Truyện ngắn của THANH DƯƠNG HỒNG
Chiều nào cũng vậy, khi ánh tà dương rải những tia nắng vàng vọt, yếu ớt cuối ngày xuống cái làng biển nghèo nhỏ bé mà bao đời bình yên này thì người ta lại thấy một người đàn bà trẻ đầu quấn khăn tang ra ngồi thẩn thờ hàng giờ bên bờ biển vắng, hai bàn tay run rẩy, thô ráp chị đào cát đắp thành một ngôi mộ “gió”, cắm lên đó vài cây hương rồi miệng cứ lẩm bẩm, chẳng ai nghe chị nói gì. Tiếng sóng biển ầm ừ ngoài khơi và tiếng gió gào đùa cát trắng thành những vòng xuyến, thổi bay tung tóe cát trên ngôi mộ của chị. Tiếng gió, tiếng sóng biển át mất tiếng lẩm bẩm của người đàn bà …
Người dân làng biển này ai cũng động lòng thương chị - một người vợ trẻ đẹp, nết na đã sớm mất chồng phải ôm hai con dại với nỗi đau dày xé. Ở bến thuyền này, những chiều biển bình yên nhẹ sóng, chị thường bồng con ra đứng chờ chồng về trong niềm hạnh phúc tràn dâng như vô tận. Nhưng từ nay, chồng chị có còn về nữa đâu mà chị vẫn cứ chờ? Chị đã khóc hết nước mắt khi nhận được tin sét đánh: Anh Đắc Hoàng - Chồng chị bị sát hại ngoài khơi trong một đêm biển động.
Đã ba tháng qua. Chiều nào chị cũng ra bến thuyền này ngồi khóc, mắt đăm đắm nhìn về phía đại dương mênh mông cho đến khi mặt biển tối dần; khi những ánh đèn thuyền chài bắt đầu nhấp nháy ngoài khơi xa. Đêm trên biển xuống rất nhanh. Tiếng khóc của chị lẫn trong tiếng sóng biển rì rào, thổn thức. Chẳng biết biển cả có nghe tiếng khóc than chồng của người vợ trẻ không mà cứ ầm ừ như sẻ chia, đón nhận? …
* * *
Chiều nay biển động. Những ngọn sóng đen trũi chất cao đổ vào bờ giận dữ. Bờ cát như thu nhỏ lại. Từng con sóng cuồn cuộn lao vào bờ như muốn nghiền nát, đập tan tất cả những gì cản ngăn khi nó đi qua. Người đàn bà trẻ đầu chít khăn tang trắng lại ra ngồi đó. Ngôi mộ chị xây lên bỗng chốc lại bị nước cuốn đi. Chị lại xây lên và sóng nước lại cuốn phăng phắc… Cứ vậy, chị đào đắp, rồi đào đắp cho đến kiệt sức. Trong đôi mắt sâu hoắm, đau khổ của chị ánh lên nỗi hận thù man dại. Biển đem đến no ấm, hạnh phúc cho con người, là nguồn lợi vô tận của đại dương mà thiên nhiên ban phát cho con người. Nhưng, biển cũng là mối đe dọa khủng khiếp của con người. Biển đã cướp mất xác người chồng yêu quý của người đàn bà trẻ và bao nhiêu người dân ở làng biển này mỗi mùa cuồng phong khốc liệt đi qua. Lòng biển mênh mông, bao la vậy mà sao lòng người hẹp hòi, ích kỷ vậy, biển ơi ! …
Từ làng biển này, chị đã sinh ra, lớn lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng nết na với gương mặt trái xoan, nước da bánh mật, đôi mắt lúng liếng đa tình, mái tóc đen dài như một vạt sóng bồng bềnh trước gió. Đã một thời chị trở thành niềm ao ước của bao nhiêu trai làng. Chị đâu ngờ, chính sắc đẹp của chị là mối tai họa đã dẫn đến cái chết thương tâm của chồng chị - một chàng lực điền nghèo hiền lành, chất phác trôi dạt đến làng biển này đã cùng chị nên duyên. Có phải “nghèo mà lấy vợ đẹp là tai họa” không? Sao anh Đắc Hoàng phải chết oan ức vậy? Biển ơi ! …
Học hết phổ thông trung học thì mẹ bị di chứng tai biến mạch máu não liệt mất nửa người, phải nằm một chỗ. Cha và anh trai ngày tháng lênh đênh trên biển theo nghề đánh bắt cá làm kế sinh nhai; nhà chỉ có Mai Hiền là con gái nên cô quyết định không thi vào đại học mà ở nhà làm nghề đan lưới và để chăm sóc mẹ. Nhờ có sắc đẹp trời phú của một người con gái làng biển lại có tính tình đoan thục, hiếu thảo, nên từ lúc còn là nữ sinh, Mai Hiền được rất nhiều chàng trai để ý, theo đuổi… Ở làng biển này, Dũng “Trọc” - một thanh niên vạm vỡ, tính tình cục mịch, ngang tàng ai cũng phải ngán lại đem lòng yêu Mai Hiền đến chết mê, chết mệt. Mặc dù bị Mai Hiền từ chối, hắn vẫn không nản lòng mà cứ ráo riết theo đuổi. Để “thị uy” bọn thanh niên trong làng và những “tình địch”, Dũng thường cạo đầu trọc lóc. Do vậy, hắn được tặng cho cái tên: “Dũng Trọc” !..
Học hết lớp năm, Dũng Trọc đã bỏ học ở nhà hùn vốn với một số bạn thuyền, sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển. Những ngày biển động không thể ra khơi, Dũng Trọc thường la cà tán tỉnh Mai Hiền. Đôi lúc bị Mai Hiền từ chối và phản ứng ra mặt, Dũng Trọc tức điên người. Hắn vuốt cái đầu trắng hếu gầm gừ, đe dọa một cách thô lỗ, dữ dằn.
- Mày không bằng lòng lấy tao thì đừng hòng lấy được chồng! Thằng nào lấy được mày phải bước qua cái xác của tao! Nói rồi hắn đứng phắt dậy gầm gừ bước ra khỏi nhà Mai Hiền như một con thú bị trúng thương.
Mỗi lần nghe hắn nói vậy, Mai Hiền run bắn lên, bối rối. Đời nào tình yêu lại dùng vũ lực để chinh phục? Vậy mà, ở cái làng biển này có một “hùm xám” đem lòng yêu một mỹ nhân, nhưng khi bị từ chối nó lồng lên tức tối và tự bộc lộ rõ bản chất của một con hùm khi bị vết thương lòng rỉ máu. Đã nhiều lần Mai Hiền nhỏ nhẹ, tỉ tê giãi bày nỗi lòng mình cho hắn hiểu:
- Anh Dũng! Em chỉ coi anh là một người anh trai thôi, còn tình yêu … Em không dám nghĩ tới …
- Mày không yêu tao chứ gì? Đ.mẹ, nói toạc ra dzậy đi! Anh anh em em cái con khỉ!
Khổ quá! Mai Hiền muốn hắn hiểu tình yêu phải có sự rung động từ hai người, hai người quý mến nhau và tự tìm đến với nhau chứ đâu phải từ một phía, ai muốn yêu ai là buộc người ấy phải chấp nhận mà không được… chối từ (?) Hắn có hiểu phải trái gì đâu? Con tim cũng có lý lẽ riêng của nó chứ?! Mai Hiền nơm nớp lo sợ cái con người thô lỗ, hung hãn này và cô lo cho cuộc đời của mình sau này. Đặc biệt, những ngày biển động, hắn không ra khơi là những ngày cô phải đối mặt với hắn - cái con người làm cô vừa sợ, vừa ghét! Và rồi cuộc đời vốn dĩ phức tạp và công bằng, điều gì đến nó phải đến…
Một buổi chiều tàu cập bến, ông Hai Dương - cha Mai Hiền dắt về nhà một chàng thanh niên to, khỏe nhưng trông mặt mũi hiền khô, chất phác, gương mặt cứng rắn, cương nghị biểu lộ sự chững chạc và pha chút từng trải. Cơm nước xong, bên mâm rượu bày sẵn, ông Hai Dương giới thiệu với cả nhà:
- Đây là cậu Đắc Hoàng, người ở huyện Hoài Ân. Từ nay cậu sẽ là người cùng sống chết với nghề biển, với gia đình ta. Uống một ngụm rượu lớn, đặt ly xuống ông vỗ vào vai người thanh niên cái độp, nói tiếp:
- Thấy cậu thật thà, chịu khó lại bị bọn chủ tàu o ép, không có việc làm ổn định nên tôi thương và nhận cậu làm trên thuyền của tôi, được chứ?
Đôi mắt chàng thanh niên sáng lên, đôi môi mấp máy, sung sướng:
- Cháu cảm ơn bác nhiều lắm!
Nghe cha giới thiệu và cười vang cả nhà, Mai Hiền khẽ liếc mắt và bắt gặp đôi mắt nâu thông minh của chàng trai đang nhìn cô, cả hai bối rối…
Kể từ đó, Đắc Hoàng gắn bó nghề biển, với gia đình Mai Hiền hết sức tự nhiên như tiền định vậy. Những ngày không ra khơi, Đắc Hoàng lân la nhờ Mai Hiền dạy cho cách đan lưới, vá lưới, làm quen với nghề biển, nghề sông nước. Với anh, một chàng trai xứ núi quanh năm chỉ quen với ruộng rẫy, lúa khoai khi bước vào nghề đánh bắt cá mọi thứ đều rất mới mẻ. Phải cần cù học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua các lão ngư mới có thể tồn tại được và sống được với cái nghề lắm gian truân, vất vả này.
Mai Hiền rất vui bày chỉ cho anh cách thức đan, vá lưới sao cho vừa chắc vừa đẹp lại nhanh mới được khách hàng ưa chuộng. Những ngày rỗi rãi, Mai Hiền rủ Đắc Hoàng mang thúng ra biển dạy cho anh cách bơi, chèo chống vượt qua những con sóng nghịch ngợm xô bờ. Người không có “nghề” dễ gì điều khiển được cái thúng vốn rất khó chèo lái. Đặc biệt, đoạn đưa thúng vào bờ phải tranh thủ giữa hai con sóng ra, vào sao cho hợp lý mới đẩy được thúng lên bờ mà không bị sóng đánh chìm. Đắc Hoàng rất sáng dạ lại cần cù, chịu khó nên việc gì anh học cũng nhanh, trôi chảy. Nhiều lần luống cuống chao đảo giữa biển khơi, thúng bị xoay tròn rồi lật úp, cả hai anh chị đổ nhào xuống biển. Đắc Hoàng vội vàng “chộp” Mai Hiền đưa vào bờ nhờ tài bơi lội rất cừ của anh. Chẳng ngờ “món” bơi lội từ thời chăn trâu, cắt cỏ đã giúp ích đắc lực cho chàng trai nhanh chóng thích nghi với nghề đi biển, nghề sông nước của anh bây giờ!
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua theo từng con nước lớn, nước ròng và qua từng mùa cá biển. Chẳng biết tự bao giờ, tình yêu thầm kín đến với Mai Hiền khiến cô vừa bâng khuâng hạnh phúc, vừa ray rứt khó xử vô cùng. Những ngày Đắc Hoàng ra khơi, có lần xa đất liền cả tháng trời, ngày nào Mai Hiền cũng nôn nao, đứng ngồi không yên. Cô bỗng thấy trống vắng và nhớ… Lần đầu tiên trong đời, Mai Hiền biết nhớ một người con trai hơn cả người thân ruột thịt của mình khi đi xa. Từ ngày xuất hiện Đắc Hoàng trong nhà Mai Hiền làm đảo lộn tất cả cuộc đời của cô gái mười tám tuổi này. Cô yêu Đắc Hoàng một cách thầm kín, mặn nồng của trái tim một người con gái biển. Dường như hiểu rõ lòng Mai Hiền, Đắc Hoàng tỏ ra dè dặt, ý tứ hơn. Có lẽ anh mặc cảm thân phận “ăn nhờ ở đậu” của mình, mặc cảm gia đình mình nghèo, mồ côi phải trôi dạt đến cái làng biển này kiếm sống, nên đôi lúc anh né tránh cử chỉ gần gũi, né tránh những câu nói gợi ý xa xôi của Mai Hiền. Thái độ dửng dưng, hờ hững của Đắc Hoàng càng làm cho tình yêu của Mai Hiền thêm nồng nàn, quyết liệt hơn.
Một đêm trăng sáng, biển đẹp lạ lùng, Mai Hiền đưa Đắc Hoàng sang chơi nhà một người bạn gái. Trên đường trở về qua vùng cát trắng xóa thoai thoải nằm dưới hàng dương rì rào trong đêm, Mai Hiền chợt nghe tim mình đập rộn lên. Không thể cứ lặng im hoài, cô đã mạnh dạn thổ lộ tình yêu thầm kín lâu nay của mình với anh. Đợi cho niềm xúc động của Mai Hiền lắng xuống, Đắc Hoàng dịu dàng:
- Mai Hiền, anh rất yêu em! Nhưng anh sợ tình yêu chúng mình sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở, em ạ…
- Không! Em đã có anh rồi. Em không sợ gì nữa…
Như tìm được chỗ dựa tin cậy, Mai Hiền tựa đầu vào vai anh âu yếm. Mùi hương bồ kết từ mái tóc dày, đen mượt hòa với mùi nước biển mặn nồng ngan ngát phả vào gương mặt rám nắng của Đắc Hoàng. Anh khẽ đặt lên đôi môi run rẩy như có hương vị mằn mặn của gió biển một nụ hôn dài …
***
Từ ngày xuất hiện Đắc Hoàng trong nhà Mai Hiền - người như “từ trên trời rơi xuống” quắp mất người mà từ mấy năm nay Dũng Trọc đem lòng yêu mến và đinh ninh rằng sẽ chẳng có kẻ nào dám “liều mạng” đối đầu với hắn. Nhiều lần uống rượu xong, Dũng Trọc vác dao đến nhà tính “hỏi tội” kẻ to gan kia. Nhưng khi gặp Đắc Hoàng, nhác thấy anh tỏ ra điềm đạm, người lại to khỏe chắc nịch… Hắn chợt rùng mình rồi gầm gừ cút thẳng, chẳng dám gây sự. Hai năm sau, đám cưới của Mai Hiền như một nhát dao giáng xuống trái tim Dũng Trọc đau nhói. Từ ngang tàng, dữ dằn hắn trở nên lì lợm, ít nói và ít quậy phá hơn trước. Người dân làng biển mừng thầm tưởng một lần “thất bại” là một lần hắn chững chạc hơn. Nhưng sự thật thì ai biết hắn mưu tính chuyện gì?...
Đôi vợ chồng trẻ Mai Hiền - Đắc Hoàng trải qua những tháng ngày tràn trề hạnh phúc. Vợ chồng anh được ông Hai Dương cho vốn xây cất nhà mới, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, cuộc đời như bén rễ với chàng trai hiền lành, chất phác này. Hai đứa con anh chị lần lượt chào đời. Trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang như chật tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ…
Bẵng đi một thời gian khá lâu, một ngày biển động, Dũng Trọc thất thểu tìm đến nhà ông Hai Dương xin làm “đệ tử”, xin được hùn vốn với tàu ông để làm ăn. Hắn “trình bày”: Liên tục mấy năm gần đây, việc đánh bắt cá của tàu chủ cũ thất thu, lỗ vốn, việc chia chác lợi nhuận không thỏa đáng…
Lúc đầu, ông Hai Dương tính từ chối, vì ông không thích tính ngang tàng, ngổ ngáo của Dũng Trọc, nhưng nghĩ lại ông chợt thấy thương hắn cũng nghèo lại người trong làng từ chối giúp hắn coi sao đặng? Lòng thương người khiến ông Hai Dương miễn cưỡng đồng ý cho hắn “nhập hội cùng thuyền” với ông.
Hơn một năm làm ăn trên tàu Hai Dương, Dũng Trọc tỏ ra nhã nhặn, biết điều và rất chí thú, chịu khó. Đối với Đắc Hoàng, Dũng Trọc tỏ ra dè dặt, ít nói và khó gần. Lắm lúc, Đắc Hoàng bắt gặp hắn ngồi thừ một mình trên boong tàu, đôi mắt đỏ ngầu tức tối một điều gì rất khó hiểu. Là người trong cuộc, Đắc Hoàng rất hiểu và chợt thấy thương thương hắn. Dù sao, anh cũng là kẻ đến sau. Anh có may mắn được Mai Hiền yêu và lấy làm chồng. Còn hắn? Hắn buồn khổ là phải lắm chứ. Ở trường hợp là mình, mình cũng buồn vậy thôi…
Nghĩ vậy, Đắc Hoàng quay đi để Dũng Trọc một mình giữa trời biển mênh mông cho nguôi ngoai... Đâu ngờ, Đắc Hoàng làm sao ngờ được những lúc này Dũng Trọc đang mưu tính chuyện gì? Hắn sẽ làm gì để “rửa nhục” mà mấy năm nay hắn phải đè nén, chịu đựng?!
***
Một buổi chiều nhận được tin có trận bão bất ngờ ập đến, không kịp vào bờ, ông Hai Dương quyết định cho tàu cập vào một hòn đảo nhỏ trú tạm. Những ngày neo thuyền lại giữa đảo xa, anh em thủy thủ chẳng biết làm gì ngoài tiêu khiển bằng việc uống rượu, đánh bài, tán gẫu… chờ biển bình yên trở lại. Không hiểu sao tự dưng những ngày trú bão này, Dũng Trọc trở nên vui vẻ, yêu đời hẳn lên. Hắn thân mật mời Đắc Hoàng uống rượu, tâm sự cho đỡ nhớ nhà. Đắc Hoàng thật thà vì thấy hắn làm lành nên anh tỏ ra rất hứng chí cùng nâng ly cụng lia lịa với hắn. Đêm càng khuya, biển vắng. Khi những bạn nhậu đã lăn ra ngủ gà, ngủ gật trên thuyền, Dũng Trọc đứng dậy dìu Đắc Hoàng lên lan can mạn tàu tâm sự. Hắn bảo rượu vào là lúc hắn nói thật, hắn muốn mổ xẻ nỗi lòng để anh em hiểu nhau…Tin lời, Đắc Hoàng lảo đảo khoác vai hắn lên lan can tàu. Và, sáng hôm sau, tất cả chủ thợ trên tàu đều ngơ ngác: Đắc Hoàng mất tích!
Dũng Trọc không còn lời lẽ nào để chối cãi hành vi tội ác của hắn. Tàu vừa cập bến, hắn liền bị trói và dẫn đến cơ quan công an. Tại đây, hắn đã úp mặt khóc nức nở như một đứa trẻ. Trông mặt mũi hốc hác, thảm hại, cái đầu trọc của hắn còn sần sùi những vết tay cào cấu của nạn nhân trước lúc bị hắn giết và vứt xuống biển. Hắn đã khai: Vì yêu Mai Hiền và bị Đắc Hoàng cướp mất người mà hắn yêu. Hắn thù Đắc Hoàng! Để trả thù tình địch to khỏe kia, hắn đã nói dối và cố nài nỉ để xin được vào làm việc trên tàu ông Hai Dương và chờ thời cơ, hắn ra tay rửa hận!
Trong đêm đó, vì uống nhiều rượu say và sơ ý, Đắc Hoàng bị hắn đâm từ phía sau nhiều nhát. Để che giấu tội ác, hắn đã đẩy Đắc Hoàng xuống biển …
Giờ, hắn đang ngồi chờ Tòa án phán quyết. Chắc chắn một bản án thích đáng đối với tội ác mà hắn đã gây ra cho một kẻ vô tội, làm đổ vỡ hạnh phúc của một gia đình vốn yên ấm, đáng yêu kia. Chẳng ai biết hắn đang nghĩ gì? Hắn có hiểu hai đứa trẻ thơ vì một tình yêu chết tiệt, một hành động trả thù mù quáng mà bố chúng phải chết oan ức, mất xác giữa biển khơi? Mẹ chúng - người đàn bà tội nghiệp chiều nào cũng ra bến thuyền ngồi đợi chồng về trong mỏi mòn, vô thức …
T.D.H