập, Ban lãnh đạo gồm: Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giáo, Chính trị viên Nguyễn Sắc Kim, Trung đoàn phó Nguyễn Đức Tuyến, Tham mưu trưởng Phan Hạo, Trưởng ban chính trị Vương Gia Khương. Trung đoàn có 3 Đại đội gồm: Đại đội Phan Đình Phùng hoạt động ở Hàm Thuận, Đại đội Hoàng Hoa Thám hoạt động ở Hàm Tân và Đại đội Quang Trung hoạt động ở 3 huyện phía bắc tỉnh. Cơ quan chỉ huy Trung đoàn đóng tại Hố Đất. Đến tháng 9/1946, Trung đoàn điều Đại đội Phan Đình Phùng vào hoạt động ở Hàm Tân thay cho Đại đội Hoàng Hoa Thám về hoạt động ở Hàm Thuận.

   Sau khi lực lượng vũ trang tập trung và các đội tự vệ được củng cố, phong trào đánh địch diễn ra sôi nổi. Trung đoàn 82 và du kích các địa phương đánh địch ở Rẫy Thơm, Triền, Dân Thạnh, Rạng, Sông Lũy, Bình Lâm, Xuân Bình, Ma Lâm, La Gi, Tân Lý, Tam Tân tạo nên một phong trào thi đua giết giặc rộng khắp…  Tháng 6/1946, Đại đội Phan Đình Phùng đánh đồn Rạng và Phú Hội, nhân dân vui mừng phấn khởi, bọn tề vệ hoang mang dao động. Trong tháng 7/1946, Đại đội Quang Trung đánh địch ở Xóm Lụa, Thái An…hỗ trợ phong trào cách mạng ở đây phát triển.

   Sáng 14/6/1947, một tiểu đội của đơn vị Hoàng Hoa Thám do Nguyễn Minh Châu(4) chỉ huy cải trang thành lính địch, có 3 người lính lê dương theo cách mạng tham gia đóng vai quân Pháp đi tuần đã đánh kỳ tập vào đồn Lầu Ông Hoàng. Đồn này đóng trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ở Phú Hài nhằm kiểm soát con đường từ Phan Thiết đi Mũi Né và bảo vệ thị xã từ phía Đông. Khi lính gác thấy nhiều quan, quân tưởng là cấp trên đi kiểm tra nên bồng súng chào. Tiểu đội tiến vào đồn, tên đồn trưởng cũng vừa ngủ dậy, vội vàng đón tiếp. Người hàng binh đóng giả quan hai (thiếu úy) đưa thư cho tên đồn trưởng. Chớp thời cơ, tiểu đội nổ súng diệt tên đồn trưởng và chiếm các vị trí quan trọng. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng loạn, không kịp đối phó. Trận đánh diễn ra trong 10 phút, ta diệt 20 tên địch, thu 01 đại liên Vickers, 01 trung liên Bren, 02 tiểu liên, nhiều thùng đạn, lựu đạn, súng trường và quân trang, quân dụng...Đây là trận đánh kỳ tập đầu tiên trên chiến trường Bình Thuận, mở đầu cho cách đánh truyền thống của bộ đội Cực Nam Trung bộ.

   Ngày 15/7/1947, Đại đội Trần Quốc Tuấn được tăng cường thêm lực lượng của Đại đội Quang Trung, phục kích giao thông ở Cầu Trại (tỉnh lộ 8), tiêu diệt và bắn bị thương gần 60 tên địch, đốt 3 xe quân sự, thu nhiều súng đạn. Ngày 15/8/1947, Đại đội Hoàng Hoa Thám đánh diệt 02 trung đội lính Pháp tại khu vực Mã Thánh (Tân Lý, Hàm Tân). Ngày 20/10/1947, Đại đội Quang Trung chặn đánh 3 xe địch chở lính đi càn ở dốc Bàu Đá (quốc lộ 1, thuộc huyện Tuy Phong), tên chỉ huy vứt cả quân trang, chỉ mặc quần xà lỏn, cắt rừng chạy bộ về đồn Hòa Đa. Những trận chiến đấu trên với nhiều cách đánh khác nhau, nhưng đều mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, đạt hiệu suất chiến đấu cao, đã thúc đẩy phong trào kháng chiến của địa phương phát triển.

   Lời kết 

   Với những thành tích đánh địch lập công của các Đại đội thuộc Trung đoàn 82, chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng, Trung đoàn 82 chính là “Trung đoàn Dũng Cảm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong bài báo đã nêu. Trong công trình Địa chí Bình Thuận, xuất bản 2007, phần lịch sử giai đoạn lịch sử 1930 -1945, sau khi đề cập đến thành tích và sự lớn mạnh của Trung đoàn 82 có viết rằng, “…chính vì vậy mà nhân dịp 1.000 ngày kháng chiến, được nghe báo cáo về thành tích luyện quân lập công của các địa phương trong nước, Hồ Chủ tịch đã biểu dương “những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang” trong đó có Trung đoàn Dũng Cảm ở Bình Thuận…”(5). Tuy công trình Địa chí Bình Thuận không khẳng định rõ ràng “Trung đoàn Dũng Cảm ở Bình Thuận” là đơn vị nào, nhưng qua đó cũng ngầm hiểu, các tác giả muốn nói đến Trung đoàn 82. Đồng thời sẽ có một số nội dung cần làm rõ xung quanh sự việc này như: Việc đề xuất báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện như thế nào? Đơn vị nào của tỉnh Bình Thuận làm việc này? Tại sao gọi là Trung đoàn Dũng Cảm? Hay việc biểu dương và tên gọi Trung đoàn Dũng Cảm do Trung ương chủ động thực hiện?...Hy vọng thời gian đến, trong quá trình tìm hiểu tư liệu sẽ phát hiện nhiều vấn đề sáng tỏ hơn. Hoặc các tướng lĩnh quân sự tỉnh Bình Thuận đọc được bài viết này, biết rõ về vấn đề nêu trên xin chia sẻ thông tin phản hồi. Từ đó có thể mạnh dạn khẳng định một cách chính xác rằng: Trung đoàn Dũng Cảm ở Bình Thuận được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong bài báo ngày 19/6/1948 chính là Trung đoàn 82.      

   Chú thích

   (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5 (1947-1948), Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.564-565. Có bản in đề ngày 19/5/1948. Ở phần các đơn vị được biểu dương có thêm Trung đoàn 1 Hoàng Văn Thọ ở khu VII, Nam Bộ, Trung đoàn 17. Xem Quân sự tập san, số đặc biệt kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến; (2) Quyết định số 93 ngày 22/01/2010 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và kết luận hội thảo lần ba tập Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận 1930 – 1954, tháng 4/2018; (3) tháng 11/1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn; (4) Nguyễn Minh Châu (1921- 1999) bí danh Năm Ngà, sinh tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tháng 8/1945, ông tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng, rồi sau đó tham gia quân đội. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia chỉ huy và chiến đấu tại chiến trường  khu 6.  Ông là một tướng lĩnh cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam, quân hàm thượng tướng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng giữ các trọng trách như Tư lệnh Quân khu 6, Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Tư lệnh Đoàn 232 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân khu 7, Phó Tổng thanh tra Quân đội, Trưởng đại diện Bộ quốc phòng tại phía Nam; (5) Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Địa chí Bình Thuận, xuất bản năm 2007, trang 327-328.