Hàm Tân – vùng tập kết 80 ngày

30/08/2024 22:36
179

CAO HOÀNG TRẦM


Tôi có may mắn sống trên mảnh đất vùng kháng chiến Hàm Tân và có điều kiện biết và thấm đẫm tình cảm cách mạng qua hai cuộc kháng chiến đã cho tôi lớn lên từ phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng. Bây giờ nhìn lại càng sâu sắc, có điều kiện lý giải hơn trong những năm tháng đầy gian khổ ấy... Hàm Tân - La Gi có một sự kiện gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc ta trong chống Pháp, mà đỉnh cao là cuộc tiêu thổ kháng chiến toàn dân toàn diện để giải phóng một vùng rộng lớn, là căn cứ vững chắc, xây dựng hậu phương cho chiến trường phía bắc tỉnh Bình Thuận và miền Đông Nam bộ. Vai trò lịch sử của Đảng bộ và chính quyền cách mạng Hàm Tân - La Gi tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh cuộc kháng chiến thần thánh góp phần cùng cả nước chống giặc ngoại xâm, cũng diễn ra cách đây 70 năm, đó là hội nghị Giơ-ne-vơ đưa đến ký kết ngày 20/7/1954.

   Lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/1954 (Trung bộ) với sự hồ hởi vui mừng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Từ em nhỏ đến cụ già ai nấy như tỉnh một giấc mơ, ngỡ ngàng trước một sự kiện lớn lao chưa kịp nghĩ rồi đây cuộc sống thay đổi ra sao? Tâm tư của những người cán bộ kháng chiến và nhân dân ở lại miền Nam?... Sao lại Hàm Tân - vùng tập kết “80 ngày?”. Rồi quân đội Pháp lại tiếp quản vùng kháng chiến tự do của ta? v.v... Nhưng rồi niềm tin tưởng lớn lao vào Đảng, Bác Hồ đã giúp cho những người ở miền Nam tự giải đáp...

   Hàm Tân - La Gi thuộc vùng tập kết “80 ngày”. Theo lệnh của trên, các lực lượng bộ đội, cơ quan dân chính Đảng toàn tỉnh Bình Thuận về tập kết tại cửa khẩu La Gi - Hàm Tân, trước ngày 15/8/1954 theo quy định. Huyện Hàm Tân - La Gi lúc này là vùng kháng chiến tự do, hoàn toàn tự kiểm soát gồm có 12 xã, số dân khoảng 17.000 người (7/1954).

   Các làng xã vùng ven biển từ Bình Châu (Cù Mi) đến xã Tân Thành thuộc huyện Hàm Tân, đâu đâu cũng nhộn nhịp đón tiếp, đưa “bộ đội mình” về nhà ở. Không riêng gì bộ đội hành quân tập kết mà còn đồng bào từ khắp nơi các xã xa xôi trong tỉnh và từ Phan Thiết vào, các tỉnh miền Đông ra để tìm gặp người thân... đã ra đi từ ngày nào và giờ đây lại sắp đi xa. Còn các má chiến sĩ nữa, các má cũng về La Gi - Hàm Tân để tiễn đưa các con bộ đội đi ra Thủ đô, đi gặp Bác Hồ, gởi “nắm đất miền Nam”. Đất này là mồ hôi nước mắt của bao đời ông cha khai phá, là máu xương của nhiều lớp chiến sĩ quyết bảo vệ quê hương đến cùng.

   Thế là các đơn vị bộ đội, cơ quan cán bộ dân chính Đảng, thương bệnh binh và gia đình, đã về vùng quy định tập kết. Còn các tỉnh bạn có 30 đại đội thuộc các tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận cũng đã về kịp. Đồng bào Hàm Tân - La Gi với tình cảm quân dân - cả nước đón tiếp chan chứa biết bao tình cảm cách mạng, chia sẻ từng bữa cơm, củ khoai, quả chuối, trái dừa tươi, đòn bánh tét... quân dân mở hội mừng vui.

   Trước đó, Hàm Tân đã huy động hàng chục xe trâu, xe bò và dân công lên ga Suối Kiết vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, máy móc về “cửa khẩu La Gi - Hàm Tân” trong điều kiện hết sức khẩn trương. Trước biển La Gi - Hàm Tân, tàu của Ba Lan đang đậu sẵn. Đáng lẽ bộ đội ta xuống tàu tại “cửa khẩu La Gi -Hàm Tân” ngày 30/9/1954, nhưng giờ chót có lệnh phải chuyển vào Vũng Tàu (Ô Cấp). Theo tinh thần hiệp định, Hàm Tân - La Gi vùng tập kết cuối cùng vào ngày 10/10/1954, nhưng ta thực hiện trước thời hạn 10 ngày, tức đầu tháng 10/1954, bộ đội và cán bộ dân chính Đảng đã xuống tàu tại Vũng Tàu để tập kết ra Bắc.

   Cảm động nhất là nhiều đám cưới diễn ra trong lúc chuẩn bị tập kết, buổi chia ly nước mắt mừng vui lẫn lộn... hẹn nhau hai năm trở về, giữ lòng thủy chung, chia tay bằng biểu tượng giơ hai ngón tay. Không phải những người đi tập kết mà còn những người ở lại, đi hay ở là nhiệm vụ thiêng liêng được giao cho mỗi người cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ruột thịt miền Nam. Ta thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Giơ-ne-vơ, bộ đội chiến đấu phải đi tập kết, người kháng chiến khác ở lại sống như dân thường hợp pháp dù người ấy là đảng viên, hay đoàn viên, hẹn nhau hai năm gặp lại sum họp, sau tổng tuyển cử. Vì vậy mà “hai năm” đã trở thành nỗi mong chờ của hàng triệu trái tim người Việt Nam thời ấy...

   Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ấn tượng năm tháng đấu tranh gian khổ và hào hùng của quê hương Hàm Tân - La Gi còn đọng mãi như ngày nào...

   Giữ vững niềm tin sắt son với cách mạng, với Bác Hồ. Lúc bấy giờ cấp trên đã phổ biến kế hoạch một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt ai đi tập kết, ai ở lại. Đi hay ở còn ý nghĩa là nhiệm vụ vinh quang. Nó là nhiệm vụ thiêng liêng được giao cho mỗi cán bộ, chiến sĩ vào vị trí chiến đấu mới. Hoạt động trong điều kiện rút vào bí mật và các hình thức hợp pháp, để tổ chức lại cơ sở, bám sát quần chúng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh chính trị, trước mắt đòi thi hành hiệp định, đòi dân sinh dân chủ.

   Sau ngày tập kết, lãnh đạo huyện ủy Hàm Tân nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Dời cơ quan huyện ủy từ xã Tân Thuận về đóng tại “Bưng Cần Câu” (thuộc xã Tân An ngày nay), để bám sát quận Hàm Tân, đầu não của địch nên kịp thời chỉ đạo phong trào quần chúng. Giờ ta không có chính quyền, không có quân đội như trước, ta dựa vào nhân dân phát động đấu tranh chính trị, dựa vào hợp pháp hiệp định Giơ-ne-vơ, không được trả thù những người kháng chiến (cũ) yêu nước. Lãnh đạo chủ chốt của huyện lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Tiềm (Tiên) làm bí thư huyện ủy Hàm Tân, cùng các đồng chí khác... Phân công phụ trách các mảng trong huyện, chia ra làm 3 vùng (Bắc, Trung, Nam).

   Ngày 10/10/1954 địch tiếp quản Hàm Tân, chúng nhanh chóng kiểm soát vùng kháng chiến của ta và thành lập bộ máy tề ngụy các xã trong huyện. Ngay những ngày đầu chúng đã thực hiện hàng loạt những âm mưu thâm độc, phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ bằng việc tuyên truyền tâm lý chiến, lập luận không có 2 năm tổng tuyển cử?... Tiến hành chiến dịch “tố cộng” trả thù những người kháng chiến (cũ), dùng lực lượng quân sự, công an, mật vụ đàn áp nhân dân ta rất dã man. Trong bối cảnh hết sức gian khổ, phức tạp như chim lồng cá chậu, đối với cán bộ nằm vùng, địch lùng sục hết hang cùng ngõ xóm đe dọa và chiêu dụ ra đầu thú làm việc cho chúng. Một số cán bộ phải chuyển vùng hoạt động, tạm thời ẩn náu... thay tên đổi họ, làm căn cước giả, bảo đảm bí mật để còn tiếp tục nhiệm vụ cách mạng giao. Tình hình địch càng ra sức bắt bớ cán bộ, đồng bào ta hòng làm nhụt ý chí. Điển hình như vụ bắt đồng chí Nguyễn Văn Thanh - nguyên cán bộ thanh niên huyện, đang dạy học tại trường Suối Dứa - La Gi. Trung tuần tháng 11/1954, các mẹ, các chị phụ nữ, học sinh kéo lên đến quận lỵ đấu tranh với địch đòi thả thầy giáo Thanh ra, bước đầu đã thắng lợi. Ngày 6/12/1954, chúng dùng lực lượng Phòng nhì bắt đồng chí Phạm Phú Đạm, nguyên là phó bí thư huyện ủy đang điều trị bệnh tại La Gi, đem về giam khai thác không nắm được tổ chức của ta, nên chúng đem đi thủ tiêu trong vài đêm sau đó... Đầu năm 1955, chúng bắt bốn cán bộ của ta ở Hiệp Hòa (Tân Thắng): Kinh, Chi, Mỹ, Phát - ta còn quen gọi là vụ “Kinh, Chi, Mỹ, Phát”. Lần này được sự lãnh đạo kịp thời, cán bộ cơ sở phát động nhân dân đấu tranh, làm đơn kiện tới tổ Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến đóng tại Vũng Tàu để can thiệp, tố cáo địch vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ, buộc phải trả tự do cho bốn đồng chí của ta. Cuộc đấu tranh mang ý nghĩa thắng lợi về mặt chính trị.

   Ngày 3/2/1956, địch mở cuộc đột kích vào Suối Sâu nơi các đồng chí lãnh đạo đang ở, bắt hụt đồng chí Trần Văn Tình (Ấm) và đồng chí Nguyễn Ngô (Sáu Ninh) lãnh đạo huyện ủy chạy thoát. Chúng bắt được đồng chí Phạm Chí Thành - cán bộ miền ủy La Gi đem về đồn La Gi tra tấn cực hình, nhưng đồng chí Thành vẫn giữ khí tiết, bí mật tổ chức và do không chào cờ ba que, không suy tôn Ngô Tổng Thống, nên chúng đưa ra Côn Đảo. Lúc bấy giờ chúng tôi phát động học tập gương khí tiết cách mạng của đồng chí Phạm Chí Thành.

   Tình hình ngày một gay go, phức tạp... ta thì triệt để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ đấu tranh chính trị với địch, còn địch thì dùng bạo lực “tố cộng, chống cộng” thực hiện nhiều thủ đoạn gian ác, thâm độc, mua chuộc và phân hóa quần chúng, bắt nhân dân ta suy tôn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ. Bày trò “tố cộng” khắp nơi trong huyện, chúng buộc những gia đình có người thân đi tập kết, hoặc đi ra rừng hoạt động phải treo bảng trước nhà “Gia đình cộng sản” đêm đêm phải ra nằm canh giữ cầu đường, kho tàng cho chúng, ly gián gia đình, chòm xóm, rình rập chung quanh nhà mỗi đêm đêm để theo dõi động tĩnh...

   Chúng tổ chức các cuộc tố cộng khắp nơi trong huyện, nhưng lớn nhất là ngày 20-11-1956, tại quận lỵ Hàm Tân cũ (là góc chợ đường Lê Lợi ngày nay) chúng đưa ra 11 người tù đều bị bịt mắt. Người tù đầu tiên mang số 1 anh Nguyễn Tuấn - cán bộ cơ sở bị bắt trong đợt đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Bọn chúng ào đến đánh cho ngã quỵ, máu vọt ra đầy người, cảnh tượng hết sức dã man. Trước tình hình đó ta tổ chức nhiều đợt đấu tranh với Mỹ-Diệm đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, không được bắt bớ trả thù những người kháng chiến cũ, phải hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Các hình thức đấu tranh, treo biểu ngữ, treo cờ tổ quốc, truyền đơn (tờ rơi) lên án Mỹ - Diệm, chống đàn áp, bắt bớ nhân dân, chống lập “khu trù mật”, khủng bố tràn lan hòng đe dọa và chia cắt lâu dài đất nước ta.

   Trong khoảng 5 năm sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ-Diệm thực hiện luật số 10/59, đem máy chém ra Hàm Tân - La Gi để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, thủ tiêu biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trung kiên của ta hết sức dã man. Mỹ - Diệm bắn giết cán bộ, đồng bào ta trong tay không có tấc sắt để tự vệ. Chúng ta không thể để cho chúng cứ giết hại ta?... Chân lý “miền Nam là máu của Việt Nam, là thịt của Việt Nam”. Nhưng nhân dân Hàm Tân - La Gi nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung phải chịu đựng hy sinh... phải chờ đợi cho đến lúc có Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn ra đời đầu năm 1958. Đề cương chỉ rõ: “Con đường cách mạng miền Nam phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng chống lại bạo lực phản cách mạng của địch, phải khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân” và trở thành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959). Nghị quyết còn vạch rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, bằng sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang”. Cán bộ và chiến sĩ được học tập Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã dấy lên không khí hồ hởi, phấn khởi như luồng gió mới, như người vớ được cái phao giữa dòng nước xoáy...

   Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta củng cố thêm niềm tin tưởng vào cách mạng vào Đảng, Bác Hồ. Thanh niên trung kiên ở huyện ta lần lượt thoát ly tham gia lực lượng vũ trang, đội tuyên truyền vũ trang “đội công tác”, đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị, diệt ác, phá kềm diễn ra khắp nơi trong huyện, thị xã. Quần chúng cách mạng đang chuyển thế tiến công áp đảo, làm phá sản chiến lược “tố cộng diệt cộng” của Mỹ - Diệm.

   Đầu năm 1960, “cao trào Đồng khởi” trong huyện ta diễn ra khắp các làng xã cùng cả tỉnh góp phần cao trào đồng khởi miền Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời đã tập hợp lực lượng, tiếng nói chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã đến đỉnh điểm. Bước ngoặt của đường lối chiến lược của Đảng, Bác Hồ với Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959) đã trở thành sức mạnh của bạo lực cách mạng, giáng trả trên đầu bọn Mỹ - ngụy, nối tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giải phóng hoàn toàn huyện Hàm Tân - La Gi ngày 23/4/1975. Góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, Việt Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Chúng ta tự hào với đại thắng mùa xuân năm 1975 càng giữ vững niềm tin trong xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.