4 năm 3 tháng 5 ngày

20/10/2024 00:29
52

Truyện ngắn của LƯƠNG LAN


Chiếc Boeing 787-10 Dreamliner bay vòng vòng hơn 30 phút mới hạ cánh được xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tắc đường cả trên trời lẫn dưới mặt đất. Ra khỏi ống lồng là kẹt cứng. Tiếng chuyện trò, tiếng gọi nhau hối hả tạo thành một bản hợp âm kỳ lạ. Mùi mồ hôi, mùi dầu thơm, mùi đồ ăn… đủ các loại mùi hòa quyện khiến không khí trở lên đặc quánh. Rời khỏi máy bay thì hành khách hạng thương gia hay hạng phổ thông chẳng có sự phân biệt nào, ai cũng như ai, buộc phải kiên nhẫn nhích từng bước. Nhìn cảnh mọi người chen chúc chờ đợi lấy hành lý tại khu vực băng chuyền ồn ào, náo nhiệt như cái chợ, anh thở phào vì không có hành lý ký gửi. Vậy mà cũng mất hơn 40 phút nhúc nhích mới thoát ra được cửa số 5, may mắn đón ngay được taxi. Lên xe, ngả người thoải mái trên ghế, anh cảm thấy thú vị bởi rất lâu, rất lâu rồi anh mới lại được trải qua những bất tiện tưởng chừng đã lùi rất sâu vào dĩ vãng.

   Anh có cả một buổi chiều nghỉ ngơi thư giãn trước khi gặp nàng. Hơn 30 năm anh chờ đợi cuộc gặp này. 30 năm là dài hay ngắn? Thực sự, anh cũng không biết tại sao cứ đau đáu mong chờ một cuộc gặp. Đã hơn một lần trong rất nhiều năm qua, anh từng muốn khởi lên sự oán hận, để rồi quên. Nhưng càng như thế, anh lại càng da diết nhớ, lại càng yêu. Đau đớn vì yêu! Có thằng đàn ông nào cả đời đau đớn vì yêu chỉ một người không? Anh bật cười thành tiếng khi ý nghĩ này chợt đến. Điên thật. Tại sao lại cứ day dứt nhớ mãi về một người đàn bà...

   Anh và nàng đã từng có mối tình thật đẹp, trong sáng, thánh thiện. Cứ ngỡ rằng sẽ mãi mãi có nhau, không gì có thể chia cắt, không gì có thể khiến rời xa nhau...Nhưng rồi, rất đột ngột, nàng im lặng biến mất khỏi cuộc đời anh. Anh gần như lục tung mọi chỗ có thể để tìm nàng, nhưng không thể gặp được, dù anh biết chắc chắn rằng nàng vẫn ở đó, đang nấp vào một chỗ nào đó nhìn anh. Anh cảm nhận rõ ánh mắt của nàng, dường như nghe được cả tiếng thở của nàng, rất nhẹ. Nhưng, anh không làm sao có thể giáp mặt. Nàng biến mất, như thể bốc hơi, không một lời giải thích...

   Có biết bao biến cố đã xảy ra trong những năm sau đó. Nhưng sau tất cả, vẫn cứ luôn là hình ảnh của nàng. Sự trong trẻo, hồn nhiên của nàng hiện diện trong anh, bất chấp anh nỗ lực để quên. Đàn ông ít khi đau khổ vì tình, với họ vết thương lòng thường lành rất nhanh và mau chóng được lấp đầy bởi những mối tình khác. Anh cũng thế, sau nàng, anh đã có thêm nhiều mối tình, dài lâu có mà thoảng qua cũng có. Nhưng thật oái oăm, hình bóng nàng chen vào mọi mối quan hệ ấy, khiến anh không thể yêu ai trọn vẹn…

   Anh du học, lập nghiệp và thành danh ở nước ngoài, lấy vợ người Pháp, có 2 đứa con gái xinh đẹp. Gia đình anh sống trong một ngôi biệt thự ở quận 1 trung tâm Paris, bên bờ sông Seine, gần Viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử. Đẹp trai, hào hoa, thành đạt, vợ đẹp con khôn. Anh có tất cả những gì mà nhiều người đàn ông thường ao ước. Hạnh phúc là hiện tại. Mà hiện tại thì quá ổn.

   Đúng. Hiện tại đang quá ổn. Thế mà sao anh vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Sâu thẳm trong anh, cứ luôn thấp thoáng hình bóng nàng. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, cũng có cái gì đó hoặc rõ ràng hoặc mơ hồ nhắc nhớ anh quay về quá khứ. Mà quá khứ, luôn là những kỷ niệm gắn với hình ảnh của nàng. Anh muốn ghét nàng, muốn hận nàng, muốn từ bỏ nàng để có thể cảm nhận hạnh phúc trong hiện tại. Nhưng anh bất lực với mọi sự cố gắng có liên quan đến nàng. Không thể nào lý giải được.

   Khi hoàn toàn không còn hy vọng gặp lại, thì bất ngờ nàng xuất hiện trong một cuộc hội thảo mà anh được mời đến với tư cách diễn giả. Trái tim người đàn ông trung niên dường như bị bóp nghẹt khi nhìn thấy hình ảnh người cũ. Nàng vẫn xinh đẹp và trẻ trung một cách kỳ lạ. Anh có cảm giác dường như dấu vết thời gian không đọng lại nơi khuôn mặt của nàng. Sau đó, bằng nhiều cách, anh kết nối liên lạc với nàng. Đáp lại, nàng chỉ gửi một dòng tin ngắn gọn: “Mọi chuyện không như anh nghĩ, nhưng bây giờ em chưa thể nói được. Em cần thêm thời gian”. Lại chờ đợi. Không sao. Ba mươi mấy năm còn chờ được thì thêm một thời gian nữa có gì mà không thể. Cho đến cuối tuần trước, anh nhận được thư của nàng. Anh đọc chậm, rất chậm đến thuộc lòng. Ngả người vào ghế, anh nhắm mắt lại, từng chữ, từng dấu chấm câu trong lá thư của nàng hiện ra hệt như một cuốn phim tua chậm khiến trái tim người đàn ông đã qua lục tuần như bị bóp nghẹn, xa xót...

   Hồi đó, anh 30 tuổi, là kỹ sư xây dựng, nàng 22 tuổi, là giáo viên dạy Văn trường cấp 2 An Viên. Ngôi trường ấy xưa đặt ngay trong Đình làng An Xá. Đây là ngôi đình cổ, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Về sau, trường chuyển ra ngoài, trong khuôn viên Đình chỉ còn dãy nhà tập thể hơn chục phòng dành cho giáo viên nhưng giờ chỉ còn 3 mẹ con cô giáo Bông sống ở đó. Chồng cô là tiến sĩ sử học công tác ở Viện Khoa học xã hội trên Hà Nội, thỉnh thoảng mới về. Hàng ngày, khi không có tiết dạy, nàng thường vào nhà cô Bông chơi. Vào mỗi cuối tuần, anh thường đến cổng Đền để đợi nàng tan lớp.

   Trước đó, anh đã từng có vài người bạn gái nhưng chỉ đến khi gặp nàng, anh mới thực sự yêu. Kể từ khi có nàng, con người anh, cuộc sống của anh gần như hoàn toàn thay đổi. Còn với nàng, anh là người bạn trai đầu tiên, và duy nhất. Tuyệt đối không có bất kỳ ai xen vào giữa hai người. Gia đình và bạn bè, đồng nghiệp đều vun vén, anh tự tin cùng nàng chuẩn bị và chờ đợi ngày về chung một mái nhà.

   Một hôm, chồng cô Bông về cùng với đoàn cán bộ Viện Khoa học Xã hội, họ nghiên cứu tài liệu lịch sử Đền An Xá và lễ hội Đậu An. Họ đề nghị nàng giúp chụp ảnh phục vụ việc nghiên cứu. Trong đoàn, có một cụ già, râu tóc bạc trắng, rất ít nói. Cụ chuyên đọc, ghi chép tài liệu, dịch chữ trên văn bia và thường nhờ nàng chụp các tài liệu này.

   Ngày cuối cùng đoàn làm việc ở đó, nàng bận dạy ôn thi cho học sinh lớp 9 nên không vào Đền. Đang dạy thì cô Bông ra bảo để cô dạy thay, cụ già có việc cần tìm nàng. Nàng vào Đền, cụ không nhờ gì cả, mà chỉ nói chuyện phiếm. Cụ hỏi nàng về dự định tương lai rồi nói nàng đưa tay cho cụ xem. Cụ xem tay nàng rất kỹ rồi bảo: cháu không có số làm thầy, dạy học chỉ là tạm thời, sau này cháu vẫn làm công việc liên quan chữ nghĩa nhưng không phải là nghề giáo viên. Cháu phải sống xa quê, thân tự lập thân… Cụ nói nhiều lắm. Hầu hết những điều cụ nói lúc đó, sau này đều ứng nghiệm...

   Cụ xem đi xem lại hai bàn tay của nàng, rồi thở dài, nói: cháu có khuôn mặt rất tươi sáng và ánh mắt hồn nhiên như trẻ thơ. Khi về già khuôn mặt cháu vẫn giữ được sự trẻ trung và ánh mắt trẻ thơ như vậy, bất chấp tuổi tác. Dáng đi chậm rãi, giọng nói trong trẻo và nhẹ nhàng, có cốt cách mệnh phụ, nhưng cháu lại có đôi tay, đôi chân gồ ghề, gân guốc như đàn ông. Cuộc đời cháu sẽ trải qua rất nhiều biến cố…

   “Rồi tự nhiên cứ như thể lên đồng, cụ nhìn em và nói về anh - nàng viết- cụ miêu tả chính xác như thể anh đang ngồi ngay trước mặt cụ. Cụ nói: cháu đang yêu một thanh niên bị cụt một đốt ngón tay do tai nạn hồi nhỏ. Chàng trai này về sau rất thành đạt. Anh ta có mọi thứ nhưng hoàn toàn không hạnh phúc. Đến lúc chết anh ta vẫn yêu một mình cháu, nhưng các cháu không thể sống bên nhau. Vào khoảng 34, 35 tuổi anh ta sẽ gặp đại nạn, nếu thoát nạn thì trong gia đình sẽ có một người khác thế mạng cho anh… Cháu sẽ kết hôn năm 28 tuổi, lấy một người hoàn toàn xa lạ, không hề có tình yêu và cháu sẽ chết hụt một lần, cái chết hụt này có liên quan đến anh ta...”

   Thoạt đầu nàng không hề tin, nhưng lúc sau thì thốt nhiên nàng sợ toát mồ hôi. Nàng khóc, van xin cụ giúp, vì nàng chỉ yêu duy nhất người đàn ông này. Cụ bảo nàng đưa ảnh chụp chung hai người để xem có cách gì không. Nhưng kỳ lạ, anh và nàng không hề có tấm ảnh chụp chung nào cả…

   Nàng khóc nhiều quá. Cụ già an ủi và bảo: “Các cháu vẫn có cơ hội ở bên nhau, nhưng ngay từ bây giờ, tạm thời hoàn toàn không được giáp mặt thì hai đứa mới giữ được mạng. Nếu mà sau đúng 4 năm 3 tháng 5 ngày kể từ hôm nay, không ai thay lòng đổi dạ, thì chắc chắn sẽ thành vợ chồng, cuộc sống về sau sẽ rất bình an, viên mãn, bằng không thì ngược lại. Cậu thanh niên kia chưa đủ duyên để nghe theo những điều ông nói đâu. Cháu nên chủ động lánh đi, tuyệt đối im lặng và không giải thích gì, thì mới tránh được tai họa cho cả hai. Thiên cơ bất khả lộ. Ông nói với cháu thế là ông đã phạm rồi đấy. Cháu nhớ nhé, định mệnh, chỉ có thể nương theo chứ không thể cãi lại...”.

   Nàng khóc đến kiệt sức. Rồi, khi bình tĩnh lại, quyết định lẳng lặng rời xa anh. Nhưng rồi không kiềm chế được, nàng nhắn qua em trai anh, mong anh chấp nhận tạm thời xa nhau và hẹn sẽ tái hợp sau 4 năm 3 tháng 5 ngày… Khi nghe em trai nói lại lời nhắn ấy, anh đã rất tức giận, anh đi tìm nàng, nhưng không làm sao có thể tìm được… Vào năm anh 34 tuổi, bất ngờ Giang, em trai anh, người duy nhất có thể làm sợi dây nối anh và nàng, bất ngờ bị tai nạn rồi qua đời. Kể từ đó anh hoàn toàn bặt tin nàng.

   “Suốt thời gian dài, em không có tin tức gì của anh. Ngày ấy, không có điện thoại hay mạng xã hội thuận tiện như bây giờ. Em rất lo lắng, nhưng tự trấn an rằng, anh đã thề chỉ yêu duy nhất mình em, thì dù có chuyện gì xảy ra, anh cũng sẽ không bỏ cuộc. Anh đã từng rất thích câu thơ em viết: Dẫu em giận hờn ta không là của nhau/ Ánh sao chiều vùi chôn nơi dĩ vãng/ Anh đừng buồn cả khi em im lặng/ Em chẳng bao giờ có thể hết yêu anh…” Em tin rằng hai kẻ yêu nhau thì nhất định sẽ nhận ra thông điệp… Em ngố thế đấy…”. Trời ơi, thế mà sao ta lại không thể nhận ra, ngay cả khi thằng Giang nó nói đi nói lại: anh nhớ nhé, hãy kiên nhẫn chờ và đi tìm chị sau 4 năm 3 tháng 5 ngày… Trời ơi, sao lại là 4 năm 3 tháng 5 ngày…

    Vài năm sau đó, nàng chuyển ngành, trở thành nhà báo. Đúng 4 năm 3 tháng 5 ngày kể từ cuộc nói chuyện của nàng với cụ già ở Đền An Xá, nàng hăm hở với chuyến công tác về Ninh Giang quê anh, tự hình dung ra cái kết viên mãn như cổ tích cho những tháng năm đằng đẵng đã qua. “Về đó, em biết rằng anh vừa cưới vợ hôm qua, rạp cưới vẫn còn chưa dỡ. Em không biết phải nói gì… Em không hề khóc, không oán hận, chỉ ngồi một mình bên bến sông gần nhà anh. Một thời gian sau, anh tìm đến cơ quan gặp em, khoe với em ảnh vợ con của anh… Anh có biết hôm ấy, ngay sau khi chia tay nhau, em phải đi cấp cứu tại BV C, trong tình trạng gần như chết lâm sàng vì bị sốc phản vệ. Anh hiểu điều gì xảy ra chứ? Không còn gì níu giữ em ở lại, sau khi sức khỏe hồi phục, em xin chuyển công tác đến nơi thật xa. Có rất nhiều chuyện đã xảy ra trong mấy chục năm qua... Thời gian đã qua rất lâu, chúng ta không gặp, không có mối quan hệ, liên hệ gì, hiện nay, và sau này cũng vậy. Thế thì tại sao nay em lại kể những điều này? Để làm gì? Không để làm gì cả. Đơn giản là vì em muốn kể cho anh nghe một lần, duy nhất. Tại sao lại là bây giờ? Bởi, cụ già năm xưa dặn em rằng: nếu gặp lại nhau sau hơn 30 năm, có thể sẽ tránh được cho anh một đại họa…”.

   Anh đọc đi đọc lại thư nàng. Lần đầu tiên, nước mắt đàn ông cứ ứa ra không sao nén nổi. Ân hận. Xót xa. Đau đớn. Mừng vui. Cảm xúc hỗn độn. Ngay hôm sau anh báo thư ký gác lại mọi việc, kể cả chuyến công tác New York rất quan trọng, để mua vé máy bay trở về Việt Nam. Anh không quan tâm đến đại họa nào đó như nàng nói, vớ vẩn, rất vớ vẩn. Đơn giản anh về ngay chỉ vì muốn gặp lại nàng, vậy thôi.

   Chờ đợi mãi cuối cùng em cũng đến. Quán café giản dị nằm nép một góc khiêm nhường gần Dinh Độc Lập, Quận 1. Nhạc Trịnh không lời mở rất nhỏ. Gần như hoàn toàn yên tĩnh. Hai người ngồi im lặng hàng giờ liền. Với anh, khi trở lại bên nàng, mọi ngôn từ trở nên không còn cần thiết nữa… Bất chợt anh có điện thoại. Anh liếc nhìn rồi tắt không nghe. Nhưng điện thoại vẫn tiếp tục đổ chuông, mấy lần liên tiếp, đầy gấp gáp. Anh nghe máy sau khi nhận được cái gật đầu của nàng. Ngay lập tức anh thay đổi sắc mặt. “What are you talking about? What happened? Where? When?” Anh gần như gào vào điện thoại, và sau đó thả rơi người xuống ghế, sững sờ… Thư ký của anh báo tin: chiếc xe hơi chở 3 đồng nghiệp của anh, vừa bị tai nạn nghiêm trọng ở Broadway - đường dẫn đến Quảng trường Thời đại ở Manhattan, cả 3 người đều thiệt mạng. Anh, lẽ ra là người thứ 4 trên chiếc xe ấy…

   Anh rùng mình. Hình ảnh ngôi Đền cổ thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông già râu tóc bạc phơ đọc văn bia lướt qua như ánh chớp… Anh quay sang, chạm vào ánh mắt nàng, và thốt nhiên cảm thấy bình an lạ lùng…

   Trong góc phòng, chiếc máy hát đĩa than cổ điển Fennessy Gramophone F1877-10, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn mở rất nhỏ, thanh âm mơ hồ như có như không…