Dòng đời nghiệt ngã

01/09/2024 00:55
205

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG


Đến chỗ “cháng ba” là nhà ông Vững. Người ở làng Bùng từ lớn đến bé ai cũng gọi thế. Cháng ba (gần ngã ba) hình thành từ ba con đường giao nhau có cồn đất rộng chừng ba trăm mét vuông nhô lên như cái bót gác tiền tiêu. Ông Vững chọn thế đất cao làm nhà chiều chiều đón gió nồm phóng túng, dạng chân đứng một chỗ quan sát xóm Đình có cây đa to vào dịp lễ hội treo cờ, phướn xanh, vàng, đỏ bay phấp phới. Người ta đánh tan giặc nhặt của quý đem về. Ông Vững phớt lờ với cái ống nhòm kỷ vật. Vợ ông Vững bị giặc thủ tiêu khi thằng Tẫn con ông mới tròn ba tuổi. Rời quân ngũ với hàm Trung tá, ông Vững bằng lòng với số tiền lương hưu sống đắp đổi qua ngày. Thằng Tẫn xuất khẩu lao động sang Đông Đức. Sau một đêm bức tường Berlin ngã nhào, Đông và Tây Đức hóa thành Cộng hòa Liên bang Đức. Con trai ông lập nghiệp luôn bên đó.

   Người làng Bùng kháo nhau chiều chiều ông Vững có thú vui lạ lẫm đặt ống nhòm nhìn về xóm Đình. Chưa ai biết ông Vững lúc nào cũng nhìn về núi Chúa. Nơi vợ ông bị giặc bắt tra tấn, treo lên cành cây suốt hai ngày đêm rồi đưa đi biệt tích. Lần nào ông cũng thì thầm: “Mình ơi! Bao năm rồi mình ở đâu? Mình báo mộng cho tôi biết đi!”. Không có tiếng trả lời. Chỉ có gió lồng lộng. Gió ngang tàng như gã say rượu chao nghiêng trên đồng. Một lần ông Vững cùng đồng đội lên núi tìm hài cốt liệt sỹ. Khi đào đất đưa hài cốt đựng trong chiếc võng nilon lên, ông khóc kể mồ hôi mồ kê hòa trộn nước mắt giàn giụa: “Tám ơi! Năm ấy mày trăng trối với tao dành cái võng này để khiêng thằng Quỳnh đang bị thương, còn mày thì hãy chôn trần xuống đất nhưng tao quyết không nghe! Mày có biết sau ngày giải phóng thằng Quỳnh làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp tham ô bị bắt vào tù? Sự kỳ vọng của mày có xa xỉ lắm không?”.

   Ngày rời quân ngũ, ông Vững vẫn còn cường tráng lắm. Trước lúc chia tay, thủ trưởng ôm bờ vai, động viên ông tục huyền, ông cười hiền: “Chuyện vợ con em cũng đã có rồi, bước thêm làm chi cho hương hồn má thằng Tẫn buồn tủi tội nghiệp!”. Đêm nào ông Vững cũng đốt nhang cắm quanh nhà van vái thánh thần báo mộng cho ông tìm được nắm xương tàn của vợ. Trong giấc mơ, ông thấy mình mẩy vợ đầy máu me, áo quần rách rưới. Ông lao về phía vợ nhưng càng chạy tới thì vợ ông càng xa một khoảng cách vô hình. Ông kêu thất thanh: “Mình ơi! Sao mình không cho tôi đến gần? Mình có biết tôi thương nhớ mình nhiều lắm không?”. Choàng dậy, ông Vững mở cửa bước ra thềm ngồi nhìn về phía núi. Trước mắt ông là màn đen mông lung. Ngọn gió đồng phả vào mặt ông lạnh buốt. Một tiếng thở dài não nuột. Con chim lợn bay ngang trời thảng thốt kêu eng éc nghe rờn rợn. Ông Vững đóng cửa, bật công tắc điện, thắp nhang, nhìn di ảnh vợ lồng trong khung kính, rưng rưng. Người trong ảnh nhìn lại ông bằng ánh mắt và nụ cười thời con gái đẹp nao lòng. Ông Vững nghe như có tiếng nói từ cõi xa xăm: “Mình ơi! Hãy vui lên mà sống tiếp! Đừng bi lụy như vậy khiến cho tôi thêm đau lòng, mình có hiểu không?”.

*
*     *

   Ở làng Bùng chưa có ai thân với ông Vững bằng cu Quẹo. Nó mang hỗn danh cu Quẹo vì nói với cha mẹ một đàng đi một nẻo, ngẫu hứng quẹo nhà này, bẻ cua sang nhà kia rong chơi với cái dáng ốm tong nghiêng nghiêng như cây sắp ngã đổ, vừa đi vừa hát từ vọng cổ chuyển sang tân nhạc, từ tân nhạc biến thể thành dân ca với cái giọng nhừa nhựa như băng đĩa bị dập. Quẹo thường mượn ống nhòm của ông Vững để nhìn những con bò gặm cỏ trên đồng. Một lần tình cờ nó phát hiện gã đàn ông nằm co quắp trên bờ mương liền la lên như cháy nhà: “Ông Ba ơi! Có người chết!”. Ông Vững đang nấu cơm chiều vụt đứng dậy giật cái ống nhòm trên tay thằng Quẹo nhìn một hồi, lẩm bẩm: “Thằng Xù nằm đó chớ ai. Chắc là nó say quắc cần câu rồi. Thằng Quẹo, mày chạy lẹ về nhà thím Tư báo tin kẻo nó trúng gió thì khổ!”. Hôm khác, Quẹo đang say sưa nhìn ra cánh đồng, bỗng dưng bật cười hô hố. Ông Vững bước lại cầm cái ống nhòm tra vào mắt, sững sờ: “Cái thằng tào lao!”. Một tay chủ nhà cầm cái ống nhòm, tay còn lại véo vào dái tai thằng Quẹo: “Không được nhìn trộm như vậy hư lắm, biết chưa?”. Thì ra nó nhìn thấy cô gái cắt cỏ đang vệ sinh. Từ đó Quẹo không dám hỏi người bạn lớn mượn dụng cụ nhạy cảm lần nào nữa. 

   Thằng Quẹo sống một mình trong căn nhà trống huơ trống hoác khi còn ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Ba nó bị tai nạn giao thông qua đời chưa mãn tang, má đã chạy theo người đàn ông trên phố. Họ thường đưa nhau về đú đởn trong căn nhà còn nhuốm màu tang tóc. Người đàn bà vô thủy vô chung còn hân hoan khoe với đám bạn bà góa rằng ngày trước chị ta lấy chồng vì mai mối chứ không có tình yêu. Rằng ông chồng cục mịch hùng hục làm cái chuyện giống đực mỗi khi thèm khát mà không cần biết đến cảm giác của vợ. Người chồng mới rổ rá ráp lại biết điệu đà các kiểu làm tình, biết thương hoa tiếc ngọc nên chị ta thấy hạnh phúc tràn trề. Cho đến một hôm thằng em chồng xách dao phay đến hỏi tội nhố nhăng của hai người thì má Quẹo trốn biệt tăm. Hàng ngày, Quẹo đi nhặt ve chai, sẩm tối đi cắm câu kiếm tiền nuôi thân. 12 tuổi, nhìn gương mặt Quẹo trông già khằn. Nó thường bắt gặp ông lão hát rong với cây độc huyền cầm ngồi như cắm ở ngã ba đường cất giọng nỉ non khàn đục: “Sao mẹ nỡ bỏ con đơn độc giữa cuộc đời đầy rẫy chông gai/ Sao mẹ theo trai để con quạnh hiu, khốn khổ…”. Mỗi lần Quẹo nghe ông lão hát, hai hàng nước mắt cứ tự dưng chảy mặn chát bờ môi. Hai cánh cửa căn nhà lâu ngày mối mọt gặm, gõ vào đêm nỗi buồn tê tái. Gió thông thốc luồn vào nhà như bỡn cợt trên thân thể cậu bé nằm quắt queo. Gió và sự cô đơn như hai con dao vô hình cứa vào lòng Quẹo từ ngày này sang ngày khác không thương tiếc.

*
*      *

   Gần nhà Quẹo là nhà bà Mảnh có vườn cây ăn trái sum suê. Hai đứa con gái bà lấy chồng sống ở thành phố. Con gái út làm dâu tận ngoài Nam Định. Trước lúc lâm chung, chồng bà phều phào: “Mình phải giữ lại ngôi nhà từ đường, đừng để ông bà nhang tàn khói lạnh!”. Bà Mảnh cầm tay chồng, nước mắt lưng tròng: “Tôi xin hứa với mình!”. Đó là ngôi nhà ngói ba gian có từ thời ông nội, ông cố của các con bà. Nơi bà từng trải qua cay đắng phận làm dâu và có nhiều năm tháng sau này sống hạnh phúc bên chồng con khi mẹ chồng tạ thế. 

   Bà Mảnh cầm lon sữa bò đổ ra lòng bàn tay từng nắm thóc ném ra sân, miệng kêu túc! túc! Gà mẹ cắm đầu chạy vào sân, phía sau là lũ gà con lóc cóc chạy theo với dàn đồng ca chim chíp! chim chíp! Thằng Quẹo vác bó cần câu đặt xuống góc sân, giọng oang oang: “Bà ơi! Bà hứa cho Quẹo con gà nào trong số gà này vậy hả?”. Bà Mảnh cười hóm hém: “Mồ tổ mày! Bà đã hứa cho mày là giữ lời! Mai mốt gà con thành gà giò, bà sẽ cho mày một cặp đem về nuôi!”. Quẹo nhe răng cười: “Con cảm ơn bà! Tối nay con sẽ chạy qua giúp bà thắp nhang, gióng chuông trên khám thờ. Vậy bà nhé!”. Nói dứt lời, thằng Quẹo ôm bó cần câu dong thẳng ra ngõ. Sáng hôm sau nó xách con cá tràu cột bằng dây lạt đem cho bà Mảnh. Nó vừa đi, vừa nghêu ngao hát, chưa tới nhà đã thấy chiếc xe ô tô màu đen láng bóng đậu trước ngõ. Tân, con rể của bà Mảnh đang loay hoay chuyển các thứ từ trên xe xuống đất, chợt reo lên: “Quẹo ơi! Chú thím có quà cho cháu đây này!”. Cùng lúc ấy thím Lan, vợ Tân mừng rỡ: “Ôi! Cá tràu ở đâu to thế! Cháu đem cho má thím hả?”. Quẹo gật gật cái đầu tóc vàng hoe, miệng cười chúm chím: “Dạ! Hôm nay cháu trúng cá nhiều lắm!”. Quẹo trao cá cho bà Mảnh rồi quay ra xe phụ bưng bê quà bánh vào nhà. Lan lấy chiếc áo sơ mi còn mới cứng trao cho Quẹo: “Thím mua cho cháu đó! Mặc thử có vừa không?”. Quẹo cười bẽn lẽn như con gái, hai tay từ từ mở nút áo. Chiếc áo sơ mi màu tím than rất vừa vặn với thân hình Quẹo. Bà Mảnh vuốt lưng áo, giọng bùi ngùi: “Cũng nhờ thằng Quẹo chạy tới chạy lui nên má thấy đỡ buồn!”. Tân chợt nhìn sâu vào mắt nhạc mẫu: “Má ơi! Tụi con đã tính đâu vào đó rồi, tuần sau con sẽ về đón má lên ở luôn với tụi con! Việc thắp nhang nhà từ đường có thằng Quẹo giúp, má cứ yên tâm!”. Quẹo có vẻ hẫng hụt trước cái tin bà Mảnh lên thành phố ở nhưng vẫn gật đầu.

   Ngày đầu tiên bà Mảnh lên phố, các con cháu bà mua thức ăn chất vào tủ lạnh ngồn ngộn, nài ép bà ăn không kịp thở. Ấy thế, trời vừa sáng là các con đến công ty, các cháu bà lon ton đi học. Buổi trưa chúng nó về ăn xong, nghỉ chốc lát rồi lại đi, các cháu còn bận học thêm tối mịt mới về. Những tưởng lên phố bà đỡ cô đơn, nào ngờ nhà rộng thênh thang còn bà thì như vón lại ở một góc phòng cách biệt với thế giới bên ngoài. Bà da diết nhớ con Cún háu ăn, nhớ thằng Quẹo chưa bước vào sân đã nói cười rổn rảng, nhớ những người bạn già với ấm trà ngồi bên nhau câu chuyện cứ râm ran vui nhộn. Buổi tối, sau bữa ăn có đủ mặt con cháu, bà Mảnh giọng buồn buồn: “Má có điều này muốn nói với các con! Từ ngày má lên đây được các con, các cháu của má ân cần chăm sóc. Má cảm ơn sự hiếu thảo của các con, các cháu nhưng má không thể ở đây mãi mãi! Má nhớ nhà, nhớ quê nhiều lắm! Má phải về thôi các con à!”. Con gái bà mặt buồn rười rượi: “Con biết đêm nào má cũng thao thức! Ngôi nhà ấy ngoài những người thân quen của má tựu về còn có hình bóng của ba. Thôi, tụi con chiều theo ý má!”.

*
*      *

   Chiếc Mercedes bốn chỗ ngồi lừ đừ dừng bánh ở cháng ba. Người đàn ông tóc chải ngược ra sau ót láng nhuốt, thân hình phốp pháp mặc bộ comple màu trắng bước xuống. Ông ta nhìn đăm đăm về phía ông Vững đang chăm chú sửa lại cái hàng rào. Gã tài xế thúc còi xe làm ông Vững giật mình, ngẩng đầu lên chạm vào cái nhìn sắc lẹm, kèm theo nụ cười khẩy của người đàn ông. Ông Vững chột dạ. Dường như ánh nhìn căm thù và nụ cười đểu kia ông đã bắt gặp ở đâu rồi. Người lạ ném điếu thuốc lá đang hút dở xuống đất, đưa mũi giày dí bẹp tỏ vẻ giận dữ rồi lên xe chạy thẳng vào làng Bùng. Ông Vững không còn hứng thú với cái hàng rào xiêu vẹo. Ông lục tung trí nhớ nhưng không tài nào nghĩ ra người đàn ông đột ngột xuất hiện gần nhà ông là ai. Khi ông Vững đến bên thềm giếng xách nước rửa tay cũng là lúc bà Mảnh xuất hiện. Bà cụ ngoắc ông vào nhà nói nhỏ: “Chú Vững còn nhớ thằng Sặc, Thiếu tá Sặc quận trưởng Yên Khánh trước năm 1975 không? Nó là Việt kiều Mỹ đang về làng Bùng mình cơ đấy!”. Ông Vững à lên một tiếng. Tự đập bàn tay vào trán như nói cho một mình ông nghe: “Đúng là mày rồi! Bao nhiêu năm qua mày vẫn nhìn tao bằng cái nhìn thù hận. Tao không căm giận mày thì thôi, cớ sao mày lại đeo đẳng thù hằn tao! Năm ấy mày chỉ huy bọn cảnh sát đặc biệt tra tấn vợ tao nhưng tao và chính quyền cách mạng vẫn khoan hồng cho mày! Mày còn được chính phủ cho “ra đi có trật tự” (chương trình HO) vậy mà giờ này mày còn cay cú, cười đểu tao là sao?”. Bà Mảnh cũng bức xúc không kém gì ông Vững: “Nghe nói thằng Sặc đề nghị với ban nhân dân thôn để nó xây tặng ngôi trường mẫu giáo cho làng Bùng nhưng phải lấy tên của nó đặt tên trường. Cán bộ thôn thẳng thừng bác bỏ. Nó nghĩ có tiền thì mua tiên cũng được hay sao?”. 

*
*      *

   Trong lúc thằng Quẹo đang sống tự lập yên ổn thì má nó lù lù xuất hiện. Hồi ra đi chỉ một người, giờ trở về tay bồng, tay dắt. Thân thể má tiều tụy, nụ cười héo hắt, hai đứa em cùng mẹ khác cha thì ốm quắt ốm queo. Má đặt đứa bé da đen nhẻm xuống thềm, bước vào nhà thắp nén nhang cho người chồng xấu số, giọng lắp bắp: “Mình hãy tha lỗi cho sự lầm lạc của tôi!”. Quẹo vò đầu đứng nhìn má bằng cái nhìn cảm thương, nó không biết nên mở lời như thế nào thì má Quẹo ngước nhìn nó, gương mặt bà đẫm nước mắt: “Từ nay má về sống luôn với con! Bấy lâu con sống thế nào? Má sinh ra con mà không làm tròn trách nhiệm…”. Ngày má bỏ nhà theo trai, Quẹo giận lắm, tự dặn lòng mình sẽ không bao giờ nhìn lại người má bạc bẽo. Vậy mà giờ đây nhìn má buồn khổ, nghe má nói thảm thiết, Quẹo bật khóc hu! hu! 

   Má con Quẹo đoàn tụ, gia đình bà Mảnh lại chia ly. Mấy ngày nay Quẹo ở nhà với má không hay biết chuyện bà Mảnh đổ bệnh. Nó vừa đi vừa chạy đến nhà bà Mảnh gặp các con gái, con rể bà lớp đứng, lớp ngồi quanh giường bệnh, mặt người nào cũng lộ vẻ lo lắng, bồn chồn, có người còn khóc thút thít. Bà Mảnh như đèn treo trước gió ngoắt tay các con lại gần hơn, giọng đứt quãng: “Con Lan giở đầu giường lấy cho má 3 cái gói vải!”. Thím Lan làm theo như cái máy. Bà Mảnh thều thào: “Gói vải đỏ má giao cho con Lan, gói vải xanh là phần con Thắm, còn gói vải vàng là của con Yên! Tiền của các con cho má tiêu không hết, má để dành phần nào ra phần ấy. Các con hãy dùng tiền này lo cho các cháu của má ăn học nên người!”. Mọi người òa khóc nức nở.

   Ông Vững đầu đội mũ kêpi, chân mang giày đen, mặc quân phục màu xanh lá cây, ngực lấp lánh huân chương làm cho cái dáng người cao lớn của ông càng thêm oai phong lẫm liệt. Quẹo nhìn thấy ông cười, nheo nheo con mắt thì thích chí vỗ tay đôm đốp: “Ôi! Ông phong độ thiệt đó nghen! Ông đi đâu cho cháu theo với!”. Người cựu binh cười khà khà: “Mày làm cận vệ cho ông có được không?”. Quẹo nghiêng đầu nghĩ ngợi, nó chẳng hiểu cận vệ là gì vẫn giơ tay lên: “Cháu đồng ý!”. Ông Vững cười giòn tan: “Ông đi gặp đồng đội nhân ngày truyền thống của sư đoàn!”. Đến lúc này thì Quẹo lắc đầu quầy quậy: “Không được đâu! Cháu không dám vào chỗ đó!”. Hai ông cháu đang cười tít mắt thì chiếc xe U-oát mang biển số đỏ từ xa tiến lại. Ông Vững vẫy tay chào Quẹo: “Trưa mai ông cháu mình đi đón vợ chồng chú Tẫn mày từ nước Đức về cháu nhé!”.